Lời Giới Thiệu: Sau đây là 4 chương đầu của tiểu thuyết ngắn CÁNH ÉN NHÀ TÔI, gồm 14 chương, của Dương Như Nguyện, viết cho Trẻ nhân dịp 30 tháng 4. Truyện kể lại kinh nghiệm 1954-1975 của một gia đình người Bắc di cư, nhân vật chính là một cô gái tên Yến, gốc Sơn Tây, trưởng thành ở Huế, và làm việc ở Saigon. “Tiểu Thuyết Ngắn” (novella) là một “truyện ngắn” dài. BBT Trẻ.
Đây là tiểu thuyết, viết theo thể hồi ký cuả nhân vật. Người Kể Truyện, dựa trên kinh nghiệm sống của tác giả. Mọi trùng hợp với đời sống không phải là tác giả cố ý. DNN April 27, 2020.
…
Bao giờ trở lại đồng Bương Cấn
Về núi Sài Sơn ngó lúa vàng
Sông Đáy chậm nguồn qua Phủ Quốc
Sáo diều khuya khoắt thổi đêm trăng
…
Vầng trán em vương trời quê hương
Mắt em dìu dịu buồn Tây phương
Tôi thấy xứ Đoài mây trắng lắm
Em có bao giờ nguôi nhớ thương
Quang Dũng (1921-1988)
I.
Tôi bước lên chiếc xe lam đông đúc, hai băng ghế hai bên chen chúc người. Ông tài xế ngồi đằng trước, thỉnh thoảng ngừng xe đón khách thì ông ta ngoái đầu ra đằng sau quan sát hành khách chen chúc trên hai băng ghế. Đây là loại xe chuyên chở công cộng của Saigon bụi bặm trước 1975 chở khách bình dân hay chở học sinh như tôi (ai không có xe Honda hay các loại xe máy hai bánh, mới phải đi xe lam). Tôi đón xe ở góc đường Lê Văn Duyệt, quá chợ Hòa Hưng. Tôi chen vào chỗ ngồi bên hàng ghế tay phải. Hơi người nồng nặc vì chen chúc chật chội. Xe đi về phía chợ Ông Tạ hay Ngã Tư Bảy Hiền. Tôi chỉ biết có chừng đó. Tôi đang đi thăm bà nội tôi. Bà ở Ngã Ba Ông Tạ nơi có những người lái heo buổi sáng sớm vác những con heo mới thịt xong chạy xồng xộc ra chợ Ông Tạ (khi tuổi còn thơ tôi có vào Sài Gòn ở với ông bà nội mấy tháng, thập niên 60). Hay là bà ở Ngã Tư Bảy Hiền, nơi có bùng binh to thật to, xe cộ chạy như mắc cửi của người dệt vải, rẽ vào vào đường Lý Thái Tổ rộng thênh thang có bao nhiêu hàng quà bên lề đường cho những người ăn đêm, nhu ốc nghêu sò… Cô Yến tôi là người con gái thứ hai của bà nội, đã săn sóc mẹ khi bà tôi sắp mất, nhưng tôi đã quên không hởi cô địa chỉ nhà bà. Bây giờ làm sao tôi biết được nhà bà tôi ở đâu mà thăm? Tôi không còn là học sinh tuổi 15, lấy xe lam đi thăm ông bà nội. Tôi tự biết tôi là người phụ nữ đã vào tuổi 60 và tôi là công dân Mỹ. Thế nhưng tôi vẫn phải đi thăm bà nội tôi. Một thao thức của trái tim sôi bỏng.
Làm sao tôi tìm được nhà bà?
Thôi xe đến bến hẵng hay.
Xe lam dừng lại ở Ngã Ba Ông tạ hay Ngã Tư Bảy Hiền, tôi cũng không rõ. Tôi đành phải theo sóng người đổ xuống đường, ra khỏi xe.

Bảo Huân
Tôi nhìn lại cảnh vật chung quanh. Người đông quá là đông. Đây không phải là ngỏ hẽm rất rộng của nhà bà tôi ngày xưa mà tôi vẫn nhớ rõ mồn một. Trái lại, tôi đang đứng trước một căn phố hẹp, hai bên đầy những hàng bán vật liệu và đồ kỷ niệm cho du khách, như khu Ấn Dô của Singapore thập niên 90. Hai bên đường có những ngã rẽ đi vào những con hẻm thật hẹp. Linh tính cho tôi biết đó là những con hẻm đi đến tư gia. Tôi cố nhìn con số đề tên đường của những con hẻm này. Ba mươi hai, ba mươi mốt… Lộn xộn quá tôi không nhìn ra, và chẳng biết phải làm gì. Tôi chơ vơ như một đứa trẻ đi lạc, lo sợ sẽ bị mẹ mìn bắt… Ngày còn nhỏ, gia đình luôn bảo tôi không bao giờ nên ra đường một mình, sợ mẹ mìn bắt cóc.
