Một thời “Ấp Chiến lược, Khu Dinh điền, Khu Trù mật” những danh từ xuất hiện hàng ngày trên báo chí miền Nam, tuy trong các đô thị ít ai thực sự sống những cảnh huống đó. Trang Y Hạ là một cựu quân nhân, cũng từng là cán bộ Xây dựng Nông thôn ghi lại những ngổn ngang của xã Tri Lễ, quận Dakto gần Kontum nơi sát ngay cạnh những trận đánh Ben-Hét, Pleime, Tân Cảnh, Võ Định, Delta … Nơi, dân chúng sống bằng rác của chiến tranh thải ra. Nơi, mang nỗi niềm của một miệt đất không nhiều chọn lựa.

[Trần Vũ]

Trang Y Hạ

Kỳ 1

Ngày tôi về công tác tại xã Tri Lễ, theo lịch công tác thì ít nhứt cũng phải nửa năm. Trong lòng có mơ ước được làm quen với một người con gái ở trong cái xã này. Tôi vốn nhút nhát lại thêm công việc bù đầu, bù cổ nên chuyện riêng tư dần dà rồi cũng quên bẵng luôn.

Bầu trời cao nguyên Dakto đã chuyển sang mùa nắng… Mỗi buổi sáng sương muối dày đặc, lạnh tê tái… Khoảng 9 hoặc 10 giờ lúc đó mới thấy ánh mặt trời, tia nắng ban mai bừng lên nhưng chỉ là một thứ ánh sáng trang trí cho đẹp chứ không đem lại hơi ấm bởi mùa đông gió núi… Tôi nhớ ngày đầu mới tới xã Dinh Điền này mọi thứ còn bỡ ngỡ, thiếu thốn… Đơn vị chen chúc ở trong ngôi nhà hành chánh tạm thời và bắt tay làm công sự phòng thủ… Tôi phải xin ở tạm trong một ngôi nhà của người dân gần đó.

Người phụ nữ chủ nhà khoảng ngoài 40 tuổi, dáng vẻ bệ vệ, nghiêm nghị, bà mở cửa bước ra chào chúng tôi và hỏi:

– Các anh tới xin ở gồm có mấy người?

Bà nói giọng Bồng Sơn. Tôi trả lời:

– Dạ thưa cô chúng tôi có hai người. Chúng tôi xin cô cho ở tạm chừng mươi hôm một khi đơn vị làm công sự… hoàn tất thì sẽ dời ra đó. Chúng tôi rất biết ơn cô!

Bà chủ dẫn chúng tôi ra phía sau… Căn bếp hơi tuềnh toàng, nhìn kỹ thì cũng khá sạch sẽ, rộng rãi… Bếp núc lạnh tanh, hình như gia đình không thường xuyên nấu ăn ở nhà thì phải? Chúng tôi nhanh chóng ổn định chỗ ngủ rồi đi chợ… Vợ chồng bà chủ nhà làm nghề gì thì mới đầu tôi chưa biết, tôi chỉ thấy hai người chở nhau trên chiếc xe Honda 67 rời khỏi nhà từ sớm… Người phụ trách máy truyền tin, anh “Âm-Thoại-Viên” ở chung với tôi. Anh ta đi chợ mua một mớ rau cải và cá… Ngặt một nỗi là không có thau chậu để mà rửa… Tôi nhìn lên nóc bếp thấy một cái thau nhôm khá lớn, nghĩ là vật dụng nhà bếp, nên lấy xuống dùng… Tới chiều tối vợ chồng chủ nhà đi làm về. Bà chủ mở cửa bước ra hỏi thăm chúng tôi:

– Các anh có nấu nướng, ăn uống gì chưa?

– Dạ thưa cô chúng tôi tự lo được. Có điều là tôi chưa kịp mua thau, nên mạo muội lấy cái thau nhôm của cô trên giàn bếp xuống rửa cá, rửa rau… Mong cô bỏ qua cho. Tôi nói xong, tôi thấy vẻ mặt bà chủ sững sờ! Tôi chưa biết chuyện gì, nên có phần hơi lo lắng.
Bà chủ nhà hình như đoán được ý nghĩ của tôi. Bà nói:

– Không có chuyện gì đâu. Trong người của tôi hôm nay hơi mệt…! Bà chủ cầm cái thau nhôm đi vô nhà.

