Sau loạt tranh trên tuần san Trẻ hai tuần qua về một hiện thực thảm khốc Khmer Đỏ của Vann Nath đoạt giải thưởng cao quý Lillian Hellman-Hammett Award trong thập niên 90, câu hỏi đặt ra: Còn họa sĩ Việt Nam thì sao?

Tháng 5-1991 trên tạp chí Văn Học số 63, thời kỳ Nguyễn Mộng Giác làm chủ biên, họa sĩ Võ Đình ném tạc đạn! Phê phán của Võ Đình thẳng thừng: Các họa sĩ Việt đã sao chép hình mẫu thiếu nữ của danh họa Modigliani trong một thời kỳ dài. Cùng những cô gái mình mỏng, tay chân, cổ dài. Cho đến thời điểm 91, sự rập khuôn ấy vẫn tiếp tục… Nhận định của Võ Đình đã gây ra khá nhiều giận dữ trong giới họa. Võ Đình đúng hay sai? Nhưng vì sao ngay bản thân Võ Đình cũng từ chối vẽ tranh hữu hình? Vậy, nếu yêu cầu của Võ Đình là nghệ sĩ phải tự sáng tạo cho mình một mô-týp riêng, thì Ngọn Cỏ Gió Đùa của Hồ Biểu Chánh phóng tác từ tiểu thuyết của Victor Hugo là tác phẩm sao chép? Nhiều câu hỏi, ít câu trả lời.

Tuy nhiên, vì hội họa là một bộ môn sáng tác và trong sáng tác, cần tranh luận, Võ Đình đã làm đúng khi đặt ra những vấn đề của sáng tác. Đánh máy lại “Thằng Mô-Đi và Người nữ Việt Nam” vì nhớ Võ Đình. [Trần Vũ]

(*) Modigliani trước tác phẩm

VÕ ĐÌNH

Kỳ 1

Ðể tránh mọi bỡ ngỡ vô bổ, xin thưa ngay với bạn đọc về cái nhan đề kỳ cục của bài viết này. Ba bốn thập niên về trước, tại thủ đô Paris của Pháp-quốc đã có một số đáng kể sinh viên, “nghệ sĩ trẻ” Việt-Nam. Tuổi nhỏ, xa quê, chúng tôi vẫn giữ được phép tắc đối với những bậc tiền bối của chữ nghĩa nước nhà. Chúng tôi nhắc nhở đến tài hoa của cụ Tiên Ðiền, chí khí của cụ Sào Nam, chúng tôi trầm trồ về công lao sự nghiệp của các ông Nhất Linh, ông Hoàng Xuân Hãn…

Nhiều khi đàn đúm tán dóc về một số bậc thầy văn nghệ cận và hiện đại Tây phương, chúng tôi lại tha hồ lếu láo: chúng tôi Việt hóa tên họ và kèm theo chữ … thằng. Ở đây, chữ này không có ý sỗ sàng, vô lễ. Tuy rằng có vẻ khiếm nhã đấy nhưng nó tiềm tàng một sự cảm phục mến yêu, một lòng ngưỡng mộ thân thiết. Ðược nói đến thường xuyên là “thằng Gô” (họa sĩ Pháp Gauguin): “thằng Gốc” (họa sĩ Hòa Lan Van Gogh); “thằng Mâu” (nhà văn Anh Maugham); “thằng Xạc” (triết gia Pháp Sartre); “thằng Cộp” (diễn viên điện ảnh Mỹ Gary Cooper) v.v. Hiện diện đều đặn nhất, khuôn mặt lãng mạn nhất, thu hút nhất, mãnh liệt và rực rỡ nhất trong các buổi đấu hót của chúng tôi chắc chắn phải là “thằng Mô-đi”.

Amedeo Modigliani thường được gọi tắt thân ái là “Modi”. Ðại danh họa người Ý, gốc Do Thái, sinh ở Ý cuối thế kỷ 19, thành tài và mất ở Paris đầu thế kỷ 20. Vậy chứ “thằng Mô-đi” xa lạ này mắc mớ gì có liên quan đến người nữ Việt-Nam? Xin bạn đọc hãy nhẫn nhẫn cho: câu chuyện khá vòng vo, hạ hồi phân giải.

