Sách là cầu nối giữa con người với xã hội, giữa hiện tại với quá khứ, đôi khi giữa hôm nay với ngày mai. Sách, với trẻ em càng quan trọng vì là sự vun bồi đi từ ngây thơ đến nhận thức. Sách cho trẻ nhỏ một thế giới riêng ngay trong gia đình, tuy nhỏ bé nhưng mênh mông trí tưởng và, giúp đứa bé quen với những gì không nắm được bằng tay mà bằng ý nghĩ. Sách, là cuộc du ngoạn. Sách thiếu nhi, khởi đầu hành trình.

Tháng 6 năm 2022 truyện dài Đu đưa trên ngọn cây bàng của Nguyễn Hoàng Diệu Thủy đoạt giải thưởng Khát Vọng Dế Mèn của báo Thể thao & Văn hóa. Là giải thưởng hàng năm dành tôn vinh các tác giả viết cho thiếu nhi.

Nguyễn Hoàng Diệu Thủy sinh năm 1980 tại Thái Nguyên, hiện sống tại Hà Nội và làm biên tập viên cho công ty Nhã Nam. Tác phẩm đầu tay là tạp bút Trong vòng tay mẹ, xuất bản năm 2021. Đu đưa trên ngọn cây bàng là cuốn sách thứ hai.

Với bạn đọc của tuần báo Trẻ, Nguyễn Hoàng Diệu Thủy không xa lạ, là cộng tác viên thường xuyên đã từng góp mặt với các văn phẩm: Đọc Trư Cuồng của Nguyễn Xuân Khánh, Nguyễn Thị Hoàng – Nhà văn của bản ngã đam mê, Nhật ký Corona Hà Nội, Đọc Dịch Hạch của Camus, Kiểu gì Tết nó vẫn đến (tạp bút), Chích.. Chích.. (chuyện mâm gà luộc cúng Tết) v.v.

Đu đưa trên ngọn cây bàng là câu chuyện của một cô bé ở vào lứa tuổi ô mai, sinh sống ở một miệt quê không xa thị tứ. Bối cảnh nửa chợ nửa quê, không hoàn toàn đồng ruộng tuy vẫn có những luống rau, những ngọn đồi, những rặng phi lao nhưng cũng có phố không xa, xe máy với các cửa hiệu vun mơ ước. Thời điểm truyện ở vào lúc mới dứt Bao Cấp, đang Đổi Mới, vừa Mở Cửa, hết Cấm Vận tuy hãy còn thiếu thốn. Chính thời điểm ấy kết nối hy vọng vào với khốn khó.

Nguyễn Hoàng Diệu Thủy, ảnh chụp ở Hà Nội, 2022 

Văn của Nguyễn Hoàng Diệu Thủy thoăn thoắt, đôi khi nghịch nghợm với cá tánh con trai rồi vụt ý nhị duyên ngầm. Tác giả biết giữ sự thành thật non nớt tự nhiên của một cô bé lên mười một. Đứng về cấu trúc, Nguyễn Hoàng Diệu Thủy phác  họa nỗi niềm của cô bé với cha mẹ thành những trang nhật ký xen kẽ tạp kịch, đôi lúc là chuyện kể, khi khác như một thoáng hồi ức, lúc khác như một cảnh phim dã ngoại sống động. Chính cách thức thay đổi lớp lang liên tục này với nhiều hoạt kê, nhiều tình huống gây xúc động đã níu tay người đọc.

Ưu điểm khác, tác giả biết tách ra khỏi thể truyện đẫm tính tuyên truyền của các cô bé giao liên Mai Thị Sáu, nữ sinh anh hùng Trần Bội Cơ, nữ giao liên biệt động Trần Thị Thu Nguyệt mà báo Hà Nội Mới viết: “Lên 14 tuổi, Nguyệt đã tìm đường theo cách mạng. Từ cô bé giao liên chuyển thư từ mật, Thu Nguyệt chuyển vũ khí vào Sài Gòn và sau đó trực tiếp đánh Mỹ.” – để trả tuổi thơ về cho tuổi thơ. Đu đưa trên ngọn cây bàng là truyện của lứa tuổi Mai Bê Bi miền Bắc.

