Các cơn nóng đổ lửa đang “nướng” nhiều vùng trên mặt đất. Năm nay nhiệt độ không gian vượt các kỷ lục xưa cũ, nơi nào bá tánh cũng than thở và tìm cách trốn tránh ánh nắng mặt trời. Sức nóng thiêu đốt kia gây tử vong cho nhiều nhóm người: Trẻ em bị bỏ quên trong xe nóng, người già không hạ được thân nhiệt trong các căn nhà nóng bức, người trẻ thách đố đất trời mà rủ nhau đi bộ trong sa mạc…
Hơi nóng nguy hại như thế nên địa phương nào bị hơi nóng cũng tìm cách hạ hỏa. Tại hồ bơi, sông biển, vòi phun nước trong công viên… người ta dùng nước để hạ nhiệt. Trong các tòa nhà, người ta dùng máy lạnh để làm dịu cơn nóng. Máy lạnh chạy thả ga để cung cấp hơi mát và tiếp tục thải nhiệt vào không khí chung quanh; bên trong tòa nhà thì mát nhưng không gian chung quanh thì nóng phừng phừng. Ðấy là chuyện của mấy vùng đất khá giả, đầy đủ phương tiện sinh tồn một cách thoải mái trong khi những nơi khó khăn thì đành chịu trận. Trời nóng quá nên chính quyền khắp nơi đang hè nhau tìm cách giải quyết các nhu cầu cấp thiết về thời tiết rồi tính toán cho các chương trình thay đổi khí hậu trong những ngày sắp tới.
Hình ảnh chụp từ vệ tinh không gian cho thấy những “điểm nóng”, những chốn “nguội” nhờ cây xanh, đường phố “trắng” và sông rạch trên mặt địa cầu. Theo ông Glynn Hulley, một chuyên gia nghiên cứu về áp suất không gian tại Jet Propulsion Laboratory của NASA, người dẫn đầu chương trình Land Surface Temperature Monitoring, những hình ảnh ấy giúp ta nhận diện các điểm nóng, thẩm định độ nóng và đo lường ảnh hưởng của các phương pháp “làm nguội” các điểm nóng ấy như “sơn trắng” đường phố… Ðiển hình là việc nhận diện những thành phố nóng bức [đến độ chết người] của California, chính quyền vài địa phương áp dụng cách “sơn” đường phố với một lớp hóa chất “làm nguội”. Loại sơn này phản chiếu ánh nắng thay vì “thấm” và giữ nhiệt như hắc ín (nhựa đường). So sánh nhiệt độ của những vị trí này qua hình ảnh từ vệ tinh, các chuyên viên kể trên kết luận rằng “sơn trắng” đã hạ nhiệt khoảng 1-2 độ C.
Ngoài các tiểu bang với những thành phố lớn của Huê Kỳ, chương trình Land Surface Temperature Monitoring cũng được áp dụng tại Âu Châu với sự hợp tác của European Space Agency, họ đã thẩm định độ nóng của Paris, Prague và Milan và trong tương lai sẽ quan sát các thành phố khác như London, Paris, Athens, Mumbai và Melbourne.
Các chuyên viên khí tượng tại Beijing cũng sử dụng hình ảnh vệ tinh tương tự để thẩm định độ “làm nguội” của các công viên trong những thành phố lớn. Họ đồng thuận rằng công viên mát hơn đường phố nhờ những bóng cây; công viên nào có nguồn nước càng dịu mát hơn nữa.
Áp dụng các phương pháp đo lường sức nóng, các thành phố “lớn” (tạm hiểu là đông dân cư, thành phố toàn xi măng, thiếu bóng cây và hồ nước) trên thế giới đang loay hoay “sửa sang”, trồng thêm cây xanh lấy bóng mát, đặt hồ nước và “sơn trắng” các tòa nhà bê tông, đường sá… và bắt đầu đặt tên cho những trận nóng, heatwave, in hệt như việc đặt tên các trận bão tố. Ðặt tên để có thể gọi đích danh các cơn nóng ấy mà kịp thời khuyến dụ cư dân tránh nắng nóng để bớt thương vong.
Trồng cây xanh lấy bóng mát là chuyện xưa như trái đất, ai cũng rành nhưng khi bị cuốn hút vào những cơn bão tiền bạc thì người thành phố quên luôn cái hại bất cập. Cây xanh cho bóng mát thường tốn cả chục năm trong khi đốn cây làm đường xây nhà thì chỉ tốn vài tháng. Mất bóng mát nên nóng hầm là vấn nạn thời tiết của nhiều thành phố lớn kể cả Saigon yêu dấu của dân Việt ta.
Ngoài cây cảnh, “sơn trắng” nhà cửa, đường phố thì bá tánh còn làm gì nữa để xoay chuyển ảnh hưởng của khí hậu? Xem xét lại cách xây cất, bạn ạ! Các tay kiến trúc chịu trách nhiệm xây cất đang trở về nguồn, ngắm nghía các tòa nhà xưa cũ và tìm hiểu cách làm ‘nguội’ đất đai [mà không tốn kém nhiên liệu] của tiền nhân.
Bên Tàu, người ta ngắm nghía các tòa nhà cổ, xây cất với những khoảng trống trong nhà để lấy ánh sáng mà ta gọi là “skywell” hay “giếng trời”.