Người nữ, đối tượng phái tính

Cách đây vài ba năm, một nhà văn Việt-Nam ở xa đến vùng thủ đô Hoa-Thịnh-Ðốn dự buổi ra mắt bộ tiểu thuyết mới nhất của ông do các thân hữu trong vùng tổ chức. Một thính giả yêu cầu ông phát biểu đôi điều về những vai nữ trong truyện. Bà nói rằng bà đã được đọc một vài tập của bộ truyện trước rồi và nhận thấy tác giả viết về các vai nữ với một ngòi bút đặc biệt ưu ái. Các bà, các cô có vẻ như lấn át các vai nam; họ phong phú, ly kỳ hơn, và tuy được mô tả, phân tích chu đáo hơn, họ vẫn khêu gợi sự tò mò, thắc mắc của độc giả hơn. Tôi còn nhớ nhà văn thích thú ra mặt. Ông trả lời đại khái rằng bởi vì “tôi yêu người nữ”, và rồi ông thiết tha nói rõ hơn về vai trò trụ cột của người nữ trong xã hội và gia đình, về những đức tính xưa nay vẫn được coi như nét đẹp tinh thần và tâm hồn của người nữ Việt: hiền thục, hy sinh, nhẫn nại, chịu đựng, chung thủy v.v.

Xem thêm:   Trên lưng trời

Trong lúc nhà văn nói chuyện, dường như cả hội trường cùng ngồi yên chia sẻ với nhau một mối xúc động. Khi nghe nói về người nữ Việt-Nam, tức là về mẹ, chị, em, vợ, người tình… của mình với những lời lẽ như vậy, người Việt-Nam nào mà không cảm động. Nhưng tôi, tôi biết rằng trong khung cảnh của một buổi ra mắt sách, tác giả chỉ nói được có thế, chỉ nên nói có thế. Tôi nghĩ rằng ngòi bút của nhà văn này – chính tôi cũng là một độc giả trung thành của ông – khi viết về người nữ còn được thúc đẩy bởi một động cơ khác.

Hệ thống giáo dục cổ truyền, những tục lệ lâu đời, đã hun đúc cho người nữ (Việt-Nam nói riêng, Á-Ðông và thế giới nói chung) những đức tính nói trên. Ðó là một lãnh vực đạo đức, hiểu trong nghĩa giới hạn của những quan niệm, những quy ước trong một môi trường xã hội nhất định. Rắc rối thay, người nữ không phải chỉ là hy sinh, nhẫn nại v.v.  Họ là những con người, với tất cả cái thế giới phức tạp chi li của một con người.

Xin lưu ý các bạn đọc phái nam: Người nữ thật ra là thế giới bí mật nhất của chúng ta. Họ vừa là chúng ta, vừa không là chúng ta. Họ như chúng ta, nhưng họ khác với chúng ta. Và vì thế, họ thu hút chúng ta. Họ là mẹ, là chị, em, là vợ, là người tình, là bạn, đồng nghiệp, là gì đi nữa, họ vẫn là người nữ. Họ hấp dẫn. Như nam châm. E-và không nhất thiết được tạo nên từ một cái xương sườn của A-đam, và chàng chạy theo nàng, mút mùa. Dịch lý, khoa học, Ðông, Tây gặp nhau: âm dương tương khắc nhưng hòa hợp với nhau, đối nghịch nhưng thu hút lẫn nhau. Một Nửa của mỗi bên nhập lại thành Một, hiện hữu tròn đầy. Từ xa xưa, người nữ đã là đối tượng săn đón của người nam, và khi đã có văn hóa sơ khai, là đề tài lôi cuốn của nghệ thuật nam phái.

Nếu nhà văn Việt-Nam nói trên đã viết về những vai nữ trong tiểu thuyết của ông với một ngòi bút đặc biệt ưu ái, vì những lý do ông nêu ra, thì một trong những nghệ sĩ lớn nhất của thế giới hiện đại đã đem người nữ vào tác phẩm của mình vì những lý do hoàn toàn khác biệt.

Picasso không những chỉ là một danh họa, ông là một hiện tượng, một ngọn “cô phong đỉnh” sừng sững trong chốn núi non mỹ thuật, một cơn giông tố sấm sét dường như bất tận trong bầu trời hội họa. Nhưng ông từng nói một câu mà tôi không ưa chút nào cả. Ông nói: “Chỉ có hai thứ đàn bà. Một thứ để trên bệ mà chiêm ngưỡng. Thứ kia làm thảm mà chùi giày”. Không ưa là không ưa câu nói chứ tôi vẫn nghĩ rằng phức tạp và thông minh như Picasso, chắc rằng trong thâm tâm ông không suy nghĩ một cách thô thiển và thô bạo như vậy. Ðể trên bệ hay trải ở ngưỡng cửa, người nữ xuất hiện trong họa phẩm của Picasso thiên hình vạn trạng, biến hóa khôn lường, tuyệt vời phong phú. Ðông, Tây, kim, cổ, hiếm có một nghệ sĩ cống hiến cho người nữ một giang sơn lớn lao như vậy.

