Lễ lạt là những dịp bá tánh… đổ bỏ thức ăn dư thừa vì nhiều lý do: nấu nướng quá nhiều, ăn hoài không hết thức ăn vì ngán quá xá, ngày nào cũng phải ráng ăn cho hết. Thế là thực phẩm đã kỳ cọm nấu nướng rủ nhau vào thùng rác. Thức ăn chưa nấu hầu như cũng chịu cùng số phận vì trải qua nhiều ngày rau cỏ héo úa hoặc hư rữa, hết mùi vị.

Rác thực phẩm sinh ra khí methane

Theo trang nhà của tổ chức World Wild Life (https://www.worldwildlife.org/press-releases/over-1-billion-tonnes-more-food-being-wasted-than-previously-estimated-contributing-10-of-all-greenhouse-gas-emissions), năm 2021, thế giới đã … đổ đi 2.5 tỷ tấn thực phẩm! Một con số quá lớn trong khi nạn đói vẫn hoành hành tại nhiều nơi. Lượng rác khổng lồ này đã tạo ra 10% greenhouse gas (thán khí?) gây hâm nóng bầu khí quyển.

Theo bài tường trình của tổ chức Feedingamerica, năm 2021, 34 triệu người Huê Kỳ thiếu thực phẩm và chịu đói khát dù 40% lượng thực phẩm sản xuất từ nội địa đã bị đổ bỏ. Tại Huê Kỳ, thức ăn thừa thường bị đổ bỏ như rác tại các vùng đất hoang, landfills, trong khi tại Nam Hàn, cư dân tái dụng hầu như 100% số thức ăn dư thừa.

Cơ quan Bảo Vệ Môi Sinh [the Environmental Protection Agency (EPA)], công bố rằng thực phẩm dư thừa là lượng rác lớn nhất của Huê Kỳ. Loại rác này khi hư rữa sẽ tạo ra khí methane; và khí methane lưu giữ sức nóng khiến bầu khí quyển nóng hơn, độ nóng cao gấp 80 lần so với carbon dioxide.

Thu gom và phân phối

Khi đổ bỏ thực phẩm tốt còn sử dụng được, ta không chỉ phí phạm thức ăn trời ban mà ta còn phí phạm công khó của người sản xuất, thời giờ, đất đai, nước và năng lượng đã dùng để tạo thành các thức ăn ấy chưa kể tiền bạc tiêu xài để vận chuyển, lưu trữ. Tạm hiểu là con người đã vô cùng phí phạm khi đổ bỏ thực phẩm còn sử dụng được.

Ðể tiết giảm việc phí phạm tài nguyên cũng như trợ giúp những người đói khát, đã có nhiều tổ chức tư nhân đứng ra điều hành việc thu góp và phân phối thức ăn dư thừa. Khái niệm cân bằng nhu cầu / phí phạm không phải là điều mới mẻ. Ðó là một hình thức “an sinh xã hội” hiện diện từ ngàn năm, người “có” chia sẻ với kẻ thiếu thốn. Chỉ khác là ngày nay, việc “phân phối” ấy được thực hiện theo hệ thống quy củ. Ðiển hình là việc các tình nguyện viên thu góp thức ăn còn lại sau buổi chợ Mar Vista Farmers Market tại Los Angeles California. Những món không bán được từ rau củ đến trái cây còn tươi tốt đều được thu góp, phân loại và đem phân phối cho những người cần dùng. Tổ chức Food Forward tại North Holywood, California đã đảm nhận công việc điều hành ấy trong nhiều năm vừa qua. Tổ chức này, thành hình từ năm 2009 với mục đích tiết giảm sự phí phạm thực phẩm đã thành công trong việc liên kết các tiểu thương, các cửa hàng buôn bán để thu góp thực phẩm. Họ đã thu góp khoảng 250 ngàn cân Anh thực phẩm mỗi ngày rồi phân phối cho 340 tổ chức cứu đói cho 150 ngàn người tại 12 quận hạt địa phương cũng như các vùng lân cận kể cả các bộ tộc thổ dân. Tính ra, mỗi người nhận đều có đủ 5 phần rau quả cần thiết hằng ngày.

