(tiếp theo kỳ trước)

5

Huế của tôi trở thành thơ bất nhất?

Huế bình yên, hay Huế của niềm riêng?

Tâm hồn thi sĩ trong tôi khiến tôi lẩn thẩn viết xuống hai câu này trên màn ảnh vi tính, rồi tiếp tục đắm chìm trong ký ức về cô Yến tôi ở Huế.

Phía sau nét thơ mộng của Sông Hương và Cầu Tràng Tiền cổ kính, theo tôi thì Huế không “bình yên” chút nào, và Huế của niên khóa 1963-64 mang nhiều “niềm riêng” đến từ cuộc đảo chính lật đổ Ðệ Nhất Cộng Hòa.  Ðó cũng là niên khóa cô Yến tôi học hết bảy năm trung học ở Ðồng Khánh. Ðứa bé gái mặc chiếc áo dài trắng thơ ngây ngày theo anh Cả ra Hội An gặp chị dâu mới, đầu năm 1957, đã trở thành người con gái yên lặng của học đường xứ Huế trong chiếc áo dài trắng chít “banh,” mà một cái tà phải gài lên yên xe đạp đằng sau, cái tà đằng trước thì quấn vào ngón tay khi người con gái đạp xe qua cầu Tràng Tiền chẳng hạn.

Cuối 1963, Tổng Thống Ngô Ðình Diệm và bào đệ đã nằm trong vũng máu, trong lòng chiếc xe tăng hiếu chiến, nhưng Huế vẫn còn tiếp tục sôi động với quá nhiều “niềm riêng” của cư dân không giải tỏa. “Huế và Thơ” của “bà già Linh Mụ,” của Chiêm Quốc dật dờ trong nhan sắc Huyền Trân, của nén hương thắp bởi chúa Nguyễn Hoàng khi Chúa đi dọc bờ Sông Hương cho đến khi tắt nhang thì Chúa mới dừng chân nhắm đất xây hoàng thành, đã bị chính trị hóa trong lịch sử hiện đại đẫm máu của dân tộc Việt.

Cha tôi từ Anh về nước trong hoàn cảnh lịch sử ấy, với mảnh bằng Thạc Sĩ, chuyên môn về Ðông Nam Á.  Ông ngoại tôi, một công chức từ thời vua Bảo Ðại, từ chức về quê ở miền làng mạc chung quanh Huế, sau Ðập Ðá. Nhà tôi ở phố Phủ Cam gần sông Bến Ngự chỉ còn cha mẹ tôi, cô tôi, ba chị em chúng tôi cùng với hai người vú em cho hai đứa con nít.  Dĩ nhiên tôi không có vú em, vì vú em của tôi chính là cô Yến, người con gái Sơn Tây ngâm Cái Ngủ và Kim Vân Kiều cho tôi say giấc những buổi chiều yên lặng trong lòng cố đô.

Lẽ ra cha tôi phải thật vui mừng đã công thành danh toại sau những ngày xa vợ con vì du học triền miên, nhưng ở Huế, đôi mày của cha tôi cau lại, đem đến cho mẹ tôi và cô em gái lớn, Cô Yến, những “nỗi niềm” riêng.

Huế bình yên, hay Huế của niềm riêng?” Tôi lại viết xuống. Niên khóa 1963-64, đứa bé con là tôi cảm nhận được thay đổi này, tự nhiên cũng mang theo những nỗi “niềm riêng” của chính tôi, mà tôi chưa đủ trí khôn để hiểu hay diễn tả.

Cha tôi được phái về Ðại Học Văn Khoa Huế, trông coi việc huấn luyện Anh Ngữ thực hành cho sinh viên, trong khi chờ sự vụ lệnh mới từ Saigon. Tại Ðại Học Văn Khoa, ông gặp một vài trí thức Việt Nam mà ông coi là tri kỷ, thí dụ Giáo Sư V. (tài năng yểu mệnh, được một số người Việt bây giờ coi là “thiên tài của phê bình văn học,” “Vô Kỵ Giữa Chúng Ta,” và học giả A, nhà sử học Việt Nam của thế giới.) Qua cha tôi, tên các vị ấy giúp tôi chập chững bước vào thế giới của trí thức miền Nam rất sớm, khi tuổi tôi còn thơ dại.