Trong sự náo nhiệt hỗn loạn ấy, toàn là người lạ mua sắm ở một khu phố Á Đông, tự nhiên hiện ra bà nội tôi, ngay trước mắt. Bà thật khoan thai, khỏe mạnh, thư thái, đẹp như một bà trưởng giả của Việt nam, khác hẳn bà nội của tôi ngày xưa, một bà già Bắc Việt chít khăn nhung, lúc nào cũng làm việc như thể bà vẫn còn vất vả với ruộng lúa Sơn Tây của những ngày chưa di cư vào Nam, cho dù bà là vợ cả “địa chủ,” vì sở hữu bao nhiêu đồng rượng thênh thang cho nên sẽ bị đấu tố. Vợ cả phải quán xuyến cho mẹ chồng, phải trông tá điền muà gặt, không chút nào ngơi nghỉ. Vào Saigon, bà tôi hay mặc quần đen, áo “phin” trắng đã ngả màu, bà luôn luôn cho gà ăn, vì nhà nuôi gà, hay quét sân, rửa bát.
Bà tôi đấy, của ngày xưa…
Nhưng trước mặt tôi hôm nay, bà nội tôi chễm chệ, thư thái, đẹp quá chừng và quý phái. Bà mập mạp, khỏe mạnh, cứng cáp và tuy đứng tuổi, trông bà trẻ hơn lần cuối tôi gặp bà rất nhiều…
Tôi lắc đầu thật mạnh, để xóa đi hình ảnh cuối cùng về bà nội tôi: bà nằm trong góc nhà, nhỏ bé, thoi thóp. Căn phòng hôi hám vì bà mới vừa đi đại tiện. Bà tôi đã vào tuổi 90, đau bệnh alzheimer’s từ lâu, không còn nhận thức được chung quanh, và cô Yến tôi, người con gái thứ hai còn sống sót, là đứa con nhận lãnh nuôi mẹ. Hôm ấy, lần cuối cùng tôi gặp bà tôi, cô Yến tôi dặn đừng vào phòng bà, vì bà đang “són” ra quần. Nhưng tôi không cần biết, tôi hăm hở bước ngay vào phòng thăm bà, để rồi sửng sốt nhìn thấy bà nội đã từng ẵm bồng tôi ngày tôi được sinh ra đời làm người, và để nhận thức cô Yến tôi, người con gái đứng ra nhận lãnh trách nhiệm tự tay nuôi mẹ bị alzheimer’s phải làm những gì để báo hiếu cho bậc sinh thành trong tuổi già đau yếu…
Tôi lặng cả người đi, và cô Yến tôi nhẹ bước vào phía sau tôi, xua tay cho tôi ra ngoài để cô dọn dẹp và săn sóc mẹ.
Nhưng hôm nay, trong căn phố xa lạ này, bà tôi như một người khác, như một mệnh phụ ung dung khoảng 70 tuổi thôi. Bà đang dạo bước về phía tôi. May mắn làm sao, không có số nhà, mà tôi vẫn gặp được bà tôi, trên đường phố.
Bà tôi đẹp quá. Tóc vấn khăn nhung. Cổ đeo chuỗi ngọc. Không phải chuỗi ngọc màu nhạt và trong như bà có ở Saigon lúc trước mà tôi vẫn nhớ trong ký ức. Bây giờ là một chuỗi ngọc sắc đục, màu nhạt nhưng có điểm màu xanh lá cây đậm như màu của ngọc bích khi chưa mài dũa. Chuỗi ngọc này tôi đã nhìn thấy trong phòng ngủ của mẹ tôi. (Mẹ tôi, con dâu trưởng cuả bà tôi, cũng say mê chuỗi ngọc, và luôn luôn đi mua chuỗi ngọc cho mẹ chồng, chứ bà nội, người phụ nữ của xóm làng Sơn Tây thì chẳng bao giờ muốn đeo nữ trang gi cả. Bà chỉ biết ẵm cháu và làm lụng việc nhà, không xuể tay. Làm việc, làm việc, và làm việc. Chỉ có ngày Tết là bà phải diện quần áo vì con cái bắt như vậy. Áo dài nhung hay áo dài màu hoàng yến là của mẹ tôi đặt may cho bà.
Hôm nay, bà tôi không làm việc. Bà tôi dạo phố, sáng trưng lên, qúa sang trọng trong đám người bê bối tấp nập chung quanh. Bà “hiêu hiên nhiên,” nói theo từ ngữ của Nguyễn Bỉnh Khiêm hay Lão Tử, có nghĩa là thanh thoát và vô tư lự, không dính bụi trần. Bình thản, yên lành. Bà mặc áo dài mà mẹ tôi đã may cho bà ngày xưa, màu vàng sẫm như cái tên của con gái đã nuôi bà, cô Yến tôi. Màu Hoàng Yến.
Trên điện thoại cầm tay, tôi đặt cho cô Yến tôi biệt hiệu “Sparrow” nhưng tôi cũng chẳng biết Sparrow có phải là chữ tiếng Anh cho loài chim Yến hay không. Mà tôi cũng chẳng biết chim Yến màu gì, có vàng sẫm như màu Hoàng Yến của chiếc áo dài này.