Xem thêm:   Loanh quanh, vụn vặt

Trong trận đại dịch, nhiều tổ chức từ thiện chuyên việc thu góp và phân phối thực phẩm miễn phí ngưng hoạt động trong khi số người thiếu thức ăn hằng ngày lại gia tăng cấp kỳ. Lượng “cung” sút giảm trong khi mức “cầu” gia tăng nhanh chóng và hậu quả là đói khát nhất là tại những vùng đất nghèo đói. Ngay tại Huê Kỳ, tỷ lệ cung/cầu thực phẩm miễn phí là ¼. Hơn bao giờ hết, việc cung cấp thực phẩm miễn phí theo nhu cầu đã trở thành mối bận tâm cho chính quyền địa phương và cũng là đề tài nóng hổi được bàn cãi rầm rộ trên các trang mạng truyền thông. Hiểu biết rõ hơn về sự thiếu thốn, đói khát của người chung quanh nhiều cư dân đã thành lập từng tổ chức nho nhỏ để chung tay thu góp cũng như phân phối nhu yếu phẩm cho hàng xóm láng giềng kém may mắn.

Theo Association of Gleaning Organizations, Huê Kỳ có khoảng 200 tổ chức lớn nhỏ đang làm công việc phân phối thức ăn tươi như rau quả miễn phí cho cư dân.

Nhìn chung, trái đất sản xuất đủ để cung cấp cho mỗi con người đang sinh sống trên thế giới nhưng nạn đói hay thiếu thức ăn vẫn xảy ra vì nhiều trở ngại; khó khăn lớn nhất vẫn là việc chuyên chở đến những nơi cần thiết để phân phối. Hậu quả là người ta vẫn đổ bỏ thực phẩm. Do đó, tiết giảm sự phí phạm thực phẩm là một trong những chương trình quan trọng nhất của Liên Hiệp Quốc để đi đến mục đích “Zero Hunger” vào năm 2030.

Sau Thế Chiến II, dư thừa thực phẩm trở thành một vấn nạn của Huê Kỳ: cư dân thắt lưng buộc bụng vì nhu cầu chiến tranh nhưng khi hòa bình đến thì món chi cũng trở nên dư thừa, rẻ hơn và nhiều hơn. Một yếu tố khác: cư dân rời bỏ thành phố ra ngoại ô để sinh sống thong thả, rộng rãi hơn nên thực phẩm dư thừa trở thành chuyện thường nhật vì các vùng ngoại ô thiếu các phương tiện ‘giải quyết’ thức ăn dư thừa, từ đó, thực phẩm trở thành “rác” khi con người không cần dùng nữa. Ngày nay, thế giới xem ra “gần gũi” hơn, ta biết nhiều hơn về các sự việc xảy ra qua các phương tiện truyền thông. Ta biết thêm tin tức về những địa phương đang đói khát thiếu thốn thức ăn, food insecurities, nên việc vứt bỏ thức ăn dư thừa còn tốt là điều không hay, một sự vô tâm, thiếu ý thức trách nhiệm trước đồng loại.

Xem thêm:   Lang thang & người trẻ

Làm thế nào để tiết giảm việc phí phạm thực phẩm?

Nhiều phương án đã được đề xướng như: a) Chỉ sản xuất đủ dùng / bớt sản xuất? b) Thay đổi cách dự trữ, nấu nướng hoặc quảng cáo, buôn bán thức ăn? c) Thu góp và phân phối miễn phí các thức ăn còn tốt cho người đói khát? d) Biến các thực phẩm không dùng được nữa thành thực phẩm gia súc, phân bón, năng lượng hoặc nguyên liệu như vải vóc?

Ông André Nogueira, một chuyên viên nghiên cứu về chính sách y tế tại TH Chan School of Public Health của đại học Harvard, cho rằng việc phí phạm thực phẩm xảy ra từ mỗi mắt xích của chuỗi cung ứng thực phẩm: từ mỗi nóc gia, mỗi nông trại, mỗi dịch vụ bán thức ăn, mỗi hãng xưởng sản xuất và mỗi chuỗi siêu thị. Sự phí phạm này xuất phát từ kiểu mẫu chế biến và tiêu thụ thực phẩm, nhất nhất đều dẫn đến việc vứt bỏ thức ăn dư thừa!
Với nhà sản xuất thì càng sản xuất càng kiếm nhiều bạc; làm sao để thuyết phục được thương gia đừng … kiếm tiền? Riêng người tiêu thụ thì ưa chuộng ý tưởng được sung túc, được ăn uống dư thừa, nhất là người tiêu thụ tại Huê Kỳ; làm thế nào để thay đổi ý tưởng thích … dư thừa?!

