Nhắc đến Sài Gòn, thường người ta nhớ đến hòn ngọc Viễn Đông của thời Pháp thuộc, lúc đó chính quyền Pháp đang xây dựng khu trung tâm Sài Gòn. Đến năm 1940, quân đội Nhật tiến vào Việt Nam, cụ thể là Sài Gòn, thì hình ảnh cuộc sống dân chúng lúc đó ít nghe ai nhắc tới, những biến động do quân Nhật gây ra phần lớn xảy ra ở miền Bắc…

Binh lính Nhật Bản hành quân trên đường phố Sài Gòn. nguồn 36hn.files.wordpress.com     

Trước đây tôi có bài viết “Sài Gòn thời Nhật chiếm” cũng chỉ tìm hiểu một góc nhìn việc tổ chức chính quyền của người Nhật và những kế hoạch truyền bá tiếng Nhật để tuyên truyền văn hoá của họ. Cuộc sống dân chúng miền Nam và Sài Gòn ra sao, ít có bài khảo cứu nào đề cập chi tiết. Má tôi kể, hồi nhỏ má tôi tận mắt chứng kiến sự tàn bạo của quân đội. Hiến binh Nhật, bắt được kẻ trộm là chặt tay, cướp bóc là chém đầu ngay tại chỗ, tóm được Việt Minh là đem ra xử bắn thả trôi sông không cần xét xử. Ðó là cách trị an của quân Nhật, nhưng chuyện đó chỉ xảy ra ở các tỉnh. Sài Gòn nhìn vẫn yên bình, người lao động vẫn cần cù kiếm sống, người công chức trí thức vẫn làm việc bình thường cho chính quyền Pháp và những sinh hoạt xã hội vẫn diễn ra êm ả, nhịp nhàng như không có gì biến động.

Xem thêm:   Chợ Bà Hoa

Tình cờ tôi đọc được bài viết “Thành phố Sài Gòn” trên tuần báo Nam Kỳ năm 1943 của nhà văn, nhà báo Thiếu Sơn Lê Sỹ Quý. Trong giai đoạn, quân đội Nhật đang có mặt tại Ðông Dương. Nhà văn mô tả cuộc sống dân chúng xem ra bình an lắm. Tất nhiên, đây cũng chỉ là một góc nhìn trong mắt cá nhân ông với tư cách là một nhà trí thức. Xin trích lược một phần để độc giả hình dung cuộc sống ở Sài Gòn thời biến loạn đó ra sao.

“Tôi không dám so sánh Sài Gòn với Bagdad (thuở xưa là một trong số những thành phố lớn nhất hoàn cầu), nhưng Sài Gòn cũng có nhiều tình trạng ta không nên chỉ chú trọng ở cái hình thức mà chẳng tìm hiểu cái đời sống tinh thần thiệt của nó.

Người Sài Gòn vẫn có một cuộc sống bình an trong thời Nhật đóng (Nguồn: Manhhaiflick)

Ăn chơi đúng thực là Sài Gòn.

Kiểu cách lố lăng là Sài Gòn.

Ở Sài Gòn, người ta trác táng một cách điên cuồng, người ta sa ngã vào những vực sâu hang thẳm.

Quân lính Nhật ở bùng binh trước chợ Bến Thành Sài Gòn năm 1943 (Nguồn: Mahhaiflick)

Nhưng ở Sài Gòn người ta cũng chịu cực vì miếng ăn, chịu khổ để nuôi sống gia đình thân tộc, người ta cũng siêng năng hoạt động để nâng cao địa vị và để tô điểm cuộc đời.

Xem thêm:   Ai cứu Nguyễn Ánh khỏi sự lùng bắt của Nguyễn Huệ tháng 9-10/1777

Ðối với khách bàng quan thì Sài Gòn náo nhiệt lắm, lộn xộn lắm, bác tạp lắm. Nhưng Sài Gòn vẫn có những nơi thanh tịnh, những đầu óc thanh cao và những tâm hồn đẹp đẽ.

