
Sân khấu lộ thiên Les Arenes
Arles
Arles nằm dọc bờ sông Rhône, cách Avignon khoảng 25 phút xe lửa, mua vé đi từ nhà ga chính của thành phố (khác với nhà ga TGV, bên ngoài thành phố). Arles nằm trong vùng Camargue, thôn làng do người Celt thành lập trong thời Ðồ Ðồng, trở thành thuộc địa của Hy Lạp và được gọi là Arelate theo tên La Mã. Năm 49, tên tuổi của Arles được ghi nhận trong lịch sử vì cuộc nổi dậy ủng hộ Julius Cesar. Khi Cesar thành công, đã tàn phá Marseille và lập căn cứ, hải cảng tại Arles để trả công cho những người ủng hộ. Ðây là lý do tại sao có khá nhiều di tích La Mã tại thành phố này. Arles vẫn còn dấu tích của sân khấu lộ thiên 20 ngàn chỗ ngồi nơi người ta xem giác đấu, gladiator, hai võ sĩ đánh nhau chí chết để lấy tiền thưởng.
Từ văn phòng Du Khách, ta có thể mua một tấm bản đồ (1 Euro) vẽ những lịch trình đi bộ, từ “Roman walk” đến “van Gogh path” và viện bảo tàng. Dế Mèn thích đủ thứ nên cứ lang thang theo đôi chân mình, chỗ nào thấy lạ mắt thì đứng lại ngó và chụp hình ảnh.
Ðường phố nhiều những con hẻm nhỏ, và đằng sau các tòa nhà trên đường chính là những tòa nhà lớn không kém, cửa vào còn giữ được những kiến trúc từ thế kỷ XIII.

Giữa thành phố là tòa Thị Chính, có bồn nước và cột đá, Obelisk, rinh về từ Ai Cập.
Di tích La Mã lớn nhất tại Arles là Les Arenes, sân khấu lộ thiên xây từ thế kỷ thứ I-II nơi diễn ra các cuộc đua xe ngựa và giác đấu của thành phố thủa xưa. Phần lớn đang được tu bổ nhưng những cột kèo, băng ghế… gãy đổ cho ta một khái niệm về sự nhộn nhịp của nơi này trong những ngày lễ hội thủa ấy.
Mua vé vào xem Les Arenes, Dế Mèn được xem “thêm” nơi tắm của vua Constantine bên bờ sông, Thermes de Constantine, không có chi để dòm ngoài cái bồn tắm và những bậc thang đá.
Từ Les Arenes, khoảng một cây số, Dế Mèn mò qua Les Alyscamps. Ðây là nghĩa địa từ thời La Mã, và cũng là nơi chôn cất những thánh tử đạo của Pháp từ thế kỷ thứ IV. Cả hai họa sĩ Paul Gauguin và van Gogh đều có những bức tranh vẽ từ nơi này. Lối vào thôn làng có những hàng cây, nhánh chĩa thẳng lên trời như những cánh tay giơ lên, rất lạ mắt. Dế Mèn không biết tên là gì, cây rụng những trái lớn cỡ trái bưởi Mỹ, vỏ xù xì như vỏ mít, trái có màu xanh mướt rất lạ. Bên trong nghĩa địa không có chi để kể ngoài những tòa nhà cổ đã sụp đổ, mất mái, mất tường.
Dế Mèn không biết gốc gác của cột đá, trông không có chi khác so với những cột đá khác của Ai Cập. Trong quảng trường có nhà thờ St Trophime, xây theo kiểu Romanesque từ thế kỷ thứ XI-XII, được đặt tên theo vị Giám Mục quản nhiệm địa phận trong thế kỷ thứ II-III. Dế Mèn không biết bên trong có những gì, nhà thờ đóng cửa nhưng bề mặt có cái cổng vào rất đẹp, tạc tỉ mỉ những pho tượng của các vị thánh Tông Ðồ của giáo hội Công Giáo, từ ông Pierre cầm cái chìa khóa (vào Thiên Ðàng) đến ông John de Baptiste bị cắt đầu dâng vua Herod.

Nhà thờ St Trophime, không mong mà lại tình cờ “chụp” được con bồ câu xoải cánh
Van Gogh
Phe ta theo dấu mốc chỉ đường đến Espace van Gogh. Không biết tự bao giờ, Dế Mèn yêu chuộng các tác phẩm của thiên tài hội họa. Bức tranh nào cũng đầy các nét vẽ sắc sảo, mạnh mẽ như dao cắt, màu sắc tươi sáng. Hình như thiên tài dùng “dao” thay vì dùng cọ? Yêu quý tác phẩm nên phe ta lẽo đẽo theo “chân” thiên tài, từ Hòa Lan sang Pháp, chỗ nào sách vở ghi “dấu vết” là Dế Mèn mò tới xem.
Van Gogh sinh năm 1853 tại Hòa Lan, sống với người em trai, Théo, tại Paris một thời gian rồi đến Arles năm 1888. Tại nơi này, van Gogh bắt đầu vẽ những bức tranh tươi màu và gửi về Paris để Théo đem bán. Trong suốt cuộc đời ngắn ngủi, ông họa sĩ nghèo khó, sống vật vã, thiếu thốn, chỉ bán được mỗi một bức tranh với giá rẻ mạt, cỡ 50 Euro theo thời giá ngày nay.
Van Gogh và Gauguin
Trong thời gian sinh sống tại Arles, van Gogh ở chung nhà với họa sĩ Paul Gauguin. Hai người khác nhau khá xa về khuynh hướng nghệ thuật, ông Gauguin chủ trương vẽ theo trí tưởng tượng, ông van Gogh vẽ theo cái nhìn của mình, nghĩa là nhìn thấy thế nào thì vẽ như thế. Hai người bạn đã có những lần cãi nhau kịch liệt, lần chót, van Gogh cắt đứt tai mình, và sau đó chịu vào nhà thương điên tại St Rémy de Provence dưỡng bệnh. Trong thời gian này, Paul Gauguin cũng bị bệnh tâm thần và cũng có lần tự tử nhưng được cứu sống. Ông này trở về Paris và sau đó lưu lạc sang Haiti.

