Farewell, Rabaul until you come again

After a while, the tears of tears bleed

If you look at that island

A cross star in the shade of a palm leaf

The ship leaves

My daughter’s handkerchief

Crying out of my voice

Thank you for your hands

The night that I can’t sleep with the splash of waves

On the deck

If you see that star

Tobacco is also bittersweet

Red sunset sinks into the waves

Where is the horizon?

Today is the South Sea route

Male sailor gull bird…

“Saraba, Rabauru-yo, mata kuru made wa…”, “Vĩnh biệt Rabaul, cho đến khi anh trở lại…” là ca khúc vang trên sóng Thái Bình Dương trong suốt thế chiến, nổi tiếng ngang với “Lili Marleen” của Lục quân Đức trên chiến trường Âu châu. Bản dịch Anh văn sau chiến tranh còn lưu trữ thanh âm buồn bã qua các ca từ tắt ngấm hy vọng. Là tâm trạng của Hara ngày rời Rabaul. [Trần Vũ]

Bản dịch Nguyễn Nhược Nghiễm

Chương XXXXIII

Vào ngày 3 tháng 11, chiếc tàu ngầm RO-104 về đến Rabaul với các thủy thủ sống sót của tuần dương hạm Sendai. Tôi đứng đón chờ những kẻ may mắn trở về. Nhìn Ðề đốc Ijuin bước lên cầu tàu không ai là không động lòng. Tôi bước ngay đến ông và cất lời xin lỗi đã không đáp ứng lời yêu cầu giúp đỡ của ông trong đêm thủy chiến vịnh Nữ hoàng. Trong sự xúc động lớn lao, ông cất tiếng: “Ðừng nói như vậy, Hara. Hành vi của tôi vừa qua đã khiến tôi xấu hổ. Ðừng bao giờ lặp lại những lời mà anh vừa nói. Anh đã hành động đúng.”

Vài ngày sau Ijuin trở về Tokyo. Sau một vài tháng nghỉ ngơi, ông quay lại Nam Thái Bình Dương và chiến đấu rất dũng cảm. Vào ngày 24 tháng 5 năm 1944, ông thiệt mạng trong khi chỉ huy hải lực hộ tống một đoàn tàu chuyển vận. Soái hạm Iki của ông bị tàu ngầm USS Raton của Hoa Kỳ phóng ngư lôi đánh chìm, ở phía Bắc Saipan.

Nếu một ai tỏ vẻ nghi ngờ khả năng chiến đấu của Ðề đốc Ijuin, lời tiên đoán của ông về việc Nhựt Bản sẽ sụp đổ sau khi để cho Bougainville rơi vào tay địch lại tỏ ra chính xác một cách lạ lùng.

Vì thời tiết, cuộc không kích Rabaul của đối phương vào ngày 2 tháng 11 chỉ gây chút ít thiệt hại, nhưng 3 ngày sau đó tai biến mới thực sự xảy ra. Người Mỹ đã xem cuộc không kích Trân Châu Cảng của Nhựt như là một thảm họa đối với họ, nhưng cuộc không tập vào ngày 5 tháng 11 của họ lại là một thảm họa to lớn hơn đối với Nhựt. Một hạm đội bao gồm đa số tuần dương hạm nặng, được giữ gìn như báu vật hơn một năm nay, bỗng tan tành chỉ trong một ngày. Làm sao một việc như vậy có thể diễn ra?

Sự thiêu hủy Rabaul ngày 5 tháng 11-1943 đã làm lu mờ trận đánh đầy bi thảm ở vịnh Empress Augusta, khiến cho không còn ai nhắc nhở đến nữa. Trận đánh bị lãng quên này lẽ ra phải dạy cho Nhựt nhiều bài học quý giá. Các sai lầm được lặp lại, và lặp lại cho đến khi trở thành tự sát.