Khác biệt giữa truyện dài và truyện ngắn nằm ở đâu? Nếu thử tìm câu trả lời, bằng vào dung lượng lớn, truyện dài giúp quyến luyến nhân vật. Truyện ngắn, vì quá ngắn, người đọc chưa kịp sống đã hết truyện. Truyện ngắn làm bật lên một cảnh đời thái lát bằng dụng công kỹ thuật và thủ pháp nhưng không nhất thiết bằng sự tương giao với nhân vật. Đu đưa trên ngọn cây bàng là truyện dài, và trong thể loại này, Nguyễn Hoàng Diệu Thủy thành công khi làm người đọc bịn rịn với bộ ba Kiên-Thủy-Linh.

[Trần Vũ]

Xem thêm:   Miệng Nhà Quan ngày 7 tháng 3 năm 2024

(Bạn đọc có thể đặt mua qua tusachtre.com, giá bán 5$ từ VN chưa cước phí)

Nguyễn Hoàng Diệu Thủy

Đu đưa trên ngọn cây bàng

(trích đoạn)

Sáng hôm ấy đang học ở trên lớp thì có một người đàn ông đến xin cô giáo cho đón cái Linh về sớm. Trông mặt người đàn ông và cả cô giáo đều rất nghiêm trọng.

Trưa đi học về, tôi nghe phía nhà cái Linh có tiếng kèn đám ma, lác đác những người đeo khăn tang trắng.

Mẹ tôi nói, cô Oanh mẹ cái Linh sẩy thai, bị băng huyết, mất rồi.

Tôi lao bổ sang nhà nó. Cái Linh ngồi trong lòng một bà bác, người cứ oặt ra như tàu lá chuối héo. Mắt nó sưng vù nhưng giờ ráo hoảnh, chắc nó đã khóc cả buổi sáng. Bố nó ngồi phía bên kia, trông phờ phạc như một khúc gỗ mục.

Tôi đứng nhìn nó qua cửa sổ và òa lên nức nở. Tôi chưa tưởng tượng được điều gì kinh khủng như thế bao giờ. Tôi nghĩ đến mẹ tôi, mẹ mà làm sao thì tôi chết mất. Có những đêm tôi nằm mơ mẹ chết, tỉnh dậy mà khóc ướt đẫm gối. Thế mà điều kinh khủng ấy lại xảy đến với cái Linh, làm sao nó chịu đựng nổi.

Thằng Kiên cũng đến, hai đứa ngồi bệt xuống dưới chỗ cửa sổ. Những bóng người đi qua trước mắt tôi nhòe nhòe, nhòe nhòe.

Suốt cả buổi chiều tôi chẳng làm được việc gì, chỉ nghĩ về cái Linh. Biết phải an ủi nó thế nào? Tôi gấp 5 con bướm xinh xinh bằng giấy thủ công, xanh, đỏ, trắng, tím, vàng, xâu dọc vào một sợi chỉ, con bướm to nhất ở trên cùng, con nhỏ nhất ở dưới. Buổi tối tôi mang xâu bướm sang nhà cái Linh. Cái Linh nằm thu lu trong góc giường, bác nó bưng bát cơm ngồi cạnh đang cố dỗ nó ăn. Thấy tôi vào nó không hề động đậy, ánh mắt chẳng nhìn vào đâu. Tôi treo lên song cửa sổ phía trước mặt nó sợi dây con bướm đung đưa. Mọi khi thì nó đã reo lên “đẹp thế!”. Tôi ngồi xuống giường cạnh nó, định nói câu gì đó mà thấy cổ họng nghẹn cứng.

