Năm tàn tháng tận, vui buồn gì cũng qua. Năm 2022 cũng không ngoại lệ, chỉ hơi khác là năm nay, nhiều biến động đã xảy ra, những biến động ảnh hưởng nặng nề đến người thế giới. Dưới “ống kính” riêng, Dế Mèn ghi chép vài biến cố gây hoang mang và lo lắng cho bản thân và những người chung quanh.

Cuộc chiến tranh Ukraine bùng nổ từ tháng Hai khi Nga Sô tấn công Ukraine. Ai cũng lo âu rằng Nga Sô sẽ nuốt trọn quốc gia láng giềng nọ vì tương quan lực lượng quá chênh lệch, từ vũ khí đến nhân lực. Vậy mà Ukraine vẫn đang cầm cự dù đá vàng tan nát, người chết, đất nước tan hoang… Anh khổng lồ Nga Sô bị cả thế giới chê trách nhưng ông Tổng thống Putin xem ra vẫn bình chân như vại, lâu lâu lại bưng vũ khí nguyên tử ra hăm dọa. Không hiểu tại sao cư dân Nga không đứng lên được nếu họ chống đối chiến tranh và không đồng ý với chính sách đối ngoại của nhà cầm quyền? Có thể nào thế giới được chứng kiến “Mùa Ðông Nga Sô” với cư dân nổi dậy như “Mùa Xuân Ả Rập” năm xưa không nhỉ?

Người Nga, người Ukraine đang khốn đốn vì bom rơi đạn nổ trên đất nước họ nhưng thế giới cũng chịu vạ lây. Nguồn năng lượng từ Nga bị đem ra làm vũ khí dọa nạt thế giới. Xăng dầu lên giá, khí đốt cũng lên giá và mùa đông đang đến, cư dân Âu Châu sẽ khốn đốn lắm với vấn nạn sưởi ấm. Chưa hết, người tị nạn từ Ukraine di tản qua những vùng lân cận và họ cần nhà ở, thực phẩm, công việc làm, chăm sóc sức khỏe … Các vấn nạn xã hội và kinh tế đang ảnh hưởng nặng nề đến muôn người trên thế giới chỉ vì tham vọng của một con người. Chẳng lẽ ta lại cầu nguyện cho bạo chúa chóng suy tàn? Quyền lực thu gọn trong tay một thiểu số là sự hiểm nguy khó tránh?

Câu hỏi lớn nhất vẫn là “Liệu chiến tranh nguyên tử có xảy ra không?”

Covid-19 đang vào giai đoạn cuối: Suốt mấy năm trời, Covid-19 gieo rắc biết bao kinh hoàng cho cư dân thế giới. Cả triệu người tử vong trong khi cả mấy chục triệu người khác sống sót sau khi nhiễm bệnh vẫn còn vật vã với các di chứng “long Covid syndrome”, mệt mỏi, viêm tim, viêm phổi kinh niên, thấp khớp, sút giảm trí nhớ …

Xem thêm:   Truyện tranh Hoa Kỳ về Chiến tranh Việt Nam

Ðể ứng phó, thuốc chủng ngừa, thuốc chữa trị được sản xuất cấp thời đã tiết giảm được nhiều nguy hại từ căn bệnh kia. Vậy mà sau gần ba năm ròng rã, số người tử vong vì Covid-19 cũng vẫn xấp xỉ 300 người mỗi ngày chỉ riêng tại Huê Kỳ! Và người thế giới đang tập thích nghi với Covid-19, số đông đã chịu giãn cách, chịu dùng mask, chịu chủng ngừa, chịu dùng thuốc men khi cần thiết để tự cứu.

Người thì cho rằng đại dịch Covid-19 là trận thiên tai trời hành mỗi thế kỷ, kẻ lại khẳng định là nhân họa, dịch bệnh lan tràn vì con người muốn giết hại lẫn nhau (?) nên 5 triệu người thế giới tử vong để bù trừ (?) cho sự sinh sản, 8 tỷ con người đang chen chúc trên mặt đất!?

Bão tố, các trận bão lụt, động đất xảy ra tại nhiều nơi trên thế giới. Riêng Huê Kỳ, hai trận bão Ian và Nicole đã gây thiệt hại đến mấy chục tỷ bạc. Núi lửa đang phun trào tại Hawaii, chưa biết khi nào mới ngừng? Âu Châu cũng xính vính vì các trận lụt, hết lụt rồi hạn hán, sông ngòi cạn kiệt trưng bày các dấu tích của một thời khốn khó vì thiếu nước. Hạn hán khiến các khu rừng khô khốc, chỉ cần một mồi lửa nhỏ vì bất cẩn [nhân họa] hay một cú sét đánh [thiên tai?] là cả ngàn mẫu rừng trở thành tro than, mở màn cho lũ lụt sắp tới. Chưa hết, khí hậu thay đổi, đất trời trở nên nóng nực hơn hoặc giá lạnh hơn so với những ngày trước. Người người nhìn nhận rằng các biến cố dữ dội kia đến từ việc con người lạm dụng tài nguyên thiên nhiên, vắt cạn các nguồn nước trong khi hâm nóng bầu khí quyển nên mưa gió xảy ra bất thường và dữ dội hơn trước. Biết như thế nhưng chẳng mấy ai chịu thay đổi cách sinh hoạt cố hữu, không biết đến đời con cháu ta thì họ sẽ xoay sở ra sao? Các kỹ thuật mới sẽ giúp con người phòng ngừa né tránh thiên tai hữu hiệu hơn? Nhất là các ‘thiên tai’ bắt nguồn từ ‘nhân họa’ như các trận giông bão vừa qua?