Ngày hôm sau, trước khi đi làm, bà chủ nhà dặn dò chúng tôi dùng nước nấu ăn ở trong cái thùng phuy, còn thau chén, soong, nồi ở trong tủ và dặn thêm rằng khi dùng xong nhớ đậy nắp kỹ càng vì đã vào mùa nắng, bụi đất đỏ do xe nhà binh chạy tung bụi… Bây giờ tôi mới hiểu cái giếng có nắp đậy làm bằng tấm tôn, có ổ khóa cẩn thận là sợ bụi.

Dakto có hai xã dinh điền. Một là xã Diên Bình nằm trên quốc lộ 14, bên dòng Dakpsi, còn xã Tri Lễ nằm trên tỉnh lộ 512, cạnh dòng sông Pơ-Kô, kế cận phi trường Phượng Hoàng. Tỉnh lộ 512 bắt đầu từ Tân Cảnh chạy qua Trung Đoàn 42, phi trường Phượng Hoàng, xã Tri Lễ, làng Daktri, làng Dakmot, làng Yanglokơram và chạy thẳng ra ngã ba biên giới Việt-Miên-Lào. Nơi đây có tiền đồn Ben-Hét, còn có tên gọi khác là đồn Bạch Hổ. Chiều dài tỉnh lộ khoảng hơn 30 cây số.

Xem thêm:   Chó Má & Thuế Má

Phi trường Phượng Hoàng ban đầu chỉ là phi trường dành cho trực thăng. Đầu năm 1966, sư đoàn Không Kỵ Hoa Kỳ đổ quân xuống… Họ mở rộng phi đạo dài thêm ra để cho các loại máy bay vận tải chở quân trang, quân dụng và các phương tiện chiến tranh đáp xuống… Đồng thời họ cũng tuyển mộ thanh niên người Việt, người Thượng thành lập đơn vị bảo vệ cũng như tăng viện, yểm trợ các nơi trong quận Dakto khi hữu sự… Ngoài ra mỗi tuần có hai chuyến “công-voa” dài dằng dặc chở phương tiện từ bến cảng Quy Nhơn tới phi trường Phượng Hoàng và tiền đồn Ben-Hét.

Nơi đầu phi trường (tính từ Tân Cảnh đi vô) đã hình thành vài dãy phố tạm bợ – mái lợp bằng tôn, vách che bằng ván ép… Người ta mở quán xá đủ loại: tiệm tạp hóa, tiệm ăn uống, quán nhậu, quán Bar, Bi-da, bóng bàn, hớt tóc, uốn tóc, tiệm giặt quần áo… Khách khứa hầu hết là lính Mỹ, lính Việt… Nói chung là phục vụ nhu cầu cho lính Mỹ nhiều hơn. Dọc theo phi trường, sát tỉnh lộ – người Mỹ làm hàng rào bằng lưới mắt cáo cao 3 mét. Ở cuối phi trường ngay đầu cầu Tri Lễ cũng hình thành một cái chợ trời, các dãy sạp dài ba bốn chục mét, hầu hết buôn bán trao đổi hàng hóa Mỹ.

