PHỤ BẢN

Hình Nhật Báo Sóng Thần (ST) bắt đầu xuất bản vào tháng 10, 1971 và bị rút giấy phép vào tháng 2, 1975, tại Saigòn. Hiện microfilm của những số báo ST được lưu trữ tại thư viện của Đại Học Cornell, ghi số Watson Film 5004.

Hình trên góc trái là poster quảng cáo ST sắp trình làng, do nhóm Hà Thúc Nhơn và nhà văn Chu Tử chủ biên. Poster này do hoạ sĩ Đằng Giao trình bày, dựa theo ý của ký giả Uyên Thao và Đường Thiên Lý.

Hình trên bên mặt, là hình trang nhất của một số báo bị tịch thu đề ngày 22 tháng 9, 1974.

Hình dưới bên mặt, trang nhất của số báo ra ngày 31 tháng 10, 1974, ngày ST bị đưa ra toà xử về tội đã đăng nguyên văn bản cáo trạng của Phong Trào Nhân Dân Chống Tham Nhũng do Linh Mục Trần Hữu Thanh chủ xướng với sự tham gia của 300 linh mục.

Các hình bên trái là vài cảnh trong toà với các  luật sư của ST. (Collage TD2008, rút từ cuốn Sóng Thần – Vụ Án Lịch Sử 31-10-74: Ngày Báo chí và Công Lý Thọ Nạn, tài liệu nội bộ, do Uyên Thao và Lê Thiệp soạn)

Ghi chú của Lê Quỳnh Mai

Kỳ 2

LQM: Ý kiến của chị thế nào về văn học hải ngoại. Và sự khác biệt giữa hai thời điểm trước 1975 và sau 1975 dưới mắt nhìn của chị?

TD: Không biết có phải cái gì đã trở thành kỷ niệm rồi thì bao giờ, ít nhiều, nó cũng đẹp hơn? Tôi vừa đọc lại cuốn Văn Học Miền Nam Tổng Quan 1954-1975 (ấn bản lần thứ ba, nhà xuất bản Văn Nghệ, 2000) do nhà văn Võ Phiến soạn từ giữa thập niên 1980, thì thấy là cũng không hẳn thế, mà văn học Miền Nam trước 1975 quả có phong phú thật, và vì bây giờ nó đã trở thành kỷ niệm, nên lại càng đẹp hơn. Và, một cách thầm kín, tôi không khỏi hãnh diện đã được đóng góp một phần nhỏ trong đó.

Cái khác biệt lớn lao là trước 1975 khi còn ở trong nước, chúng ta có người đọc, có môi trường sinh hoạt gần gũi trao đổi và nâng đỡ, kể cả phê bình, lẫn nhau, từ đó nảy ra hứng thú; có các nhà xuất bản sống thuần túy bằng nghề in sách, có hệ thống phát hành chuyên môn, và tiệm sách ở khắp nơi, cả trên các hè phố, chưa kể hệ thống các tiệm cho thuê sách, và người cầm bút có thể sống bằng ngòi bút của mình, hoặc ít ra viết có tiền nhuận bút, dù nhuận bút, cho một truyện ngắn, chẳng hạn, chỉ đủ để mời thân hữu đi ăn một bữa ở nhà hàng.

Sau 1975, ở hải ngoại, chúng ta quá bận rộn vì phải phấn đấu với tâm trạng xa quê hương, nhớ nhà, bà con, sinh hoạt chòm xóm, và bận rộn thích nghi với một môi trường mới hoàn toàn xa lạ, chưa kể nhiều gia đình sống ở đây mà còn phải cưu mang cả người thân, bà con lầm than vất vả ở bên nhà. Thì giờ đâu ra mà đọc, mặc dù ở những năm tháng đầu, người ta thèm đọc, mà là đọc những tin tức về Việt Nam, hoặc những sách vở trước 1975 vốn là một phần trong bộ nhớ nhung chung về một dĩ vãng không còn nữa — ở đây xin ghi nhận công lao đóng góp của nền báo chí hải ngoại, đặc biệt ở giai đọan đầu. Người đọc đã thế, người cầm bút di tản cũng đâu thua gì, có khi còn tệ hơn vì bao nhiêu điều muốn ghi lại song biến cố 30 tháng 4, 1975 đã khiến một số người tê điếng, có trường hợp bị liệt cảm xúc (tôi bị rơi vào tình trạng này hết mấy năm đầu tị nạn).

