Con bé mơ màng thiếp đi trong giấc ngủ giữa ngày. Trời trưa oi ả nồng nồng hơi đất. Ở đây mưa nắng xen kẽ như tấm liếp che cửa nên thời tiết khó chịu như mụ giàu lúc vui lúc bẳn gắt. Vui thường là lúc mụ đếm và vuốt thẳng những tờ bạc nhàu nát hôi hám chuyển tay qua nhiều con người. Mụ liếm ngón tay không ngừng, nước miếng giúp gỡ rời những tờ bạc (bẽo) dính vào nhau tự mồ hôi, máu và những chất lỏng khác từ thân thể. Những chất lỏng giúp mầm bệnh chuyển đi giữa con người. Khi vắng khách, mụ la hét quát tháo liền miệng, dường như không có chi làm mụ tan cơn bực bội ngoài những tờ bạc.
Con bé bị bán vào đây từ năm lên 10, mẹ nó muốn mua một chiếc xe đạp để đi lại cho đỡ cực hai cái chân. Thoáng đó mà đã 3 năm. Ngày ngày bán xác, con bé không biết bao nhiêu lần, con số lớn quá để nó có thể đếm và nhớ. Nó chưa được về nhà, cũng không còn nhớ rõ mặt mũi người đàn ông gọi là “cha”. Nó không nhớ mẹ nhưng nhớ mái rạ và 3 đứa em nheo nhóc, có một đứa em gái, chắc nó cũng bị bán đi đâu đó nếu còn sống. Hôm người mua nó đến trao tiền và nhận hàng, mẹ nó dạm bán luôn cả con em, nhưng nó bé quá mới lên 6, lại gầy gò còm cõi như đứa trẻ 3 tuổi nên khách mua lắc đầu chê. Sợ phải nuôi tốn cơm hay lỗ vốn?
Như những đứa trẻ khác trong nhà, nó không biết chữ nhưng biết dăm ba câu ngoại ngữ, đủ để xin thêm tiền khách mua hoa. Năm nay nó 13 tuổi, chưa có kinh nguyệt nên chưa mang thai như vài đứa trẻ cùng tuổi trong nhà. Không biết nó sẽ làm gì với cái bào thai, chắc cũng phải tháo bỏ như những cái hoang thai cản trở công việc làm ăn khác. Nó biết xách nước, chẻ củi… những công việc lặt vặt trong nhà. Mỗi lần đi ngang ngôi trường học, nó bắt gặp hình ảnh của những đứa trẻ ngồi trong lớp, chẳng biết chúng làm gì, nhưng trông có vẻ dễ chịu, sung sướng.
Trong giấc mơ, con bé thấy mình được đi học. Học để làm gì thì nó chưa biết, nhưng trông thấy cô giáo dạy học, nó đoán rằng nếu nó có đủ chữ thì không phải tiếp tục nằm chờ trên phản tre, ngày cũng như đêm bất kể giờ giấc, lúc nào có khách hàng là nó bị lôi dậy.
oOo
Ở một nơi khác, con bé thức giấc sau cơn mơ, giấc mơ lộng lẫy quá làm nó tiếc, chỉ muốn nằm ngủ nướng để tiếp tục mơ. Nó mơ thấy mình sống trong căn nhà gạch cuối xóm, có cỗ tivi màu chớp đèn đêm đêm, có người chạy xe gắn máy, tiếng nổ ròn tan, khói xanh đen tỏa ra mùi hắc hắc…
Con bé đến nơi này đã 4 năm, từ lúc nó lên 10. Ở đây có những con đường đất bằng phẳng, không lồi lõm như thôn làng nơi nó sinh ra và lớn lên. Nó được mua về để làm việc. Nó làm việc quần quật bất kể ngày đêm giờ giấc nhưng không hề biết công việc của mình kiếm ra bao nhiêu tiền. Mụ giàu nuôi cơm, cho quần áo, thỉnh thoảng cho thêm ít tiền để xài vặt, mụ biểu rằng cha mẹ nó ở quê nhận được tiền công đều đặn. Thế cũng tạm đủ, nó không biết chữ, cũng không biết cách nào để hỏi tin cha mẹ nên đành như thế.
Mấy con người trong ngôi nhà gạch cuối xóm ăn mặc bảnh bao, có cô gái đeo đồng hồ trên cườm tay. Nó thèm một chiếc đồng hồ như thế, trông sang trọng quá, không biết bao nhiêu tiền. Ham lắm nhưng nó không dám ăn cắp. Trận đòn mới đây của con bạn còn rành rành, cũng thèm mua một cái đồng hồ nên lục túi khách lúc ông ta thiếp ngủ. Khách thức giấc kiểm ví thấy mất tiền thế là con bạn bị “anh hai” đánh một trận thừa sống thiếu chết, mấy ngày còn nằm liệt một chỗ. Nó lén đút cơm cho bạn được hai lần.
