Trong thủy chiến biển Bismarck lần đầu tiên US Navy áp dụng phương thức Skip-Bombing, còn gọi Low Level Bombing (tránh nhầm với Boucing bomb hoặc Bouding mine). Kỹ thuật căn bản là oanh tạc cơ B25 Mitchell bay với vận tốc chậm 320 km/g, sà thấp còn 60 thước trên mặt nước và khi cách mục tiêu 200 thước thì thả bom. Sức va chạm với mặt biển khiến bom gài tính năng nổ chậm 5 giây sẽ tung ngược lên và “phóng” vào lườn tàu Nhật theo hướng lao của máy bay. Phía Nhật gọi là “Bom nhảy”. Ngược lại, các trang truyện tranh Hoa Kỳ về chiến tranh Thái Bình Dương hoàn toàn giả tưởng, vì không có phụ nữ Mỹ hay Nhật nào trên các đảo Xích đới.

[Trần Vũ]

Bản dịch Nguyễn Nhược Nghiễm

Chương XXXI

Suốt quãng thời gian sôi động này, tôi nằm ru rú ở Truk. Tôi cảm thấy buồn cho Tanaka, nhưng không biết làm cách nào để giúp ông. Cũng không còn chiếc khu trục hạm mới nào để tôi chuyển sang chỉ huy, vì vậy tôi chỉ còn biết ngắm nhìn những bàn tay khéo léo đang vá lại các lỗ thủng do đạn xuyên phá của tuần dương hạm Helena đã chạm trổ trên khu trục hạm của tôi.

Sau khi tạm băng bó các vết thương, Amatsukaze rời khỏi quân cảng Truk để về Nhựt, và nơi đây hy vọng có thể sửa chữa hoàn hảo hơn.

Tôi hầu như quên hẳn cuộc chiến khi tàu chạy vào hải cảng Kurê. Bầy hải âu bay lượn trước mũi tàu như chào đón, trong lúc chúng tôi mải mê ngắm nhìn quang cảnh lặng lẽ đầy thân yêu và an bình này. Quang cảnh khác xa hải vực đẫm máu quanh quần đảo Solomon. Có thể nào lại có những nơi trái ngược hẳn nhau dưới cùng một vòm trời đến mức đó?

Sau khi đưa Amatsukaze vào ụ sửa chữa và sắp xếp mọi việc, tôi nghỉ phép một tuần lễ.

Tôi về nhà vào ngày 27 tháng 12. Sống quây quần vui vẻ với gia đình, tôi thấy sao một tuần lễ trôi qua nhanh hơn chớp mắt. Kamakura (Liêm Thương Thị) là một trong những thành phố đẹp nhứt xứ Nhựt. Thật là thích thú cho tôi khi cùng với các con thăm lại những phong cảnh ngoạn mục quen thuộc trước đây. Chúng tôi lang thang hết chỗ này đến chỗ nọ, nhất là leo lên những ngọn đồi bao quanh, hoặc đi vẩn vơ dưới ngàn tiếng thông reo trong làn gió hiu hiu. Tôi thực sống trong mơ, và may mắn cho tôi hơn nữa, những ngày nghỉ phép lại rơi vào dịp Tết Nguyên đán.

Mặc dù vui thú với gia đình, tôi không thể nào quên hẳn chiến tranh. Một hôm gia đình chúng tôi dự định thực hiện một buổi cắm trại ngoài trời, nhưng vợ tôi lại không đi được. Nàng phải đến tham dự một buổi họp gồm các bà nội trợ để thảo luận về việc đóng góp cho quân đội các vật dụng làm bếp bằng đồng và sắt. Cha con chúng tôi vẫn thực hiện buổi cắm trại và dạo chơi trên các đồi thông. Khi chúng tôi về, vợ tôi vẫn chưa có mặt ở nhà. Con gái của tôi nói: “Ba đừng có nóng ruột. Dạo này mẹ cứ phải đi họp lằng nhằng như vậy luôn. Ba nên nhớ bây giờ là thời chiến mà.”