Tôi nhớ có một lần, vào giữa thập niên 1990, gặp một ông bác sĩ Việt khá thành công ở Stockton, Bắc Cali. Chắc muốn chứng tỏ là mình vẫn theo dõi tình trạng sách báo Việt hải ngoại, nên vừa hỏi, vừa như phán, với tôi như thế này: “Tại sao một biến cố đau thương lớn lao như biến cố 1975 mà chúng ta vẫn chưa có một tác phẩm lớn nào?” Tôi cũng bộc trực trả lời, “Người cầm bút tị nạn cũng phải đi kiếm sống và lo cho gia đình, như bao người khác, sao đòi hỏi họ làm cái việc tày trời đó?” Song tôi cũng kịp ngưng lại, để không phải nói tiếp, là những người thành công về tài chính như ông bác sĩ thì nên nhận bảo trợ một vài nhà văn tị nạn để họ ngồi viết tác phẩm lớn như ông đòi hỏi.

Đấy là thời kỳ thập niên đầu sau 1975. Thế hệ của những người ở tuổi chúng tôi, từ 30 tới 50 khi di tản, cầm bút hay không, là thế hệ phải ổn định đời sống vật chất cho gia đình, do nhu cầu cấp bách đặt ra của một cuộc đổi đời quá lớn. Cũng như thế hệ cha anh của chúng tôi trong cuộc di cư vĩ đại vào Nam năm 1954. Chỉ khác một điều, trên cái nền móng do cha anh chúng tôi xây sau cuộc đổi đời 1954 là toà nhà văn học Miền Nam do chúng tôi xây. Nó đa dạng, rực rỡ, cũng là nhờ 3 yếu tố, như chị Thụy Khuê đã nêu lên, khá chính xác, trong bài viết về văn học Miền Nam của chị (http://thuykhue.free.fr/) . 3 yếu tố đó là 1) nền móng quốc ngữ từ cuối thế kỷ XIX, cộng thêm tiếng Nam như một kho tàng ngôn ngữ mới, 2) sự bảo tồn văn học tiền chiến và bảo lưu Nhân Văn Giai Phẩm trong thời kỳ chia đôi đất nước khiến Miền Nam không bị cắt đứt với quá khứ và hiện tại văn học của cả nước (khác với ở Miền Bắc chúng đã bị bóp chết), và 3) sự nối kết với và thu nhận các trào lưu văn học và tư tưởng nước ngoài vô cùng phong phú, đặc biệt trong hai thập niên 1950 và 1960.

Trên cái nền móng do thế hệ chúng tôi ổn định sau cuộc đổi đời sau 1975 sẽ là gì? Chúng ta cũng đã tạo nên được một nền văn học hải ngoại, dù khó có thể so sánh với nền văn học Miền Nam 1954-1975 vì chúng ta đã bị bật rễ thê thảm, nhưng không vì thế mà nó không phát triển và đa dạng, nhờ ảnh hưởng văn hoá và môi trường sinh sống tại mỗi quốc gia định cư. Một số người viết từ trước 1975 vẫn can đảm tiếp tục mặc dù những khó khăn trong đời sống mới, nguồn tài liệu rải rác, xa xôi, tình trạng sống rải rác khắp nơi khiến chúng ta thiếu một hệ thống hỗ trợ (support system) lẫn nhau.