Bà tôi đã nhìn thấy tôi, biết ngay tôi đang tìm nhà. Bà gọi tôi và chỉ tay vào bảng tên đường vào hẻm. Tên đường số ba mươi. Trời ơi, số ba mươi. Tôi thảng thốt. Thế mà tôi không nghĩ ra. Nhà bà tôi số đường ba mươi.
Tôi ôm chầm lấy bà tôi, bà ôm tôi, phủ kín thân tôi với hơi ấm tình gia đình, tình mẫu tử. Chao ôi, hạnh phúc. Chưa bao giờ tôi sung sướng như vậy. Tôi được đứng giữa chợ, trong vòng tay bà nội tôi, người phụ nữ Sơn Tây đã bồng tôi khi tôi vưà lọt lòng mẹ. Đứa cháu đầu tiên của bà vì cha tôi là con trai trưởng.
Cô Yến tôi đâu? Chắc cô đang ở nhà bên California với đứa con trai và con dâu. Cô có biết rằng tôi quên hỏi số nhà, thế mà tôi vẫn tìm được bà nội tôi. Chao ôi may mắn quá. Sao tôi có phước thế này. Ngã Ba Ông Tạ hay Ngã Tư Bảy Hiền? Chiếc xe lam của quá khứ. Con đường Lê Văn Duyệt chạy xuống phía nam của Hòa Hưng. Y như ngày nào. Bà tôi vẫn ở ngôi nhà xưa cũ dù khung cảnh chung quanh đã thay đổi.
–“Bà ơi,” tôi nói, “cháu quên hỏi cô Yến địa chỉ nhà bà.”
–“Ừ nhỉ, Cái Yến, năm nay chắt ngót bảy nhăm, rõ khổ,” bà tôi nói nhẹ như ru. Bà vừa nói đúng tuổi cô Yến tôi.
Bảy nhăm?
Cũng là năm 1975…
Tôi chưa kịp suy nghĩ sâu xa thì bà nội ôm siết tôi vào lòng và hôn lên má tôi như cử chỉ của phụ nữ Tây Phương. Thế có lạ không? Nhưng tôi không bận tâm, chỉ thấy hài lòng vì gặp được bà và được gần bà trong âu yếm. Người bà tôi khỏe mạnh, mập mạp, mềm mại, như cái nôi ấm cúng nhận tôi vào. Bà nói thầm vào tai tôi:
– Đường số ba mươi, cháu nhớ nhé.
– Vâng ạ!
Hai bà cháu tôi rẽ đám người chung quanh để cùng đi vào ngõ hẻm số ba mươi.
Tôi hỏi bà:
– Bà ơi căn số mấy?
Tôi nhận ngay ra căn nhà của bà nội tôi. Căn thứ tư bên tay trái. Năm 15 tuổi, tôi đã từng đi xe lam đến thăm ông bà tôi. Cũng căn nhà này. Bên trái của căn hẻm rất rộng.
Căn hẻm nhỏ xíu chật chội trong khu phố tấp nập này không còn nữa. Nó đã mở rộng và biến dạng thành con hẻm rộng của Ngã Sáu, Ngã Bảy Saigon xưa.
Căn thứ tư là nhà bà nội tôi. Chính thị.
Tôi và bà nội tôi đã về nhà.
Hẻm ba mươi. Nhà số bốn.
30-4.
Bảy nhăm. Bà đã nhắc về tuổi cuả cô Yến tôi như thế.
30-4-75.
Ngay đúng lúc ấy, trong óc tôi hiện ra bốn chữ: rõ ràng là tư tưởng cuả bà tôi, truyền thẳng thành mật âm hiện rõ trên màn ảnh trí óc tôi:
CÁNH ÉN NHÀ TÔI.
Vỏn vẹn bốn chữ.
——
Cho đến lúc này, trước máy vi tính, viết lại giấc mơ sáng sớm hôm qua (lúc tôi nửa tỉnh nửa mê, sáng ngày 22 tháng 4 năm 2020), tôi mới bàng hoàng nhận ra sự trùng hợp ngẫu nhiên của vô thức. 30, 4, bảy nhăm. Trong giấc mơ, nhà bà tôi đường 30, số 4, và bà nội, “bảy nhăm,” lứa tuổi cuả cô tôi bây giờ. 30/4/75: Ngày tận thế hay ngày cứu sinh? Ngày của thay đổi một đời trong định mệnh hay ngày lịch sử của một dân tộc? 30/4/75. Linh hồn bà tôi, theo quan niệm siêu hình của đạo Phật, ở cõi linh thiêng nào, đã quay về nhắc nhở tôi các con số ấy.
Như thế, trên con đường về nhà cuả giấc mơ, tôi đã gặp lại bà tôi, hay đó chỉ là tiếng kêu cứu của chính bản ngã tôi, tiềm thức tôi đã vùng dậy đòi hỏi một chân trời ký ức?
CÁNH ÉN NHÀ TÔI.
Bốn chữ.