Ðáng lẽ qua trận đánh vịnh Nữ hoàng, Nhựt phải biết rằng các nỗ lực thám thính của mình đã vấp phải nhiều khiếm khuyết. Không phải chỉ phóng một vài chiếc phi cơ lên trời với các mục đích thám thính là đủ, mà cần đòi hỏi các phi công đầy đủ kinh nghiệm lái các phi cơ đó. Bộ Tư Lịnh Tối Cao chắc hẳn phải biết điều này, nhưng chỉ vì tình thế không cho phép cải thiện.

Nếu các phúc trình chi tiết liên quan đến trận hải chiến ở vịnh Empress Augusta không bị thêm thắt để đánh lừa Bộ Tư Lịnh Tối Cao, chúng tôi sẽ không bao giờ dám đổ lỗi sự sụp đổ Rabaul cho thượng cấp. Còn nhiều yếu tố lừa dối khác sau trận đánh. Chẳng hạn như tàu ngầm RO-104, trong phúc trình về công cuộc tiếp cứu những thủy thủ sống sót của chiếc Sendai đã viết: “Chúng tôi thấy nhiều thủy phi cơ và chiến hạm địch bận rộn trong các hoạt động tiếp cứu, điều này chứng tỏ một số tàu địch đã bị đánh chìm trong trận Empress Augusta.” Và một điển hình khác: Ðoàn tàu chuyển vận bị đình hoãn trước đó của chúng tôi cuối cùng đã rời khỏi Rabaul vào ngày 2 tháng 11, chỉ có 4 khu trục hạm hộ tống, và thành công trong việc đổ bộ 930 binh sỹ lên Torokina. Chỉ huy trưởng đoàn tàu chuyển vận đã báo cáo một cách vui vẻ: “Chúng tôi không hề gặp một sự chống đối nào trên mặt biển, hiển nhiên là hạm đội địch đang lo chắp vá các vết thương do lực lượng của Ðề đốc Omori gây ra.”

Tuy nhiên, sự thực là Hoa Kỳ đã chọn giăng một cái bẫy trên đất liền nhắm vào lực lượng bộ binh sau khi họ đã đổ bộ, và cái bẫy này công hiệu hoàn toàn. Nhưng đây là vấn đề riêng của Lục quân, không dính dáng gì đến Hải quân.

Xem thêm:   Sứa hương vị của biển

Cả chục điều tệ hại do Omori gây ra, đã không được sửa chữa chút nào. Do đó khi trở về Tokyo sau cuộc hành quân, Omori không cảm thấy một chút hổ thẹn nào hết, và hơn thế nữa, ông được thăng cấp Phó Ðô đốc, và được tái bổ nhiệm vào chức vụ chỉ huy trưởng Trường Ngư Lôi của Hải quân.

Ðô đốc Koga, Tổng tư lịnh Hạm đội Hỗn hợp, chấp nhận giá trị phúc trình của Omori. Koga cảm thấy đã thu hoạch được các dữ kiện mà ông kiên nhẫn đợi chờ, và cho rằng cơ hội “dứt khoát” với địch quân tại quần đảo Solomon đã đến. Do đó, dựa trên căn bản các phúc trình của Omori, vào ngày 3 tháng 11, ông ra lịnh cho 7 tuần dương hạm nặng khởi hành từ Truk tiến về hướng Nam. Cả Koga lẫn bộ tham mưu của ông không một ai ra trận trong thời gian gần đây để biết sức mạnh gia tăng của địch quân. Bởi vậy, tính tự phụ tự mãn đã mọc rễ trong họ.

Ở Rabaul, Ðô đốc Kusaka đã giật mình khi nghe kế hoạch cho các tuần dương hạm hạng nặng xuất quân của Koga, và ông đã cố gắng ngăn cản hành động này. Nhưng ông không thể nào giải thích sự nghi ngờ của ông về các chi tiết nằm trong phúc trình của Omori. Hơn nữa, chỉ một đôi lời của ông không thể nào thuyết phục được Koga. Và do đó, 7 tuần dương hạm Nhựt vẫn tiếp tục tiến về phía Nam, dưới sự dòm ngó từng bước một của các trinh sát cơ Hoa Kỳ.