Xem thêm:   Café Cà Phê

Từ hơn một thập niên nay, sự hiện diện của kỹ thuật computer và Internet đã thay đổi tình trạng này, và đấy là điều đáng mừng Chúng ta cũng đã có thêm nhiều cây bút mới ghi nhận những mảnh đời, sinh hoạt của người Việt ở khắp nơi. Bên cạnh đó, nhiều người thuộc thế hệ con cháu của chúng ta cũng theo đuổi công việc sáng tác, dù là bằng Anh hay Pháp ngữ mà theo tôi, điều đó không quan trọng, vì ngôn ngữ chẳng qua chỉ là một phương tiện, cũng như văn học nghệ thuật chẳng qua cũng chỉ là phương tiện. Và chúng ta lúc nào muốn và cần, cũng có thể dịch những tác phẩm của họ sang tiếng Việt, như chúng ta đã từng làm việc dịch từ chữ Hán, chữ Nôm các tác phẩm của cha ông chúng ta khi ta chưa có chữ viết mà phải mượn của Tầu hoặc biến chế thành chữ Nôm khó phổ thông hóa, như về sau này với hệ thống chữ quốc ngữ. Cái quan trọng là nội dung, cách diễn đạt và tính nhân bản phản ảnh qua tác phẩm. Tóm lại, văn học hải ngoại 1975-2010 chắc chắn không thể so sánh với văn học Miền Nam 1954-1975, đặc biệt về lượng, nhưng nó đã và đang hiện diện.

LQM: Theo tạp chí Văn (số phát hành ngày 13/7/1973), 5 nhà văn nữ nổi tiếng nhất của văn chương tiểu thuyết hiện đại là Túy Hồng, Trùng Dương, Nhã Ca, Nguyễn thị Hoàng, Nguyễn thị Thụy Vũ. Cảm giác của chị thế nào khi được chọn lọc như thế?

TD: Cảm giác lúc bấy giờ (1973) thì không còn nhớ chính xác, vì chúng tôi cũng ngạc nhiên khi có người gần đây e-mail cho trang Web có phóng ảnh trích từ số báo Văn này, bởi tôi đã hoàn toàn quên số báo đó. Giờ nhìn lại thì cũng thấy vui vui vì đã được góp mặt, góp phần. Xin mở ngoặc đơn: Bạn đọc nào muốn tìm hiểu thêm về sự đóng góp của 5 chúng tôi và các nhà văn nữ khác của nền văn học Miền Nam 1954-1975, xin đọc một bài biên khảo khá công phu của nữ học giả Công-Huyền Tôn-Nữ Nha-Trang, “Women Writers of South Vietnam, 1954-75” (The Vietnam Forum, No. 9, 1987). Bài này hiện đang được ông Đoàn Thanh Liêm dịch ra chữ Việt với sự thỏa thuận của tác giả. Theo chỗ tôi được biết thì nhà văn Phạm Phú Minh đã được phép tác giả cho in lại trên tờ tạp chí điện tử Diễn Đàn Thế Kỷ mới ra đời, do anh làm chủ bút, hiện có mặt tại http://www.diendantheky.net/.

LQM: Xin chị giới thiệu về Bầy Kên Kên, tác phẩm đã đưa tên tuổi Trùng Dương thành danh với độc giả. Và chị có hài lòng với những đứa con tinh thần sau đó không. Ví dụ như “Bí mật rừng già”?

TD: Bầy Kên Kên là một tác phẩm chưa hoàn tất, không có gì đáng để nói, và do đấy cũng không phải là tác phẩm đưa tới cái gọi là “thành danh” của Trùng Dương. Thực tình tôi cũng chẳng biết có tác phẩm nào đã khiến tôi “thành danh”. Hình như tôi được người ta nhớ đến nhiều là do hoạt động với tờ Sóng Thần.

Trở lại những tác phẩm văn chương, đọc lại những truyện cũ (tôi may mắn có đem theo được, trong chuyến di tản 1975, vài tập truyện đã in thành sách, tôi không cho in lại vì đã có ai đó nhanh tay… làm hộ việc này, ngoài hiểu biết của tôi, song cũng không quan trọng), tôi chỉ có một sự hài lòng rõ rệt nhất, đó là chúng đã giúp ghi lại những cảm nghĩ, nhận xét về những mảnh đời mà nếu không, mình đã không còn nhớ. Ngoài ra, chúng cũng giúp tôi đo lường được mức độ trưởng thành trong việc cầm bút của mình. Hồi xưa, trước 1975, tôi viết do ngẫu hứng nhiều, không có căn bản về viết văn hay báo, do đấy có những bài rất bột phát, hồn nhiên, thấy cũng hay hay, đọc lại chính mình cũng ngạc nhiên, ngược lại, có nhiều bài dở, vớ vẩn, chẳng ra làm sao, xem lại, thấy buồn cười,

