Không rõ những chiếc xe bán hàng lưu động đã có từ bao giờ, nhưng những năm đầu thập niên 70 tôi thường thấy chúng chạy loanh quanh trên khắp các nẻo đường Sài-Gòn và hay dừng lại ở những nơi đông đúc dân cư lao động. Do nhu cầu sinh hoạt buôn bán nên chiếc xe nhỏ bốn bánh chỉ chừa lại hai chỗ ngồi khiêm tốn ở phía trước, và phần sau của xe là một không gian rộng rãi được tận dụng làm “kho chứa hàng”.

Một trong những xe bán hàng lưu động ngày nay. nguồn: trendsvietnam.vn
Như đã hẹn trước, tháng nào chiếc xe ấy cũng dừng lại nơi đầu ngõ nhà tôi. Chú tài xế bước xuống và nhanh nhẹn gắn hai chiếc loa phóng thanh trên mui xe, một cái hướng ra phía trước và cái kia hướng về phía sau cũng như lo nối lại mấy sợi dây điện chằng chịt. Có lẽ đây là công việc thường nhật nên đôi tay chú gọn gàng, khéo léo và nhanh nhẹn như con thoi. Bên cạnh chú là một người phụ nữ trung niên với vóc người thon thả. Cô có gương mặt sáng sủa và lanh lợi. Hàng hóa của cô đa số là thực phẩm giữ được lâu và cần thiết trong bữa cơm gia đình như mì gói, xì dầu, nước mắm, tương, chao, dầu ăn, bột ngọt, bột Bích Chi… cũng như những thứ gia dụng như kem đánh răng, dầu gió, xà-bông, bột giặt v.v.
Cô ngồi gọn lỏn trong cái thùng xe chật kín hàng hóa ấy. Trước mặt cũng như sau lưng cô, chúng được sắp xếp gọn ghẽ, ngăn nắp và rất dễ nhìn. Cô cất tiếng mời chào qua chiếc “microphone”. Giọng nói của cô lanh lảnh vang dội một góc phố. Cô liên tục quảng cáo từng món hàng một ..
– Bột giặt Viso trắng mịn, mau tan, nhiều bọt, không lem bông, không ố sọc, đồ mỏng đồ dầy đều xài được, rất tiện lợi cho mỗi gia đình!
– Nước tương ngon hiệu bông cúc, ăn chay, ăn mặn đều dùng được rất thích hợp cho bữa cơm gia đình, chỉ có 150 đồng một bình nước tương ngon hiệu bông cúc!
– “Mì hai tôm” thơm ngon, bổ dưỡng, đổ nước sôi dzô là ăn liền!
– Bột ngọt “Vị Hương Tố” giúp cho bữa ăn gia đình được ngọt ngào hơn!
– Kem “Hynos” bảo vệ hàm răng trắng bóng như cầu thủ Pélé!
Thỉnh thoảng những lời quảng cáo bị gián đoạn vì cô phải trả lời những câu hỏi của khách hàng cũng như muốn giới thiệu thêm phẩm chất sản phẩm cũng như cho biết giá cả của mỗi mặt hàng.
– Cho chị Ba bên này nửa ký bột giặt!
– Cho chú Hai bên kia năm gói mì tôm. Chú Hai cầm thêm cục xà-bông “Cô Ba” về cho thím Hai nghen, thím gội đầu hai ba ngày tóc vẫn còn mùi thơm dịu!
– Mua mấy gói bột Bích Chi hả dì Tư?
Bầy con nít ồn ào và hiếu kỳ xúm lại xem thật đông. Cô ôn tồn nói:
– Mấy cháu nhỏ đứng “nới” ra một chút cho cô bán hàng nghen!
Khách hàng không cần trả giá, cô nói bao nhiêu thì mua như vậy chứ không có “nói thách” để rồi đôi bên phải kỳ kèo bớt một, thêm hai như ở chợ Vườn Chuối hay chợ Bàn Cờ mà tôi vẫn thường nghe thấy.
Ngày ấy, ca sĩ Phương Hoài Tâm làm đại diện quảng cáo cho hãng bột Bích Chi, nên mỗi khách hàng dù mua bất cứ món gì, dù ít hay nhiều đều được tặng kèm tấm hình chị Tâm thật đẹp với nụ cười duyên, má lúm đồng tiền và đặc biệt với “mái tóc cúp cúp ở phía sau và có thêm hai cái ngoéo đằng trước” (lời kể của chị Phương Hoài Tâm). Ðiều tôi thích nhất là được ba má cho mấy đồng bạc để mua vài gói mì tôm và “rinh” luôn tấm hình chị Phương Hoài Tâm về nhà làm kỷ niệm.
Thế hệ của tụi tôi ngày xưa sao mà đơn giản quá, những mơ ước cứ trong trắng như mây chiều. Tụi tôi chỉ biết ăn uống, học hành và chiều từng chiều cùng bè bạn trong xóm tụm năm tụm bảy, bày ra đủ thứ trò chơi. Cái tuổi thơ hồn nhiên ấy vẫn cơm ngày hai bữa, vẫn cắp sách đến trường và không hề biết ngoài xa kia, nơi miền giới tuyến, chiến tranh đã đi đến hồi khốc liệt.
Rồi mùa xuân binh lửa tràn lan, cuộc sống người dân miền Nam nói chung và người Sài-Gòn nói riêng bị đổi thay mọi thứ. Những chiếc xe bán hàng lưu động bị “bức tử” từ dạo đó. Mọi sinh hoạt buồn thiu như một buổi chợ chiều! Mấy “ông nhà nước quản lý” từ cuộc sống đến bữa ăn của người dân, đến nỗi họ bất chấp nguy hiểm, bỏ xứ ra đi làm thân viễn khách. Mấy mươi năm dâu biển trôi nhanh, từ phương trời xa nhìn về quê nhà, trong tôi chỉ còn lại một nỗi chua xót, ngậm ngùi.
TV