Mình ơi! mười một giờ rồi, ngủ đi. Có gì thì để mai làm. Thức khuya hoài không tốt cho sức khỏe đâu!

– Ừ! gõ cái này xong anh vào liền. Mình ngủ trước đi.

Tiếng dép xa dần. Lần ra ngoài, nhìn theo cho đến lúc bà vợ bước hẳn vào phòng, ông Hiền mới khép cửa, khóa chốt lại. Ông làm đúng theo lời căn dặn của anh bạn già “nhớ khóa cửa cẩn thận, kẻo bà xã đột nhập, đứng lù lù phía sau, đọc hết nội tình thì bỏ mạng”. Ông Hiền lẩm bẩm “Yes Sir” với nụ cười hóm hỉnh rồi háo hức ngồi xuống ghế, bật máy. Tim ông như run lên khi nhìn những hàng chữ đầy nghịt trên màn ảnh – những hàng chữ mà ông thấp tha, thấp thỏm chờ đợi mấy ngày nay. Vói tay lấy cặp kính lão đeo vào mắt, ông chậm rãi đọc từng chữ, từng câu, như nuốt  từng giọt hạnh phúc ngọt lịm vào cổ họng đang khô khát. Thứ hạnh phúc nồng cháy mà sống với vợ gần hết đời người, ông chưa lần nếm trải.

Anh yêu dấu,

Mấy ngày nay chắc anh chờ thư em lắm phải không? (Nếu anh trả lời “không” em sẽ khóc suốt đêm nay đó nha!!!). Xin lỗi anh, cơn cảm cúm đã quật ngã em ba ngày liền không ngóc đầu dậy nổi. Nằm trên giường bệnh mà em cứ mãi nghĩ  về anh và  nhớ anh vô hạn. Chắc anh đang cười  “chưa biết mặt mũi ra sao thì nhớ cái gì?”. Anh có cười em cũng đành chịu, vì đó là chuyện của trái tim, làm sao giải thích được. 

Không biết anh nghĩ thế nào về em, chứ còn em, qua lời thư nồng nàn, tình tứ, em đã hình dung ra anh, một người đàn ông đa tình với  đôi mắt thiết tha, với dáng dấp phong trần, quyến rũ. Chỉ tưởng tượng thôi mà em đã cảm thấy yêu anh thật nhiều  (anh có nhớ, em đã từng nói, em là người phụ nữ lãng mạn nhất thế giới  không?).

Ghét anh lắm! tự dưng ở đâu lại tìm đến, rồi nhốt người ta vào nỗi nhớ như cào xé ruột gan. Anh ơi! có lẽ đã đến lúc mình phải hủy bỏ lời cam kết buổi  ban đầu  Hãy mãi mãi là người tình ảo, đừng tìm gặp nhau. Biết đâu… nhờ thế mà mình có thể nói với nhau tất cả: những cảm xúc, những mơ ước, những khát  khao thầm kín… ”

Cho em hỏi “sẽ có một ngày nào mình được mặt đối mặt, tay trong tay,  trao nhau lời yêu thương, không phải bằng những dòng chữ vô tri mà bằng ngôn ngữ ngọt ngào không anh?”

Anh yêu! em đang chờ một câu trả lời tựa như lòng em mong ước!

Honey! I love you.

Mỹ Nữ

Lời tình thư như ướp hương mật ngọt, ông Hiền đọc biết bao nhiêu lần mà trái tim rộn ràng vẫn chưa ngơi nhịp đập. Trong giây phút choáng ngợp với tình yêu mới, không hiểu sao hình ảnh  vợ ông lại thoáng hiện. Một người vợ xinh đẹp, hiền hậu và đoan trang. Nhưng chính cái đoan trang mà ngày xưa mẹ ông thường ca tụng lại khiến  vợ ông không dám biểu lộ tình cảm. Chưa bao giờ bà dành cho ông một cử chỉ âu yếm. Chưa bao giờ bà bày tỏ tình yêu bằng lời thì thầm, êm ái như  ông  hằng mong muốn. Ngược lại, “người tình ảo”, dù chỉ mới “trò chuyện” vài  lần  qua “email” nhưng đã  cho ông tất cả. Không e thẹn. Không ngại ngần.  Ông mê mệt, đắm đuối trong trò chơi như ảo, như  thật, cuốn hút khó rời. Có đôi lúc, ông cũng chột dạ khi nhớ đến lời mình thường nhắc nhở mấy thằng  em “ráng sống đàng hoàng, tử tế, để làm gương cho con cháu”, nhưng rồi ông tự bào chữa  “đùa một chút cho cuộc đời thêm hương vị, chứ mình có ý phụ rẫy vợ con đâu mà sợ”. Thế là ông lại tiếp tục dùng cái khiếu viết thư tình sẵn có từ lúc còn đi học, để tán tỉnh yêu đương với người phụ nữ của xứ Huế mộng mơ.

