Tiệm sách Thanh Bình đã có từ trước ở Hải-Phòng. Cũng như bao gia đình lìa xa đất Bắc thân yêu và tạo dựng cuộc sống mới nơi miền Nam nắng ấm, ông bà chủ tiệm đã dựng lại bảng hiệu cũ trên mảnh đất lành và chọn con đường Phan Đình Phùng làm nơi cư ngụ sau ngày di cư vào Nam. Đối diện với tiệm sách là trường tiểu học Rạng Đông (tên cũ là Aurore). Đi tiếp theo hướng ngã tư Cao Thắng chừng vài chục mét nữa sẽ gặp tiệm cho thuê sách Cảnh Hưng nổi tiếng nhất nhì Sài-Gòn.

Nhà sách Thanh Bình, Hải-Phòng 1953

Tiệm sách mở cửa mỗi ngày từ sáng sớ   m cho đến xế chiều. Ông bà chủ ăn mặc rất lịch sự, ông vận áo sơ mi thắt cravatte và quần tây, bà chủ trang điểm nhẹ với chút phấn hồng, son môi nhạt và thường thay đổi những xâu chuỗi hạt trên cổ, ngó xinh xắn và sang trọng. Ông chủ hơi khó tánh một chút, nhưng bà chủ thì bao dung, nói năng nhỏ nhẹ, luôn nở nụ cười và ưa chiều chuộng con nít. Thỉnh thoảng, các anh chị trong nhà cũng thay phiên ông bà chăm sóc tiệm.

Tiệm sách này rất quen thuộc với Tám vì cách nhà chỉ vài chục cái nóc gia. Mỗi mùa nhập học, hay mỗi khi cần đến cuốn tập, cây viết Tám thường ghé qua để mua. Ngoài chuyện mua sắm, Tám thường hay đến đó để xin đọc ké mấy cuốn truyện tranh như “Thạch Sanh Lý Thông”, “Nàng Út trong ống tre”, “Lục Vân Tiên” v.v. Những tập truyện này được in offset bảy màu (kỹ thuật in ấn hiện đại thời đó) trên giấy láng trắng đẹp chứ không như mớ truyện tranh “Con quỷ truyền kiếp” với hình ảnh lem luốc và lối in ấn cẩu thả bày la liệt trước cổng trường tiểu học Bàn Cờ. Bà chủ tánh tình vui vẻ và thường vói lấy từ trên cao những cuốn truyện tranh còn thơm tho mùi mực in đưa cho thằng bé mủm mỉm ham chữ, mê hình, nhưng mỗi khi gặp ông chủ thì Tám co giò chạy mất.

Xem thêm:   Đà Lạt & phượng tím

Ngày đó, Tám không hề biết cái tên Ngô Quang Bình hay Ngô Thuỵ Miên cũng như dòng nhạc của anh và cũng không biết ông bà chủ là bố mẹ anh Bình. Mãi đến khi vượt biển qua đến Phi-Luật-Tân, một người bạn học chung khóa ESL cho mượn mấy cuốn băng nhạc được thu thanh trước năm 1975 tại Sài-Gòn, Tám mới tập tành làm quen với dòng nhạc Ngô Thuỵ Miên. Dòng nhạc yêu thương đó đã mê hoặc thằng Tám vừa tròn tuổi lớn và từng bước xa nhà.

Nhà sách Thanh Bình, Sài-Gòn 1956

Qua đến bên này, trong một dịp thật tình cờ Tám quen biết được anh chị và cái giao tình đó tính đến nay đã hơn hai mươi năm. Tám có nhắc lại với anh Bình những kỷ niệm tuổi thơ mỗi khi ghé qua tiệm sách Thanh Bình. Tiệm bán sách vở và đủ mọi thứ cần thiết cho lứa tuổi học sinh, sinh viên. Không khí nơi đó yên tĩnh, thoáng mát từ cây quạt trần được vặn hết công suất, cho đến thật nhiều bóng đèn néon luôn chiếu sáng hòa với mùi giấy mới thơm tho, dễ chịu. Anh Bình cũng kể cho Tám nghe thuở ấu thơ ở quê nhà Hải-Phòng, những năm tháng lớn lên trong lụa là, mưa nắng Sài-Gòn cũng như nhiều nỗi gian truân sau ngày mất nước. Anh bị thất lạc gia đình và người yêu! Gia đình anh và gia đình chị đã kịp di tản trên những chuyến bay cuối cùng trước ngày Sài-Gòn hấp hối. Anh bị kẹt lại! Có lần, anh đứng trên balcon nhà nhìn xuống thấy người ta khuân sách báo ra giữa đường chất thành đống rồi châm lửa đốt. Người ta cũng đốt luôn những tờ nhạc của anh bay tơi tả theo những cơn gió trái mùa. Mấy đứa con nít hiếu kỳ mon men đến gần và len lén nhặt nhạnh những trang giấy nhét vào túi áo.