“Thời chiến?” Tôi đã chìm đắm trong các trận chiến suốt một năm, tháng này năm trước là trận Trân Châu Cảng, tôi đã tưởng về quê là về chốn hòa bình, nhưng nơi đây chiến tranh đã chạm đến.

Truyện tranh Biệt kích Thái Bình Dương 

Chiều hôm đó, Trung tá Ko Nagasawa từ Ðông Kinh điện thoại cho tôi. Nagasawa hiện tòng sự ở Phòng Nhân viên. Hắn nói: “Ðêm mai, các bạn đồng khóa tụ tập tham dự tiệc Tân niên. Chúng tôi chọn Isogo ở Yokohama làm nơi họp mặt. Ðó là một tiệm ăn tuyệt hảo, nằm giữa Tokyo và Yokosuka. Nơi này gần nhà anh, nên chúng tôi kể như anh có mặt.”

Tối hôm sau tôi đến địa điểm. Tôi được Nagasawa và Trung tá Enpei Kanooka đón tiếp. Kanooka là tùy viên hải quân của đương kim Thủ tướng Hideki Tojo. Tôi ngạc nhiên khi thấy Kanooka đã gác chức vụ bận rộn lại để tham dự vào một cuộc họp bạn xa xôi. Ngồi kế anh ta, tôi hỏi: “Những rắc rối xảy ra ở phía Nam có làm nhiệm vụ của anh trở nên bù đầu?”

Kanooka nhăn nhó đáp: “Không, Hara, tôi hoàn toàn không bận rộn gì hết. Ðó là sự thực. Trong vòng 5 tháng qua, tướng Tojo không hỏi tôi lấy một lời. Hình như ông ta không xem các hoạt động của Hải quân vào đâu. Lúc này, nhiệm vụ của tôi là hằng đêm đến tham dự các tiệc tùng khoản đãi quốc khách. Tôi không thích nhậu nhẹt. Tôi cảm thấy bị phiền nhiễu đến chết được, và sự nhàm chán cũng đang giết lần mòn tôi. Hara, tôi thấy tửu lượng của anh có hạng lắm, xem ra anh thay thế chức vụ của tôi được.”

Giọng nói nhỏ nhẹ thường khi của Kanooka bỗng nhiên cất cao một cách đáng chú ý trong câu nói sau cùng. Trong lúc đó, Nagasawa yên lặng ngồi nghe với một gương mặt bình thản. (Không lâu sau, Kanooka nhận chức hạm trưởng tuần dương hạm Nachi. Hiển nhiên là Nagasawa, phục vụ ở Phòng Nhân viên, có nhúng tay vào.)

Hội họp đã diễn ra trong bầu không khí nghiêm trang, khác với các buổi họp mặt đầy ồn ào của chúng tôi lúc trước. Có khoảng 20 đồng khóa tụ họp đêm hôm đó, đều mang cấp bậc trung tá và thiếu tá, hầu như chỉ bàn những chuyện quanh quẩn. Khi được yêu cầu mô tả tình hình quanh Solomon, tôi nói:

Xem thêm:   2 người thợ săn

“Tôi không biết những người ở đây, đã nhìn sự việc như thế nào, nhưng riêng tôi có thể nói các đảo ở Solomon là địa ngục. Cùng là những tay chuyên nghiệp cả, tôi chắc các bạn đều biết những công bố chánh thức có vẻ ghê gớm của Tổng Hành Dinh. Thực ra, chúng ta gặt hái một số chiến thắng nhưng về phương diện chiến lược, hoàn toàn thất bại. Các khu trục hạm và tiềm thủy đĩnh của chúng ta ở quần đảo Solomon hiện tại được sử dụng vào việc vận chuyển. Nhưng cũng không đạt kết quả là bao.”

