Khu phố của thị trấn nhỏ này mỗi ngày một vắng. Cứ sau mỗi kỳ thi lại có một số thanh niên lên đường vì đó là các sĩ tử, chúng lên đường ứng thí đậu, rớt gì chúng cũng ở lại thành phố tìm cơ hội để “lên đời”. Nên gần như chỉ còn lại những người làm những công việc tự do phần nhiều như buôn bán, trong số dân này là những gia đình sống nhờ vào viện trợ của thân nhân từ nước ngoài, hoặc con cái sống ở thành phố gởi về.

Buổi sáng dãy hàng bán thức ăn điểm tâm ở đầu phố là nhộn nhịp nhất, từ xôi, bánh rẻ tiền đến cơm, cháo, phở, bún đủ cả. Số người phải đi làm việc sớm thì họ ăn xong là đi ngay, dần trưa thì còn lại số ít người rảnh rỗi ngồi lại buôn chuyện từ trong nhà ra ngoài phố. Cuộc chuyện trò của những người này rôm rả cho đến khi quán ăn dọn dẹp chấm dứt một buổi sáng phục vụ xong dạ dày của những người đến ăn.

Chị Kim Hòa là thực khách quen của hầu hết các quán ăn đầu ngõ, chị không lệ thuộc vào thời gian nên có thể la cà vài chỗ, nhưng cũng đến lúc phải ra về vì quán đóng cửa. Chị thư thả vừa đi vừa nhìn hết bên nhà này rồi ngó bên nhà kia, ai cũng quen nên thấy có người là chị sà vô tiếp tục tán gẫu. Hôm nay nắng rực rỡ chói chang, hàng cây được thể vui mừng khua xào xạc, tôi sẽ có một ngày thời tiết tốt để làm vài việc cần thiết. Nhưng vừa bước ra cửa thì chị Kim Hòa thấy tôi, chị vui vẻ chào: “Good morning!”. Tôi chào lại: “Chào chị, đi ăn sáng giờ mới về đó hả?”. Chị không đáp, tự nhiên bước vào nhà vừa hỏi:

Xem thêm:   Chút ân tình cũ

– Nhà sao tối hù vậy?

Tôi theo chân chị vào nhà:

– Chị đeo kính đen nên thấy tối chứ nắng sáng choang mà.

Chị gỡ chiếc kính mát ra săm soi:

– Ờ quên nhỉ? Bây giờ ra ngoài phải đeo kính để tránh tia UV, nhưng kính phải hàng hiệu mới bảo đảm, kính này tụi nhỏ mua bốn trăm đô…

Tôi không đáp vì chẳng phân biệt được giá trị những thứ đắt tiền như thế. Chị Kim Hòa tự nhiên ngồi xuống ghế, hất hàm hỏi:

– Chuẩn bị nấu món gì thế?

– Mua được ít thịt bò bồi dưỡng cho cha con nó, dạo này vật giá leo thang quá nhưng thỉnh thoảng cũng phải…

– Thịt bò Kobe hả?

Tôi lắc đầu:

– Từ hồi nghe tên loại bò đó, tui còn chưa biết nó ra sao, nhưng nghe mắc tiền lắm nhà tui làm gì có tiêu chuẩn…

Chị Kim Hòa có vẻ không quan tâm tôi nói gì, chị thản nhiên:

– Tụi nhỏ không cho tui mua hàng không có nguồn gốc. Tụi nó mua toàn đồ ở các cửa hàng có thương hiệu nước ngoài…

Bảo Huân

Rồi tiếp theo chị khoe đủ thứ mà bản thân chị được hưởng, chị kể cách tiêu tiền qua những tên sản phẩm giá cả trên trời mà tôi nghe như vịt nghe sấm! Khoe xong phần của mình, chị khoe tiếp phần của thông gia, có những thứ chị từng nói qua không biết bao nhiêu lần trước đây rồi, chị cứ thao thao bất tuyệt mà không nghĩ đã lấy rất nhiều thời gian của tôi. Ngoài tính ưa khoe khoang chị Kim Hòa còn không thích ai nói ngược lại ý mình, sợ gây ra hiềm khích nên tôi thường im lặng, cứ mặc chị muốn nói gì thì nói. Chị tỏ ra mình hơn người khác, nhưng tôi cho rằng chị thiếu tự tin vì luôn sợ có ai đó nghĩ chị không giàu thật.