Cuối cùng không chịu nổi nữa tôi chạy vụt ra ngoài. Thằng Kiên đã đứng ở ngoài sân từ bao giờ thấy tôi bèn chạy theo. Tôi đi như lao tới chỗ cây cầu bé xíu cuối xóm thì ngồi thụp xuống, òa khóc. Thằng Kiên ngồi bên cạnh cúi đầu lặng im.

Mười giờ sáng hôm sau mọi người đưa mẹ cái Linh ra nghĩa trang. Quan tài được ô tô chở đi theo đường cái, còn tôi, thằng Kiên với Lệ Dung cùng mấy cô bác trong xóm đi bộ theo đường ruộng phía sau nhà tôi để tới nghĩa trang. Tôi chưa khi nào đi xa về hướng này như thế.

Từ trên ô tô xuống, cái Linh đang được một bác trai cõng trên lưng, chắc nó không đi nổi nữa. Khi chiếc quan tài hạ xuống lòng đất, tiếng khóc lại dậy lên. Mắt tôi mờ đi, tôi vẫn không thể tin là không bao giờ còn được thấy cô Oanh nữa. Tôi thương cái Linh quá chừng.

[…]

Mấy hôm sau đám tang, cái Linh trở lại lớp học, lặng im như đá. Da nó xanh xao, khuôn mặt không biểu lộ chút cảm xúc nào. Chẳng biết dùng lời nào an ủi, tôi vẽ tặng nó bức tranh hai chú cún con đeo nơ xinh xắn cùng xách một cái giỏ hoa hình trái tim với lời đề tặng: “Mãi mãi bên nhau”. Nó cảm ơn rồi cũng không nói gì thêm. Nó xa lánh tôi với thằng Kiên, đi học không muốn về cùng, lúc ở nhà tôi mò sang chơi thì nó kêu bận không muốn nói chuyện. Bỗng nhiên cái Linh lí lắc đỏng đảnh trở thành nghiêm trang. Kết quả học tập của nó không hề giảm sút, thậm chí còn tốt lên khiến tôi ngạc nhiên. Nó giơ tay phát biểu, rồi xung phong lên bảng trả bài liên tục. Giờ ra chơi nó không chạy nhảy mà toàn ngồi tại chỗ. Bỗng nhiên nó cứ như một bà già, tôi với thằng Kiên và cả bọn bạn trong lớp cứ như thành trẻ trâu hết trong mắt nó.

Xem thêm:   Con gấu ngựa

Tôi mang sang nhà cho nó cuốn truyện Cánh buồm đỏ thắm, mấy hôm sau nó trả lại không nói thêm câu nào, không biết có đọc không. Mọi lần ấy à, hai đứa sẽ bàn tung giời về cuốn sách đọc chung. Nó không chơi trò gì với chúng tôi trong xóm vào cuối tuần nữa. Tôi phát ngại không dám rủ nó nên xúi mấy đứa khác sang gọi. Nó lạnh lùng bảo “mất thì giờ”. Không biết nó làm gì ở nhà suốt cả ngày như thế. Tôi bắt đầu thấy hơi cáu.

Tôi hỏi cô Mai Thi xem liệu tôi nên làm gì nữa. Cô bảo cứ để ý đến cái Linh như vậy là được rồi, nhưng phải kiên nhẫn, đừng bỏ rơi bạn trong lúc này.

Cây khế góc vườn nhà thằng Kiên dạo này vắng tiếng cười của ba đứa. Không có cái Linh, tôi chẳng còn muốn leo lên ngồi vắt vẻo trên cây khế đó nữa. Bữa tiệc cào cào vừa mới đây thôi mà tưởng như đã là xa lắm rồi.