Riêng truyện “Bí mật của rừng già”, cũng lạ là người phỏng vấn đề cập tới, vì ít ai đã đọc, hay đọc mà còn nhớ. Độc giả và các bạn văn nghệ của tôi thường chỉ nhắc tới hai truyện mà họ cho là tiêu biểu, hoặc do còn rơi rớt lại… cái tựa truyện trong trí nhớ của họ, và cũng được chọn làm tựa của hai tập truyện, Vừa đi vừa ngước nhìn (Khai Trí, 1966) và Mưa không ướt đất (Văn, 1967). Truyện “Bí mật của rừng già”, viết vào cuối thập niên 1960, được in lại trong tập truyện Chung Cư (Tân Văn, 1971), có một nửa (phần người nữ tu bị hiếp) dựa vào chuyện do một người bạn kể lại, và nửa còn lại (người hiếp người nữ tu bị người anh của bà ta “xử”, sau khi chuốc rượu cho say đến bất tỉnh) là do trí tưởng tượng của tác giả. Truyện có bối cảnh là một khu định cư của dân Bắc di cư năm 1954 tại một vùng cao nguyên đất đỏ, lấy từ ký ức về những chuyến đi thăm cha tôi và mấy người anh làm cây và trú ngụ ở Túc Trưng, Nam Việt Nam, vào cuối thập niên 1950. Viết truyện ngắn này, hình như tôi chỉ muốn kể lại một câu chuyện, trong tinh thần kể chuyện hơi cổ điển: có đầu có đuôi, có quả có báo. Có thể khi nghe người bạn kể chuyện, tôi thấy bất nhẫn, một cách vô thức, nên tưởng tượng thêm thắt cho thành chuyện quả-báo. Độc giả có toàn quyền rút từ đó ra một ý nghĩa nào đó tùy theo cảm quan của họ.

LQM: Nhận xét của chị về dòng văn chương nữ trong cộng đồng người Việt hải ngoại thế nào? Nói chung, cảm giác của chị ra sao khi biết có không ít những nhà văn nữ, qua tác phẩm của họ, đã tạo được thành công vượt hẳn nam giới?

TD: Tôi chỉ đọc vài người, không đọc hết, thành ra không thể bàn về cái gọi là dòng văn chương nữ hải ngoại, vì sẽ rất thiếu sót, lệch lạc. Song theo tôi, không có dòng văn chương nam hay nữ hay phái ở giữa. Văn chương nào thì cái chính là có rung cảm và làm phong phú (enrich) được người đọc không, và nếu nói lên được cái gì thì càng tốt.

Xem thêm:   Cây cầu $6.5 tỉ

LQM: Người ta nói nhà văn (đích thực) là những người cô đơn nhất theo bản năng tự nhiên. Chính vì thế mà họ mới có khả năng chìm đắm trong tư duy sáng tạo, và sống với những nhân vật họ tạo ra. Theo chị thì câu này có đúng không? Và chị có cảm thấy cô đơn như thế không?

TD: Hành trình sáng tạo nào cũng là một hành trình cô đơn, chẳng cứ viết văn. Như người ta ngồi đồng, đồng không lên thì không nhập đồng được. Nhập rồi thì chẳng còn biết gì về đời sống xung quanh. Nói vậy, tôi chưa thấy mình đạt tới giai đoạn được “đồng nhập” đó. Có lẽ vì thế mà chưa có tác phẩm… lớn?

LQM: Người ta cũng nói rằng sự thành công lớn chính là niềm cô đơn bất tận của nghệ sĩ. Chị có cho đây là cái giá phải trả của nghệ sĩ nói chung không?

TD: Tôi chưa liên kết được 3 cụm từ “sự thành công lớn”, “niềm cô đơn bất tận”, và “cái giá phải trả”. Cũng có thể vì tôi chưa có kinh nghiệm về một “sự thành công lớn” nên chưa có được cái “niềm cô đơn bất tận” đã phải trả bằng “cái giá phải trả”, chăng?

LQM: Chị nghĩ sao về ảnh hưởng lớn của phụ nữ trong lãnh vực chính trị hiện nay? Và ý kiến về nạn buôn người tại Á châu, đặc biệt là tại Việt Nam.

TD: Tôi nghĩ ảnh hưởng của phụ nữ trong lãnh vực chính trị là một điều khích lệ, đáng mừng, đã tới lúc, nếu không nói là hơi trễ là đàng khác.