Đó là thông điệp, hay lời nhắn nhủ của linh hồn bà tôi? Bà đã trở thành một hình thức guardian angel — thiên thần trông coi số mạng — để che chở cho tôi, và nhắc nhở tôi? Hay bốn chữ ấy chính là sự thôi thúc của tôi?
Tại sao lại là CÁNH ÉN NHÀ TÔI?
Tôi bỏ bàn giấy, bỏ máy vi tính, để đi tìm số điện thoại cô Yến tôi. Cô tôi mãi mãi là sợi dây lien lạc giữa tôi và bà nội tôi, còn lại trên cõi đời này. Cha mẹ tôi đã mất, và ông bà tôi, cả hai bên nội ngoại, dĩ nhiên không còn nữa. Chỉ còn các cô chú của tôi, trong số đó, cô Yến tôi là người cuối cùng ở bên cạnh bà tôi khi bà còn tỉnh táo.
Tôi quặn thắt cả ruột gan. Bà tôi mất da mấy thập niên rồi. Bây giờ tôi mới thật sự khóc.
CÁNH ÉN NHÀ TÔI. Ý nghĩa gì trong bốn chữ này. Tôi sẽ phải tự mình tìm hiểu.
Việc đầu tiên: tôi sẽ phải gọi cô tôi.
II.
Tôi gọi điện thoại cho cô Yến tôi vì tôi nghĩ rằng linh hồn bà tôi đã nhắc nhở tôi phải hỏi thăm cô. Chắc chắn đó là ý nghĩa của giấc mơ. Ít nhất là một phần rõ rệt của ý nghĩa giấc mơ.
Tôi bắt đầu suy diễn.
CÁNH ÉN NHÀ TÔI có thể là CÁI YẾN NHÀ TÔI mà trong giấc mơ, hàng chữ đã hiện ra nhầm lẫn. Bà tôi nhắc lại ten người con gái thân yêu. Cô tôi tên Yến, nhưng người Bắc của miền thôn dã gọi con gái là CÁI. Bà tôi gọi cô tôi là CÁI YẾN. Khi nói chuyện về người con gái tên YẾN, lúc còn sống, bà tôi gọi cô con gái lớn là CÁI YẾN NHÀ TÔI.
Cô Yến tôi vẫn bình thường, không có gì thay đổi, dù rằng hai chân cô rất yếu vì vụ mổ cột sống trong quá khứ. Trong cuộc nói chuyện qua điện thoại, tôi không kể lại giấc mơ vì sợ cô tôi buồn nhớ bà nội tôi. Cô tôi năm nay đã ngoài 70. Lần cuối cùng gặp cô là đám tang cha tôi. Vì buồn phiền cô đi không vững. Tóc dài bạc trắng, tơi tả quanh khuôn mặt trái xoan hơi xanh xao. Hai đứa con trai của cô tôi phải dìu mẹ vào đứng bên quan tài cha tôi. Nước mắt cô tôi tuôn rơi. Cô khóc không ra tiếng.
Tôi hiểu rằng mất người anh cả, cô Yến tôi đau xót như mất người cha thứ hai, sau ông nội tôi. Và đây là lý do:
Sau cuộc di cư 1954, cô tôi lúc đó chỉ khoảng 10 tuổi. Vào Nam, cha tôi đang là sinh viên trường luật Đại Học Quốc Gia Hà Nội. Cha tôi đưa đơn xin dạy học, và Bộ Quốc Gia Giáo Dục của chính phủ Ngô Đình Diệm bổ nhiệm cha tôi dạy Việt Văn và Anh Văn ở Hội An, trường trung học Trần Qúy Cáp. Cha tôi ghi danh học Đại Học Sư Phạm Huế, ban Anh Văn, vừa đi dạy vừa đi học bằng cách đi xe đò Huế-Hội An qua đèo Hải Vân. Gặp mẹ tôi, cùng dạy Việt Văn ở Hội An, cha tôi xin cưới mẹ tôi khoảng ba năm sau, 1957. Về lại Saigon để cùng ông bà tôi lo đám cưới, cha tôi quyết định sẽ mang cô Yến tôi ra Hội An để nuôi em gái sau khi lấy vợ.
Năm 1957, cô Yến tôi tóc dài, thân hình mảnh khảnh, đúa bé gái theo anh cả ra Hội An gặp chị dâu, trong chiếc áo dài trắng hiền lương của con nhà gia giáo. Tấm ảnh chụp lúc đó cho thấy cô Yến tôi mặt buồn xo, thân hình ốm yếu, hai kẹp tóc hai bên thái dương, nâng mái tóc dài lên theo kiểu thiếu nữ thập niên 50. Cô đứng chỉ đến bụng cha tôi. Đứa bé gái phải xa cha mẹ vào sống với gia đình mẹ tôi, toàn là người lạ, chỉ có anh trai là người thân độc nhất trong một gia đình quý tộc người Huế. Về sau, cha tôi về lại Saigon mang theo đứa em gái út ra sống với chị dâu và anh cả một thời gian ngắn, cho bà nội tôi đỡ cực phải săn sóc đứa con nhỏ. Cô út tôi lúc đó chắc khoảng 7 tuổi, nhìn thấy xông xáo, kháu khỉnh nhưng đen đủi vì nắng Saigon, mặc quần đen, áo cánh, nét mặt phương phi, nhưng lại mới uốn mớ tóc xù nom như con mọi. Vậy là mẹ tôi, người con dâu mới của bà nội tôi, kể như có hai đứa con gái trong nhà, là hai đứa bé em chồng.