Phó Ðô đốc Takeo Kurita, thay thế Kondo trong chức vụ Tư lịnh Ðệ Nhị Hạm đội, cũng là một tay tự mãn không kém gì Koga. Tính tự mãn này là do các tin tức về các cuộc không tập liên tục của địch ở Rabaul vào thời gian gần đây đến tai ông. Theo đó, không có một phi cơ địch nào oanh tạc trúng thẳng được vào một chiến hạm Nhựt. Nên biết, hơn một năm nay Kurita không ra trận lần nào, và vì vậy ngay cả chiến đấu cơ Nhựt mà ông nghĩ đến là các chiến đấu cơ của năm 41-42, tức thời gian Nhựt vượt trội Ðồng Minh cả hai mặt phi cơ và phi công. Sự khinh thường khả năng của không lực Ðồng Minh vào thời gian đó là rất đúng, nhưng hiện tại sự khinh miệt đó không còn đứng vững.

Sáng sớm ngày 5 tháng 11, hạm đội của Kurita đến vịnh Simpson, Rabaul. Tôi đã kinh ngạc khi thấy soái hạm Atago (15,500 tấn) chậm rãi buông neo trong hải cảng nhỏ hẹp mà hiện tại gần như nứt ra, vì phải chứa đựng cả 7 tuần dương hạm và khoảng 40 tàu yểm trợ khác nữa. Những chiến hạm mới đến này đã gây cho tôi sự băn khoăn và suy nghĩ.

Vào lúc 7g sáng cùng ngày, một phi cơ tuần tiễu báo cáo phát hiện một lực lượng địch gồm 5 tuần dương hạm hạng nặng, 7 khu trục hạm và 2 hải vận hạm tại vị trí cách mũi Saint George 150 dặm, hướng 140 độ. Tổng Hành Dinh Rabaul kết luận rằng các chiến hạm này có vẻ như sắp thực hiện một cuộc đổ bộ. Ðó là phản ứng đã trở thành thói quen đối với các sỹ quan tham mưu ở Rabaul trong những tháng gần đây. Không một ai tưởng tượng được rằng 2 “hải vận hạm” chính là 2 hàng không mẫu hạm Saratoga và Princeton. (Chiếc Saratoga nặng 37 ngàn tấn mang 78 máy bay và chiếc Princeton 13 ngàn tấn 45 máy bay).

Nhiều tháng nay các phi cơ Nhựt không được nhìn thấy hàng không mẫu hạm Hoa Kỳ. Ngay cả trong trận đánh ở Biển San Hô vào tháng 5-1942, nhiều phi cơ đầy đủ kinh nghiệm của chúng tôi còn nhận diện sai lầm các hàng không mẫu hạm Mỹ. Nhưng mà không một ai ở Rabaul nhớ lại việc đó. Kusaka ra lịnh cho các trinh sát cơ cố gắng theo dõi động tĩnh từng bước một của đối phương. Các phi cơ này đã cố gắng, nhưng các báo cáo đều không đúng lúc, thành thử lực lượng đặc nhiệm Nhựt không thể hành động chính xác.
Lúc 9g sáng, còi báo động phi cơ địch tấn công ở Rabaul vang rền. Khu trục hạm Shigure của tôi luôn luôn chuẩn bị sẵn sàng nên đã tham chiến nhanh chóng, và thoát ra hải cảng nhỏ hẹp trong khi nhiều chiến hạm khác vẫn buông neo. Lúc 9g15, khi các tuần dương hạm to lớn vẫn còn loay hoay nhổ neo, phi cơ địch xuất phát từ 2 “hải vận hạm” ùa đến oanh tạc. Khoảng 50 chiến hạm Nhựt nằm phơi lưng ra làm bia cho 23 phóng pháo cơ Avenger phóng ngư lôi, 22 oanh tạc cơ Dauntless đâm bổ và 42 chiến đấu cơ Hellcat F6F đời mới của Hoa Kỳ.