Xem thêm:   Tuyết lạnh bên trời

Những đêm mưa phùn lả tả trên mái nhà, cha tôi thường thức dậy đứng nhìn ra cửa sổ, và ở chiếc giường gỗ con nít nhỏ, tôi cũng tỉnh giấc theo, dõi mắt nhìn tấm lưng mảnh khảnh của cha tôi.  Ðể giải sầu, cha tôi quay về với âm nhạc và hội họa. Chiều Chủ Nhật ông thường kéo đàn phong cầm bên cửa sổ, theo tiếng mưa rơi của xứ Huế, trong khi hàng xóm thuê căn gác trên lầu nhà chúng tôi, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, sáng tác Lời Buồn Thánh trong căn gác hẹp và tối của ông, ngay trên… “đầu” của chúng tôi!!! Mẹ tôi và bà ngoại tôi đôi khi dẫn tôi lên căn gác ấy, và tôi, đứa trẻ con lên sáu, tò mò nhìn vào bóng tối của Trịnh Công Sơn (dĩ nhiên lúc đó, ông không hề biết tôi… hiện hữu!).

Và cũng để giải sầu, cha tôi theo hai họa sĩ, Ðinh Cường và Hiếu Ðệ, đi vẽ tranh. Một lần cha tôi đem về nhà bức tranh ông vẽ cảnh rêu phong của hồ sen Thành Nội, gần Ngõ Chi Lăng. Một lần khác, ông đem về nhà bức tranh của họa sĩ Hiếu Ðệ, vẽ chiếc thuyền con úp ngược trên bãi cát Thuận An. Tôi vẫn nhớ mãi hai bức tranh đó như thể chúng đã in vào trí óc tôi, chống đối với thời gian để tồn tại… và trở thành ký ức không thể nào phai nhạt…

… Cũng chẳng khác chi ký ức về tấm hình đứa con gái lên 10 ngây thơ nép vào anh Cả.  Cả hai đều ốm nhom, nhưng hình ảnh hai anh em mang một nét thanh tao nào đó của đất Bắc nghìn năm văn vật, đã đóng cửa lại sau cuộc di cư  1954…

o O o

Một buổi chiều mưa phùn, tin dữ đến: ban quản trị trường Ðồng Khánh báo cho gia đình tôi biết: mẹ tôi đã xỉu trên bục gỗ, trong lớp. Cái “niềm riêng” của Huế có tác động đến như vậy ư? Tôi bồi hồi nhớ lại.  Dĩ nhiên là cha tôi vội vã thay quần áo, bước ra cửa. Tôi khóc nhè đòi theo cũng chẳng được. Cô Yến tôi ở nhà với ba chị em và hai người vú. Dĩ nhiên là cô Yến tôi làm công tác “ru em.” Tôi lại trở thành “Cái Ngủ.”

Cái ngủ mày ngủ cho ngoan

Mẹ mày đi cấy đồng hoang chưa về

Không, không, không:

Mẹ mày tuy xỉu, bình an sẽ về…

Tôi cứ việc ngủ say, vì mẹ tôi có phải đi cấy đồng hoang đâu mà tôi phải lo sợ. Tôi còn có cô Yến ở đây. Mẹ tôi sẽ bình an trở về.

o O o

Khi tôi tỉnh giấc, thì trời đã chạng vạng tối. Bà vú để dành bát cơm với thịt kho và “legumes” cho tôi. Mẹ tôi đã bình an trở về, cùng với cha tôi. Bà mệt, buồn, nhưng không đau yếu gì cả. Bà vú bảo mẹ tôi bị bệnh kiệt sức mà thôi.  Ăn bát yến thì lại sức mấy hồi?

