Nhật khai màn chiến tranh với 4,600 máy bay. 1/3 thuộc Lục quân đóng trên đất Trung Hoa và Mãn Châu. 2/3 còn lại thuộc Hải quân thì 1/3 phòng thủ chính quốc. Thực sự tham chiến chỉ vỏn vẹn 1,498 phi cơ (tính luôn máy bay trên các hàng không mẫu hạm và Liên Phi đoàn Đông Dương đồn trú tại Việt Nam).  

Câu hỏi đặt ra là vì sao Nhật dành cho Bắc-Á 1/3 máy bay? Vì công cuộc bình định Trung Hoa chưa hoàn tất và đã xảy ra chiến tranh Nga-Nhật trên đất Mông Cổ vào năm 1939 ngay trước thế chiến. Nga, là kẻ thù tiềm năng.

Câu hỏi khác: Vì sao để lại 1/3 máy bay trên đất Nhật? Vì cứ 3 phi cơ thì 1 đang bảo trì, 1 dành cho huấn luyện nên chỉ còn 1 có thể nghinh chiến. Trong số 1,500 máy bay đậu trên 4 đảo lớn Hokkaido (Bắc Hải Đạo), Honshu (Bản Châu), Shikoku (Tứ Quốc) và Kyushu (Cửu Châu), không có hơn 300 chiến đấu cơ và oanh tạc cơ cho nhiệm vụ bảo vệ bầu trời tổ quốc sau khi trừ đi các phi đoàn quan sát và vận tải. Chưa kể phải canh phòng quần đảo Aleutian thuộc Hoa Kỳ ngay sát phía Bắc Nhật.  

Như thế 1,498 máy bay là tổng số phi cơ Nhật tung vào Thái Bình Dương, một mặt trận khổng lồ với kích thước chiếm 1/3 diện tích trái đất. Để thiết lập “Khối Đại Đông Á”, Nhật Bản phải kiểm soát một chu vi tam giác mà đường kính dài 6,852 cây số từ Tokyo xuống đảo Tích Lan (Sri Lanka) và dài 5,431 cây số từ Tokyo xuống hải cảng Darwin ở Úc châu, với đáy dài 6,810 cây số từ Tích Lan sang Úc. Trên thực tế mặt trận dài gấp đôi, vì từ Tích Lan đến Hạ Uy Di là 13 ngàn cây số. Với vỏn vẹn 1,498 máy bay…

Những con số, nói lên mầm mống thất bại. Quá ít và quá thưa thớt. Vì Hoa Kỳ sẽ sản xuất ba trăm ngàn máy bay trong thế chiến mà 2/3 cho chiến trường Á châu. Là chưa tính đến máy bay Liên Hiệp Anh.   

Bộ Tham mưu Nhật đã tin: với 236 thuyền chiến có thể thắng 378 thuyền chiến Hoa Kỳ và 318 thuyền chiến Anh, vì hải quân Anh-Mỹ phải phân đôi sang Đại Tây Dương chống Đức. Một tính toán sai, vì thủy chiến lệ thuộc vào không yểm. Tameichi Hara còn cho thấy những khiếm khuyết trong vận hành của một đạo quân được xem tinh nhuệ. [Trần Vũ]

Bản dịch Nguyễn Nhược Nghiễm

Chương XIII

Vào tháng Giêng năm 1942, tôi tham dự cuộc tấn công Nam Dương (khi đó Indonesia thuộc Hòa Lan), để yểm trợ cho các cuộc hành quân ở Manado và Kendari, phía Ðông Bornéo. Cả hai cuộc đổ bộ đều không gặp chống đối quan trọng nào của quân phòng thủ, nhưng khả năng không yểm nghèo nàn của chúng tôi là một điềm xấu báo trước tương lai, hải quân Nhựt không đủ phi cơ để bao che hết các cuộc hành binh, và tôi nhận thấy một số phi cơ được lái bởi những tay mơ. Không được huấn luyện đúng mức, những phi công kém khả năng này thường phát hiện những chiếc “tàu ma” rồi oanh tạc mấy con cá voi mà họ tưởng lầm là tiềm thủy đĩnh, và còn bắn rơi cả vận tải cơ Nhựt trong lúc hỗn chiến.