Trong bài này, tôi không cần đưa các bạn tới những nhà lộng lẫy ở Sài Gòn, những tửu quán nguy nga ở Chợ Lớn. Tôi cũng không cần đưa các bạn đến các tiệm nước, tiệm buôn, tiệm nhảy, tiệm hút, những nơi mà các bạn có thể tự mình kiếm lấy một cách dễ dàng.

Chợ Lớn vẫn sinh hoạt buôn bán như khi chưa có lính Nhật (Nguồn: Mahhaiflick)

Tôi chỉ muốn các bạn theo tôi tới một gia đình nề nếp ở những căn phố nhỏ, hay ở những toà nhà riêng. Ở những nơi đó người già được tôn kính, trẻ nhỏ được yêu thương, chồng lo làm ăn, vợ lo cơm nước gia đình, hết thảy đều sống một cách đầm ấm hoà vui, không nhiễm một chút gì gọi là bụi nhơ ở nơi đô hội.

Nhưng cao hơn một tầng nữa, lại có những nhà có thêm được một cái thơ viện, một bàn piano, một phòng khách thanh lịch. Chồng là một nhà trí thức, vợ là một khách tài hoa. Có khi chồng đọc sách, vợ ngồi nghe. Có khi vợ ngồi đàn, chồng dự thính. Nhưng thỉnh thoảng vẫn có những chúng bạn đến chơi, rồi chủ, khách quây quần ở khay trà, dĩa bánh cũng nói những chuyện văn chương hay cùng nghe những bài đàn thanh nhã.

Xem thêm:   Mỹ sờ gáy nguyên liệu may mặc Trung Quốc

Nhiều lần tôi có dịp để chơn đến những cuộc hội hữu này, tôi cảm thấy những người gần tôi đều là những nhân vật khả ái, và ngoài cái trí thức và cái thông minh của họ, họ còn những thái độ mà ở các tỉnh nhỏ ít khi thấy biểu lộ ra, tôi muốn nói họ giản dị và khiêm nhường.

Hai tàu chở hàng và một tàu chở dầu của Nhật bị đánh chìm trên sông Sài Gòn trong các đợt tấn công của máy bay từ tàu sân bay Mỹ USS Ticonderoga CV-14, ngày 12/01/1945. nguồn 36hn.files.wordpress.com

Những bác sĩ, kỹ sư, trạng sư, giáo sư, hoặc những viên quan cao cấp đều là những người được xã hội kính trọng đã đành. Nhưng ở tỉnh nhỏ vì họ ít quá nên dầu không muốn họ vẫn cứ phải cách biệt đối với những người thấp hơn họ.

Ở Sài Gòn những bức tường ngăn cách hầu như không kiên cố là bao, vì ở đây thiên hạ đông đảo, cá nhân như cảm thấy bị hút trong một hoàn cảnh to lớn, như cảm thấy ở đời không phải “duy ngã độc tôn” và như muốn hoà đồng với xã hội.

(…….)

Lễ đầu hàng của quân Nhật tại sân bay Tân Sơn Nhất. nguồn 36hn.files.wordpress.com

Chúng ta đã thấy những tay ký giả Pháp cộng sự và những nhà viết báo người Nam. Chúng ta còn thấy trong làng văn khăng khít những anh em Trung-Nam-Bắc.

Trước đây ở Sài Gòn người ta đã từng chờ kỳ tàu một để đọc những sách vở, báo chí từ Paris gửi qua.

Ðó là đời sống tinh thần của kinh thành ánh sáng truyền tới cho hòn ngọc Viễn Ðông. Nhưng hòn ngọc đó vẫn không tham lam mà giữ lấy một mình. Nó thâu vào rồi phát ra ở những báo chí, sách vở, mà khắp nơi người ta đều thiết tha trông đợi….”

TN