Xem thêm:   2 người thợ săn

Người nữ, đề tài mỹ thuật

Không phải đợi đến thế kỷ 20 – hình ảnh người nữ từng có mặt trong “mỹ-thuật-phẩm” từ thuở bình minh của văn hóa nhân loại. Mỹ-thuật-phẩm được đặt giữa hai dấu kép vì ở thời con người sơ khai còn ăn lông ở lỗ chưa có ý niệm về những gì mà ngày nay chúng ta gọi là nghệ thuật. Trong thời đại đồ đá cổ, hình ảnh tạo nên bởi bàn tay người còn là một thứ bùa chú, phép màu, có tác dụng siêu nhiên và huyền bí. Những hình ảnh nai, bò trên vách động ở Lascaux (Pháp), ở Altamira (Tây-Ban-Nha) có liên quan tới việc săn tìm và bắt giết thú vật để ăn thịt, được các nhà khảo cổ kiểm chứng là đã được vẽ bởi những “họa sĩ/phù thủy” tiền sử từ 15 ngàn đến 10 ngàn năm trước công nguyên. Ấy vậy mà ngay từ thuở xa xưa ấy, hàng trăm thế kỷ về trước, quan trọng như cái ăn mà cũng không chiếm hết năng lực của con người. Một nghệ sĩ vô danh nào đó đã tạc nên một bức tượng nhỏ hiện được cất giữ ở bảo tàng viện Vienna, Áo quốc, và gọi là “Vệ nữ ở Willendorf”.

Ở con người tiền sử, ý niệm về nghệ thuật chưa có, nhưng người nữ đã được xem như điển hình của ý niệm về sự sinh sôi nảy nở. Dưới mắt của chúng ta ngày nay, “Vệ nữ” không “đẹp”, không “cân đối”, không “yểu điệu”. Hình dáng nàng cực kỳ thô kệch, nặng nề, cục mịch. Mỗi phần thân thể nàng là một khối tròn trịa, mum múp, căng phồng. Toàn thân nàng là tổng hợp những “mầm sống” to tướng, dữ dằn. “Vệ nữ” không đi săn thịt. Nàng thịt. Thịt sống. Cả đống. Người nữ sơ khai đón nhận, lưu trữ, nuôi dưỡng, nảy nở, sinh sôi. Chắc rằng các đấng nam nhi thời cổ thạch khí ưa thích đàn bà của họ như vậy.

Thời gian đếm bằng thiên niên trôi qua, trôi qua. Văn minh nhân loại tiến bộ dần dần. Ba ngàn năm trước Công nguyên, những tượng đá Sumer (thuộc văn hóa Mesopotamia cổ, bao gồm Assyria và Babylonia, tức là vùng Iraq, Kuwait ngày nay) cũng phô trương những đường nét tương tự, đề cao thiên chức của người nữ: mang thai, sinh nở, với hai đầu vú căng chướng để nuôi con. Nền điêu khắc Ai-Cập ở đệ tam và đệ nhị thiên niên trước Công nguyên đã đi quá thời kỳ “tượng trưng” đến thời kỳ “tả chân” hơn: Tượng vợ vua Menkaure (năm 2575 trước Công nguyên), hay hoàng hậu Nefertiti (năm 1360 trước Công nguyên) chứng tỏ người nữ đã được chiêm ngưỡng không chỉ như là một cơ thể sinh dục mà còn như một người đẹp, xác định những tiêu chuẩn thẩm mỹ cho bao thế kỷ sau. Từ đệ nhất thiên niên trước Công nguyên trở về sau, người nữ trong nghệ thuật tạo hình càng ngày càng đông đảo, càng rực rỡ. Một ngàn năm trước Công nguyên, những ngôi mộ cổ (kofun) ở Nhật-Bản cất giấu những tượng nhỏ các bà các cô đeo dây chuyền cổ và bông tai vĩ đại! Cùng thời với Ðức Phật Thích Ca, ở Hy Lạp đã đầy rẫy hình ảnh những người nữ đẹp đẽ, vạm vỡ dưới tên gọi thánh mẫu Gaea, nữ thần Leda, Aphrodite… Xê dịch vài trăm năm thời Chúa Giê-su tại thế, ở Ấn-Ðộ các tượng đá Yakshis (nữ thần biểu tượng cho sự phì nhiêu, sinh sôi nảy nở) được các điêu khắc gia vô danh cúng dường những hình dáng lấy từ người đẹp vốn được yêu chuộng ngoài đời: mắt lá liễu, môi sưng mọng, cổ, vai và tay tròn lẳn, ngực nở lớn, hông cao đầy, đùi và chân thon dài…