Xem thêm:   Sân bên Side Yard

Chiếc Shigure vừa thoát ra khỏi hải cảng vừa khai hỏa mọi loại súng vào các mục tiêu lướt nhanh qua. Hỏa lực của chúng tôi đã hạ 4 phi cơ địch. Thảm họa đã không xảy ra, nếu tất cả chiến hạm Nhựt đều thoát chạy được ra ngoài hải cảng như chiếc Shigure. Nhưng ngày hôm đó, ngoài chiếc Shigure, không có một chiếc tàu nào nhúc nhích. Hai khu trục hạm Samidare và Shiratsuyu không có mặt ở Rabaul, ngày trước đó cả hai đã lên đường đi Truk để sửa chữa.

Khoảng 10g, chiếc Shigure quay vào hải cảng. Cảnh tượng trước mắt làm tôi choáng váng cả giờ. Tôi nhớ lại cảnh đổ vỡ xảy ra vào tháng Giêng năm 1942, khi các phi cơ Hoa Kỳ gây hư hại cho tuần dương hạm Myoko tại vịnh Malalag. Và bây giờ, nơi đây, chỉ trong vòng 2 năm sau, chúng tôi đã vấp phải cùng một lỗi lầm. Thực đáng tủi hổ biết bao.

Soái hạm Atago với 10 đại bác 203 ly đang bùng cháy, 2 tuần dương hạm Maya và Takao bị hư hại nặng nề. Cả 3 tuần dương hạm hạng nặng này, sau một năm được giữ gìn cẩn thận, chưa đụng độ với địch quân bao giờ, đã nằm phơi mình như 3 xác chết dưới cuộc không tập. Hai tuần dương hạm hạng nặng khác Mogami và Chikuma, 2 tuần dương hạm hạng nhẹ Agano và Noshiro, cũng như 2  khu trục hạm Fujinami và Amagiri đều bị hư hại. Tôi nhắm mắt lại và tự hỏi cảnh tượng này lại có thể là sự thực được sao?

Ðó là sự thực, một sự thực hoàn toàn. Tại Tổng Hành Dinh Rabaul, như thường lệ, Kusaka nổi nóng. Ông chửi rủa hết người này đến người khác.

Trong lúc đó, các phi trường ở Rabaul lên cơn sốt, giống như một tổ ong bị chọc phá. Mọi phi cơ khả dụng đều được tung lên để truy đuổi những kẻ tấn công. Cuối cùng, khoảng 100 chiến đấu cơ và oanh tạc cơ Nhựt tìm thấy vị trí lực lượng đặc nhiệm đối phương, cách Rabaul khoảng 235 dặm, hướng 145 độ. Sau đó, các phi cơ báo cáo đã đánh chìm một hàng không mẫu hạm lớn, 2 tuần dương hạm và một khu trục hạm, cũng như gây hư hại cho một hàng không mẫu hạm hạng trung khác.

Báo cáo này hoàn toàn có tính cách thêu dệt. Khi một người đang choáng váng thì người đó khó có thể nhìn sự việc một cách bình tĩnh và khách quan. Kiểm soát lại các phúc trình đáng nghi ngờ trong cuộc chiến chỉ được thực hiện đối với một kẻ đang chiến thắng. Do đó, báo cáo tưởng tượng vừa nêu đã đi ngay vào tủ hồ sơ chính thức mà không hề được đánh giá lại. Ðô đốc Kusaka, còn sống sót sau cuộc chiến, đã giải thích: “Thực sự tôi đã ngờ vực các chi tiết nằm trong bản báo cáo, cũng như đa số các bản báo cáo khác của Nhựt Bản trong thời gian đó, khi tôi biết không quân của chúng ta khiếm khuyết các phi công giỏi. Nhưng nếu đặt vấn đề ra, hoặc yêu cầu kiểm soát lại các bản phúc trình, sẽ gây chán nản và bực bội cho những người đã cố gắng thi hành nhiệm vụ với tất cả khả năng mà họ có thể làm.”