Cuộc đời cô Yến tôi gắn liền với bố mẹ tôi từ đó. Từ Hội An ra Huế, rồi vào Saigon trước biến cố Mậu Thân, cô Yến trở thành một phần tử của gia đình nhỏ gồm cha mẹ tôi và chúng tôi, những đứa con nít ra đời sau đó.
Cô út tôi nghịch ngợm ồn ào bao nhiêu, như ngọn gió vùng hoang dã, thì cô Yến tôi hiền thục và ít nói chừng đó, như chút ánh nắng mềm mại của mùa xuân. CÁI YẾN NHÀ TÔI, như bà nội tôi hay kể lể về con gái mình, sau nay là con cậy con nhờ của bà mẹ già đất Bắc. Bà tôi nuôi cô út, ở Saigon, còn cha mẹ tôi nuôi cô lớn, CÁI YẾN, ở miền trung. Bà tôi có người con cả là con gái, vừa đẹp vừa can đảm vừa tháo vát, nữ y tá đầu tiên cuả Bắc Việt, nhưng cô cả chết sớm trong chiến tranh Đông Dương, ngoài Bắc. Thành ra “CÁI YẾN NHÀ TÔI” trở thành con gái lớn trong nhà. Cha tôi tốt nghiệp xong Đại Học Sư Phạm Huế thì được học bổng British Council du học ở Anh. Vậy là CÁI YẾN NHÀ TÔI lớn lên với chị dâu và các cháu, gắn liền với xứ Huế khi cha tôi qua Anh, và mẹ tôi đem các con từ Hội An về quê hương, tức là Huế. Cô Yến tôi trở thành một trong những người con gái Bắc hiếm hoi theo học trường nữ trung học Đồng Khánh (bây giờ đã đổi thành trường Hai Bà Trưng). Cô ở chung với mẹ và chúng tôi tại biệt thự đường Huyền Trân Công Chúa, rồi ngay sau cha tôi đi Anh du học, thì gia đình dời về ở Ngõ Chi Lăng, gần Thành Nội, sau đó về cư xá Nguyễn Trường Tộ gần nhà thờ Phú Cam và dinh cha Thục, cũng như gần ngôi nhà huong hoa từ đường của tổng thống Ngô Đình Diệm ở xứ đạo Phú Cam, bên kia bờ sông Bến Ngự.
CÁI YẾN NHÀ TÔI trở thành một phụ nữ Huế chính cống, chẳng khác chi mẹ tôi, ngoài giọng Bắc của cô tôi vẫn còn nguyên bản sắc của núi rừng Sơn Tây, quê hương của Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu, và là quê cha của tôi. Cô trở thành người trông giữ và dạy dỗ tôi ờ Huế khi tôi lên ba (tiếng Anh gọi là babysitter). Trước khi tôi đủ tuổi đi học, tôi đã nghe cô tôi ngâm truyện Kiều theo kiểu người Bắc ngâm hò ru em:
Trăm năm trong cõi người ta
Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau…
Hò ru em miền Bắc thì như thế này:
Cái ngủ mày ngủ cho ngoan
Mẹ mày đi cấy đồng hoang chưa về…
Khi tôi lên sáu thì cô tôi đang học trung học đệ nhị cấp ở Đồng Khánh. Cô gái Bắc lạc lõng trong môi trường Huế trở thành người kể truyện Kiều cho tôi nghe:
Đầu lòng hai ả tố nga
Thúy Kiều là chị em là Thúy Vân…
——
Đặt điện thoại xuống, tôi tự hứa sẽ phải qua California thăm và săn sóc cô tôi. Sau cú điện thoại, tôi phải nằm nghỉ để bớt xúc động vì ảnh hưởng của ký ức. Tôi yên tâm rằng giấc mơ tìm về ngôi nhà của bà nội chính là cái gạch nối giữa tôi và người cô bây giờ da gia yếu của tôi. Thừ người vì giao động bởi giấc mơ kỳ lạ, tôi ôm trán, đầu óc tràn ngập nhữg kỷ niệm về Hội An và Huế…
III.
Khoảng một năm sau khi cha mẹ tôi lấy nhau, mẹ tôi vưà sinh tôi xong ở Hội An, thì bà nội tôi đau nặng. Thế là số mệnh đã định: cô Yến tôi, đứa bé gái 11 tuổi sẽ thi đệ thất ở miền trung, và sẽ không quay về Saigon sống với ông bà nội tôi nưã. Sau khi lành bệnh, bà nội tôi chỉ phải trông nom cô út. Đứa con gái lớn, con cậy con nhờ của ông bà tôi, bây giờ thuộc về mẹ tôi, nhất là sau khi cha tôi đi du học.