Xem thêm:   Hang gấu

Từ Ðịa-Trung-Hải qua Hồng-Hải, sang Ấn-Ðộ-Dương, nữ thần và nữ nhân chung sống trong quan niệm nghệ thuật, tuy hình thức mỗi nơi có khác biệt do những điều kiện văn hóa, địa lý, nhưng cùng đặt căn bản trên sự chiêm ngưỡng năng lực và sự sinh tồn. Không có gì, không có ai biểu hiện căn bản đó một cách sung mãn như người nữ, bất kể nàng còn khoác tấm da thú hay đã biết bôi môi son và đeo bông tai (những tục người nữ yêu chuộng từ mấy ngàn năm trước Công nguyên).

Tuy nhiên, trong lịch sử cổ sơ hàng ngàn năm trước Công nguyên, chỉ có nền văn hóa vùng lưu vực sông Hoàng-Hà là không để lại những hình ảnh người nữ như độc quyền tượng trưng cho sự sống phì nhiêu. Mãi đến đời Ðông-Hán (thế kỷ I-III sau Công nguyên, tức là đại khái đồng thời với những tượng khỏa thân tuyệt vời của Ấn-Ðộ) thì bên Tàu chỉ có những tượng sành nhỏ, hình các phu nhân, mệnh phụ, có tính cách bày biện trang trí, không mang ý thức người nữ như một thực thể bằng xương bằng thịt. Phải chờ đến nhà Nguyên (đời Trần ở Việt-Nam), thời kỳ hoàng kim của hội họa vẽ người và vật của Tàu, để có được người nữ đó trong bức họa của Tiền Tuyển vẽ Dương Quý-Phi. Ôi, phải ngắm người đàn bà mặt ngọc mày ngài đang được thị nữ dìu lên ngựa mới thấy được phần nào nỗi đam mê của Ðường-Minh-Hoàng! Trong một bức tranh thời kỳ nhà Thanh (thế kỷ 18) nàng Thôi Oanh Oanh của Tây Sương Ký tiêu biểu cho truyền thống “mai cốt cách tuyết tinh thần”, trong lúc ở Nhật-Bản những đại danh họa chuyên trị đề tài phụ nữ trong nghệ thuật mộc bản như Toyokuni và Utamaro cũng sản xuất hàng loạt những bijin (mỹ nhân) thướt tha, e ấp trong những bộ kimono tuyệt diễm.

Ðồng thời, ở Âu Châu thì ôi thôi, người nữ … trăm hoa đua nở. Chẳng những các bà, các cô Tây phương chưng diện lộng lẫy như Dương Quý-Phi, như Thôi Oanh Oanh, mà họ còn khơi khơi thoát y, tiếp tục truyền thống tự nhiên lõa thể bắt nguồn từ hai nền văn hóa Hy-Lạp xa xưa. Mà nói đến người nữ trong hội họa thì không thể không nhớ đến cây cọ vĩ đại của thế kỷ XVI như Boticelli, Titian, thế kỷ XVII như Rubens, Poussin, thế kỷ XVIII như Watteau, Boucher, thế kỷ XIX như Igres, Manet, cuối thế kỷ XIX đầu XX như Renoir, Gauguin và sau đó, những thiên tài hiện đại như Picasso, như Matisse, như … “thằng Mô-đi”! Vâng, như “thằng Mô-đi”. Nhưng trước khi đem cái “thằng” này ra hỏi han, thiết tưởng cũng nên quay lui lại một đoạn đường để nhìn tận mặt người nữ trong thế giới mỹ thuật Việt-Nam ta cái đã. Chúng ta chưa quên sự liên hệ giữa Modigliani và người nữ Việt-Nam. (Còn tiếp 2 kỳ)

Washington D.C

Trần Vũ đánh máy lại tháng 10-2019 từ bản in trên Tạp chí Văn Học số 63 tháng 5-1991, trang 18 đến 32.

(*) phụ bản tranh Modigliani với các người mẫu Jeanne Hébuterne, Lunia Czechowska và tranh Thái Tuấn.