Xem thêm:   Sống sót

Người ta giàu đến bao nhiêu cũng là của họ, tôi không quan tâm nhưng vì lịch sự buộc tôi phải nghe một cách… thành khẩn! Với tôi tiền của vật chất chỉ làm cho người ta sang trọng lên, còn tư cách và giá trị thì phải được hình thành từ cách sống, ở chị Kim Hòa tôi thấy chị chỉ sang trọng, còn giá trị thì tiền của chị không làm được điều đó cho chị.

Trước kia gia đình của chị Kim Hòa không giàu như bây giờ, thậm chí kém hơn một số nhà trong dãy phố này. Chị có đứa con gái xinh đẹp, học không giỏi nên thi không đậu trường nào, vậy nhưng nó ở lại thành phố để “lập nghiệp”. Ðẹp và khéo léo trong giao tiếp nên nó đạt được mục tiêu nhắm tới. Con gái chị lọt vào một gia đình có chức quyền và giàu có, như “Chuột sa hũ nếp” vì may mắn chọn được người hôn phối con nhà giàu. Lấy được người giàu, dù sao đó cũng là việc… kiếm tiền một cách lương thiện nên chẳng có lý do gì để người khác phê phán, người quen đều mừng cho gia đình chị. Con của chị tu sửa lại nhà khang trang, chu cấp cho cha mẹ đầy đủ, chị nói tiền của con chị ngồi không ăn cũng không hết. Từ khi đã vượt lên hàng giàu có, chị thể hiện cách sống như dòng dõi quý tộc. Việc thay đổi đó công lớn phải nói thuộc về con gái của chị, còn hơn trúng số độc đắc giúp chị đổi đời. Chị cũng hay mời gọi người quen đến nhà chị chơi, để chị cho xem từ cái áo đến đôi giày, khi mời khách ăn gì chị thường nói giá:

– Ăn cho biết nè, Cherry loại này gần năm trăm ngàn một ký chứ không phải rẻ đâu.

Xem thêm:   Arkhom

Cũng có khi chị khoe lố nên cứ sai so với lúc ban đầu, mấy căn biệt thự của con chị mua hồi nào đó cứ bị dời địa điểm vì chị quên trước đó nói nó tọa lạc ở đường này, khi nói lại thì nhầm qua đường khác. Nên ở đời mới có câu khuyên: “Nói dối thì phải nhớ vì để lâu nhắc lại dễ sai so với lúc ban đầu”. Ở trong một ngôi nhà đẹp, cũng hãy nhớ rằng người sống trong đó chưa chắc đẹp. Chị giàu là thật chỉ có điều chị phô trương và thổi phồng lên quá nên người nghe không thích, chị Kim Hòa không biết những gì người khác nghĩ về chị. Tuy nhiên cuộc sống của chị là mơ ước của một số người.

o O o

Sau bao năm dãy hàng quán đầu phố vẫn thế, nhưng bỗng dạo này vắng chị Kim Hòa la cà để giết thời gian. Bởi vì chị là “người của công chúng” nên có gì khác lạ là người ta chú ý ngay. Mọi khi con gái chị về thăm nhà có xe riêng đưa đón, rồi tiệc tùng, mẹ con tha hồ phô bày đủ những thứ mà giai cấp bình dân mơ ước. Con gái của chị nổi trội về nhan sắc, người cô toát ra sự kiêu kỳ, lại kèm theo nhà chồng quyền thế to, người chung quanh không thể tiết kiệm lời khen khiến cô thấy hài lòng. Vậy mà lần này cô về âm thầm lặng lẽ, không nổi đình nổi đám như trước nữa. Láng giềng dễ gì không tìm hiểu, thì ra cả đám “danh gia vọng tộc” có thế lực, mà chị Kim Hòa thường ca ngợi lên tận mây xanh đã bị «xộ khám» vì làm ăn bất chính giờ bị vỡ lở, tiền của một phút tan biến còn bị điều tra, báo chí cũng có đưa tin về họ.

ĐPTT