À, còn chuyện ăn bát yến nữa. Cô tôi tên Yến, và tổ chim Yến ngoài khơi, ở các đảo hoang, là đại bổ, phục hồi sức khỏe cho những ai kiệt sức. Ông bà ngoại tôi đã từng giải thích như thế.  Ðể nấu yến, cô tôi hay bà vú phải ngồi lấy cái nhíp gắp hết những nhánh lông chim yến ra khỏi bát yến đã được ngâm nước, rồi đem chưng với đường phèn nguyên chất.

Xem thêm:   Arkhom

Mẹ tôi chắc đang ăn yến để lại sức, vậy thì cô Yến tôi đâu?

Hai bà vú chẳng trả lời.

Chết rồi, cô tôi đâu? Tôi sắp sửa khóc nhè.

“Ðạp xe dưới mưa, chắc đi lấy chồng rồi,” Bà vú bảo.

Ðời nào có chuyện như vậy? Cô tôi đi lấy chồng như công chúa trong “Ngàn Lẻ Một Ðêm” mà tôi đang đọc ư? (Xin khoe với độc giả, con nhà giáo cho nên tôi biết đọc sớm lắm.)  Chắc chắn cô tôi phải xin phép cha mẹ tôi mới được đi, và cô phải báo cho tôi biết chứ? Ai ru tôi ngủ đây?

Cả nhà yên lặng như tờ, mà cô tôi thì vẫn biệt dạng. Cha tôi thì khó đăm đăm và rồi ông đóng cửa phòng ngủ. Sự căng thẳng tiếp tục, cho đến khi cánh cổng hàng rào xanh ngoài sân động đậy, tôi nghe tiếng mở, đóng, xộc xệch. Từ cửa sổ, tôi thấy cô tôi đang đẩy xe đạp vào sân trước.  Tôi cả mừng chạy ra đón.  Cô Yến tôi ướt nhẹp trong mưa, áo dài dính đầy bùn, mắt mũi và chân tay rướm máu, Vạt áo dài thì rách. Cặp kính cận nứt bể. Nhìn cô tơi tả như con chim Yến bị thương trong mưa gió. Tôi òa khóc, thì cô tôi đưa tay ra hiệu, “suỵt suỵt, im” rồi cô lặng lẽ rón rén bước vào nhà. Nước mưa nhỏ xuống trên sân gạch hoa phòng khách.

Cánh cửa phòng ngủ cha mẹ tôi vẫn đóng. Cha tôi không biết là em gái đã về. Chẳng có vẻ gì là cô tôi đã trốn nhà đi lấy chồng như công chúa của Ngàn Lẻ Một Ðêm. Tôi đau xót nhìn những vết trầy trên tay chân đẹp đẽ và khuôn mặt màu nắng chiều của cô tôi. Chắc cô tôi đau lắm. Thay áo xong, cô chẳng nói chẳng rằng, lặng lẽ ngồi trong góc nhà, nước mắt chảy dài hai bên má. Cô khóc thút thít. Ðôi mắt Sơn Tây sưng húp thêm. Còn tôi thì bắt đầu khóc nức nở. Ðến nỗi tôi bị “nấc cụt” không ngừng khóc được nữa. Cô tôi năn nỉ tôi đừng khóc và đừng để cho bố tôi biết cô tôi đã bị thương vì té xe đạp trong trời mưa như trút nước. Bố tôi sẽ thất vọng la rầy vì cô tôi “ngu” quá. Cô tôi rất sợ làm buồn lòng cha tôi.

o O o

Sự hồi tưởng của ký ức rất nhiều khi có lỗ hổng. Tôi không còn nhớ cha tôi đối xử ra sao tối hôm ấy, và có trừng phạt la mắng cô em gái hay không. Nhưng tôi lại nhớ rất rõ hình ảnh cô tôi tóc ướt tả tơi mà ngồi khóc âm thầm ở góc nhà. Cô không dám khóc lớn ra tiếng.