Tất cả những người hiện diện đều chăm chú chờ tôi thuật lại các trận đánh mà tôi đã tham dự. Tôi thấy cần thiết phải trình bày sự thực, nhưng một số khác nhắc nhở tôi rằng đây là một buổi họp mặt để nhậu nhẹt, không nên nói đến công vụ. Do đó, thay vào câu chuyện của tôi là một vài câu pha trò chọc cười. Có người còn kể ra sự dan díu của hắn với một vũ nữ. Nhưng tất cả đều không gây được không khí vui tươi, bởi vì mọi người đều nghĩ đến viễn cảnh đen tối.

Thực sự, tôi muốn họ biết những gì mà tôi đã trải qua, các phản ứng và ý kiến riêng của tôi như thế nào. Tôi biết rằng một buổi họp mặt ăn uống như thế này không thích hợp để mang các vấn đề thời sự ra nói, nhưng ngoài dịp này thì chắc khó có dịp khác. Tôi đã thất vọng khi thấy các đồng khóa của mình chỉ toàn là một bọn yếm thế, buông xuôi với số phận. Rượu rót cũng khá nhiều, nhưng không ai say. Buổi họp mặt tan sớm. Bên ngoài đêm đầy sao. Những lời chào từ giã được thốt lên yếu ớt. “Mong gặp lại.” Câu này nằm trên đầu lưỡi mọi người, nhưng không có vẻ gì gọi là xác tín. Những kẻ hội tụ đêm đó chỉ vài người sống sót.

Tojo có thể không để tâm đến viên sỹ quan liên lạc hải quân nhỏ nhoi của ông, nhưng đối với các đại diện bề thế thuộc Bộ Tư Lệnh Hải Quân thì ông không thể nào không để tâm được. Hàng ngày các sỹ quan cao cấp của Lục Quân và Hải Quân vẫn mở ra các phiên họp mật về chiến lược ở Tokyo. Ðể kết thúc, một loạt các phiên họp cuối cùng mở ra vào ngày 31 tháng 12 ở Hoàng Cung dưới sự chủ tọa của Thiên hoàng và đưa đến quyết định triệt thoái toàn thể Guadalcanal.

Những ngày sống hạnh phúc bên gia đình trôi qua nhanh chóng, tôi trở lại Kurê vào ngày 7 tháng Giêng. Ba ngày sau đó, tôi nhận lịnh rời khỏi chức vụ hạm trưởng Amatsukaze để nhận nhiệm vụ mới ở căn cứ Yokosuka. Nhiệm sở này chỉ cách nhà tôi một vài dặm. Tôi lại được sống êm ấm với gia đình. Nhưng không lâu sau đó tôi ngã bệnh. Theo bác sỹ, chứng bệnh của tôi là do kiệt lực. Tôi phải nằm bẹp trên giường suốt hai tuần lễ.

Thời gian này, vào ngày 25 tháng 1, tôi nhận lịnh khác, chỉ định tôi giữ chức chỉ huy Hải đội 19 Khu Trục hạm, và theo lịnh, tôi phải nhận ngay 4 chiếc tàu loại mới nhứt để ra khơi hai ngày sau. Tôi gọi điện  báo cho Nagasawa biết tôi không thể nhận chức vụ vì tình trạng đau ốm hiện thời. Thông cảm, và để an ủi, Nagasawa bảo đảm rằng sẽ còn nhiều chỗ quan trọng khác một khi tôi bình phục.

Thời gian dưỡng bệnh đối với tôi dài thăm thẳm. Khi chiến đấu, tôi chưa bao giờ thấy mệt mỏi. Trên biển, chỉ một vài giờ chợp mắt là khỏe khoắn. Bây giờ, tôi mới hiểu những ngày hành quân trên biển đã làm tôi kiệt sức như thế nào, và tôi cũng hiểu tại sao dáng vẻ của Phó Ðô đốc Nagumo lại sa sút như vậy, khi tôi gặp ông ở Truk tháng 11 vừa qua.

Truyện tranh Điệp vụ Châu Á

Cuối tháng 2, tôi bình phục hẳn. Tôi gọi điện cho Nagasawa, yêu cầu được ra trận. Lời đáp có vẻ mù mờ của hắn làm tôi lo ngại. Hải quân đã quên khuấy mất tôi. Tôi gọi hàng ngày, nhưng phải đến tháng 3 Nagasawa mới báo cho biết tôi được chỉ định chỉ huy Hải đội 27 Khu Trục hạm.