Ngày hôm sau, 6 tháng 11, các tuần dương hạm Atago, Takao và Mogami, được 2 tuần dương hạm không bị hư hại hộ tống, rời khỏi Rabaul chạy khập khiễng trở về Truk, thực là đau buồn khi đứng nhìn theo bóng dáng của 5 tuần dương hạm này, người ta có thể xem đây là chuyến hải xuất vô dụng nhứt trong toàn thể cuộc chiến của Hải quân Nhựt Bản. Chỉ cách 3 ngày trước đó, tôi cũng đã từng đau buồn chứng kiến cảnh tuần dương hạm của Omori và 2 khu trục hạm của tôi ra đi với những vết thương trầm trọng.

Tuần dương hạm hạng nặng Maya vẫn còn ở lại cảng Rabaul, vì tất cả máy móc đều hư hại, không thể di chuyển được. Chiếc Agano, tuần dương hạm hạng nhẹ nằm gần đó cũng không khác gì đống sắt nổi. Những mất mát vô ích và sự ngu dốt của cấp chỉ huy khiến tôi tiêu tán hết nghị lực. Tôi hết lời thóa mạ, và tự hỏi Nhựt có thể làm gì nữa đây?

Trưa ngày hôm đó tôi đến Tổng Hành Dinh. Phó Ðô đốc Samejima có vẻ bồn chồn khi tiếp tôi. Ông nói: “Tôi muốn đêm nay anh thi hành một nhiệm vụ với khu trục hạm Shigure và tuần dương hạm Yubari – chiếc tuần dương hạm duy nhứt của chúng ta còn hoạt động được ở đây. Tình thế tồi tệ lắm rồi. Có lẽ chúng ta bắt buộc phải bỏ hẳn Bougainville, nhưng chúng ta phải bám vào căn cứ Buka, nằm gần Rabaul. Do đó, công việc tăng cường cho các cơ cấu phòng thủ Buka đã được quyết định.”

Xem thêm:   Truyện tranh Hoa Kỳ về Chiến tranh Việt Nam

Quyết định này không làm cho tôi ngạc nhiên. Tôi nghiêm chào và xoay lưng, nhưng Samejima gọi giật lại: “Tôi cũng cần nói với anh, Hara, đây sẽ là nhiệm vụ cuối cùng của anh được cắt đặt dưới quyền hạn chỉ huy của tôi. Quả thực, tôi không bao giờ muốn để anh đi, đặc biệt trong lúc này, nhưng chỉ vì chiếc Shigure đã tới giai đoạn cần phải sửa chữa trên ụ nổi, và tất nhiên, trong thời gian sửa chữa anh được nghỉ ngơi.”

Buka là hòn đảo thuộc quần đảo Solomon gần với Rabaul nhứt. Shigure và Yubari tấp vào bãi của hòn đảo này trong đêm đó để đổ 700 binh sỹ thuộc Sư đoàn 17 Bộ binh và 25 tấn tiếp liệu lên bờ.

Cuộc hành quân tuy ngắn ngủi nhưng cũng gây căng thẳng tột độ trên cả hai chiến hạm. Chúng tôi không gặp ngăn trở nào của địch quân. Trở về Rabaul vào ngày hôm sau, tôi trình diện Tổng Hành Dinh và chào từ biệt Phó Ðô đốc Samejima.

Tôi lưu ý ông: “Cuộc hành quân xúc tiến rất dễ dàng. Nhưng nếu cuộc hành quân kế tiếp vẫn áp dụng giống như vậy, tôi sợ không suôn sẻ. Những chiến thuật cứ lặp đi lặp lại mãi sẽ gặp phản ứng ngược.”