Tôi lại gặp thêm một vố không hài lòng nữa trong việc săn đuổi một tiềm thủy đĩnh. Vào đêm 31 tháng Giêng, trong khi hộ tống đoàn tàu chuyển vận quân đổ bộ lên đảo Kota Ambon ở vịnh Bill, dùng đèn pha, tôi phát hiện dấu vết một tàu ngầm trên biển. Tôi ra lệnh khai hỏa ba loạt hải pháo 127 ly nhưng không trúng, và chiếc tàu ngầm cao bay xa chạy!

Tiếc rẻ, tôi báo thất bại của chúng tôi cho các chiến hạm khác, cho biết chiếc tàu ngầm có thể chưa bị tổn hại, và vì đó, không chừng nó sẽ quay trở lại. Mồ hôi tôi tươm suốt hai tiếng đồng hồ. Tôi lo ngại tiềm thủy đĩnh địch sẽ chọn mục tiêu dễ dàng nhất là các dương vận hạm chở quân nặng nề chậm chạp để tấn công. Chúng tôi tăng cường thêm máy sonar để theo dõi, nhưng không còn phát hiện dấu vết của chiếc tàu lặn đâu nữa. Tuy vậy sự bồn chồn lo lắng của tôi cho đến 1 giờ khuya mới hết, tức là lúc đoàn tàu của chúng tôi đã đến điểm đổ bộ.

Cuộc đổ bộ bắt đầu lúc 1 giờ 20 khuya ngày 1 tháng Hai, và không hề có bất kỳ một cuộc pháo kích nào từ các chiến hạm Nhựt để dọn đường. Việc này không theo đúng sự sắp xếp. Sau khi chúng tôi tấn công chiếc tàu ngầm thì thế nào địch quân cũng biết và đã báo động toàn thể. Tôi nghĩ trong tình trạng đó, nếu cuộc đổ bộ không được hỏa tập dọn bãi trước là một việc vô lý.

Tuy nhiên, không có lịnh pháo kích nào được soái hạm ban ra. Sau này Ðề đốc Tanaka có giải thích với tôi sở dĩ ông bỏ qua không dọn đường cho cuộc đổ bộ là vì ông đo lường sự yếu kém của địch quân, cho dù họ có chuẩn bị trước đi nữa. Tanaka cũng cho biết một lý do khác đó là việc “tiết kiệm đạn càng nhiều càng tốt”. Lý do này chắc khiến người Mỹ buồn cười, nhưng đó là một sự thật không thể chối cãi. Trong cuộc chiến vĩ đại này, hai chữ “tiết kiệm” luôn luôn được nhắc nhở bên tai chúng tôi. Lúc ấy chúng tôi đã lấy làm “khó hiểu” khi biết Hoa Kỳ đã dội bom xối xả và pháo kích như mưa để dọn đường cho các cuộc đổ quân của họ. Các xạ thủ hải quân Nhựt được huấn luyện tác xạ với các quả đạn pháo thông thường và phải bắn trúng ngay loạt đạn đầu. Cách tác xạ tầm hướng, tức là rào khung dần dần mục tiêu rồi điều chỉnh cự ly như Hoa Kỳ áp dụng, chúng tôi hoàn toàn không được phép, chính việc này là lý do thiếu chính xác của chúng tôi khi tấn công tiềm thủy đĩnh đêm trước.

Xem thêm:   Kinh đô thời trang Roma

Lực lượng đổ bộ, như tôi dự liệu, đã bị hỏa lực từ đất liền của địch quân chận đứng ngay trên bãi biển. Hải quân Trung tá Konosuké Iéki, chỉ huy cuộc đổ bộ, đã báo cáo vào lúc 2 giờ khuya: “chúng tôi bị chận đứng hẳn và cuộc đổ bộ khó xúc tiến.” Nhưng ông không yêu cầu oanh kích dọn đường.

Trên đài chỉ huy của chiếc Amatsukaze, tôi lồng lộn với nỗi bực tức. Tình thế tồi tệ mọi phương diện. Cuối cùng, lúc 3 giờ 20, lực lượng đổ bộ cho biết đầu cầu đã được thiết lập an toàn. Nhưng lại thêm rắc rối đang chờ họ phía trước. Lúc 5 giờ sáng: “Hỏa lực địch quân từ các công sự kiên cố chụp lên hai bên cạnh sườn chúng tôi.”