Tôi kêu lên sửng sốt: “Cái gì? Sao lại Hải đội 27?”

“Ðừng có nóng, Hara, nghe tôi nói đây. Tôi biết Hải đội 27 tồi tệ, nhưng sự bổ nhiệm này chứng tỏ Hải quân đặt hết tin tưởng vào anh. Thượng cấp cảm thấy chỉ có một vị chỉ huy đầy đủ khả năng và kinh nghiệm như anh mới mong uốn nắn hải đội này thành một đơn vị tinh nhuệ.”

Phản ứng của tôi là xúc động. Thực sự, tôi không hề bối rối. Nghĩ cho cùng, khi một sỹ quan lần đầu tiên được giao chỉ huy 4 chiến hạm, hắn phải xem đó là một vinh dự, còn tàu gì không thành vấn đề. Tôi cũng không còn tiếc rẻ đã bỏ mất dịp may trong lần bổ nhiệm trước đó.

Hải đội 27 bao gồm 4 khu trục hạm già nua, mỗi chiếc 1,700 tấn, tốc độ tối đa là 30 hải lý (so với 35 hải lý và 2,500 tấn của Hải đội 19). Thủy thủ đoàn của các khu trục hạm này, xếp hạng nhì đúng nghĩa, là mục tiêu chế nhạo của các chiến hạm khác. Nhiệm vụ trước mắt đối với tôi chẳng phải ngon ăn.

Tôi trả lời Nagasawa: “Anh đừng hiểu lầm. Tôi vui lòng nhận và sẽ tận lực làm mọi cách cho Hải đội 27 trở thành đơn vị ưu tú của Ðệ Nhị Hạm đội. Ðược giữ chức vụ này, tôi lấy làm vinh hạnh. Tôi trình diện ở đâu và khi nào?”

Xem thêm:   Hang gấu

“Tôi rất vui mừng khi nghe anh nói như vậy, Hara. Ba khu trục hạm của anh đang đậu ở Truk, còn chiếc soái hạm Shigure đang chờ anh ở Sasebo. Bao giờ anh đi được?”

“Có phương tiện lúc nào thì đi lúc đó.”

“Tốt. Anh sẽ có một chỗ trên chuyến xe lửa tốc hành rời nhà ga vào lúc 13g30 phút ngày mai.”

Tôi đến Sasebo vào ngày 9 tháng 3-1943, và lập tức leo lên soái hạm Shigure (Mưa Thu) quan sát. Thoạt nhìn thủy thủ đoàn, tôi hiểu ngay là tôi đang bước vào một công tác nặng nhọc. Tôi nhớ lại những kinh nghiệm khó khăn qua việc huấn luyện thủy thủ đoàn của chiếc Amatsukaze. Thủy thủ đoàn của Shigure giống như một bọn du côn vô kỷ luật chưa từng biết qua một chút kinh nghiệm đi biển là gì. Nhưng tôi đã nhìn sự vụng về và ngu dốt của họ với nhiều cảm giác lẫn lộn. Tôi tin là có thể huấn luyện họ trở thành thủy thủ tác chiến. Tóm lại, tôi không thấy chán nản, vì tôi nghĩ tình trạng này cũng giống như tình trạng trên chiếc Amatsukaze 6 tháng trước mà thôi.

Tôi đã từng làm việc trên nhiều khu trục hạm mới hơn, tôi nhận thấy chiếc Shigure hoàn toàn yếu kém. Chiếc tàu này già nua một cách đáng thương, và có lẽ nó không thể nào đạt tốc độ tối đa 33 hải lý. Ðó là điều tồi tệ nhứt. Tốc độ tối đa của các khu trục hạm loại mới ít lắm cũng phải 38 hải lý, và chiếc Amatsukaze dày dạn chiến trận của tôi, hiện đã hoạt động trở lại, cũng chạy được 34 hải lý.