Thắm Nguyễn

Em yêu của anh,

Có thể, em sẽ không tin khi đọc dòng chữ này “anh vô cùng lo lắng và xót xa khi biết tin em bị bệnh”. Nhưng đó là sự thật. Như cái thật của nỗi nhớ niềm thương  – mà anh tin là tiếng nói từ trái tim –  em đã dành cho anh. Em yêu, ước gì ngay giây phút này anh được tận tay mang cho em viên thuốc nhỏ, nấu cho em chén cháo nóng và hơn hết… một  ao  ước rất con người đang đốt  cháy lòng anh, là được ôm em vào lòng, hôn lên đôi môi hồng phụng phịu, dỗi hờn của người tình trong mộng anh rất yêu thương. 

Cám ơn em đã trải lòng để anh được nhìn thấy tình cảm thắm thiết, đậm đà em vừa trao cho anh. Ôi!  còn hạnh phúc nào hơn nữa…

Những ngón tay của ông Hiền miên man gõ đều trên bàn phiếm. Bao nhiêu từ ngữ mượt mà, trau chuốt, ông  mang ra dùng hết để chinh phục người phụ nữ  – ông chưa hề biết khuôn mặt và vóc dáng ra sao- đang ngự trị trong trái tim mềm yếu của ông và cũng để thỏa mãn niềm khát khao của riêng mình mà không chút đắn đo, ngại ngùng. Ngay giây phút này, ông chẳng khác nào chàng thanh niên tuổi đôi mươi với ngọn lửa tình đang ngùn ngụt cháy.

Xem thêm:   Chút ân tình cũ

Một giờ sáng, ông rón rén đi vào phòng giữa tiếng thở đều đặn, vô tư đến tội nghiệp của người vợ tấm mẳn, mấy mươi năm cận kề bên ông, từ khi ông còn chức tước, cho đến lúc gian nan, khốn khó trong thân phận tù đày. Ông nằm xuống thật nhẹ nhàng, nhưng cũng đủ cho bà thức giấc để nhắc nhở ông bằng giọng ngái ngủ:

– Mình uống thuốc cholesterol chưa?

o O o

– Ba à! tháng này ba gọi điện thoại cho ai mà bị lố phút quá trời. Hơn hai trăm đô, con trả tiền muốn ẹo xương sống.

Ðang theo dõi trận football trên TV, Kim quay sang, nháy mắt với cô em gái, giọng đùa cợt:

– Em phải theo dõi cho kỹ, coi chừng ba gọi điện thoại cho bồ nhí giống ba của Chúc đó nha. Mới tuần rồi, ổng đưa đơn ly dị cho má Chúc ký. Chị em nó khóc quá chừng.

Bà Hiền đặt tờ báo đang xem xuống bàn, gỡ kính ra, giọng nghiêm nghị:

– Sao con lại đem ba ra mà so sánh với hạng người đó.

Hai đứa con gái rút vai, le lưỡi. Ông Hiền cảm thấy nhột nhạt, nên sau vài câu giả lả, chẳng ăn nhập vào đâu, ông cười gượng gạo rồi đi vào phòng. Bây giờ, tâm trí ông đang tập trung vào cuộc gặp gỡ cuối tuần, hơi đâu mà để ý ba câu nói vặt vãnh của tụi nhỏ.

