1

An tới xóm Mãng Cầu vào một ngày nắng rất trong. Cô chở theo cô bạn thân, nói là sẽ cho bạn thưởng thức chuyến “phượt” về đồng quê hấp dẫn. Trước đó, Tư Siêng đã hồ hởi cho An một cuộc hẹn trong ngày. Anh đãi bọn An món cá lóc nướng đất sét cuộn rau thơm vườn nhà, ăn cháo gà, uống nước dừa, xước mía khúc… Câu chuyện của mấy người bạn mới gặp nhau, không đầu không cuối nhưng coi bộ rất hợp nhau. Và, An đọc thấy trong mắt Tư Siêng sự dùng dằng khó tả khi nhận thấy màu trời xanh trong vắt ngả dần sang màu xám nhạt, một vệt sáng màu cam sáng chói lộng lẫy chồm ngang bờ kinh, báo hiệu mặt trời sắp tắt. An cười toe với Tư Siêng, trước khi phóng lên chiếc xe máy hơi gồ ghề không tương xứng chút nào với vóc dáng của cô: “Yên tâm, bạn, thế nào tui cũng dìa nữa.”

“Thế nào cũng dìa?” Tư Siêng nhớ tới câu nói của An hoài, rồi thở dài. Con gái người ta, tóc dài da trắng, lại đang học hành xứ Sài Gòn hoa lệ. Cuộc dạo chơi bữa nay chỉ là một cuộc dạo chơi của tuổi thanh niên bồng bột, xốc nổi. Làm sao mà có thể “dìa” khi chỉ mới coi nhau là bạn, nhẹ như một nhúm bông lồng mứt mới bung? Mà xưa giờ, Tư Siêng đâu có khái niệm làm bạn với người khác phái.

2

An đã nhảy bổ vào cuộc sống của Tư Siêng một cách bất ngờ.

Một buổi trưa, đang thiu thiu ngủ, Tư Siêng nghe điện thoại reo. Giọng con gái ngọt ngào alo và hỏi thăm… tên một người lạ hoắc. Phiền quá, Tư Siêng chỉ nói cộc lốc: Lộn số rồi nhe! Vậy mà bên kia, giọng con gái cũng léo nhéo: Chớ anh ở đâu, sao xài số này của bạn tui? Bạn cô là ai tui đâu có biết! Tự nhiên hỏi hoài, kỳ quá! Tư Siêng làu bàu rồi cúp máy.

Buổi tối hôm đó, lại một cuộc gọi lộn số của cô gái hồi sáng. Cô vừa nghe giọng Tư Siêng đã tự xin lỗi vì đã gọi nhầm. Tư Siêng cười thầm, nghĩ bụng cô nhỏ này thiệt là…  nhưng cũng thắc mắc: lộn đâu không lộn, lộn ngay số tui vậy trời? Sẵn rảnh, Tư Siêng cà kê nói chuyện, cũng chỉ biết cô tên An, đang sống ở Sài Gòn. Anh lặng lẽ lưu tên cô trong danh bạ. Thỉnh thoảng nhớ chuyện gọi lộn số anh lại cười cười. Thằng Tí Chuột, bạn thân cùng xóm, biết chuyện cười ngất: mày có số cặp bồ xa. Anh cười khà khà. Chuyện bồ bịch chưa có trong đầu tao. Tí Chuột cũng cười ha ha: Ai không biết mày khùng. Khùng tới mức chống lại với ông già tía, làm chuyện điên rồ gì đâu không.

Thắm Nguyễn

3

Tư Siêng không biết mình có khùng thiệt như điều cái xóm này và cả thằng bạn chí cốt đều tuyên bố vậy không.

Anh sống ở cái xóm rẫy này từ ngày mới sinh ra. Việc nhổ cỏ, lượm phân bò, bấm bông mãng cầu, leo núi chặt chuối… đã thành quen thuộc từ hồi anh đứng ngang lưng quần cha. Nên chi, khi học hết chương trình Ðại học Nông Lâm, anh cũng quay về với xóm Mãng Cầu. Chỉ có khác, thay vì xin đi làm ở một cơ quan nhà nước hay công ty nào đó phù hợp – kiểu của bao nhiêu người trẻ mới ra trường như anh chọn lựa – thì anh lại chọn công việc thay đổi cách làm vườn theo cái kiểu của riêng mình. Anh xin cha cho thử nghiệm làm vườn theo cách tự nhiên, trồng cây trái và để nó lớn lên lành mạnh, sạch sẽ, không thuốc kích thích, không thuốc trừ sâu, không phân bón hóa học… đại khái là nông nghiệp sạch. Sau khi trình bày với cha về những dự tính của mình, Tư Siêng bị ông già chửi cho một trận điếc đầu. Hơn nửa đời người chân luôn bám đất, ông không tin thằng con có thể khôn hơn cha, dù được học hành có bằng cấp đàng hoàng. Tư Siêng chỉ nói: Cha thấy mấy đám chuối trên núi đó, có ai bỏ phân, xịt thuốc kích thích gì không mà chúng cũng tốt mịt. Chẳng qua, trời mưa trái mập hơn, trời nắng trái ốm hơn chút đỉnh, mà lúc nào cũng ngon ngọt. Cha tin con đi, mãng cầu con trồng chắc chắn vài vụ đầu sản lượng không được nhiều như lúc trước, nhưng từ từ sẽ thay đổi. Cha ráng kiên nhẫn…