Và liền ngay đó, báo cáo cho biết Trung tá Iéki đã đền nợ nước. Thực đáng buồn. Tại sao ông lại chết như vậy? Một cuộc oanh kích và hỏa lực yểm trợ sơ khởi từ các tàu chiến Nhựt sẽ tiết kiệm được mạng sống của ông và nhiều người khác nữa. Ngu dốt! Ngu dốt!

Tiếp theo sau tin này là lịnh của Ðề đốc Raizo Tanaka: “Tất cả các tàu hộ tống tiến vào bờ để nhặt thương vong”. Amatsukaze “lãnh được” 30 xác chết và 90 lính bị thương. Cuộc chiến trên bộ vẫn không có lối thoát. Hiện thời chiến hạm Nhựt không thể nào khai hỏa vì tình trạng hỗn đấu của đôi bên. Cuối cùng, khi trời sáng, thủy phi cơ từ hàng không mẫu hạm nhẹ Chitose (Thiên Tuế) cất cánh đến tấn công các công sự kiên cố của địch. Không có một chiến đấu cơ hoặc oanh tạc cơ nào của các hàng không mẫu hạm nặng Hiryu (Phi Long) và Soryu (Thanh Long) xuất hiện. Tôi không thể nào hiểu nổi tại sao lại có sự khiếm khuyết phối hợp hành động như vậy.

Các thủy phi cơ cất cánh mỗi lần 6 chiếc, do các phi công giỏi lái, đã tấn công chính xác các vị trí đặt súng của địch quân. Sau đó, thủy phi cơ Nakajima A6M2-N (phe Ðồng Minh đặt tên mã là Rufe) của chúng tôi nghinh chiến với các oanh tạc cơ của địch bay đến từ Sulawesi và bắn hạ được hai chiếc. Nhựt không thiệt hại chiếc nào. Hai trăm quân phòng thủ Úc Ðại Lợi – Hòa Lan, đã đầu hàng vào buổi chiều đầu tiên của cuộc đổ bộ, tức ngày 1 tháng 2 năm 1942, và tất cả đều bị bắt làm tù binh. Quân trú phòng bị bắt cho biết họ có gài 70 quả thủy lôi tại hải cảng chánh ở phía Bắc của đảo Kota Ambon. Suốt một tuần, các trục lôi hạm của chúng tôi đã lãnh nhiệm vụ vớt những quả thủy lôi nầy. Ba chiếc đã chạm phải thủy lôi và chìm chung với toàn thể thủy thủ đoàn.

Hai ngày sau cuộc đầu hàng, một dương vận hạm Nhựt chạy gần hải khẩu đã báo hiệu: “Tàu đang bị tấn công bằng ngư lôi từ hướng biển”. Nhưng rất may là không có trái ngư lôi nào trúng mục tiêu, dù vậy chúng tôi vẫn náo động, và khu trục hạm của tôi được phái đi lập tức. Tôi đoán các trái ngư lôi có lẽ do chiếc tiềm thủy đĩnh đã thoát khỏi tay tôi ba ngày trước đây phóng ra. Tôi quyết tìm cho ra và đánh chìm chiếc tàu này.

Năm tiếng đồng hồ, Amatsukaze đã lướt trên mặt biển với tốc độ 11 hải lý. Nếu tàu chạy nhanh hơn, các máy sonar của chúng tôi sẽ vô hiệu, nhưng chạy chậm như thế này thì lại là miếng mồi ngon đối với tiềm thủy đĩnh, cho dù là một chiếc khu trục hạm được võ trang mọi loại vũ khí chống tàu ngầm hữu hiệu nhứt. Tôi nghĩ đó là lý do khu trục hạm Sagiri (Sương Mù) bị một tiềm thủy đĩnh đánh chìm gần Bornéo vào tháng 12 vừa qua.

Nhưng một khi chạy chậm chạp để theo dấu đối thủ, một khu trục hạm luôn luôn đề phòng. Vì vậy, nếu bất kỳ một tiềm thủy đĩnh nào bị hấp dẫn bởi tốc độ đầy quyến rũ của Amatsukaze, tôi sẵn sàng tiếp đón. Nhưng chúng tôi không tìm thấy dấu vết nào cho đến khi giờ thứ năm chậm chạp trôi qua, tình thế bỗng nhiên sôi động bất ngờ.

