Trong một bài viết về vấn đề phát triển dân cư trước đây có tựa đề “9 năm định dạng Sài Gòn” trích từ biên khảo của tác giả Phạm Công Luận. Nay, tôi xin tiếp tục bài sưu khảo ở khu vực Chợ Lớn, để chúng ta có cái nhìn trọn vẹn về thành phố nơi ta đã và đang sống hình thành phát triển ra sao.

Đại lộ Khổng Tử năm 1960 (Nguồn: Manhhaiflick) 

Ðây nguyên là một bài nhận xét hiện trạng các khu vực Sài Gòn-Chợ Lớn trong 9 năm dưới thời Ðệ Nhất Cộng Hòa trên báo Sáng Dội Miền Nam số 48 (ra ngày 6/1963). Mặc dầu vùng Sài Gòn và Chợ Lớn vào năm 1956 đã sát nhập thành Ðô thành Sài Gòn nhưng tôi vẫn tách rời hai vùng để chúng ta dễ lượt qua (xin lưu ý là trong quãng thời gian 1954-1963). Thời gian này là giai đoạn phát triển dân cư nhanh nhất theo kế hoạch chỉnh trang đô thị của chính quyền bằng cách xây dựng những chung cư bình dân bán cho công chức và quân nhân. Và đây cũng là thời gian “loạn” nhất do bùng nổ dân số từ các nơi đổ vào Sài Gòn sinh sống, cất lên nhà cửa tạm bợ lấn chiếm những dòng kinh phá vỡ quy hoạch đô thị.

1

Khu Ngã 6 Cộng Hòa

Khu Ngã Sáu, giao lộ đường Hùng Vương và Cộng Hoà (nay là Nguyễn Văn Cừ) cho đến Nguyễn Hoàng (Trần Phú) là đầu mối giáp ranh giữa Sài Gòn và Chợ Lớn. Nơi này, ngoài trường Pétrus Ký (thuộc quận 5) ngược về hướng chợ An Ðông còn rất nhiều ao trũng, người ta trồng hoa màu, thỉnh thoảng xen kẽ những khu mả mồ vô chủ. Nhà cửa, mái ngói hai tầng bắt đầu xuất hiện dọc theo các con phố chính.

2

Đường Đồng Khánh (Trần Hưng Đạo B)

Ðến thời điểm 1963, đã có rất nhiều nhà mới mọc lên dọc theo đường. Vì là đại lộ chính của Chợ Lớn, các nhà hàng lớn và sang trọng đều tập trung về đây. Trong số các thương gia Hoa kiều, có một số khá đông người mới di cư từ những đô thị lớn của Trung Hoa lục địa về nên họ đem theo tất cả các lề lối buôn bán ở những đô thị quốc tế như Thượng Hải, Bắc Kinh v.v. Cách bày biện cửa hàng cũng như hàng hoá, cả bảng hiệu quảng cáo, đều được đổi mới. So với khu Khổng Tử (Hải Thượng Lãn Ông) hay Paris (Phùng Hưng) thì khu Ðồng Khánh đã tiến rất xa. Nhiều nhà chỉ sửa mặt tiền với tủ kiếng cửa hàng nhưng nhiều nhà khác thì xây mới. Buổi tối đi qua thấy đèn sáng rực rỡ. Từ năm 1954, những toà nhà mới xây có nhà hàng Ðồng Khánh, nhà hàng Thủ Ðô 7 tầng, Pháp Hoa Ngân hàng với một dãy nhà 3 tầng mới cất ở giữa khu đại lộ.

Đại lộ Đồng Khánh năm 1959 (Ảnh: Nguyễn Bá Mậu)

3

Đại lộ Khổng Tử (Hải Thượng Lãn Ông)

Xem thêm:   Triết Gia & Danh Ca

Hết đường Ðồng Khánh vòng qua đại lộ Khổng Tử, trước ở đây là một dãy chợ lợp lá, lợp tôn lụp xụp. Hàng hoá ngổn ngang, thùng chứa, rác rưởi, chỗ ngồi ăn uống đổ đồ ăn dư, ruồi nhặng bay trông rất dơ bẩn. Xe cộ chạy hai bên dãy chợ chạy chậm, vì chợ lúc nào cũng có người mua bán qua lại ngang đường. Hai dãy phố buôn bán ở hai bên đường tuy có lầu hai ba tầng, nhưng rất chật chội vì ngay lề đường cũng lại có các dãy hàng quán lụp xụp, người mua kẻ bán.

Cảnh tượng ấy đã không còn nữa. Giữa đường, chợ đã bị dời đi, trở thành dãy đất trồng cây, bồn cỏ với ghế đá ngồi hóng mát, vừa để ngăn đường thành hai lối đi về cho xe cộ. Hai bên lề đường, các hàng quán bị buộc dẹp hết những mái lá, phải căng vải gọn thành từng ô để lấy lối cho người đi bộ.

4

Đường Trương Tấn Bửu (nay Lê Quang Sung)

Ðây là trạm dừng của các xe đò lục tỉnh miền Tây. Một bến xe phụ đối với Sài Gòn nhưng lại là bến xe chính để hàng hoá từ miền Tây chở lên có lối đi vào các nhà buôn sỉ ở chợ Bình Tây hay ở đại lộ Khổng Tử. Trạm dừng xe này đã có từ lâu, nhưng đến thời điểm 1963 được chỉnh trang lại trông phong quang và sầm uất. Nhiều nhà mới mọc lên thay thế các nhà phố cũ lụp xụp.