Nhưng tôi đã gạt ngang những suy nghĩ vơ vẩn này, và hy vọng của tôi là chiếc Shigure sẽ chứng tỏ giá trị của nó trong lúc chiến đấu, cho dù nó có nhiều khuyết điểm trong lần làm quen đầu tiên này. Nhưng ngay cả cao vọng đi nữa, lúc ấy tôi cũng không bao giờ dám mơ mộng chiếc Shigure sẽ anh dũng đến mức được mang biệt danh “Kiên cố”, và với tiếng tăm vang dội, Shigure là khu trục hạm được biết đến nhiều nhất.

Sau khi hộ tống 2 cuộc hải vận, Shigure rời Sasebo đến Truk để kết hợp với 3 khu trục hạm khác dưới quyền chỉ huy của tôi. Khi tiến vào hòn đảo san hô to lớn này, tôi cảm thấy cảnh vật không có gì thay đổi. Chiếc tàu công xưởng cũ kỹ Akashi vẫn đang hoạt động rộn rịp, và vẫn đậu ngay chỗ mà 4 tháng trước đây khi chiếc Amatsukaze lếch thếch từ quần đảo Solomon “bơi” về.

Nhưng tôi đã lầm. Truk quả thật không thay đổi, nhưng chiến cuộc phía Nam đã thay đổi nghiêm trọng.

Tàu vừa buông neo, tôi đến trình diện Phó Ðô đốc Nobutake Kondo trên chiếc Atago, soái hạm của Ðệ Nhị Hạm đội. Bước vào cabin của ông, tôi xúc động khi nhìn thấy dáng vẻ tiều tụy của vị tư lệnh này, nhân vật luôn được giới hải quân xem tài ba đức độ. Sự xúc động của tôi ở hiện tại không kém lần tôi gặp Nagumo 5 tháng trước đây. Kondo ra dấu cho tôi ngồi xuống. Giọng nói của ông khàn khàn, nhỏ và chậm chậm như hụt hơi: “Hara, tôi hoàn toàn đồng ý với thượng cấp giao anh trách nhiệm mới này. Là một nhiệm vụ khó khăn. Anh hãy thận trọng, tôi chỉ có thể nói với anh như vậy. Hãy thận trọng nhiều chừng nào hay từng ấy.”

Truyện tranh Trốn thoát đảo Nhật

Chắc chắn chưa bao giờ tôi hy vọng được vị chỉ huy của mình tiếp đón như vầy. Lời lẽ của ông khiến tôi bỡ ngỡ không biết đáp lại như thế nào.

Ông tiếp tục nói, với dáng vẻ mệt nhọc: “Mặc dù anh chỉ huy hải đội, nhưng vì thiếu tàu, nên chúng tôi đã tăng phái 3 trong số 4 khu trục hạm của anh cho các hải đội khác. Có thể phải mất nhiều tháng, hải đội dưới quyền anh mới đủ cấp số.”

Ông dừng lại và thoáng nghĩ ngợi. Tôi ngồi lặng thinh một cách bồn chồn. Sau đó, ông tiếp: “Hara, dù sao đi nữa anh cũng nên kiên nhẫn. Tôi dự định lưu anh ở đây ít nhất 3 tháng, như vậy anh có thể tìm hiểu và huấn luyện các thuộc cấp của anh, và luôn tiện chính anh cũng sẽ thích ứng với tình thế biến đổi nhanh lúc này.”

Kondo là một nhân vật đáng chú ý, và đối với tôi, ông là một vị chỉ huy nhân ái. Do đó, trong các trang trước của quyển sách này tôi đã phải miễn cưỡng đưa ra sự chỉ trích khả năng chiến đấu của ông. Vì là sự thực. Tuy nhiên, qua lần tiếp xúc trực tiếp này, tôi đã kinh ngạc và choáng váng khi rời khỏi cabin của ông.