Căn nhà nơi van Gogh sống chung với Gauguin bị hủy hoại hoàn toàn trong thế chiến thứ II, không còn dấu vết ngoài mốc đường đánh dấu và phụ bản của bức tranh “The Yellow House” tại Place Lamartine.
Câu chuyện bi thảm
Trở lại với van Gogh, thiên tài vẽ khá nhiều tranh tại Arles, và tiếp tục vẽ rất nhiều, 150 bức tranh, tại St Rémy. Ngày 16 tháng Năm, 1890, van Gogh di chuyển đến Auvers-sur-Oise, khoảng một tiếng lái xe từ Paris, sống tại nơi này cho đến ngày 27 tháng Bảy thì ra cánh đồng lúa mạch của thôn làng và tự tử ở đó. Người ta tìm thấy trong túi ông ấy một lá thư viết dở dang: Theo có đứa con đầu lòng, và Vincent không muốn mình trở thành gánh nặng cho người em, Theo, vừa nuôi gia đình vừa giúp đỡ anh trai và cả mẹ già. Vincent qua đời hai ngày sau khi tự bắn vào đầu, Theo bị khủng hoảng một thời gian, và cũng mất 6 tháng sau đó. Anh em van Gogh được chôn cạnh nhau trong nghĩa địa trên đồi tại Auvers. Hai ngôi mộ đơn sơ buồn bã. Dế Mèn có lần đến thăm với Marie Laurence. Lúc ra về, người tóc vàng thì thào … bye bye van Gogh như thể ông ấy còn sống và nghe được câu chào.
Tại Auvers-sur-Oise, căn gác nơi van Gogh ở trọ được bảo trì và trở thành nơi thăm viếng. Ở đó những khung cảnh nơi ông họa sĩ đặt giá vẽ được giữ nguyên, từ ngôi giáo đường đến tòa thị chính, và cả cánh đồng lúa mì của thôn làng.
Espace van Gogh
Tại Arles, nhà thương nơi van Gogh được chữa trị khi cắt tai bây giờ là Espace van Gogh, khu vườn hoa được giữ nguyên như cũ, cửa sổ và khung cửa sơn màu xanh tươi, vàng tươi như thủa ông họa sĩ được chữa trị.

Espace van Gogh và bức tranh xưa
Bức tranh Dr. Rey
Trong thời gian chữa bệnh, van Gogh vẽ bức tranh Dr Rey để tặng Bác Sĩ Felix Rey người đã chữa trị cho mình. Ông bác sĩ không cảm được tấm lòng nghệ sĩ nên đem về nhà để làm mái che chuồng gà (!). Không biết ông họa sĩ “thấy” cái chi mà vẽ cái tai ông bác sĩ đỏ ké? Như cái tai vấy máu của chính mình? Ðôi môi người mẫu cũng đỏ hồng, Dế Mèn ngẫm nghĩ mãi mà không «đọc» ra ý tưởng của họa sĩ về chi tiết này, đâu có lẽ nào ông bác sĩ thoa son, phải không bạn?
Tài năng của van Gogh chỉ được nhìn nhận sau này, và bức tranh che chuồng gà năm xưa được tàng trữ tại viện bảo tàng Pushkin tại Moscow, sau khi mua lại với giá 78 triệu Mỹ kim!
Dế Mèn đi dọc bờ sông Rhône, vật đổi sao dời, những ngôi nhà bên sông đã biến dạng nên tìm không thấy hình ảnh cũ, chỉ biết là nơi này, ông họa sĩ thức trắng 12 đêm mà vẽ cho hết hình ảnh của bầu trời đầy sao trong đêm trăng lưỡi liềm. Nỗi say mê thôi thúc khiến ông họa sĩ không thể dừng tay, chỉ sợ bầu trời sao sáng kia biến mất!

Dr. Rey
Xem tranh và đọc những bức thư của ông họa sĩ gửi cho người em, cả một phần đời van Gogh hầu như được bày ra trước mắt. Những lo âu về cơm áo đè nặng đời sống, mua vải bố mà phân vân cân đo với bánh mì cho bữa ăn trong ngày. Cuộc sống túng thiếu khốn khó như thế mà sao những bức tranh tươi màu rực rỡ quá thể? Ông họa sĩ thách đố tai ương? Rồi cuối cùng cũng vẫn phản kháng bằng thái độ lựa chọn quyết liệt, tự tử chứ không chịu thua?
Phe ta dừng chân ăn trưa ở quán con Ðà Ðiểu (L’Autruche), bàn ăn ngoài trời, gió tháng Mười man mác. Quán ăn nhỏ nên chủ quán chăm sóc khách hàng khá kỹ. Dế Mèn chụp một tấm hình ở đây để nhớ buổi chiều óng ả mượt mà trong tâm trí.
Chiều tàn, phe ta xuôi tàu về Avignon, trước khi lên tàu còn cố chụp hình nhà ga ở Arles. Bây giờ ngồi nhìn ngắm, cả một trời kỷ niệm khiến phe ta bâng khuâng nhớ tiếc. Chắc chẳng bao giờ còn trở lại chốn ấy!?

Thành phố còn giữ được quán cà phê, nơi van Gogh đặt giá vẽ
TLL