Thế rồi nó được mua về đây, một chỗ ở khác, xa gần nơi cũ bao nhiêu nó không biết. Nó chưa phải “làm việc” như cũ. Ngày ngày học chữ, cô giáo biểu rằng để có thể đọc báo, viết thư cho cha mẹ. Họ đang tìm kiếm cha mẹ nó, người môi giới chết năm ngoái nên chẳng ai biết nó từ đâu đến, kể cả mụ giàu. Học chữ chán ngắt, nó muốn làm công việc chi đó để có thể mua một cái đồng hồ!
oOo
Người ta lồng vào công việc bán mình kia mấy chữ lộng lẫy như “báo hiếu”, “giúp đỡ gia đình” để những cô gái kia tự nguyện tranh nhau “lấy chồng” xa. Lập gia đình không còn là một tiến trình lựa chọn tự nhiên khi trưởng thành. Dĩ nhiên khi môi giới buôn bán một dịch vụ tệ hại như thế người ta phải sửa soạn bài bản hấp dẫn, nói sao cho lọt tai thì mới có người ham hố mà nghe theo. Dễ dụ dỗ nhất là những người nghèo khó mơ giấc đổi đời nhanh chóng, hễ biết “tẩy”, đáp ứng đúng nhu cầu và xây cho họ một giấc mộng là bán được hàng.
“Lấy chồng” đồng nghĩa với đi làm việc, làm “vợ”, chung sống với một hay nhiều người để được trả công, và những đồng tiền “lương” kia được chuyển về nhà để cha mẹ nở mày nở mặt, xây nhà gạch như những người trong làng. “Chồng” là nguồn tài chánh, nôm na là “meal ticket” hay “thẻ ăn”, “lấy” để có cơm ngon hơn có áo lành hơn như chị như em. Ấy là những “cô dâu” may mắn, được những ngôi sao tốt lành chiếu mạng, gặp được khách mua hoa lương thiện, tử tế; mua về và đối xử như “vợ”, không “dùng” chung rồi bán lại gỡ vốn! Gặp kẻ bệnh hoạn, cái thẻ ăn kia mang lại những bữa cay đắng, từ món cháo huyết bầm tím đến dĩa xương gãy mỏi mòn.
Người trúng số về thăm quê nhà khoe áo huy hoàng khiến kẻ chung quanh náo nức, làm thế nào để “lấy chồng” rực rỡ như thế. Trông dễ như ăn bắp luộc của “Đảo Đài Loan”, “Làng Hàn Quốc” ở miền Tây nước Việt! Người trong làng cũng mơ trúng số, nhưng chưa ai đặt câu hỏi tỷ lệ trúng số là bao nhiêu, kẻ xổ số có chơi trò ăn gian hay không? Có mấy người trúng số độc đắc, bao nhiêu người được lô an ủi? Và nhất là cái sự việc “lấy chồng” kia, có ai dám gọi thẳng thắn là công việc đổi xác lấy thẻ ăn? Bữa ăn dù hứa hẹn những món cao lương và đầy đủ cũng vẫn chỉ là một sự hứa hẹn?
Chỉ có vài tấm ảnh mà tự đó bao nhiêu là bài học đời sống. Mỗi giấc mơ có một màu sắc khác nhau, nhưng quanh quẩn cũng chỉ quẩn quanh mấy chữ cơm áo. Và như thế nào là “đủ”? Giấc mơ “đi học” có màu xanh tươi sáng, con bé nhọc nhằn kia mơ thoát kiếp bị giày vò, chà đạp và trong giấc mơ lương thiện ấy, nó mơ được đứng trên hai bàn chân tự lực! Giấc mơ “đổi đời” có mâm cơm bĩ bàng, quần áo hàng hiệu che giấu vị chát đắng của một con người tự bán mình, mang chính bản thân để mời gọi người mua chuộng vị ngọt, để đổi lấy một cuộc sống sung túc hơn và cái mác “kiều bào” …
Những người đàn bà từ nơi khó khăn, chẳng riêng gì Việt Nam mà Ukraine, Thái, Phi Luật Tân, Kenya… đang tự [buôn] bán mình như thế, qua người trung gian mai mối, qua liên mạng dưới nhãn hiệu “tìm kiếm tình yêu & hạnh phúc”.
Ôi món hạnh phúc tả tơi đến tội nghiệp?!
TLL