Xem thêm:   mê tín dị đoan

Gần bến xe đò có chợ gia cầm bán ngoài bến bãi và các con đường gần đó. Gà vịt kêu quang quác suốt từ sáng tinh mơ tới chiều. Ðặc biệt, chợ này có bán gà đá tuyển lựa dưới miền Tây đem lên Chợ Lớn, nhiều dân mua bán gà đá mua rồi đem bán lại cho chợ gà chó mèo ở bên đường Hàm Nghi ở Sài Gòn.

Đại lộ Tổng Đốc Phương năm 1960 (Nguồn: Manhhaiflick)

5

Đường Lục Tỉnh (Hùng Vương)

Là chợ bán đồ lạc xoong cũ, có đủ thứ máy móc, phụ tùng, giá trị từ vài cắc bạc đến một vài trăm ngàn bạc, của người Hoa mua từ khắp nơi về để bán. Trước kia, khu vực này dơ dáy, lụp xụp nhà lá đầy ngộn những sắt vụn chất như đống núi, sau này đã thành hàng lối. Các thứ đồ sắt đã được để vào các kho hàng. Vật liệu xây dựng cũng đã được xếp đặt trong các kho để bán. Và các nhà mới, biệt thự mới đã mọc chen vào dãy phố cũ; trường học, công viên còn lớp vôi, sơn mới.

6

Đường Hậu Giang

Tại đường này việc chỉnh trang Chợ Lớn thể hiện rõ so với trước kia. Nhiều dãy nhà gạch hai, ba tầng mọc sừng sững một góc đường, có rạp chiếu bóng, chợ. Cả một khoảng dài gần một cây số hai bên đường là những nhà sát vách nhau dẫn ra ngoại ô thành phố. Ðây là đường đi tới các quán ăn nổi tiếng như Ðồng Quê, Ba Râu, Phương Ðông v.v. mà  chiều tối thường thấy xe hơi tấp nập đưa thực khách từ Sài Gòn Chợ Lớn tới, ăn uống vui vẻ có khi đến một hai giờ sáng, nhân để hóng gió từ một cánh đồng bát ngát thổi đến.

7

Kinh Bến Nghé và bến Lê Quang Liêm (Trần Văn Kiểu)

Xem thêm:   Phải đâu miền đất hứa

Suốt dọc kinh dài khoảng 4 cây số, cảnh trên bến dưới thuyền thật trù phú. Các kho hàng, nhà máy xay lúa, nhà máy nấu rượu. Rồi các cầu ngang cầu dọc, cao thấp, bằng sắt hoặc bằng xi măng đúc với dòng người gồng gánh khuân vác qua lại tưng bừng. Hàng hoá rất nhiều từ tre, nứa, lá, tĩn nước mắm, bát ăn, củi, vỏ chai, đá mài, dây thừng, thùng cũ… chất chồng dọc bờ kinh, ở trước nhà, ở trong kho. Nhiều nhà mới dọc theo bến mọc lên sơn phết sáng sủa. Phía sau bờ kinh, cả hai bên, bắt đầu có nhiều nhà tạm bợ lấn chiếm, nhất là cuối bến Lê Quang Liêm, khu vực xóm Chỉ, cầu chữ U dân lao động từ các tỉnh miền Tây đổ về chiếm đất cất nhà sàn.

Đường Nguyễn Trãi đầu thập niên 1960 (Ảnh: LIFE)

8

Khu chợ Hoà Bình 

Từ sau 1955, khu này dần biến đổi nhiều. Chung quanh chợ là một khu đô thị mới rộng khoảng hai chục mẫu đất với nhiều nhà hai ba tầng lầu, cửa hàng buôn bán sầm uất không khác khu Chợ Cũ Sài Gòn hay khu Khổng Tử. Cạnh bến sông có chợ bán trái cây và cây kiểng. Trên mấy đường ngang dọc nhà ba bốn tầng xây cất mới. Ðây là khu của người Hoa từ Chợ Lớn dọn ra, có cả những người Hoa di cư vào Nam từ 1954 và người Hoa từ Trung Quốc chạy sang năm 1949.

9

Khu An Bình,  chợ Thiếc

Trước kia, đây vốn là xóm lao động của người Hoa làm việc tại các hãng xưởng trong Chợ Lớn. Ở giữa khoảng hai chợ lầy lội và nhớp nhúa, toàn khu người nghèo, với những nhà lá, than củi, ghế bố, đồ cũ, rác rưởi… Xen lẫn, có những máy cưa, máy xay lúa, làm đường, làm tương, tàu vị yểu, rồi xưởng dệt, kẽ giấy, nhà may, đóng giày… đủ các cơ sở tiểu công nghệ làm việc cả ngày, có khi đến nửa đêm. Còn có cả những tiệm hút, những nhà chứa, những tổ chức buôn lậu, cờ bạc, rượu chè. Chính quyền phải giải toả, tổ chức thành nơi ăn chốn ở sạch sẽ. Khu này đã phong quang hơn và hoạt động có nề nếp sau khi chính quyền chỉnh trang đô thị.

TN