Người dân xã Tri Lễ hầu hết không còn làm nông. Một số đi buôn bán nhỏ, một số đi lượm rác của quân đội Mỹ thải ra ở cuối phi trường mỗi ngày… Bãi rác nằm trên một mảnh đất rất rộng. Nơi đó có hàng chục thùng “tô-nô”, “conex” đầy ắp các loại rác mà trong các thứ rác Mỹ đó có nhiều thứ còn dùng rất tốt: Thùng giấy, ván ép, gỗ thùng đạn, trái cây, đồ hộp, đồ nhựa, muỗng inox, vải dù, dây dù, kem đánh răng, bàn chải, đồ cạo râu, xà-bông cạo râu, bao nylon, gạo, gạo sấy, rau, củ, quả, bánh, kẹo, búa, đinh, kềm, ốc, vít, viết … Nói chung là cứ lượm rác Mỹ đem về phân loại ra, cái nào tốt thì đem đi bán cho các con buôn ở chợ trời, các thứ còn lại không bán được thì để ở nhà mà dùng… Trong rác Mỹ đó cũng có một số hàng hóa của người Việt bởi lính Mỹ thích mua, hoặc được các cô gái “mời mua”… Một thời gian sau họ đem đi bỏ vô thùng rác. Ngoài ra lính Mỹ còn đem đồ dùng của họ tới các sạp bán một số mặt hàng có giá trị: xà-bông, thuốc lá, nước hoa, rượu, bia, quần áo lính, giày, máy ảnh, đồng hồ, radio, giường xếp, poncho, đèn pin, ba-lô, quẹt zippo, súng ngắn… Thuốc diệt ruồi muỗi, thùng phuy, thùng tô-nô… Nhìn chung lính Mỹ khi cần tiền là cái gì của họ, họ cũng đem đi bán. Hoặc mỗi khi có lệnh di chuyển đi chỗ khác, hay rút quân khỏi căn cứ – họ cũng tháo đồ đem đi bán!

Vợ chồng người chủ nhà mà tôi đang ở nhờ cũng có một cái tiệm chuyên giặt đồ Mỹ ở cái “phố” mới nổi nơi đầu phi trường. Giặt ủi quần áo Mỹ thường trúng được đô-la và các vật dụng khác do lính Mỹ bỏ quên trong các túi quần áo… Ở xứ có đạo Công giáo, như xã Diên Bình quý Cha Giáo Xứ cấm giáo dân nhận giặt quần áo Mỹ. Lý do, trong túi quần áo lính Mỹ có ảnh “tục tĩu”… Giáo dân nào bất tuân sẽ bị cấm không được lên rước lễ hoặc dứt phép thông công.

Ngày Chúa Nhựt, tôi thấy vợ chồng chủ nhà không đi làm. Tôi nghe tiếng một người con gái từ nhà trên vọng ra… Tôi đoán có thể đó là con gái của họ. Đã gần 4 ngày trôi qua bây giờ tôi mới biết chủ nhà có con gái nên trong lòng cũng ao ước muốn gặp… Tôi nghe tiếng cô gái mở cửa sau bước ra. Cô vui vẻ, nói:

Xem thêm:   Chân Trời Mới của Trùng Dương

– Chào ông! Ông về xã công tác thời gian được bao lâu? Tôi là con gái lớn ở trong gia đình này. Hân hạnh được gặp các ông và cũng hy vọng chúng ta sẽ là bạn tốt.

Tôi xếp quyển sách nhìn phớt qua khuôn mặt cô gái. Cô không đẹp mấy nhưng phong cách dễ nhìn, vui vẻ, dáng người cao ráo, khỏe mạnh… Đặc biệt là giọng nói Bồng Sơn của cô nghe rất êm tai.

Tôi cũng tỏ ra lịch sự và vui vẻ, nói:

– Xin chào cô. Tôi tới xin ở nhờ cha mẹ của cô đã mấy bữa. Hôm nay thật hân hạnh được gặp cô. Tôi nghĩ rằng cô đang đi học ở xa mới về nhà? Còn thời gian tôi tới xã này công tác thì chưa biết. Nhưng có lẽ cũng khoảng… 6 tháng.

Cô gái cười, nói:

– Thưa ông. Không phải tôi đi học đâu… Tôi đi buôn bán đồ Mỹ ở kế bên đầu cầu Tri Lễ này đó… Nghe cha mẹ nói:

…Trong nhà có 3 ông cán bộ dân-sự-vụ tới xin ở tạm. Tôi tò mò muốn biết, nên buổi chiều tôi gom hàng về sớm để bên nhà bà dì và ngủ luôn bên nhà bà dì.

Cô gái nói tiếp:

– Tôi trông ông rất… quen! Tôi thấy ông ở đâu đó rồi thì phải?