Xem thêm:   Truyện tranh Hoa Kỳ về Chiến tranh Việt Nam

Lúc 9 giờ 34 tối, một nhân viên sonar mừng quýnh la lên: “Tàu ngầm! Cách 2,400 thước, ở 10 độ tả mạn!”

Tôi ra lịnh: “Tất cả vào vị trí chiến đấu! Chuẩn bị thủy lôi nổ ngầm! Tám trái! Ðộ sâu 50 thước!”

Sỹ quan sonar hét:

“Tiềm thủy đĩnh địch cách 1,800 thước, 40 độ tả mạn!”

“Tiềm thủy đĩnh địch cách 1,300 thước, 50 độ tả mạn!”

Hướng tiến của Amatsukaze được điều chỉnh theo mỗi góc độ mới. Ðến 9 giờ 53, viên sỹ quan sonar kêu lên thất vọng: “Mất dấu tàu ngầm!”

Tin này gây ra một sự yên lặng kỳ lạ. Tôi đoán ngay là chiếc tàu ngầm đã biến vào một góc mù, và hai chiếc tàu đã cùng chạy một hướng.

Trong thời gian này, các máy dò tàu ngầm của Nhựt hoạt động dựa trên nguyên tắc phát ra các luồng sóng âm thanh và tính ra khoảng cách của mục tiêu qua các luồng sóng dội lại. Phương cách này không đủ bén nhạy để bắt tiếng động do các máy móc tàu ngầm tạo ra.

Trong đầu tôi lúc ấy tràn ngập các bài toán về trắc giác và khoảng cách. Tôi ngẫm nghĩ: “Chiếc tàu ngầm bây giờ phải ở 180 độ, di chuyển 9 hải lý, cách 1,000 thước và sâu khoảng 30 thước”. Tôi ra lịnh gia tăng tốc độ của Amatsukaze lên 21 hải lý và liếc nhìn đồng hồ đeo tay. Tôi vẽ ngay đường cong di chuyển của hai chiếc tàu trong trí. Lúc 9 giờ 58 phút, 8 trái thủy lôi nổ ngầm được phóng ra khi tôi tin chiếc tiềm thủy đĩnh đang nằm ngay phía dưới.

Chiếc Amatsukaze giảm tốc độ và xoay lại, và một loạt thủy lôi khác được thả xuống. Trong đêm tối, mùi dầu diesel bỗng bốc lên nồng nặc, nhưng chúng tôi không thể nhìn thấy một vật gì cả.

Mùi dầu bốc lên mạnh mẽ hơn. Chúng tôi biết rõ chiến thuật xông hương của các tiềm thủy đĩnh khi bị tấn công. Trong khi lẩn tránh, các tàu ngầm thường xả dầu ra, nhằm đánh lừa những kẻ săn đuổi ngỡ rằng chúng đã bị đánh chìm. Suốt hai tiếng đồng hồ, chúng tôi quần nát khu vực, nhưng chẳng tìm thấy dấu vết nào.

Bốn ngày trôi qua, không hề có một tin tức nào khác về chiếc tàu ngầm này. Hiển nhiên là tôi đã ghi được một “điểm thắng”. Tôi đã học hỏi khá nhiều trong cuộc hành quân Ambon.

Vào ngày 9 tháng 2, với nhiệm vụ hộ tống chuyển vận hạm Kirishima Maru di tản một số thương vong của các trận đánh trên đảo Kota Ambon, tôi trở lại Davao, chuyến đi êm ả.

Davao hoàn toàn yên tĩnh. Các trận đánh ở Phi Luật Tân hiện tại thu hẹp trên bán đảo Bataan và pháo đài Corregidor. Các mặt trận khác kéo xa về hướng Nam. Hơn một tháng, Davao chẳng thấy bóng dáng phi cơ địch nào.

Hàng đống thơ từ của gia đình đang chờ đợi chúng tôi. Trong số cũng có nhiều kiện hàng và những “món quà êm ái” của một số thân thuộc và bạn bè dân sự ở quê hương gởi đến.