Xem thêm:   Cụ bà 103 tuổi lái xe giữa đêm…

Cũng nên nhắc lại nơi này câu chuyện đau buồn ngày xưa. Sau cái Tháng Tư năm đó, hơn 15,000 tựa sách của hai nền Cộng hòa miền Nam Việt-Nam bị thiêu huỷ và bị “săn bắt, truy lùng” vì “chính quyền mới“ ghép vào loại sách báo “đồi trụy và phản động”. Hàng chục ngàn bài hát bị xếp xó và các văn nghệ sĩ miền Nam bị cô lập như kẻ thù. Thậm chí có người đã phải vào tù vì “có tội với nhân dân và nhà nước xã nghĩa”.

Anh Bình nhớ gia đình, thương nhớ người yêu không biết bao giờ mới có dịp gặp lại. Nỗi niềm đó đã được anh gửi trọn vẹn vào cung đàn phím nhạc.

Gia đình ông bà chủ tiệm sách Thanh Bình và các con. Ns. Ngô Thụy Miên

“Em nhé khi nào chợt nhớ mùa xuân

Nhớ lá thư xanh và chuyện tình hồng

Nhớ nắng hanh vàng nhuộm áo Hà-Ðông

Anh ở nơi này vẫn luôn chờ mong” (*)

Rồi may mắn cũng đến sau nhiều năm lạc lõng trên mảnh đất quê nhà. Một lần cha bỏ nước, một lần con rời quê. Anh Bình đặt chân trên bến tự do, tạm dung tại trại tị nạn Malaysia, và được định cư ở Hoa-Kỳ vào năm 1981. Nơi đây, anh đã gặp lại chị Thanh Vân và mối duyên xưa được nối lại sau bảy năm dài cách biệt. Vì công ăn việc làm, anh chị đã rời miền Nam California nắng ấm và chọn Seattle là nơi cư ngụ cho đến bây giờ.

Chị Thanh Vân, phu nhân anh Bình, là ái nữ của nam tài tử Ðoàn Châu Mậu. Tánh tình chị đoan trang, dịu dàng và kín tiếng. Chị có người em gái hát nhạc trẻ – ca sĩ Ðoàn Thanh Tuyền – cùng thời với ca nhạc sĩ Ðức Huy, Tuấn Ngọc, Tùng Giang v.v.

Xem thêm:   Chiếc ghế gỗ đu đưa

Thành phố Olympia, tiểu bang Washington Seattle, nơi anh chị dừng chân là nơi chốn hiền hòa, bình yên, chỉ có điều những tháng mưa bao giờ cũng nhiều hơn ngày nắng. Anh chị đã đi ngao du năm châu, bốn biển và dừng chân ở nhiều nơi trên thế giới. Có lần anh chị đi đến một nước Ðông Nam Á và “chỉ còn một bước nữa thôi là về đến quê nhà nhưng… thôi”. Bước chân phiêu linh sao vẫn ngập ngừng và hình bóng quê xưa vẫn còn mịt mờ và ngút ngàn dâu xanh.

Nhà sách Thanh Bình, Sài-Gòn, đầu thập niên 70

Mấy mươi năm trôi nhanh, anh Bình vẫn còn luyến lưu tiệm sách Thanh Bình, nơi anh đã sống một thời hoa niên đẹp đẽ cũng như mến yêu cái thủ đô Sài-Gòn bé nhỏ, xinh xinh với những lối nhỏ đường thuôn, cây xanh bóng mát. Những hàng quán, những hẹn hò gặp gỡ đã thêu dệt nên những dòng nhạc Ngô Thụy Miên ngập tràn yêu đương, chứa chan mộng mị. Chiến cuộc chao đảo đã làm đổi thay mọi thứ khiến cho bước chân đi xa không còn dịp nào trở về nơi xưa, chốn cũ. Sài-Gòn ngựa xe một thuở đã xa xôi như những ngày mưa mù, gió xóa…

“Tôi đã đi, tôi vẫn đi mãi biết bao giờ trở lại

Sài-Gòn ơi, sao em còn mãi trong tim tôi

Ôi những con đường ngày nào còn nghe lá rơi

Nụ cười còn tươi nét môi

Hay áo mầu phai úa rồi” (**)

TV

(*) Em còn nhớ mùa xuân, Ngô Thuỵ Miên

(**) Biết bao giờ trở lại, Ngô Thuỵ Miên

“Cám ơn Tâm đã gửi bài viết mang ăm ắp những kỷ niệm của một thời tuổi trẻ. Tháng ngày có thể bay qua và trôi vào quên lãng, nhưng tiệm sách Thanh Bình và những bản tình ca vẫn còn mãi trong tim anh, như Sài-Gòn của ngày tháng cũ.”

Anh chị Ngô Thụy Miên & Thanh Vân