Xem thêm:   Thư cho Thao

Không dễ gì ông già tía anh bỏ qua cho miếng rẫy mãng cầu đang ngon lành, làm trái năm vài vụ, mỗi vụ ông kiếm được vài miếng vàng để dành. Dù, ông cũng phải tiêu tốn không ít thuốc men bồi bổ cho cái thân thể hom hem của mình sau mỗi lần xịt thuốc, bón phân cho cây. Nhưng Tư Siêng năn nỉ riết. Cái điệp khúc muôn thuở vẫn là con thích ăn trái mãng cầu giống trái mãng cầu bẻ nhà của thằng Tí Chuột hồi nhỏ. Nó thơm ngọt gì đâu. Mãng cầu mình trồng dù trái đẹp, bự chảng, nhưng hái ăn rồi chứ để lâu hết ngon, lại có mớ “em bé” lúc nhúc trong trái, dù xịt bao nhiêu là thuốc. Rồi là, nhà có hai cha con, cha ráng kiếm tiền từ cây trái làm gì mà vắt kiệt sức cây sức người như vậy. Giờ có điều kiện nghỉ ngơi, cha cứ nghỉ ngơi đi, để con mần hết cho.

Ông già tía nghe thằng con dụ dỗ riết, buông tay. Mày muốn làm gì làm đi.

Thằng con bắt đầu làm bằng cách… không làm trái, tuốt lá, bón phân… như vẫn làm xưa nay. Anh chỉ vãi đậu phọng, đậu xanh, mọc cho đầy đất, che gốc mãng cầu. Chưa kể đám cỏ hôi bông trắng được rắc hột tùm lum cho lên kín mít. Ông già tía đứng nhìn vườn mãng cầu xồm xoàm cỏ như khu rừng nguyên sinh, chép miệng thở dài. Lâu lâu, ông thấy nó “thu hoạch” đám dây đậu và cỏ đó để đắp gốc mãng cầu, cùng với mớ phân bò, phân gà nhà nuôi. Không làm trái, dĩ nhiên cây… không cho trái theo ý muốn. Mất “ăn” vụ trái nghịch mùa, qua tới chính vụ, cây cũng ít trái, sâu bệnh tùm lum. Ðối phó lại chỉ là ít hỗn dịch ớt bột, tiêu xay, và vài thứ gì đó mà ông thấy nó lúi húi pha trộn rồi rắc cho cây.

Xem thêm:   Vợ cũ

Mãi tới năm thứ tư thì vườn mãng cầu nhà Tư Siêng mới “sạch” thiệt. Sạch phân hóa học. Không thuốc diệt cỏ. Không thuốc trừ sâu. Trái vườn nhà bắt đầu có mùi vị nguyên thủy, ngọt thơm như vốn có. Ăn trái mãng cầu do chính con trai đưa mời, ông già tía bật khóc: ngon thiệt, mày giỏi! Tuy sản lượng không bằng trước đây, nhưng qua mạng xã hội, Tư Siêng giới thiệu cái vườn mãng cầu kiểu “không giống ai”, như một cách quảng bá thương hiệu và được dân sành ăn hưởng ứng nhiệt liệt.

Ðó, nội bao nhiêu chuyện đủ làm cho Tư Siêng có biệt danh “Tư khùng” rồi, còn thời gian nào mà nghĩ tới một cô gái cho riêng mình. Ðó là chưa nói, mấy cô gái trong làng cũng như các cô phụ làm bông bẻ trái, đều không dám ho trước mặt anh, nên Tư Siêng cứ ung dung đi qua bao nhiêu mùa bông mít rụng, mặc cho ông già tía thỉnh thoảng e hèm: tính để tao chờ cháu nội mỏi mắt he bây!

4

Vậy mà An khiến Tư Siêng nghĩ ngợi hoài. Nghĩ nhiều hơn chuyện trước đây mần vườn không xịt thuốc.

Cô gái giải thích số của Tư Siêng vốn là số điện thoại bạn trai của cô. Họ mua sim tình nhân chi đó của nhà mạng Vinaphone, để có thể tâm sự với nhau thật dài mà đỡ tốn cước. Quen được có vài tháng, sau một trận mích lòng cãi vã, anh chàng quăng số điện thoại tình nhân, và chuyện gì xảy ra, chúng ta đã biết.

