Cũng chịu ảnh hưởng chung giống như tất cả sự kiện, ngành nghề khác trong xã hội, cuộc cách mạng công nghiệp đã tràn qua không khí ngày Tết và vô hình trung đẩy lùi luôn những gì gọi là “xưa-cũ-truyền thống” trong dịp lễ lớn đầu năm này.

Chợ hoa Nguyễn Huậ xưa – nguồn flickr

Người viết xin được mạn phép đặt câu hỏi: Ðã bao nhiêu năm rồi, bạn không ghé vào nhà sách hay sạp báo bên lề đường, tận tay lựa một tấm thiệp Xuân viết lên đó lời chúc ý nghĩa và gửi chúng đến những người thân yêu? Hay việc đó đã được tóm gọn lại đơn giản chỉ còn là những cú click lạnh lùng trên zalo, facebook với hình ảnh, câu chúc đã được nhà mạng soạn sẵn và người dùng thì chỉ cần chọn, rồi bấm send. Cái cảm giác lơ đãng nhẹ nhàng theo kiểu “chúc cho xong phận sự” đã được mạng xã hội dung dưỡng suốt mấy dịp sinh nhật và nay được thể vắt cả sang mùa Tết. Hình ảnh nhẹ nhàng, đầy tình cảm của người nhạc sĩ diễn tả “tay trong tay nhớ lúc trao thiệp đầu Xuân” chắc đã lùi vào quá vãng, “chưa xa mà đã xưa”!

Xin hỏi: Ðã bao lâu rồi bạn không nhờ một bác chụp ảnh ghi lại cho mình một khoảnh khắc cùng mùa Xuân? Thập niên 80-90, ở hội hoa Xuân, mùa lễ Tết không bao giờ thiếu những người chụp ảnh dạo. Chiếc mũ lưỡi trai, áo khoác không tay kiểu trấn thủ, cái giỏ đeo bên hông và 1 chiếc máy ảnh cực kỳ xịn sò trong con mắt của một đứa bé ngày đó chính là hình ảnh của mấy bác phó nháy này. Dạo chợ hoa Xuân, bao giờ mẹ cũng kiếm cho được một bác, yêu cầu chụp lại hình ảnh hai anh em, rồi anh em chụp với mẹ mấy tấm. Ghi địa chỉ cẩn thận, chờ giao ảnh đến nhà… và rồi chúng sẽ được cất cẩn thận trong album ảnh gia đình, ghi dấu rõ rệt qua từng mùa Xuân, đánh dấu sự lớn lên qua mỗi năm của hai anh em. Còn bây giờ, máy ảnh kỹ thuật số tràn ngập, điện thoại chụp hình với camera ngày càng siêu mượt, siêu nét, thích chỗ nào cứ giơ lên đánh tách là xong, selfie đủ kiểu, đủ góc độ… thì còn chỗ nào cho các bác chụp ảnh này hành nghề?

Xem thêm:   Chu Trầm Nguyên Minh

Cũng đã lâu lắm rồi người viết không còn lật trên tay một tờ báo Xuân nào nữa! Mặc dù, cùng với hạt dưa, bánh chưng, củ kiệu, hoa mai, hoa đào, hơn nửa thế kỷ qua, một sản phẩm không thể thiếu trong nhiều mái ấm Việt những ngày Tết là các tờ báo Xuân. Ngay sau Tết Dương lịch, tràn ngập trên các sạp báo ở những ngả đường phố thị là hàng chục loại báo Xuân được bày bán trang hoàng rực rỡ, khiến cảnh vật chung quanh như thêm tưng bừng, náo nức. Báo Xuân – như đầy đủ ý nghĩa của nó là món quà tri thức không thể thiếu bên cạnh những cội mai gốc đào, cùng chén trà và khay kẹo mứt, trong những ngày nhàn nhã phong vị đầu năm. Báo Xuân – gồm những bài viết ôn cố tri tân, những bài tổng kết trong năm đắt giá, thơ xuân, tiểu phẩm hài, những hình ảnh, mẹo vặt cho mùa Xuân, cho ngày Tết hay đơn giản với những câu đố vui, ô chữ Xuân thư giãn bổ ích nhân dịp năm mới. Không biết tự bao giờ, báo Xuân đã ít dần đi, không còn hào hứng như những năm xưa. Có lẽ, do đã bội thực thông tin ngồn ngộn trên internet, nên người đọc cũng đã lơi dần cảm giác cầm trên tay một tờ báo Xuân, ấn bản đặc biệt, thơm mùi mực mới với đầy đủ tâm tình trao gửi của đội ngũ cộng tác viên, phóng viên, biên tập viên của một Tòa soạn. Báo Xuân, giờ cũng kéo nhau lên online và thức thời hơn rồi!

Xem thêm:   Người tháp chữ A vào tên PARIS

Bạn có còn nhớ những trò vui vận động nào cho con trẻ dịp Tết đến Xuân về? Hay là chúng cũng đang chúi mũi vào smartphone để lướt qua lướt lại trên những trò game online vô bổ? Ngày Tết, ngày tạm ngưng việc học hành, để hòa với không khí mùa Xuân đất trời, xin hãy để trẻ thơ được thoải mái vui chơi, tận hưởng như cha ông chúng cũng đã từng trải qua một thời son trẻ. Trong những hình ảnh Tết của năm xưa, bao giờ cũng thấy trẻ con tươi vui, kéo nhau chúc Tết ông bà, xúng xính khoe áo mới, đồ chơi, tiền mừng tuổi… chứ không có nhiều những thú vui online như hiện nay.

Quay lại cảm giác của những mùa Tết xưa cũ, thoang thoảng đâu đó trong gió là mùi thuốc pháo với âm thanh râm ran, mùi hương trầm nghi ngút, đập vào mắt là những cành hoa bung nở rực rỡ khoe sắc thắm, những nồi bánh chưng bập bùng đỏ lửa đêm khuya trước mỗi sân nhà. Thong thả chạy xe dạo một vòng ngắm Tết, người trở về nhà cũng đã đầy ắp hơi xuân.

Không hiểu sao những năm gần đây, vị Tết cứ nhàn nhạt dần. Không biết có phải do Tết đang được xã hội làm mới hơn, thực dụng hơn, xa rời những giá trị truyền thống cổ xưa còn bản thân người viết bài này vẫn cứ luyến lưu quấn quýt với những gì đã ăn sâu vào tiềm thức.

Xem thêm:   Rèn chữ

Mùi của mùa Xuân, mùi của Tết – nghe nhẹ nhàng mà sâu thẳm tận trong lòng!

LH (Tháng 12/2021)