Samejima gật đầu: “Tôi tán thành sự lưu ý của anh, và tôi sẽ không để cho các chiến hạm khác thi hành nhiệm vụ giống như vậy. Hara, anh đi lần này chúng tôi biết là sẽ mất anh. Hiện thời chúng tôi khiếm khuyết các sỹ quan có đầy đủ kinh nghiệm như anh. Tôi rất muốn được trông thấy anh quay trở lại đây.”
Cuối cùng ông hỏi tôi có thể sắp xếp thế nào để thi hành một “nhiệm vụ ngoại lệ” hay không? Nhiệm vụ ngoại lệ này là chiếc Shigure sẽ hộ tống 2 hải vận hạm và trên đường sẽ ghé Kavieng ở cực Bắc New Ireland. Ông giải thích rằng Rabaul, sau trận không tập vào tháng 11, đã thiếu chiến hạm để thi hành các công tác, nên ngay cả chiếc Shigure cần phải sửa chữa mà còn phải lưu dụng trong cuộc hành quân đổ bộ vừa qua. Nhiệm vụ ngoại lệ xem ra dễ dàng hơn bất cứ một nhiệm vụ nào tôi đã từng thi hành trong những tháng vừa qua, do đó tôi đã chấp thuận lời yêu cầu của Samejima một cách vui vẻ.

Vào lúc 5g30 sáng ngày 7 tháng 11, khu trục hạm Shigure rời Rabaul với 2 hải vận hạm Ontakesan Maru và Tokyo Maru. Khi ngày lên hẳn, tôi đứng phía sau tàu ngắm nhìn các miệng núi lửa đang tỏa khói. Rabaul là một hòn đảo hẻo lánh và ảm đạm. Nhưng, đặt chân đến đây từ tháng 7, bây giờ bỗng chốc rời xa hòn đảo này, bỗng nhiên tôi cảm thấy xúc động sâu xa. Rabaul không có gì hấp dẫn, nhưng mỗi lần ra khơi, chúng tôi đều mong mỏi được trở về để nhìn lại nó. Bây giờ, chúng tôi ra đi, để trở về quê nhà, và rất có thể không bao giờ chúng tôi nhìn thấy lại Rabaul nữa.

Trong 3 tháng ngắn ngủi, chúng tôi đã mất hết hòn đảo này đến hòn đảo khác thuộc nhóm đảo Solomon, và đến hiện tại, Nhựt chỉ còn lại hòn đảo Buka. Hòn đảo này sẽ rơi vào tay địch không biết giờ phút nào, và sẽ đến lượt Rabaul. Không phải chỉ một mình tôi, mà tất cả mọi người đều nghĩ đến việc này.

Tôi hồi tưởng đến bạn bè, chiến hữu của tôi đã ra đi vĩnh viễn trong các trận đánh đẫm máu ở vùng biển này, và rồi còn nhiều người khác sẽ tiếp tục nối bước ra đi như vậy, mắt tôi bỗng dưng đầy lệ. Nhìn quanh, tôi thấy nhiều người khác trên chiếc Shigure cũng chia sẻ cảm nghĩ của tôi. Những thủy thủ đứng trên boong tàu đã vẫy tay từ biệt những kẻ đứng trên bờ dõi mắt trông theo. Chỗ nào đó trên boong, một giọng hát cất lên: “Saraba, Rabauru-yo, mata kuru made wa… (Vĩnh biệt Rabaul, cho đến khi anh trở lại…)”. Bài ca đầy sầu thảm này đã từng dội trên sóng nước Thái Bình Dương một thời, nhưng không một ai biết rõ xuất xứ của nó.

Tuần sau:

Chương XXXXIV

Oanh tạc “Nhảy” (Low Level Bombing)

Tameichi Hara, Đông Kinh 1958

Bản Anh ngữ Japanese Destroyer Captain, Fred Saito & Roger Pineau, 1960. Bản dịch Nguyễn Nhược Nghiễm, Sàigòn 1974

Trần Vũ hiệu đính từ bản dịch Les Torpilleurs du Soleil Levant, René Jouan, 1962

Minh họa từ trang World of Warships