Về tệ nạn buôn người ở Á châu và đặc biệt tại Việt Nam, đây là một vấn nạn xã hội lớn lao và nhức nhối. Ở đây tôi xin phép chỉ thu gọn vào vấn đề buôn bán trẻ em và các thiếu nữ. Tôi nhớ có đọc một bài báo, về một phóng viên Mỹ bỏ tiền ra chuộc một cô bé trong một ổ điếm ở Căm Bốt và đem em trả về cho gia đình em ở một làng quê, để một thời gian sau anh ta lại thấy em ở trong một ổ điếm khác. Tức là muốn giải quyết tệ nạn này, phải giải quyết tận gốc, bằng sự giáo dục và tạo cơ hội kinh tế cho các em gái.

Chương trình Dateline của NBC cách đây 5 năm có đi một phim tài liệu về tệ nạn này, nhan đề là “Children for Sale”, hiện còn post tại http://www.msnbc.msn.com/id/4038249/; và cách đây 2 năm, chương trình NOW của hệ thống truyền hình PBS cũng có trình chiếu một phim tài liệu tựa là “Daughters for Sale”. Trong khi Dateline cung cấp một cái nhìn tổng quát về tệ nạn buôn bán trẻ em gái, thì NOW thu hẹp vào công tác của tổ chức Nepalese Youth Opportunity Foundation (http://www.nyof.org/), là một nhóm thiện nguyện Tây phương phối hợp với dân địa phương, đã giúp vốn, bằng một con heo con, hay một con dê, trị giá bằng số tiền một gia đình nghèo nhận được nếu đem con gái đi ở đợ, mà kết quả có thể là bán con luôn.

Ngoài việc giữ các em gái ở lại với gia đình, tổ chức này còn giúp cho các em có phương tiện đi học để có được việc làm tốt, đồng thời giữ được phẩm giá con người. Hàng ngàn em gái đã được tổ chức NYOF giúp đỡ để vừa được ở nhà với và giúp gia đình, vừa được đi học để chuẩn bị cho một tương lai tốt đẹp hơn. Song đây cũng chỉ là muối bỏ bể, vì thành kiến xã hội, tập tục văn hóa và đặc biệt, tình trạng kinh tế lạc hậu.

Gần đây tôi cũng có dịp xem một phim tài liệu khác, cũng trên đài PBS, về một trường ở Ấn Độ, gọi là Barefoot College (http://www.barefootcollege.org/), giúp huấn luyện các phụ nữ ở vùng quê lắp ráp solar panel và thiết lập hệ thống thu nguồn ánh sáng của mặt trời  để cung cấp điện lực cho thôn xóm họ, tôi rất thích thú. Đặc biệt trường này chỉ nhận huấn luyện các phụ nữ thôn quê, không nhận nam sinh. Họ lý luận là huấn luyện cho các bà thì các bà làm việc ra tiền thường lại đem thu hoạch về để bồi bổ cho gia đình con cái, chứ không tiêu dùng cho riêng mình.

Sẽ rất thiếu sót nếu không đề cập tới những nỗ lực của các bạn trẻ Việt hải ngoại hiện đang làm các công việc thiện nguyện nhằm giáo dục các em gái con nhà nghèo ở Việt Nam tránh bị rơi vào cạm bẫy của nạn buôn người và giúp các em tiếp tục việc học. Điển hình là các sinh hoạt của Pacific Links Foundation (http://pacificlinks.org/) mà chương trình Newshour thuộc hệ thống truyền hình PBS đã giới thiệu nhân kỷ niệm 35 năm ngày 30 tháng 4, 1975 vừa qua. Hoặc VietACT (http://www.vietact.org/), một tổ chức chống nạn buôn người của một số bạn trẻ hoạt động đã nhiều năm nay, bên cạnh nhiều nỗ lực cá nhân khác, tất cả rất cần chúng ta hỗ trợ, đóng góp nếu có khả năng.

Tóm lại, muốn giải quyết tệ nạn buôn người đối với phụ nữ, phải bắt đầu đi từ căn nguyên, tức là tạo cơ hội kinh tế cho những người có thể trở thành nạn nhân. Các tổ chức thiện nguyện quốc tế không thể một mình làm việc này, mà phải có sự tiếp tay của người địa phương, và của chính quyền, nếu họ thực tâm lo cho dân.