Theo đề nghị của Kondo, tôi đã nghiên cứu các hồ sơ trên soái hạm của ông, liên quan đến chiến trận trong vòng 5 tháng qua. Biến cố nổi bật nhứt là cuộc triệt thoái khỏi Guadalcanal. Ở Kamakura, trong thời gian bình phục, tôi có nghe các công bố trên đài phát thanh về một chiến thắng ngoạn mục. Bộ Tư Lệnh Tối Cao Hoàng Gia đã tránh sử dụng hai tiếng “rút lui” và thay vào đó là chữ “Xoay hướng tiến”, nhưng “xoay” như thế nào thì không thấy đề cập đến.

Theo quyết định của phiên họp cuối cùng ở Hoàng Cung vào ngày 4 tháng 1-1943, Bộ Tư Lệnh Tối Cao ban lịnh triệt thoái toàn bộ khỏi Guadalcanal, và công cuộc triệt thoái bắt đầu vào hạ tuần tháng Giêng. Các kế hoạch được thảo ra tuần tự và kín đáo, tìm mọi cách đánh lừa địch lầm tưởng Nhựt quyết bám lấy hòn đảo. Tình báo Hoa Kỳ đã từng tỏ ra hữu hiệu trong việc khám phá ra kế hoạch đánh Midway, nhưng hoàn toàn không hay biết gì về kế hoạch tháo lui khỏi Guadalcanal. Một kế hoạch được duy trì bí mật đến tận cùng như thế, đối với tôi chẳng khác nào phép lạ.

Xem thêm:   Facebook có gì ngộ (04/18/2024)

Vào ngày 30, một hải lực gồm 2 hàng không mẫu hạm, 2 thiết giáp hạm và cả chục chiến hạm khác rời khỏi Truk trực chỉ Guadalcanal. Không cần nói cũng hiểu bộ binh Nhựt trên đảo Guadalcanal đã trông chờ cuộc rút lui như thế nào. Trong tình cảnh tuyệt vọng và đáng thương hại, họ đã chiến đấu dũng mãnh cho đến ngày rời đảo. Vào các đêm 1, 4 và 7 tháng Hai, 22 khu trục hạm Nhựt đã chạy vào các bãi biển quanh hòn đảo để chở 12,198 lính bộ binh và 833 thủy binh. Thủy thủ đoàn của các khu trục hạm đã kinh hãi khi nhìn thấy nhóm quân này. Nhiều ngày liền họ đã không ăn uống gì hết, thân thể suy nhược cho đến nỗi ngay cả sự vui mừng khi được giải thoát cũng không đủ sức bộc lộ.

Cuộc di tản thành công vượt bực, chỉ có khu trục hạm Makigumo (Mây Cuộn) bị đánh chìm và 3 chiếc khác hư hại, đánh dấu kết thúc của một mặt trận kéo dài 6 tháng, với 16,800 binh sỹ Nhựt vùi thây trong rừng rậm cùng với hàng chục chiến hạm vùi sâu dưới đáy biển. Các bản phúc trình đều đưa ra kết luận: Nhựt đã bị đánh bại ở Guadalcanal.

Kế đó, tôi xoay sang tìm hiểu các cuộc hành quân khác và nhận thấy hầu hết đang sa lầy. Lục quân cố gắng đổ một sư đoàn lên Buna, nằm trên bờ biển phía đông Papua, xuyên qua rặng núi Owen Stanley để tiến đến Port Moresby. Hầu hết binh sỹ đã bỏ thây trong rừng núi. Ðịch tiến như vũ bão qua các vùng rừng rậm ở New Guinea, khiến Nhựt phải rút lui khỏi Gona, rồi Buna, Mã Ðằng và Wewak sau đó.

Tuy nhiên, thủy chiến biển Bismarck đã gây xúc động cho tôi nhiều hơn là hàng loạt các khu vực bị bỏ rơi này. Chiến bại Bismarck hầu như không thể nào tin được.