Xem thêm:   Loanh quanh, vụn vặt

Ðại dịch, chiến tranh, thiên tai và nhân họa đã mang đến suy sụp kinh tế và tài chánh khắp nơi, từ Á sang Âu, Mỹ. Ðất nước nào cũng khốn đốn như nhau vì lạm phát, vật giá leo thang, sinh sống khó khăn hơn so với những năm trước đây. Bức tranh kinh tế có phần ảm đạm dù nhân công vẫn hiếm hoi với mức lương bổng cao hơn. Bá tánh vẫn tiếp tục tiêu xài rầm rộ nên lạm phát không suy suyển cho mấy dù lãi suất đã gia tăng nên việc làm ăn / buôn bán vay mượn sẽ khó khăn hơn. Chuyên viên tài chánh lo lắng vì lạm phát vẫn chưa “nguội” bớt nên ngân hàng sẽ phải tiếp tục tăng lãi suất để bá tánh bớt tiêu xài! Các nhà xã hội còn lo âu hơn nữa vì người ta dùng tín dụng (theo tiêu chuẩn “xài trước, trả sau”) khá nặng tay, tiêu xài quá mức có thể cáng đáng thì tương lai sẽ ra sao? Cả nước sẽ … vỡ nợ?

Dựa trên các con số nợ nần và tài sản, chuyên viên tài chánh ước đoán rằng những gia đình trung lưu sẽ … thụt lùi, nhất là nhóm người vừa ra khỏi bậc thang nghèo khó trước đây không lâu trong khi tỷ phú và triệu phú (trăm triệu) sẽ duy trì được mức tài sản của họ.

“Gun violence” – Những trận tàn sát bằng súng đạn xảy ra khá nhiều trong năm nay, từ Uvalde Texas đến Buffalo New York, mấy tay súng buồn buồn xách súng bắn loạn vào đám đông dù chẳng hề có chuyện thù oán cá nhân. Hận đời [tương lai u tối] cũng có, buồn người [da màu/ đồng tính] cũng có và chỉ biết ra tay giết chóc để giải tỏa ẩn ức, căm hờn?!

Xem thêm:   Miệng Nhà Quan ngày 4 tháng 4 năm 2024

Vấn nạn mua bán súng dễ dàng tiếp tục là đề tài bàn luận trên đất nước Huê Kỳ, bàn luận mãi mà vẫn chưa được giải quyết ổn thỏa. Khóc lóc, tưởng niệm, đặt hoa, thắp nến … quá nhiều lần nên lòng người chai cứng? Ðề tài “gun violence” cứ kéo dài năm này sang năm khác mà không mấy thay đổi. Có lẽ nguyên nhân sâu đậm nhất vẫn là việc người Huê Kỳ không mấy tin cậy vào nhà cầm quyền, họ muốn giữ súng đạn để tự vệ? Và vì thế nên chính quyền nào, Dân Chủ cũng như Cộng Hòa, cũng thất bại trong việc ban hành các biện pháp kiểm soát, thu hồi súng đạn trong tay cư dân?!

Năm nay, Tối Cao Pháp Viện Huê Kỳ đã trưng bày một bộ mặt khá mới so với các thập niên trước đây, bộ mặt bảo thủ của những người không chấp nhận sự thay đổi của xã hội ngày nay. Ðạo luật cho phép phá thai qua Roe v. Wade đã bị Tối Cao Pháp Viện “sửa” lại. Mỗi tiểu bang bắt đầu ban hành các đạo luật về thai sản trên “lãnh thổ” riêng. Nơi cấm hoàn toàn. Chỗ cho phép một cách giới hạn. Và những phụ nữ cần dịch vụ kể trên phải di chuyển để được chăm sóc đúng mức.

Chuyện thai sản được đề cập và bàn luận như “quyền sống” của một trái trứng thụ tinh, không mấy ai chịu nhìn nhận việc sinh con đẻ cái [và nuôi dưỡng cho nên người] như một hành trình nặng trách nhiệm giáo dục và kinh tế của cha mẹ cũng như xã hội. Quyền quyết định của một bà mẹ bị chuyển vào tay các nhà lập pháp / hành pháp nên nghiễm nhiên, việc “ngừa thai” trở thành biện pháp duy nhất của một phụ nữ muốn duy trì quyền tự quyết!

Năm 2022 là một năm đầy biến động, thiên tai nhân họa trùng trùng nên người người đều mong cho năm cũ đi qua để năm mới đến sẽ mang lại những ngày tươi sáng hơn.

TLL