Tôi biết rằng sau khi tôi tái ngộ với bà nội tôi qua giấc mơ kia, tôi sẽ sống lại những ngày tôi bắt đầu có trí khôn, quấn quít bên cô Yến tôi ở Huế. Buổi sáng cô tôi đi học, thì tôi ở nhà với mẹ. Buổi chiều mẹ tôi đi dạy, thì tôi ở nhà với cô. Tôi quay trở lại với thời gian đó: Huế, thập niên sáu mươi, với hình ảnh của cô tôi, người con gái ít nói từ tuổi lên 10 đã phải bỏ cha mẹ đi theo anh chị, dần dần trở thành cô thiếu nữ mới lớn nói tiếng Bắc ở Huế, và từ đó, gần như cô luôn luôn sống với anh chị cả và các cháu. Năm lên 10 cha tôi nắm tay cô dẫn ra Hội An gặp chị dâu, cô tôi đó, trong tấm hình độc nhất còn giữ lại những ngày đầu cha tôi lập nghiệp ở Hội An. Đứa con gái nhỏ, tóc dài thẳng tuột, lần đầu tiên mặc chiếc áo dài trắng nom ngây thơ nhỏ bé lẻ loi, đứng nép vào người ông anh cả, trông tội nghiệp vô cùng. Tôi vẫn còn nhớ chiếc hình đen trắng có đứa bé gái 10 tuổi trong đó: đó là CÁI YẾN NHÀ TÔI. Từ 10 tuổi trở đi cho đến khi lấy chồng, cô tôi không ở xa cha mẹ và chúng tôi bao giờ. (Dĩ nhiên mãi về sau, cuộc đổi đời 1975 bắt đầu một hình thức chia ly khác….)
Nằm dài, tôi nhắm mắt để hồi tưởng, nhưng không còn là thế giới của giấc mơ về việc tôi đi tìm nhà bà nội tôi, mà là thế giới của kỷ niệm về thành phố Huế.
____
IV.
Ở Huế, thập niên 60, cô Yến tôi ít nói qúa. Giọng ngâm ru con và lẩy Kiều đặc thù tiếng Bắc của miền dân dã Sơn Tây bao giờ cũng nhỏ nhẹ và thanh tao như tiếng thì thào của mẹ hiền bên gối đứa trẻ. Cô ngâm để ru tôi chắc cũng giống như lúc bà nội tôi ngâm để ru cô ở Sơn Tây, Bắc Việt. Cô đã nhập tâm âm điệu của “Cái ngủ mày ngủ cho ngoan, mẹ mày đi cấy đồng hoang chưa về…” Tôi là “Cái Ngủ” của cô. May mắn làm sao, Thượng đế cho tôi trí nhớ được bắt đầu rất sớm khi tuổi còn rất nhỏ, như trứng nước mà đã biết bơi, cho nên tôi nhớ rất rõ những ấn tượng của ngày thơ ấu: màu sắc, hình ảnh, mùi vị, âm thanh và ngôn ngữ. Vì thế, tôi cho rằng có thể vừa mới lọt lòng tôi đã ôm trọn văn hóa và thi văn Việt Nam vào thân thể đứa trẻ sơ sinh trần trụi, vì chắc tôi đã được uốn nắn từ thuở còn nằm trong lòng mẹ. Cha mẹ tôi là giáo sư văn chương và ngôn ngữ. Sử học Việt Nam là một phần hồn lớn mạnh của cha mẹ tôi. Và dĩ nhiên cô tôi cũng thừa hưởng di sản ấy từ thuở lọt lòng trong vòng tay êm ái của bà nội tôi.
Cô tôi không những mang tính chất Sơn Tây qua giọng nói đặc thù (Sơn Tây là quê hương của Tản Đà và Quang Dũng và là đất định mệnh nổi dậy chống triều đình của Huấn Đạo Cao Bá Quát), mà còn ở đôi con mắt và vầng trán. Đôi mắt người Sơn Tây. Vầng trán người Sơn Tây. Quang Dũng đã biến đôi mắt ấy, vầng trán ấy, thành bất hủ:
Vầng trán em mang trời quê hương
Mắt em vời vợi buồn Tây Phương…
Mat cô tôi thuôn dài, buồn và hiền, lại hơi hum húp. Đó là đặc điểm của đôi mắt Sơn Tây. Trán cô tôi rất phẳng, rất hiền, không nhô, không lồi, không qúá cao, cũng không quá thấp. Tôi gọi là vầng trán hiền lương.