Lần trước, khi Mỹ Nữ đề nghị gặp mặt, ông Hiền đã viện cớ không nghỉ phép được để né tránh.  Vì trót nói dối về tuổi tác, nên ông sợ khi  đối mặt, Mỹ Nữ sẽ khám phá ra sự thật.  “Ðể  ‘câu con ‘ghệ’ trẻ thì mình cũng phải trẻ lại chứ”. Nghe lời  ông Niên cố vấn,  ông Hiền cho phép mình sụt tuổi từ hàng sáu xuống hàng năm.  “Có gặp nhau đâu mà sợ!?”. Mấy tháng trước ông cũng nghĩ như thế, nhưng bây giờ ông mới thấy, mười con số chênh lệch giữa thật và giả có thể nhận ra dễ dàng, dù ông đã đề phòng bằng câu than thở “nhiều người nói anh trông già hơn tuổi”.  Viễn ảnh tan vỡ  “cuộc tình  net” làm cho ông lo sợ, nên cố gắng thuyết phục Mỹ Nữ  “Hãng vừa ký thêm mấy cái hợp đồng, nên ngưng cấp phép cho nhân viên. Vậy, tạm thời mình liên lạc  bằng điện thoại để có thể nghe được tiếng nói của nhau nghe em. Khi công việc bớt bận rộn, anh hứa sẽ sắp xếp một cuộc gặp gỡ thật lãng mạn cho hai đứa mình”. Từ đó, đêm nào ông cũng chờ vợ ngủ say rồi khe khẽ bước ra hiên ngoài trò chuyện với người tình trong mộng cho đến nửa khuya. Càng trò chuyện ông càng mê mẩn cái giọng Huế nũng nịu, êm ái – dù trước kia ông thường chê giọng Huế nặng nề. Và khi sự đam mê làm lu mờ lý trí, thì ông là người náo nức muốn diện kiến cái dung nhan mà ông hằng ôm ấp bằng trí tưởng tượng.

Ngoài kia, tiếng cười vui tươi, rộn rã của ba mẹ con vẫn vang đều với câu chuyện thú vị nào đó. Thông thường, những lúc như thế này,  ông sẽ nhanh chân chạy ra để nhập cuộc. Nhưng hôm nay còn một chuyện quan trọng hơn mà ông phải làm, là chọn sẵn bộ quần áo trẻ trung, hợp thời trang để chuẩn bị cho cuộc tao ngộ thật ly kỳ mà vừa nghĩ đến ông đã cảm thấy nôn nao.  Ông Hiền ướm thử lên người chiếc áo khoác thật kẻng, quay một vòng trước tấm gương lớn, rồi nở nụ cười tự tin khi tự chấm điểm cho mình “vẫn còn phong độ như thuở nào”.

o O o

Ông Hiền lảo đảo bước vào nhà. Nhìn căn phòng “family room” vắng tanh, người ông bỗng nhiên lạnh toát. Hơn bao giờ hết ông thèm nghe tiếng nói nhẹ nhàng của vợ, tiếng cười giòn tan của con. Ông nhớ bầu không khí ấm cúng, quen thuộc đó đến chảy nước mắt, khi thầm hỏi “sẽ còn không những ngày vui vẻ, hạnh phúc?”. Tựa đầu vào chiếc ghế bành rộng lớn, ông Hiền nhắm nghiền đôi mắt, muốn ngủ một giấc cho quên đời, nhưng sao tất cả những gì vừa xảy ra, như một cuốn phim quay chậm, cứ lần lượt trôi qua trí nhớ của ông.

Xem thêm:   Thư cho Thao

… Khi người phụ nữ với chiếc áo đầm màu hồng tím quay lại thì bàn tay ông Hiền vừa chạm phía sau vai cô ta cũng rơi xuống một cách ngỡ ngàng, hoảng hốt. Ai đây? Mỹ hay Mỹ Nữ? Hai tên chỉ là một người sao? Ðôi mắt ông như đứng tròng và nụ cười trên đôi môi đỏ chót của người phụ nữ cũng tắt ngúm. Ông Hiền vịn tay vào thành ghế mà thấy trước mắt mình mọi vật như quay cuồng. Cúi đầu xuống, khép mắt lại, ông nghe tiếng giày cao gót nện trên nền gạch một cách vội vã rồi xa dần. Oan gia nghiệp chướng gì đây, hỡi trời? Ông Hiền than thầm khi thất thểu lê từng bước chân nặng nề ra bãi đậu xe, lòng không dám tin những gì vừa xảy ra là sự thật. Cái giọng Huế đặc sệt của Mỹ Nữ  khác xa với giọng Nam ông vẫn nghe khi tiếp xúc với Mỹ, nên  làm sao ông có thể ngờ được Mỹ Nữ chính là Mỹ, người đàn bà ông vẫn thường gặp, khi hai người cùng đến chùa làm công quả. Bây giờ, ông Hiền mới nhớ lại lời nhận xét của ông Vịnh về trò chơi nguy hiểm này.