LQM: Nhà văn Võ Phiến, về cuối đời đã viết trong tản mạn Thẫn Thờ như sau: “Chuyện sáng tác có gì đáng nói… Tôi e những món thơ thẩn và tùy bút nọ kia đều phải xếp về phía đồ chơi. Những cái mình miệt mài bấy lâu, khi đầu bạc nhìn lại là đồ chơi cả…” (Cuối Cùng, Võ Phiến, Thế Kỷ 21 xb năm 2010). Xin chị cho ý kiến về câu tuyệt vời trên?!

TD: “Chơi” mà đồ sộ như thư mục sách đã xuất bản của ông Vô Phiến, thì cũng đáng “chơi” lắm, chứ sao lại… “thẫn thờ”? Và có lẽ vì ông ấy “chơi”, chứ mà đăm chiêu, nghiêm chỉnh, lúc nào cũng như vác một sứ mệnh văn nghệ vĩ đại, e người đọc bị nhát, đọc sợ không vô. Có lẽ đó là cái khiến nhiều người thích đọc và cảm được Võ Phiến, vì ông ấy chỉ kề cà kể chuyện, bình dân, mộc mạc, kể cả khi đề cập tới những chuyện không nhỏ tí nào, như… 20 năm Văn học Miền Nam 1954-1975.

Xem thêm:   Làng cổ bên sông Ô Lâu

LQM: Trở lại với độc giả qua những ký sự du lịch. Điều này chứng minh chị đã đi qua rất nhiều địa danh lịch sử trên thế giới. Chị có tìm ra được sự liên hệ chung của con người là gì không? Có phải đó chính là tình yêu?

TD: Thực ra tôi đi không nhiều, và cũng rất chọn lọc cái nơi mình đi thăm, không nhất thiết phải là một địa danh lịch sử. Như đã nói ở trên, tôi thích nhiều thứ, là một loại “chuyên viên về các vấn đề tổng quát” (chữ của nhà thơ Đỗ Quý Toàn, trước 1975, một lần nói về nghề viết báo của Đạo Cấy, bút hiệu viết phiếm của anh ấy). Và tôi cũng rất thích loại phóng sự bằng hình (photoessay) hoặc chuyện bằng hình (photostory) nữa, làm để… chơi, để gửi đi chia sẻ với người thân, bằng hữu hoặc vài tờ báo thân hữu. Tôi thích, và vẫn cố, viết ngắn và cô đọng, và để cho hình ảnh kể chuyện, một phần vì thời buổi này không có mấy ai có thì giờ đọc bài dài và nhớ được dù chỉ một phần nhỏ.