5

Trong một buổi sáng cuối năm, qua lời giới thiệu nhiệt tình của một người bạn, tôi ghé thăm lớp dạy Anh văn thiếu nhi của Ms An, để đưa bé con đến học. Thiệt là một thiên đường của lũ trẻ. Hai phòng học rộng rãi, tràn trề ánh sáng, màu sắc, đầy ắp đồ chơi xinh lung linh. An nói toàn là đồ tự tay mình và chồng thiết kế. Nhìn khu vườn rộng, sạch đẹp, có cỏ xanh và hoa cũng như cây ăn trái, tôi buột miệng: Trời ơi, lớp học tư thục mà sang trọng quá! Ðầu tư vô đây cũng khẳm tiền nhe. Chủ nhân cười tự hào: “Toàn là công sức của ông khùng nhà em á chị! Phải mất hơn ba năm trời, các công trình cơ bản mới hoàn thành. Ổng kỹ lưỡng, chu đáo và cầu toàn lắm. Chị coi nè, kể cả cỏ ngoài sân cũng trồng, cũng lựa từng chút. Cây ăn trái và hoa trồng góc nào, làm giàn hay trồng chậu ra sao cũng tự ổng tính hết. Trong khi chờ sinh em bé và nghỉ hộ sản, thì em lo học tiếng Anh hàng ngày qua mạng, học lấy bằng sư phạm để có thể đứng lớp, học các kỹ năng giao tiếp, ứng xử, cách nói chuyện… đủ thứ hết a chị! Giờ thì khỏe rồi. Học trò em thích học ở đây. Có đứa theo em suốt mấy năm rồi. Học ở đây, tụi nó được tiếp xúc với môi trường organic tuyệt đối. Ổng nói đầu tư cho con cái để chúng bắt đầu sống những năm tháng đầu đời thật vui vẻ và khỏe mạnh, từ thể chất tới tâm hồn…”

Xem thêm:   Tự thú

Tôi hơi ngạc nhiên khi nghe cô giáo gọi chồng bằng… ông khùng một cách vui vẻ và âu yếm. Bèn làm bà tám hỏi tới, chớ chồng em làm nghề gì? Cô giáo cười: ổng làm nông dân có bằng cấp. Xóm này, ai cũng nói ổng khùng khùng mà được việc lắm. Nhờ ổng mà cây trái ở xóm Mãng Cầu dần dần được cứu khỏi vòng vây của thuốc bảo vệ thực vật, của phân bón vô cơ. Hàng nông sản của xóm Mãng Cầu được gắn thương hiệu hàng Xanh, sạch, ngon và giá cả cũng ổn định, đủ để bà con làm vườn vui vẻ chứ không rên mỗi đợt trúng mùa thất giá như trước đây.

Hồi đó, em học bên Maketting, có biết gì về nông nghiệp đâu. Tình cờ quen ổng, ổng “thuốc” em chết giấc, đến phải lội từ dưới Trà Cú dìa đây… em bị nhiễm cái tư tưởng của ổng, nên cũng không xin làm cơ quan, chỉ ráng làm gì vừa đúng sở thích, vừa sống được, vừa giúp ích cho người khác. Hồi đó, tía má em cũng nói coi chừng em bị… khùng theo ổng!

An nói, tánh cô lí lắc, sôi nổi, bộc trực, ban đầu cũng tính chỉ làm bạn với Tư Siêng cho vui. Nhưng lúc tới nhà, cái chân thật của Tư Siêng làm cô bối rối. Rồi cô nói tuột hết suy nghĩ của mình với Tư Siêng. Anh chàng mừng quýnh quíu, hối ông già tía đi cưới vợ không kịp. Ngày đám cưới, ông còn lầm bầm với con trai: thiệt tình, tao không biết thằng con trai mình nó giỏi dữ vậy đa, nó qua mặt được tía nó, đi ve gái ở đâu xa lắc!

6

Chiều tháng Giêng rất trong, xanh. Tôi ngồi vọc chân bên cầu ao trồng rặt một thứ rau cần nước, chờ bà lão cắt rau mà lòng ước ao đúng nỗi niềm của “ông khùng” xóm Mãng Cầu: làm sao cho mỗi đứa trẻ khi sinh ra là được tiếp xúc ngay với một môi trường thân thiện, trong lành, được sống những năm tháng đầu đời thật hồn nhiên, khỏe mạnh…

Gió núi hù hù thổi. Thổi luôn cả vạt tóc phủ trước trán bà cụ, lộ ra một làn da nhăn nheo già cỗi.

Tự nhiên tôi bật ra một ý tưởng ngược đời: có thể nào nhờ Tư Siêng… phủ xanh mái tóc, vuốt phẳng làn da cho bà cụ, được không ta?

CG