Cô gái nhíu mày chừng vài ba giây rồi reo lên:

– Tôi nhớ ra rồi. Đúng rồi:

– Ông là lính ở trong phi trường Phượng Hoàng? Đôi ba lần tôi có thấy ông đi ra phố ở đầu phi trường – uống bia, hớt tóc… Ông là sĩ quan! Tại sao bây giờ ông lại chuyển qua ngành “Cán Bộ Nông Thôn vậy?”.

Biết rằng đã bị “lật tẩy”… Tôi không thể chối. Tôi đành mỉm cười, nói:

– Chuyện còn dài lắm cô ơi…! Hôm nào rảnh tôi sẽ cho cô biết lý do nha!

Cô gái có vẻ không chịu. Cô nói:

– Buổi trưa, bất cứ buổi trưa nào nếu ông rảnh rỗi – ông đi bộ ra sạp hàng của tôi ở đầu cầu. Chúng ta sẽ nói chuyện, chuyện của ông. Có được không vậy hở ông?

Giọng cô gái có vẻ như quả quyết, pha chút nghiêm nghị… làm cho tôi hơi sờ sợ.

Tôi đành phải nói:

– Thôi được. Nhưng tôi mà ra chỗ cô bán hàng nói chuyện, cha mẹ cô họ thấy họ nghi ngờ… thì làm sao? Hoặc nếu có anh chàng nào đó ganh ghét khi tôi ngồi nói chuyện với cô thì làm sao đây?

Cô gái cười hiền từ, nói:

– Ông lo quá xa rồi đó! Cha mẹ của tôi đã biết về ông rồi… Hơn nữa ông đang ở trong nhà của chúng tôi mà. Hơn nữa, ông là đơn vị trưởng của một đơn vị mà… Vả lại, xưa nay tôi cũng đâu có quen người nào để tới nỗi họ phải ganh tỵ với ông… dù nếu có, thì chắc gì họ dám ganh tỵ. Thanh niên ở trong cái xã nhỏ nhoi này phần nhiều ít học hành. Một số đi lính, số còn lại lo đi lượm rác Mỹ. Tôi vô nhà lo phần công chuyện của tôi đây!

Cô ấy là người con gái duy nhứt tôi quen ở cái xã Tri Lễ này. Và cũng là người con gái duy nhứt hẹn hò với tôi. Và cũng là lần đầu tiên tôi được một người con gái hẹn.

Công sự phòng thủ đã làm xong, sát bên đồn Nghĩa quân. Nói là đồn chứ thật ra là cái nhà xây gồm hai phòng khá rộng dùng để trực chiến ban ngày, ban đêm các nghĩa quân về nhà ngủ. Quân số đâu chừng một tiểu đội, khi chúng tôi tới thì họ nhường hẳn ngôi nhà cho chúng tôi ở tạm và làm văn phòng. Ban ngày họ cử một người ứng trực, số còn lại về nhà đi làm kiếm sống… Khi nơi ăn, chốn ở đã ổn định, công việc phân phối xong cho anh chị em, một buổi trưa trời oi bức tôi mang khẩu súng Colt 45 và đem theo khẩu súng trường Garand M-1 đồng thời rủ thêm một người nữa đi ra bờ sông Pơ-Kô tắm và dò xem địa hình… Ngồi nhìn dòng nước trong xanh, hiền hòa lờ đờ chảy quanh co qua các bãi đá mà tự hỏi: Tại sao cái xã Tri Lễ này chỉ có khoảng hơn trăm ngôi nhà, trong vườn lại không có lấy một cây ăn trái, duy nhứt chỉ lưa thưa mấy lùm chuối sứ bị gió mùa khô thổi rách te tua… Đất “bazan” màu mỡ, dòng sông Pơ-Kô hiền hòa chảy quanh năm… Vậy mà dân trong xã lại không canh tác? Đang suy nghĩ miên man, bất chợt ngó qua bên kia bờ sông, bờ sông bên kia rừng lá âm u huyền bí… Tôi thấy một con vật nho nhỏ hì hụp bơi về phía chỗ tôi đang ngồi. Ban đầu cứ tưởng là con chó, nhưng con vật bơi tới gần thì càng lớn, lúc đó tôi mới nhận ra là một con mang đi lạc. Người bạn đi cùng bắt con mang đó đem về đồn với vẻ mặt mừng rỡ…!