Giếng trời hay “tian jing” là một cấu trúc quen thuộc của nhà cửa tại miền nam và miền đông Hoa Lục. Khác với sân, courtyard (“yuan zi” , giếng trời nhỏ hơn và ít tiếp xúc với bên ngoài. Giếng trời thường nằm trong nhà, tiếp giáp với tường vách và không có mái che. Khi trời gió, hơi mát từ bên ngoài được thổi vào trong nhà qua lỗ hổng làm dịu cơn nóng bức bên trong, từa tựa như ống khói của nhà cửa Âu Mỹ, giúp không khí trong nhà thoáng và mát hơn. Nhà giàu thường có ba bốn giếng trời. Nhờ giếng trời, nhiệt độ trong nhà có thể dịu xuống khoảng 4.3 độ C. Giếng trời cũng dùng để lấy ánh sáng và hứng nước mưa.
Các khách sạn lớn tại Hoa Lục đang loay hoay thiết kế các giếng trời để “lấy điểm” với chính quyền đang thúc ép, đòi hỏi cư dân bớt xài điện lực chạy máy lạnh trong mùa hè nóng bức. Các tòa nhà cũ thì đang tu bổ những giếng trời sẵn có với cùng mục đích.
Wang Zhengfeng, một kiến trúc sư đương thời gọi giếng trời là “green wisdom”, làm dịu mát nhà cửa mà không cần dùng năng lượng. Bà ấy cho rằng [vuông] sân, courtyard cho ánh sáng, giúp nhà cửa “thở hít” khí trời và lấy nước mưa, cùng mục đích như giếng trời nhưng sân thường nằm giữa nhà và còn là chỗ tụ họp gặp gỡ của những người sống cùng nhà trong khi giếng trời thì nhỏ, hình thể tùy thuộc vào kiến trúc của căn nhà và khí hậu địa phương.
Tại Ấn Ðộ, cư dân cũng tìm cách làm nguội hơi nóng mặt trời mà không dùng năng lượng; và họ cũng… về nguồn, kiểm nghiệm các kiến trúc xưa cũ xem người xưa xây cất ra sao. Ðiển hình là tòa nhà lẫy lừng Taj Mahal xây cất bằng đá cẩm thạch và các “jaali”, tường vách với những “mạng lưới”, đục đẽo rất đẹp mắt.
“Jaali”, hay “lưới”, được dùng trong vùng Trung Á và Nam Á. Mạng “lưới” này do thợ xây cất tỉ mỉ đục đẽo các tảng đá ong, đá cẩm thạch theo từng mẫu kỷ hà; nối kết các khoảng trống là hệ thống “giây”. Ðây là một kiểu mẫu kiến trúc đặc thù của Ấn Ðộ trong thế kỷ XVI-XVIII. Ngoài Taj Mahal tại Agra, tòa nhà lẫy lừng không kém là Hawa Mahal, “Cung điện Gió”, xây cất vào năm 1799 bởi gia tộc lãnh chúa Rajput tại Jaipur, có 953 cửa sổ chế tạo theo kiểu mạng lưới kể trên để lấy gió mát và ánh sáng.
Như các quốc gia khác, Ấn Ðộ cũng đối mặt với những cơn nóng kinh hồn, nhất là năm nay 2023, nhiệt độ tại thủ đô Delhi có ngày đã lên đến 120 độ F (49 độ C). Họ cũng đang loay hoay giải quyết những vấn nạn do sức nóng gây ra. Năm 2019, chính phủ sở tại đã khởi đầu chính sách India Cooling Action Plan, đòi hỏi các công ty xây cất áp dụng những biện pháp tiết giảm năng lượng khi xây cất các tòa nhà, các con đường mới. Và jaali được xem là một trong những kiểu mẫu xây cất hợp lệ theo tiêu chuẩn bớt dùng máy lạnh để điều hòa không khí, vừa đẹp mắt vừa tiện dụng.
Nhìn chung, kỹ nghệ xây cất khắp nơi đang đối diện với việc “tiết giảm thán khí” (reducing CO2 footprint), xây cất các tòa nhà với mục đích tiết kiệm năng lượng. Năm 2019, kỹ nghệ này đã thải ra 38% thán khí trên thế giới, cao nhất từ trước đến nay, và tiếp tục sử dụng năng lượng vào các hệ thống máy lạnh. Ðể thích ứng, các biện pháp tiết giảm năng lượng đang được áp dụng vào các dự án xây cất, kỹ thuật “pasive cooling”, làm dịu mát không khí mà không dùng năng lượng, như dùng “vỏ bọc”, một lớp “vách” mỏng, chia cách bên trong tòa nhà và không gian bên ngoài. Các kỹ thuật này có thể tiết giảm đến 70% năng lượng tiêu xài khi dùng máy lạnh.
Khí hậu nóng nực là một vấn nạn toàn cầu. Chính phủ tại nhiều quốc gia đang áp dụng những biện pháp làm dịu mát không khí: Ngoài trời, người ta “sơn trắng” đường phố, đặt các vòi nước tại công viên, trồng thêm cây xanh. Bên trong các tòa nhà lớn nhỏ, bá tánh dùng giếng trời, cửa sổ “mạng lưới”, “vỏ bọc” và cây xanh…
TLL