Tôi không còn nhớ vì sao tôi biết chuyện gì đã xảy ra.  Số là, cô tôi lo lắng mẹ tôi bị xỉu, và cha tôi đi quá lâu. Thế là sau khi tôi ngủ say, cô tôi mặc áo dài, quyết định đạp xe trong mưa đến trường Ðồng Khánh để xem tình hình như thế nào, vì cô quá nóng ruột. (Dĩ nhiên thời đó chưa có… điện thoại cầm tay.) Áng mây chiều trong giông bão, trời mưa ướt nhòa kính cận, cô tôi đạp xe té vào dây kẽm gai của trại lính ở bên tường một khu biệt thự, trên con đường đến trường Ðồng Khánh. Cô tôi gần như ngất xỉu trong mưa, không biết bao nhiêu phút, trầy hết tay chân mặt mũi, nhưng khi tỉnh phải lồm cồm bò dậy, tự gỡ mình ra khỏi dây kẽm gai, lại phải “cứu” cái xe đạp nằm tênh hênh trong hàng rào dây kẽm gai, rồi chịu đau trèo lên xe đạp để về nhà trước khi trời tối. Ðau đớn tấm thân cô chẳng kể, chỉ lo cho anh chị, và lại lo sợ bị cha tôi la mắng vì cô tôi đã hành động nguy hiểm, không suy xét, như đứa em gái “ngu muội” làm anh Cả thất vọng.

Xem thêm:   Tự thú

Ký ức chỉ tới đó. Tôi không còn nhớ chi tiết những gì sau đó, nhưng rút cục thì cô tôi cũng lành các vết thương, không để lại sẹo, vì chiếc nón bài thơ của nữ sinh Huế và cái áo đi mưa bằng nylon đã che chở phần nào cho cô tôi.

Thế nhưng, từ đó…

…Từ đó tôi hiểu ra rằng người phụ nữ Việt Nam che giấu những “niềm riêng,” hy sinh tình cảm mình để nghĩ đến tình cảm người thân yêu, và thế nào là ý nghĩa Khổng Mạnh của “quyền huynh thế phụ” trong một gia đình gia giáo và nề nếp. Cô tôi rất sợ và thương cha tôi.  Cô gái nhỏ mặc áo dài trắng đứng tựa vào anh, đi xe đò với anh từ Saigon ra Hội An để gặp chị dâu mới, và bắt đầu xa cách cha mẹ, để rồi anh Cả và người chị dâu xứ Thần Kinh trở thành bậc cha mẹ trông nom cô qua quyền huynh thế phụ. Cô tôi lớn lên như thế, người con gái Bắc ở xứ Huế êm đềm.

Từ đó tôi hiểu rằng giá trị phụ nữ Việt Nam trong văn hóa Khổng Mạnh nằm ở sự kiên trì của tính yên lặng. Ký ức đã hụt hẫng phai mờ, tôi không còn biết chuyện gì xảy đến sau khi cô tôi té vào kẽm gai trong mưa, ngày hôm sau và ngày sắp tới, nhưng cái tôi nhớ rất rõ, là buổi tối trời mưa ấy, cô tôi chịu đau, khóc thầm trong yên lặng.

Mẹ tôi cũng yên lặng.

Hai bà vú cũng im lặng.

Chỉ có tôi, con bé khóc nhè, là không yên lặng mà thôi. Có lẽ vì thế mà cô tôi phải ru cho tôi ngủ mỗi ngày, để tôi khỏi khóc. Tôi là “Cái Ngủ” của cô Yến tôi (như cô đã từng là “Cái Ngủ” của bà nội tôi ở trung du Sơn Tây, xứ Bắc):

Cái ngủ mày ngủ cho ngoan

Cô mày té giữa đồng hoang đã về

(còn tiếp)