Xem thêm:   Thức ăn hàng quán có an toàn?

Người lính Nghĩa quân thấy con Mang thì hốt hoảng, nói:

– Mang đi lạc vô làng là nát làng đó ông sếp ơi. Mang lạc là điềm chẳng lành ông sếp ơi!

Tôi không bao giờ tin mấy điều dị-đoan, nhưng tôi cũng không phản đối. Con mang đem đi làm thịt khao thưởng cho tất cả mọi người… Bẵng đi một thời gian chẳng thấy chuyện không lành xảy ra, mọi người cũng quên luôn chuyện con mang đi lạc. Tôi nhớ lời cô gái hẹn… Tôi sửa sang quần áo chỉnh tề rồi đeo súng, một mình thả bộ ra đầu cầu Tri Lễ – nơi cô gái ngồi bán hàng… Thấy tôi đi bộ tới, cô nàng mừng rỡ ra mặt, hình như cô nàng đã chuẩn bị chỗ ngồi sẵn cho tôi (ngồi hơi gần nàng). Tôi tảng lờ và ngồi vô vị trí đó, nếu ai tới mua hàng, họ sẽ nghĩ tôi là người nhà.

Tôi gợi chuyện:

– Cô Bồng Sơn ơi. Vì sao mà cái xã cô ở không có lấy một cái cây để che mát cho mùa nắng cháy vậy. Ngồi trong nhà mái tôn nóng hầm hập như thiêu, như đốt?

– Ủa…! Làm sao mà ông biết tôi ở Bồng Sơn? Cô gái ngạc nhiên nhưng ánh mắt hình như vui…vui…!

– Tôi nghe giọng cô nói, nên tôi mới đoán rằng cô ở Bồng Sơn. Mà cô có thích cái tên Bồng Sơn không?

Cô gái im lặng một hồi rồi tự giới thiệu:

– Tôi tên là Bích, họ Lê Thị. Bây giờ nghe ông gọi tôi là: Bồng Sơn, thì cũng được đi, thì nghe cũng hay. Dù gì nơi xứ dừa đó cũng là quê hương gốc của tôi mà!

Tôi nói tiếp:

– Vậy cô có biết hai chữ Bồng Sơn có ý nghĩa như thế nào không? Hai chữ đó nếu giảng giải ra thì hay lắm đó.
Cô gái không trả lời tôi. Cô nhìn chăm chăm lên dãy núi cao ở xa xa… Tôi cũng nhìn theo… Trên dãy núi cao mây mù, sương mù bao phủ cả ngày, đã có lần chiến trận xảy ra phi cơ không thấy rõ “mục tiêu” để ném bom đành phải quay trở về. Trên các đỉnh núi, giới quân sự đặt tên: “Căn cứ hỏa lực 5 & 6…”. Ở trên đó họ xây công sự kiên cố, trang bị những khẩu đại pháo 155 ly, 175 ly do quân đội Mỹ trấn giữ nhằm yểm trợ cho toàn vùng Dakto… Trên các dãy núi có xảy ra nhiều trận đánh lớn, xương máu của hàng ngàn thanh niên hai miền nằm lại vĩnh viễn nơi triền núi mà nào có ai nhang khói… Cô gái thở dài, nét mặt trầm trầm có vẻ suy nghĩ về một điều gì đó mà tôi không thể đoán ra. Tiếng súng đại bác tôi đã nghe quen tai. Người dân sống trong thời chiến tranh giấc ngủ cũng không yên ổn!

Đêm nghe đại bác dội ngang,

tưởng như từ phía thiên đàng ghé thăm. (Thơ Trang Y Hạ)

(còn tiếp 1 kỳ)

Trang Y Hạ KBC 6235

Những tháng ngày ở Tri Lễ. Dakto (Kontum).