Nguyên do chính khiến nông trại mất mùa (thất thoát thực phẩm) là thời tiết, nhân công và thị trường. Giá cả, tiêu chuẩn xếp hạng nông phẩm và sự ưa chuộng của người tiêu thụ ảnh hưởng rất mạnh đến quyết định của nông gia. Họ chọn việc thu hái hoặc bỏ phí nông phẩm theo thị trường. Tại một vài tiểu bang, nông gia được giảm thuế khi hiến tặng lượng nông phẩm thặng dư. Tuy nhiên mức thuế gia giảm có thể không đủ bù đắp cho những tốn kém về nhân công, nguyên liệu, phí tổn … nên không mấy nông gia muốn sản xuất dư thừa.

Công ty mua sỉ, công ty phân phối thực phẩm cũng như người tiêu thụ đều chọn những sản phẩm đẹp mắt, trái táo đỏ bóng láng, quả cà chua trơn nhẵn, củ cà rốt thẳng thớm … Khi chỉ thu hái những nông phẩm ưa nhìn, biết bao những nông phẩm không đẹp mắt (dù vẫn tươi ngon) bị bỏ lại trên các cánh đồng mênh mông!

Xem thêm:   Sản phẩm & người tiêu thụ

Ðể giải quyết một phần tình trạng hoang phí ngay từ nông trại kể trên, tại Coachella Valley, công ty Hidden Harvest đang mót nhặt các nông phẩm “hạng nhì” bị bỏ lại sau khi thu hái, lượng nông phẩm mót nhặt ấy lên đến cả triệu cân Anh, được đem tặng miễn phí cho 50 ngàn người nghèo qua 60 tổ chức phân phát khác nhau.
Về phía công ty mua sỉ / bán lẻ, khoảng 30% lượng thực phẩm (16 tỷ cân Anh!) bị bỏ phí hằng năm. Riêng công ty Kroger với 2,800 siêu thị, chỉ vứt bỏ khoảng 4% lương thực hằng năm, trị giá khoảng 5.6 tỷ Mỹ kim, được xem là tương đối thành công trong việc tiết giảm việc phí phạm thực phẩm.

Đạo luật tiết giảm

Tạm hiểu là việc phí phạm thực phẩm tại Huê Kỳ đang trở thành đề tài thu hút cư dân. Phía Lập Pháp Huê Kỳ, Thượng Nghị Sĩ Richard Blumenthal đã đề xướng một đạo luật nhằm tiết giảm việc phí phạm thực phẩm. Nếu được chấp thuận, đạo luật này sẽ thiết lập các tiêu chuẩn về phẩm chất của thực phẩm, chấm dứt việc đề ngày tháng trên nhãn hiệu của bao bì. Nghĩa là thực phẩm không bị vứt bỏ dựa trên ngày tháng trên nhãn hiệu; vì các chi tiết ấy không thực sự phản ảnh thời gian hữu dụng của thực phẩm, và người tiêu thụ thường vứt bỏ thức ăn [còn tốt nhưng] bị xem là đã hư hỏng vì đã “quá hạn sử dụng”.

Theo NRDC (Natural Resources Defense Council), một tổ chức bảo vệ môi sinh, ngày tháng in trên nhãn hiệu của thực phẩm chỉ là một ước tính của công ty sản xuất: Ðây là khoảng thời gian được cho rằng thức ăn còn tươi ngon, đầy đủ hương vị.

Một số tiểu bang đang sửa soạn cho việc tiết giảm phí phạm thực phẩm, điển hình là Los Angeles, California, sắp chấm dứt việc đổ thực phẩm dư thừa vào các vùng đất chôn rác, và dùng cách phân hủy để biến thức ăn hư thành phân bón. Connecticut, Massachusetts, New York, Rhode Island và Vermont cũng thông qua các đạo luật tương tự.

Quan trọng nhất trong việc giải quyết việc phí phạm thực phẩm vẫn là sự đồng lòng của chính phủ cũng như người dân, mọi người đều cần góp phần trách nhiệm. Cư dân bớt mua sắm, và khi mua, chỉ mua đủ số thức ăn cần thiết. Chính quyền địa phương cần thu góp và đưa thức ăn thặng dư đến các trung tâm phân phối cho người nghèo để tránh tình trạng kẻ đói khát, người phóng tay!

TLL