Tôi trèo lên cây bàng ngồi ôm cái ngọn cây như mọi khi, nhưng không lắc qua lắc lại, chỉ ngồi im ngắm nhìn mảng màu xanh lam vời vợi trên cao và mảng màu xanh lục bát ngát xa tít. Một làn gió nhẹ thổi tới, ngọn bàng khẽ đung đưa và những chiếc lá to xanh bóng lay động như thể đang vỗ về an ủi tôi dịu dàng. Giá cái Linh chịu trèo lên đây thì nó sẽ thấy rất dễ chịu cho mà xem, nhưng bây giờ lôi nó ra khỏi nhà khó quá.

Chuyện này chẳng biết kéo dài tới bao giờ, hay là cứ mãi như thế?

[…]

Ngày cúng bốn mươi chín ngày cô Oanh, cái Linh không đi học. Chiều tôi sang nhà tìm nó để đưa vở chép bài, thì bố nó bảo không biết nó chạy đâu mãi chưa thấy về, nên đang định đi tìm nó.

– Cháu biết nó ở đâu. Ðể cháu đi cho!

Bố cái Linh nhìn vào mắt tôi, tay nắm lấy vai tôi:

– Chú… cảm ơn!

Tôi gật đầu, thấy cay cay sống mũi.

Tôi chạy sang nhà thằng Kiên rủ nó đi cùng, vì tôi biết cái Linh đang ở đâu rồi. Hai đứa chạy lên triền đồi phía sau nhà bà Cầu, Lệ Dung lao theo. Từ chỗ này có thể nhìn thấy xa xa khu nghĩa trang mà mộ mẹ cái Linh đặt ở đó. Ba đứa từng lên chỗ này nhiều lần, mới đây còn ngồi mơ ước về tương lai.

– Tao sẽ làm họa sĩ! – Tôi nói chắc như đinh đóng cột.

Hai đứa kia trông có vẻ lác mắt lắm, vì họa sĩ là một danh từ nghe rất xa xỉ ở cái xóm trung du nghèo của chúng tôi.

– Tao sẽ bán tranh và kiếm được cả đống tiền. Rồi tao sẽ mua hẳn ba con gà về luộc đãi chúng mày, mỗi đứa một con, đã đời luôn!

Vừa nói tôi vừa tưởng tượng trong đầu cảnh mỗi đứa ôm một con gà luộc vàng ươm, ngồi chính ở chỗ này, xé ăn tưng bừng.

– Tao sẽ mở cửa hiệu uốn tóc thật to làm đẹp cho tất cả mọi người!

Cái Linh nói, chắc nó thích mái tóc xoăn của mẹ nó và ấn tượng mạnh về ngày hội Tóc mây bềnh bồng dạo nọ. Nó túm lấy một mớ tóc của tôi:

– Nhưng tóc mày bông xù như rễ tre thế này chắc chắn rất khó làm, tao phải tính tiền gấp đôi.

– Cái con ranh, chưa chi đã tính bắt chẹt bạn bè như thế hả!

Nó lại nói:

– Còn nếu thằng Kiên mà uốn tóc thì tao miễn phí.

Xem thêm:   Đại Tá Hoàng Cơ Lân – Kỷ niệm về đời lính dù

Tôi với cái Linh chưa từng nhìn thấy một người đàn ông uốn tóc ở đâu bao giờ, nên mới nghĩ đến cảnh thằng Kiên đầu xoăn tít như bị điện giật là hai đứa đã cười bò ra.

– Tao sẽ đi làm thợ sửa chữa ô tô ở xí nghiệp chỗ mẹ tao đang làm việc.

Thằng Kiên thì nói ra một cái ước mơ giản dị hơn cả cục đất, không biết đấy có phải là ước mơ không nữa.

Xí nghiệp ô tô có cái biển bên ngoài cũ xì. Thỉnh thoảng lũ trẻ xóm tôi có đi men tường bao của nó nhìn vào trong, thấy mấy cái máy móc gỉ đen gỉ đỏ, tiếng kim loại đập vào nhau cheng cheng, chẳng có gì hấp dẫn.