Trong hồi tưởng, tôi mới bắt đầu nhận thức là cô tôi lúc còn trẻ rất đẹp, cái đẹp thuần Việt, độc đáo, mang đầy tính chất của chủng tộc miền thượng du và trung du Bắc Việt. Cái đẹp thuần Việt ấy không thể nổi bật trong một thế giới ưa chuộng cái đẹp trắng toát rực rỡ của Tây Phương, hay của Thượng Hải, Trung Quốc. Nhiều người Việt mình có thói quen nhìn thẫm mỹ qua ảnh hưởng Tây Phương hay Trung Quốc. Đặc thù của Sơn Tây không giống Tây Phương hay Trung Quốc. Ở xã hội hiện đại, đôi mắt hum húp của Sơn Tây đã và sẽ tiếp tục nổi bật trên sàn trình diễn của các người mẫu quốc tế, thể hiện qua vài cô gái được tuyển chọn cho nghề kiểu mẫu, đến từ núi rừng của Á Châu. Đôi mắt Sơn Tây thuôn dài hum húp ấy không phải là “ti hí mắt lươn” của kẻ đạo tặc, mà là đôi mắt u ẩn, chứa đựng sâu thẳm một bí mật nào đó trong nỗi nhớ nhung quê hương của thi sĩ — chỉ có thi sĩ non Đoài nhu Quang Dung mới bắt gặp được nỗi buồn ấy mà thôi. Đôi mắt ấy dấu kín tâm hồn đa cảm dưới nếp da mềm, như thể nếp da hum húp ấy bao bọc lấy tâm tư khép kín bên trong, cho nỗi buồn xa xứ đã phải “sưng” lên dưới nếp da che chở, như thể cô gái Sơn Tây đã phải bảo vệ lấy tâm hồn của mình dưới nếp da ấy.
Theo tôi, mắt húp Sơn Tây là vẻ đẹp có một không hai trên thế giới.
Nước da mặt của cô tôi mịn, sậm và tối, như phản ảnh bóng đêm hay chiều tà, không sáng trưng như trứng gà bóc của Tây Phương hay Bắc Á. Lạ thay, tay chân cô tôi lại trắng mịn nõn nà, tuong phan voi lan da mat. Tôi suy nghĩ và cho rằng nước da mat nguoi Sơn Tây tự căn bản di truyền đã dễ dàng bắt nắng, nói lên ảnh hưởng lâu dài của môi trường làm ruộng, rẫy, nương, lên khuon mat con người, đời này qua đời khác. Tiêu biểu cho Sơn Tây là làn da mặt có màu bánh mật, cho dù con người không còn phải làm ruộng ngày này tháng nọ dưới ánh nắng mặt trời trong thủy thổ miền Sơn Tây. Ở xứ Huế kín cổng cao tường của văn hóa Nguyễn Triều ảnh hưởng Trung Hoa (và Pháp nữa), thì phải như Lý Lệ Hoa, Catherine Deneuve mới là đẹp lộng lẫy. Các cô gái Đồng Khánh trắng nõn nà với mớ tóc mây đen nhánh, đôi mắt lá răm chớp chớp không che dấu tình cảm như cặp mắt Sơn Tây, sẽ dễ dàng được cho là hoa khôi xứ Huế. Ở đó, cô tôi lẳng lặng nhu mì như một sự tương phản không cầu kỳ, không khoe khoang: cô tôi không son phấn không ăn diện, mang đôi mắt húp Sơn Tây, làn da mặt ẩn hiện màu sắc của chiều tà, giọng Bắc đặc thù như thể nói là hát câu hò ru con xứ Bắc, và nói quá nhẹ như là không nói. Mũi cô tôi rất nhỏ nhưng không tẹt. Môi dày như Brigitte Bardot, nhưng khép kín và không vẩu. Đó là thứ nhan sắc hỗn hợp đường nét đặc thù của dân bán đảo Malay, ảnh hưởng xứ nóng xích đạo của Phi Châu, tựu lại thành vẻ dịu dàng mà thuần túy, thon gầy nhưng tròn trịa, lại vô cùng khép kín mà đầy đặn, tieu bieu net sung mãn của núi rừng Đông Nam Á. Dĩ nhiên đó là thứ nhan sắc dễ dàng bị bỏ quên bên cạnh cái rực rỡ của vương triều ngày xưa, hay cái ảm đạm rêu phong huyền bí của Thành Nội bấy giờ – cô tôi sẽ chìm lẫn trong bóng tối. Nếu là ngày hôm nay, trên sân khấu quốc tế, cô tôi, người thiếu nữ Bắc 16 tuổi ở Huế, được trang điểm lộng lẫy với những màu sắc tương phản, ăn mặc sắc phục thổ dân, thì trên sân trình diễn ấy, cô tôi sẽ là người kiểu mẫu có đường nét độc đáo tuyệt trần có một không hai, như những giai nhân bán đảo Thái Bình Dương cuả Tahiti, hay mang nét lai dac biet cua tong hop Phi-Á.
Hai bàn tay của cô tôi cung tuyệt đẹp, gọi là tay búp măng, làn da trắng mịn. Hai chân của cô tôi cũng vậy, nhỏ nhắn và trắng hồng như mỡ đọng. Tay và chân che kín, không ra nắng bao giờ, tương phản với màu sậm của da mặt. Tôi không nhận thấy ngay ngày còn tấm bé được cô tôi ru ngủ, nhưng tháng ngày trôi qua, tôi lớn lên và cô tôi trưởng thành, tôi bắt đầu nhìn thấy vẻ đẹp của tay chân người phụ nữ mỹ miều. Cô tôi có hình dáng cân đối của một phụ nữ mỹ miều. Nhưng giấu kín trong bóng tối.