Khi về đến Davao, lần đầu tiên trong suốt 20 ngày, tôi được tắm rửa một bữa thỏa thích. Khi một khu trục hạm đang thi hành nhiệm vụ, kể cả hạm trưởng cũng không dám xài phí nước nôi. Sau khi ra lịnh cho thủy thủ tự do tắm rửa, tôi trở vào cabin nằm một cách thoải mái. Gian hàng quân tiếp vụ trên tàu cũng được mở cửa để bán rượu, bánh kẹo và vật dụng linh tinh khác cho thủy thủ. Thủy thủ chỉ được phép mua và uống rượu mạnh trên tàu với sự ưng thuận của hạm trưởng.

Cho dù phòng ngủ của tôi nhỏ bé, nhưng vẫn là chỗ tốt nhứt trên tàu. Gian phòng không quá 4 thước vuông , trám đầy một cái giường ngủ, một bàn tròn nhỏ, một bàn rửa mặt, một tủ quần áo, một ghế bành và một ghế đẩu. Trên bàn đặt một tấm ảnh toàn thể gia đình tôi.

Murata, anh thủy thủ trẻ đến giao thơ cho tôi kèm theo nhiều gói hàng nhỏ khác. Tôi hỏi: “Anh có nhận được thơ không, Murata?”. “Dạ có, thưa hạm trưởng.” Hắn hớn hở chào tôi và quay bước.

Tôi xem một lá thơ do vợ tôi gởi đề ngày 4 tháng Giêng. Chizu cho tôi biết các con và nàng vẫn vui mạnh. Tuy nhiên, câu tái bút nàng báo cho tôi một tin khá phiền: “Hôm kia, em dẫn các con lên Ðông Kinh để thăm bà con, khi em trở về nhà ở Kamakura thì thấy cửa đóng, và người tớ gái đã biến mất với một số đồ đạc có giá trị của chúng ta.”

Thơ của người anh báo một tin buồn khác. Con trai trưởng của anh tôi, Shigeyoshi Hashimoto, 25 tuổi, một sỹ quan phục vụ trong Sư đoàn 4 Bộ binh, đã chết vì bịnh lao vào tháng 12. Ðứa cháu này được tôi đặt nhiều hy vọng. Tôi nhắm mắt và cầu nguyện cho linh hồn của nó. Xúc động sâu xa, tôi không xem thơ nữa, sau khi uống thêm vài ly rượu, tôi thả bước lên đài chỉ huy. Hôm nay là một ngày đẹp trời.

Xem thêm:   Lễ hội hoa anh đào ở Macon

Hải cảng đẹp mắt dưới ánh nắng rực rỡ của miền nhiệt đới. Sỹ quan trực phiên đang ngồi nhìn lên bờ biển mơ màng. Hắn đứng dậy chào tôi. Tôi nói: “Hãy bảo cho mọi người biết là tôi “xả tàu” ngày mai. Thủy thủ sẽ lên bờ mỗi nhóm 3 người và có ba giờ tự do.”

Ðôi mắt viên sỹ quan trực ánh lên nỗi thích thú và lập tức loan truyền tin vui này. Suốt 50 ngày qua, không một ai trong số 300 thủy thủ của tôi được lên bờ, thành thử lịnh của tôi đã được đón nhận một cách ồn ào.

Tôi trở về cabin và mở một lá thơ khác. Bức thơ nầy đến từ Kuré, nhưng tên người ngoài phong bì hoàn toàn xa lạ đối với tôi. Thơ viết: “Tôi là Hinagiku, một trong những vũ nữ hành nghề tại hộp đêm mà trước chiến tranh trung tá thường lui tới.” Tôi kêu trời. Tôi, một người cha của ba đứa trẻ, chắc chắn không bao giờ liệu trước một bức thơ tình của một vũ nữ như thế này. Bức thơ tràn ngập những lời lẽ yêu thương nhớ nhung tầm thường, chỉ có câu kết thúc đáng lưu ý: “Bà chủ hộp đêm luôn luôn nhắc với tôi về việc trung tá, vì ra đi bất thình lình, nên đã quên thanh toán khoản tiền thiếu. Lúc nào thấy thuận tiện, xin trung tá gởi trả số tiền này, chúng tôi rất lấy làm hân hạnh.” Dĩ nhiên câu này khiến tôi đỏ mặt. Tôi chán tôi vô cùng. Bỗng nhiên tôi muốn say, và tôi hạ gục thêm một chai sakê nữa.