“Viết nhăng, viết cuội, gửi qua, gửi lại, bằng địa chỉ email thì không ai biết tung tích của mình. Khổ nỗi, lâu ngày lại động tâm,  rồi mê mê, muội muội, cứ muốn đến với nhau cho thỏa tình. Nhưng trăm phần nguy hiểm là ở chỗ gặp mặt. Vì “người tình ảo” mà ta không hề biết tên thật, tuổi thật có thể là  “bà tám” nào đó trong sở làm mà ta rất ghét. Có thể là vợ của bạn ta. Mà cũng có thể là bà mẹ vợ hồi xuân của ta, nếu những người này cũng có máu thích “tìm của lạ” như  ta.  Nói thiệt,  ai còn biết xấu hổ thì khi ấy chỉ muốn độn thổ cho xong.

Lúc đó, không những không tin, ông Hiền còn trêu ghẹo:

“Kinh nghiệm bản thân của anh đó hả? Mà thôi, lo chi xa quá cho cuộc đời mất thú vị”.

Giờ thì… cái thú vị mà ông đang nếm sao nó cay xé lưỡi, đắng chát môi.

Ông Hiền vò đầu, bứt tai khi nghĩ đến ông Niên. Ðúng là cái xui  không hẹn giờ nó cũng lù lù đến. Có một hôm, ông Hiền vào quán café để chờ vợ đi chợ thì gặp ông Niên ngồi trong đó với chiếc laptop trên bàn. Sau một hồi chuyện vãn, ông Niên mở máy, khoe những email của “người tình ảo” gửi cho ông với lời văn ướt át, mùi mẫn. Ông Hiền tỏ ý khâm phục khi biết ông Niên không phải chỉ có một, mà có đến ba “người tình ảo”. Một tuần sau, ông Niên gọi điện thoại ngỏ ý  “Tôi  ‘sang’ lại cho ông một em, ông chơi cho biết mùi đời”. Ông Hiền quyết liệt từ chối. Nhưng sau nhiều lần nghe bạn thuyết phục ông xiêu lòng với ý nghĩ “Ừ! thì  chơi một chút cho vui, có ai biết ai đâu mà sợ”. Nhưng ông đâu ngờ cái vui ngắn ngủi đã trở thành đại họa lâu dài khi người tình trong mộng của ông là người nằm ở vế thứ nhất trong thí dụ của ông Vịnh – có thể là “bà tám” nào đó mà ta rất ghét.

Ðúng! ông Hiền không ưa Mỹ. Lý do khiến ông có ấn tượng không tốt về người đàn bà đã một lần ly dị này là cách ăn mặc không phù hợp với môi trường đang sinh hoạt. Làm việc trong khâu nhà bếp, nên Mỹ thường xuyên ra vào chùa vào cuối tuần. Mà cứ đến mùa Hè là cô ta lại mặc áo hai dây, hở ngực, trống lưng. Người ngoài đời, đôi khi còn phải ngượng ngùng khi ánh mắt vô tình chạm vào cái  mình không muốn nhìn mà phải thấy, huống chi các thầy là bậc tu hành. Ðã có nhiều người nhắc khéo, nhưng cô nàng để ngoài tai, đôi khi còn nghênh mặt thách thức “Tôi mặc vậy đó, ai làm gì được tôi?”. Lần đó, trước mặt thầy, Mỹ còn cúi xuống sửa dây giày, khiến ông Hiền không ngăn được sự bực tức, nên xẵng giọng “Ðây là chùa, chứ đâu phải quán bar mà cô ăn mặc hở hang như thế ”. Mỹ quay đi, không trả lời. Nhưng sau đó, ông nghe có người kể lại giọng điệu cong cớn của cô ta “Ổng hổng nhìn sao thấy tôi hở. Cho ngắm miễn phí còn bày đặt lên giọng đạo đức”.