Hai phi trường chính của Nhựt là Lae và Salamaua, ở phía Ðông New Guinea, được giao cho Lục quân vào ngày 15 tháng 11. Lục quân quyết định củng cố hai phi trường này bằng cách chuyển 1 trung đoàn ở Rabaul đến. Trung đoàn này được đưa xuống 8 tàu vận tải, với 8 khu trục hạm hộ tống, khởi hành vào ngày 28 tháng 2-1943. Vị chỉ huy đoàn tàu là Ðề đốc Masatomi Kimura, đã trù tính yêu cầu không quân bao che. Nhưng trước khi việc này được thực hiện, liên tiếp hai ngày 2 và 3 tháng Ba, hơn 100 phi cơ địch ào đến tấn công. Kết quả là tất cả các hải vận hạm và phân nửa các khu trục hạm hộ tống bị đánh chìm. Hơn 3,500 lính bị chôn vùi dưới đáy biển trong trận này.

Một cuộc đại bại chưa từng thấy. Nó hoàn toàn trái hẳn cuộc triệt thoái thành công ở Guadalcanal. Bây giờ tôi có thể hiểu tại sao Phó Ðô đốc Kondo mang dáng vẻ tiều tụy khi tiếp tôi.

Ngay lúc tôi còn đương suy nghĩ xem tại sao một việc như vậy có thể xảy ra, Ðề đốc Takama bước vào phòng. Vì muốn hiểu thêm, tôi yêu cầu ông giải thích rõ hơn về đại bại khủng khiếp ở biển Bismarck. Ông nói: “Cuộc vận chuyển được thi hành với tất cả cẩn trọng đúng mức, nhưng thiếu bao che của không quân. Ở Guadalcanal, kế hoạch của chúng ta thích đáng, được giữ bí mật từ đầu đến cuối, địch không đánh hơi được. Sự thành công ngoạn mục của cuộc triệt thoái này có lẽ đã khiến cho các tướng lĩnh Lục quân nghĩ rằng họ có thể liều lĩnh mà không cần phải có sự chuẩn bị và yểm trợ đầy đủ. Ðưa đến thảm bại là Lục quân đã không cung cấp ô dù cho hải đoàn vận tải trên biển Bismarck.”

Ðề đốc Takama rời khỏi phòng tài liệu. Tôi tiếp tục đọc các hồ sơ ghi lại những biến cố quan trọng khác. Vào ngày 5 tháng 3, hai khu trục hạm Minegumo và Murasame bị đánh chìm ở vịnh Kula mà không bắn được phát súng nào. Ðịch đã sử dụng hải pháo có radar điều khiển để hạ hai tàu này.

Tôi rời khỏi soái hạm Atago với tâm tư nặng trĩu. Khi đặt chân lên bờ, tôi mới nhận thấy có biết bao thay đổi. Trong câu lạc bộ sỹ quan, tôi gặp Ðại tá Tomiji Koyanagi, Tham mưu trưởng của Phó Ðô đốc Kurita. Chúng tôi ngồi chung bàn. Thảm kịch biển Bismarck vẫn còn lảng vảng trong tâm trí nên tôi không ngần ngại hỏi ý kiến.

Koyanagi nói: “Ðề đốc Kimura thuật lại là địch đã sử dụng phương pháp oanh tạc mới để tấn công tàu chúng ta. Các oanh tạc cơ khổng lồ lướt sát ngọn sóng rồi ném bom xuống mặt nước, và bom nhảy lên đâm vào lườn các chiến hạm. Các phương thức tránh né cổ điển đều không hữu hiệu với chiến pháp ‘oanh tạc nhảy’ này. Ban đầu Kimura nghĩ rằng địch đã dùng một loại ngư lôi trang bị cho phi cơ… Hiện tại chúng ta chưa biết làm cách nào để chống lại loại ‘bom nhảy’ này.”

Kỳ sau: Chương XXXII

Ám sát Yamamoto

Tameichi Hara, Đông Kinh 1958

Bản Anh ngữ Japanese Destroyer Captain, Fred Saito & Roger Pineau, 1960.

Bản dịch Nguyễn Nhược Nghiễm, Sàigòn 1974

Trần Vũ hiệu đính từ bản dịch Les Torpilleurs du Soleil Levant, René Jouan, 1962

Minh họa từ trang World of Warships