Trở lại chuyện du lịch. Tôi đi thăm Taos, New Mexico, chẳng hạn, vì dạo đã lâu nghe thằng con đi thăm Taos về, nói ở California đi ra bờ sông thấy thiên hạ thả cần câu cá đầy dọc theo bờ sông, còn đến Taos thì chỉ thấy họa sĩ dựng giá vẽ đầy dọc bờ sông. Có thể là thằng con diễn tả hơi quá, có tính khôi hài. Dù vậy, khi tôi đi thăm Taos là vào tháng 11, trời đã lạnh, lại ở cao độ, đã lất phất tuyết rơi, nên chẳng thấy hoạ sĩ nào dại dột ra bờ sông dựng giá vẽ hết, nhưng thành phố thì thấy đầy phòng tranh, có phòng tranh có tên gọi là “The Starving Artists”, có cả một rạp chiếu bóng tên là Storyteller – tôi rất mê văn hóa nghệ thuật, đặc biệt kiến trúc, của vùng Tây Nam Hoa Kỳ vốn xưa thuộc về các bộ lạc Da Đỏ. Hoặc tôi đi New Orleans, 3 năm sau trận bão kinh hoàng Katrina, vì mối quan tâm tới môi sinh và vì muốn biết thành phố này đã phục hồi ra sao – cũng nhờ chuyến đi đó mà gần đây tôi theo dõi vụ tràn dầu trong Vịnh Mexico với một kiến thức về môi sinh của vùng bờ biển Louisiana, chỉ cách New Orleans có vài ba chục miles, và với một quan tâm đặc biệt. Hoặc tôi đi thăm các bãi đổ bộ của quân Đồng Minh ở Normandy, Pháp, nhân kỷ niệm 65 năm D-Day năm ngoái, và đã đi thăm các nghĩa trang tử sĩ Mỹ và cả Đức, để được nhìn thấy tận mắt sự tôn trọng các tử sĩ không phân biệt bên thắng bên thua của một nhân loại văn minh, không như người cộng sản ở Việt Nam đối với các phần mộ của các tử sĩ Việt Nam Cộng Hòa. Hoặc tôi đi Nam Cực vì … ít người có dịp này — một kinh nghiệm tuyệt vời vì môi trường vô cùng tinh khiết nơi đây, mặc dù lạnh ơi là lạnh dù đang giữa mùa hè ở Nam Bán Cầu (mà tôi lại bị mất cắp túi hành lý đựng quần áo và thuốc men khi chờ xe bus ở Buenos Aires, Argentina trước khi lên tầu đi cruise – một kỷ niệm đáng nhớ!). Hay tôi đi Ý vì trên 30 năm trước, vào những ngày cuối cùng ở Sàigòn, có cơ hội di tản song còn đang phân vân nên đi hay ở, tôi đi xem một phim có bối cảnh ở Rome, đã tự nhủ nếu không rời khỏi Việt Nam thì… bao giờ mới được thấy Ý và những công trình kiến trúc, điêu khắc và nghệ thuật của xứ này. Vậy mà mãi tới năm vừa rồi tôi mới có dịp đi Ý, và đã hẳn là phải viếng cả Pompeii nữa, để trí tưởng tượng của mình có dịp bay ngược thời gian về thế kỷ thứ nhất khi Pompeii và thành phố Herculaneum kế bên bị hỏa diệm sơn Vesuvius phun lửa chôn vùi dưới 21 mét nham thạch vào năm 79 thuộc thế kỷ thứ nhất, cũng là thế kỷ thấy cuộc khởi nghĩa thành công và xưng vương ngắn ngủi của Hai Bà Trưng (40-43). Cũng vì thích những tàn tích cổ đó, mà tôi đi thăm Mesa Verde National Park ở Colorado, nơi có những làng xóm các bộ lạc Da Đỏ xây trong hốc núi (cliff dwellings) từ trước thế kỷ thứ 13, vừa bí ẩn, vừa đẹp, như những tác phẩm điêu khắc nghệ thuật. Tôi vẫn mong có dịp đi thăm các di tích của vương quốc Chàm – tôi chưa| trở về lại Việt Nam lần nào.

Qua những chuyến đi ấy, tôi càng thấy thêm yêu thương trái đất. Trái đất – hành tinh duy nhất còn sự sống – đẹp như thế, môi sinh đa dạng như thế, với các nền văn minh nối tiếp nhau phong phú rực rỡ khi thịnh, và trầm mặc, bí ẩn lúc suy, như thế, mình phải làm những gì có thể làm để bảo tồn, trân trọng nó, đừng mặc sức khai thác, tàn phá, làm ô nhiễm nó thêm, và để cho con cháu mình cũng được dịp thưởng ngoạn những cái đẹp ấy.

LQM: Xin nhà văn Trùng Dương có vài lời với quý độc giả,

TD: Vài người gần đây nói với tôi họ thích đọc tôi vì thấy được mở mang kiến thức, tôi thấy vui vui vì mình đã làm được một việc có ích khi kể lại những chuyến đi chơi của mình, hoặc khi viết về một đề tài nào đó, hoặc về cuốn sách hay một phim hay đã đọc, xem và đã rung động mình. Xin chân thành cảm tạ lòng ưu ái của bạn đọc, hiện tại cũng như trong quá khứ.

LQM: Cám ơn chị đã nhận lời mời phỏng vấn của Lê Quỳnh Mai.

TD: Xin cảm ơn người phỏng vấn đã dành cho tôi cơ hội “gói ghém” cuộc đời cầm bút của mình.

LQM

Thực hiện 29 tháng 6 năm 2010, trích từ tập Tác giả với Chúng ta (2004)