Xem thêm:   Tự thú

Ngoài việc ăn mặc, Mỹ còn thể hiện khả năng “buôn chuyện”. Chuyện đời tư của ông A làng trên, bà B xóm dưới, Mỹ kể vanh vách như người trong cuộc, lại còn thêm mắm, giặm muối, cho thêm phần hấp dẫn, khiến ai cũng ngao ngán tránh xa, sợ sẽ có ngày tới phiên mình. Vậy mà… lần này, coi như  ông Hiền rơi vào ổ kiến lửa. Vốn đã “cay” ông từ trước, nay Mỹ sẽ có dịp rêu rao khắp cùng thiên hạ. Tệ hơn nữa, nếu  cô ta  cho vài người bạn cùng dạng “loa phóng thanh”  đọc những lời tình tứ táo tợn – trong đó, có lúc hứng chí ông còn đề cập cả chuyện phòng the, thì… ông không dám nghĩ  thêm nữa. Dù ông Hiền tự an ủi “miệng mồm cô ta ai cũng biết, nên chắc chẳng mấy người tin”, nhưng ruột gan ông lại rối bời khi nghĩ đến tâm lý con người là thích nghe chuyện giật gân, nhất là  chuyện ấy lại liên quan đến nhân vật mình quen biết. Như vậy… không sớm thì muộn, bạn bè, hàng xóm, anh em, vợ con ông sẽ biết hết. Lúc đó, ông giấu mặt đi đâu?  Nghĩ đến đây, mồ hôi ông vã ra như tắm. Sao mình có thể ngu dại đến mức không nghĩ đến hậu quả của trò chơi quái quỷ này chứ! Mấy mươi năm qua, ông đã sống một cuộc sống gương mẫu, cẩn thận trong từng lời ăn tiếng nói, từng cử chỉ hành động – những thứ thể hiện tư cách của một con người – giờ đây, chỉ một phút mê muội tất cả đã  tan thành  mây thành khói. Rồi… những người xưa nay vẫn kính trọng, quý mến ông, họ sẽ  nghĩ gì ngoài  ánh mắt ngỡ ngàng, thất vọng. Còn những ai từng có thái độ ganh tỵ đối với ông vì  lý do nào đó, chắc sẽ ném cho ông nụ cười chế giễu. Ông Hiền ôm đầu trong nỗi khổ đau và hối tiếc – tựa  như sự hối  tiếc của đứa con gái trẻ người, non dạ khi đắng cay tự trách mình “Ðúng là khôn ba năm, dại một giờ” .

Và cũng chính lúc này ông Hiền mới nhận ra sự tàn nhẫn của mình. Nhiều khi ngồi cạnh vợ mà hồn vía ông bay tận đâu đâu, mắt cứ nhìn chầm chập vào chiếc điện thoại trên tay. Khi tiếng kêu báo hiệu một cái text vừa gửi tới, thì ông vội vội, vàng vàng mở ra đọc, miệng tủm tỉm cười, những ngón tay hí hoáy  gõ những lời  tán tỉnh yêu đương.  “I love you. I miss you”. Những lúc ấy, đã không cảm thấy áy náy, ông còn ngầm thích thú, vì dễ dàng qua mặt  bà vợ dốt nát, không biết  gì về kỹ thuật điện tử, lại còn tin tưởng ông một cách tuyệt đối.  Nhưng bây giờ ông cảm thấy lạnh xương sống. Nếu chuyện tồi tệ này đến tai con gái ông, nó sẽ đoán được ông gọi cho ai, đến nỗi vượt quá số thời gian hãng điện thoại quy định theo hợp đồng đã ký, để nó phải còng lưng trả  thêm tiền bằng đồng lương ít ỏi. Còn vợ ông nữa, người vợ hiền lành, nhưng rất cương quyết đã từng nói với ông “Lỗi lầm nào của anh, em cũng có thể bỏ qua, nhưng tội ngoại tình thì em không bao giờ tha thứ”.

Mấy mươi năm chung sống, vợ ông chưa một lần lớn tiếng  cãi vã, cằn nhằn ông như những người đàn bà khác. Ông có khác chi một ông vua không ngai, được chìu chuộng, phục tùng hết mức.  Vậy mà ông không biết tận hưởng cái hạnh phúc đang có trong tay, lại bày đặt đèo bồng, thả mồi bắt bóng. Rồi đây số phận của ông sẽ ra sao?  Ông Hiền cảm thấy trên cổ mình như có một bản án nặng trịch đang treo trên đó. Án tử hay án tù ông vẫn chưa biết, nhưng chỉ nghĩ đến những giọt lệ đau đớn, bẽ bàng của vợ và ánh mắt oán trách của con, ông thấy mọi vật chung quanh mình dường như đang sụp đổ tan tành []

NB