Gói hàng cuối cùng từ Hiroshima gởi đến, tôi đoán biết là một “món quà êm ái” do chữ viết non nót của người gởi. Học sinh Nhựt thường gởi những món quà nhỏ và một vài dòng chữ cho các quân nhân ở tiền tuyến mà chúng chưa hề quen biết. Món quà của tôi gồm một bức ảnh chụp thắng cảnh ở Hiroshima, một bức họa do chính tay người gởi vẽ, một số phong bì và giấy viết thơ, và kèm theo mấy dòng chữ: “Em là một nữ sinh 9 tuổi ở Hiroshima. Tất cả chúng em ở đây đều chăm học. Vì lợi ích của tổ quốc, chúng em thành tâm cầu chúc ông sẽ cố gắng chiến đấu.”

Ðây là bức thơ duy nhất gây cho tôi sự xúc động thật sự. Tôi thôi uống rượu và bắt đầu viết thơ trả lời cho cô bé không quen biết ở Hiroshima: “Cô bé thân mến của tôi. Tôi cảm ơn em rất nhiều về món quà mà em đã gởi tới cho tôi. Tôi là hạm trưởng của một khu trục hạm. Tôi hân hoan và sung sướng nhận lời cầu chúc của em.”

Ngày hôm sau tôi lên bờ cùng với nhóm thủy thủ được tự do ba tiếng đồng hồ đầu tiên. Thật dễ chịu khi nhìn thấy phố xá Davao không bị chiến tranh tàn phá. Thủy thủ của tôi vầy đoàn với những thủy thủ của các tàu khác đang buông neo trong hải cảng. Các bà nội trợ Nhựt trong thành phố đã lập ra nhiều địa điểm tiếp đãi binh sĩ đồng hương với hàng chữ: “Xin tự tiện dùng trà và café. Quà mọn của những kiều bào của các anh.”

Người Phi Luật Tân cũng dạo chơi nhàn nhã trên các đường phố. Trai thanh gái lịch ăn mặc chải chuốt đi lại dập dìu. Tuy nhiên, tôi đã chú ý và ngạc nhiên khi thấy tất cả đều đi chưn không. Trên đường phố Nhựt Bản không người nào đi chưn không cả, dù giàu hay nghèo ai ai cũng mang giày hoặc guốc. Cảnh trước mắt lạ lùng đối với tôi.

Các rạp hát đều chiếu mấy cuốn phim mới nhứt của Hồ Ly Vọng. Tôi chú ý hàng chữ trên tấm biển treo trước một vài căn nhà dọc theo phố chính: “Trung tâm Giải trí của Quân đội Nhựt Bản”. Nhiều thủy thủ và binh sỹ đứng nối đuôi phía dưới những tấm biển này. Ðây là những ổ điếm của phụ nữ Nhựt, Cao Ly, Ðài Loan và Okinawa đã di chuyển theo chưn quân đội Nhựt.

Tôi nhận thấy đám đông đang xếp hàng có vẻ hơi ngượng nghịu, hiển nhiên là do sự hiện diện của tôi. Tôi nói với viên trung úy tháp tùng: “Anh cứ tự tiện ở đây. Tôi phải đến Tổng hành dinh. Trưa tôi sẽ gặp lại anh. Hãy thận trọng, mấy ông sếp lớn của chúng ta đang có mặt ở bến tàu. Nhớ nói các hạ sỹ quan kiểm lính đầy đủ khi quay về.”

“Dạ, dạ… thưa Trung tá!,” viên trung úy cười sung sướng.

Khi tôi bỏ đi, nhóm lính phía sau la to: “Hoan hô! Hoan hô! Hạm trưởng của chúng ta muôn năm!”

Tuần sau: Chương XIV

Xung Hải Chiến JAVA

Tameichi Hara, Đông Kinh 1958

Bản Anh ngữ Japanese Destroyer Captain, Fred Saito & Roger Pineau, 1960

Bản dịch Nguyễn Nhược Nghiễm, Sàigòn 1974

Trần Vũ hiệu đính từ bản dịch Les Torpilleurs du Soleil Levant, René Jouan, 1962

Minh họa từ trang World of Warships