– Sao mày không ước mơ gì to to vào?

– Tao không biết, nhưng mà tao thích mấy cái máy móc, thế thôi.

Ðúng là bọn con trai, thật không thể hiểu nổi. Nhưng tôi chợt bật cười ha ha:

– Không khéo sau này ông Tanh hôi lại là thủ trưởng của mày cũng nên. Bây giờ mày ghét ông ấy, thì đến lúc ấy ông ấy trả thù mày chết.

– Còn lâu tao mới sợ. Vì tao kiểu gì cũng giỏi hơn ông ấy!

Ðấy, chỉ mới đây thôi ba đứa còn khắng khít tưng bừng như thế. Bây giờ thì giữa ánh chiều mờ xám, cái Linh ngồi thu lu trên sườn đồi trông đơn côi tội nghiệp như một con thỏ con. Cổ họng tôi nghèn nghẹn.

Nghe tiếng bước chân, nó không quay lại mà nói lạnh lùng:

– Chúng mày về đi!

– Tao không về – Tôi nói cứng – Tao bảo bố mày là tao sẽ đi tìm mày về rồi.

Tất cả lại rơi vào im lặng.

– Tao biết là mày buồn nhưng mà… mày vui lên được không? – Vừa dứt lời tôi đã thấy câu nói của mình ngu ngốc.

Cái Linh giọng rắn đanh:

– Bây giờ tao không muốn chơi với hai đứa mày nữa. Mất thời gian. Tao phải tập trung học hành. Trước hôm mất mẹ tao đã nói chuyện với tao rất lâu. Tao đã hứa với mẹ cho dù có bất cứ điều gì xảy ra cũng phải kiên cường, và phải học thật giỏi để đạt được ước mơ.

– Nhưng bây giờ mày cứ giống như một… một… cái cục gạch ấy. Mày nghĩ mẹ mày thích mày thành cục gạch thế này à?

Cái Linh nổi xung lên:

– Chúng mày thì biết gì? Ðứa nào cũng có mẹ, chúng mày làm sao mà hiểu được tao?

Giờ thì nó khóc rống lên. Tôi ôm lấy nó mà khóc theo. Nhưng thà nhìn nó khóc thế này còn hơn là nhìn nó trong dáng hình một cục gạch. Lệ Dung đi quanh hai đứa, khi dụi đầu khi chồm hai chân lên lưng tôi và lên lưng cái Linh, như thể đồng cảm lắm. Thằng Kiên đứng bối rối một góc, tay bứt bứt mấy cái lá cây.

Bỗng trong đầu tôi vụt lên một ý nghĩ. Tôi lôi cái Linh đứng dậy:

– Mày đi với tao! Mau!

Tôi lôi xềnh xệch cái Linh đi, thằng Kiên chạy phía sau. Ba đứa chạy ào ào trên cánh đồng lúa, rẽ sang con đường qua nhà bà Cầu, chạy ra đến đường cái, vượt qua cây cầu trắng, và ào vào nhà tôi.

Cả ba đứa thở hổn hển.

– Mẹ! – Tôi gọi.

Mẹ đang ngồi bên bàn máy khâu, ngẩng lên, chờ đợi, vì mặt tôi đang vô cùng nghiêm trọng và xúc động.

– Mẹ… – giọng tôi lạc đi – mẹ nhận cái Linh làm con nhá mẹ nhá!

Mẹ nhìn chúng tôi, nhìn mảnh khăn trắng xộc xệch trên đầu cái Linh, phút chốc mắt mẹ tôi ầng ậng nước.

– Các con lại đây! – Mẹ giơ tay.

Tôi kéo cái Linh ào vào lòng mẹ. Ba-mẹ-con cùng khóc.

Thằng Kiên quay đi chơi với Lệ Dung, tôi thấy mắt nó cũng hoe đỏ.

NHDT

Trích Đu Đưa Trên Ngọn Cây Bàng, 2022