Theo dã sử, truyền khẩu như cha tôi kể lại, thì một cô con gái Sơn Tây cầm lưỡi liềm cắt cỏ, gặt lúa, giữa cánh đồng cô vừa gặt vừa ca hát vang vang: “Tay cầm mặt nguyệt xênh xang, hỏi rằng quân tử bên đàng có hay…” Cô gái ví lưỡi liềm trên tay cô với mặt trăng khuyết. Đó là khẩu khí của bà hoàng tương lai. Cái mỹ miều của chân tay cô chắc chắn rực rỡ phơi bày dưới ánh nắng chang chang của đồng lúa, như tiếng hát lanh lảnh đầy tự tin của cô, vang vọng trên đồng ruộng, dường như leo cả lên núi Tản, ủ lên sông Đà hay ngự trị cả non Đoài Bắc Việt. Quả nhiên cô gái được vua du hành đi ngang, tuyển chọn đem về phong làm Dương Hoàng Hậu (bà hoàng nào trong chính sử thì tôi cũng không có nhu cầu hay thời gian đi tìm hiểu; tôi đang hồi tưởng về xứ Huế khả phong, để nhận thức ra cô tôi, người thiếu nữ Bắc lạc lõng ở Huế, đẹp như thế nào, cái đẹp mà tiếng Anh gọi là “esoteric” chứ không hẳn là cái đẹp rực rỡ truyền thống khiến đám đông phải trầm trồ trong một thế giới mà thẩm mỹ được định nghĩa bởi đường nét Tây Phương hay Bắc Phương hóa, thể hiện trên con gái Thượng Hải chẳng hạn).
Thảo nào, sau này, khi gia đình chúng tôi bỏ Huế đi vào Saigon theo đường công danh của cha tôi, khi cô tôi đã là một phụ nữ trưởng thành đi vào thế giới làm việc, cô tôi lại được rất nhiều đàn ông theo đuổi và để ý — những nam nhân có cá tính, có địa vị, có danh vọng nghề nghiệp, và đặc điểm lại có lòng yêu văn chương và đặt nặng giá trị đạo đức gia đình. Bây giờ, hồi tưởng lại, tôi mới bắt đầu hiểu tại sao. Họ là những nam nhân nhìn thấy cái đẹp rất đặc biệt, rất bắt mắt, đẹp từ trong ra ngoài của cô tôi.
Tâm tính hiền thục chịu đựng nhẫn nại của cô tôi là hình ảnh của bà nội tôi, gắn liền với đất đai, ruộng lúa của quê hương Cao Bá Quát, Tản Đà, và Quang Dũng. Cô tôi lớn lên trong bóng tối của sự nhẫn nại ấy, chịu đựng hoàn cảnh ngay từ tấm bé – làm sao tôi quên được bức hình đen trắng cũ mèm có đứa bé gái 10 tuổi tóc dài đứng nép mình bên anh cả: chắc chắn lúc đó cô tôi chẳng bao gio nghĩ mình có dáng vẻ Sơn Tây hay cốt cách vương giả của một Dương Hoàng Hậu. Suốt thời gian ở Huế, cô tôi cũng vẫn cái áo dài trắng. Người con gái nhẫn nhục của Sơn Tây khi đã lớn thành nữ sinh Đồng Khánh, mặc áo dài trắng kiểu chít “banh” dài tới cổ chân của thập niên 60, như mọi cô gái Việt Nam khác, đội nón lá bài thơ đi xe đạp vào khuôn viên trường nữ học: hình ảnh của một cô gái Huế nòng cốt (nhưng cô tôi lại là người Bắc di cư).
Hình ảnh chiếc áo dài trắng ấy, từ thuở cô tôi lên 10 cho đến ngày tốt nghiệp trung học, giã từ trường Đồng Khánh, là biểu tượng cái đẹp bên trong toàn hảo nhất của cô tôi.
Tôi thở dài. Cái đẹp ấy bên trong ấy, có lẽ bây giờ không còn nữa cho dù âm hưởng tiếng hò ru “Cái Ngủ…” và câu thơ Quang Dũng, vẫn còn đâu đây trên những trang sách gọi là “văn học sử.”
(còn tiếp)
Sinh ở Hội-An. Thời thơ ấu ở Huế và Saigon. Giải Danh dự Văn chương Phụ nữ Toàn quốc 1975. Đào luyện tại trường Kịch Nghệ Hoa Kỳ, Nữu Ước và California (American Academy of Dramatic Arts). Cử Nhân Báo Chí Truyền Thông (Nam Illinois); Tiến sĩ Luật (Houston); Thạc sĩ Luật (Harvard). Thẩm phán gốc Việt đầu tiên ở Hoa Kỳ. Hiện cư ngụ tại Houston, Texas.