Lời Giới Thiệu: Trẻ nhận được bài “Sống giữa cơn đại dịch” của tác giả Hoài Năng (Canada) sau ngày12 tháng 11-2022,  là ngày kết thúc nhận bài cho cuộc thi viết Chuyện Mắc Dịch; nên bài nằm ngoài khuôn khổ cuộc thi. Đây là bài viết ghi lại cảnh sinh hoạt của một gia đình gần như là điển hình trong cơn đại dịch Covid 19 vừa qua. Khoảng thời gian mà mọi gia đình thể hiện được sự đùm bọc yêu thương nhau cũng như quyền biến trong sinh hoạt để tồn tại và vượt qua đại nạn. Trẻ trân trọng giới thiệu cùng độc giả.

Nhiều kỳ – kỳ cuối

Tôi lôi nó ra sửa mới thấy cái máy cắt cỏ cũ hai mươi năm giựt một cái là chạy, là vì nó đơn giản như cái máy Kohler sử dụng ở Việt Nam chỉ cần xăng gió lửa là nổ. Còn cái máy mới nầy lại đèo thêm bên hông một bộ phận rườm rà gọi là bộ hoà khí (carburetor), lúc mua nó quảng cáo kỹ thuật mới, high efficiency mà tôi không để ý. Tôi kết nó, tội phạm là đây, nhưng sửa làm sao? Tôi níu lưng ông Google, YouTube. May thời gặp một ông Mỹ già hướng dẫn cặn kẽ tháo rời từng cơ phận nhỏ rửa bằng xăng, thổi hay thông bằng cọng kẽm nhỏ như cây kim may các lỗ nhỏ li ti do cặn bẩn đóng bám làm nghẹt. Tôi làm y chang, ráp lại giựt chạy ngon lành. Hên thời, dễ như vậy mà xém chút nữa vụt bỏ thật là phí phạm.

Thừa thắng xông lên, tôi bèn lôi cái máy xịt nước cũng cà chớn chết bất tử đang lúc rửa xe và cái sân trước mùa hè năm rồi, nằm một góc trong garage ra. Cái máy nầy mới xài được có hai mùa hè và vì mới vừa vụt một cái máy cũng y chang như vậy nên bực quá còn bỏ nằm đó. Máy móc bây giờ nhãn hiệu Tây Mỹ mà lật đít lên toàn là Made in China, mẫu mã bên ngoài hào nhoáng nhưng xài một hai năm là tiêu tùng vì cốt lõi bên trong lại ma giáo làm bằng plastic mau mòn mau gãy. Cái máy đã vụt hiệu Michelin ông Tây bụng bự chớ đâu phải nhãn hiệu không cầu chứng tại toà đâu. Máy chạy bằng điện. Có một ông thầy YouTube dễ dãi không càm ràm cự nự đòi lễ lộc gì cả thì cứ hỏi. Tôi hỏi tới hỏi lui rồi rốt cuộc cũng sửa được theo chỉ dẫn. Một cái hên thứ hai.

Cái nệm ghế xích đu rách từ năm rồi, tôi đã đi tìm mua nệm khác thay thế mà không nơi nào có. Hỏi tiệm bọc nệm nó đòi giá gần bằng hai phần ba cái ghế, có nhảm nhí không? Tôi bèn ghé vào tiệm mua vải về bọc lại, nhưng mùa đông tới nên dẹp qua một bên. Chỉ vì một cái nệm mà vụt nguyên cái xích đu như ông bạn hàng xóm của tôi thì vô lý quá. Phí của và phạm môi trường! Từ nhỏ tôi đã lớn lên ở xã hội Việt Nam khó khăn, không quen vứt bỏ đồ đạc hư hỏng mà không chịu sửa lại xài, nhưng ở xã hội văn minh vật chất tiêu dùng nầy, người ta thường biện hộ tính phung phí của mình, là không vứt bỏ thì kinh tế không phát triển. Hơn nữa nhiều khi không vứt bỏ cũng không được vì tiền công sửa, hay bộ phận thay thế có khi gần bằng món hàng mới thì tội gì phải giữ. Như mấy ông bạn hàng xóm tôi đây vứt bỏ cái ghế xích đu, cái tủ lạnh bị đông đá hay chảy nước, hay một loạt bồn cầu vì tiền mướn công thợ thay ruột bên trong cũng gần tiền mua bồn cầu mới đặt xuống cho lẹ cho mới. Thấy đồ người ta quăng ra lộ mà xót xa cho môi trường, nhưng biết làm sao hơn, mình đôi lúc cũng phải vậy.

Thật ra tôi tiếc cái ghế xích đu. Tôi định bụng sẽ bọc bằng tay, chịu khó ngồi lụi kim xỏ chỉ năm ba ngày chắc cũng xong. Sực nhớ tôi vừa may khẩu trang với cái máy may kỹ nghệ dưới tầng hầm xong. Máy chạy rất tốt và mạnh, thử nghĩ cách bọc vải nệm với nó xem sao? Tôi tháo vải bọc cũ ra, bày binh bố trận quanh bàn máy may với phụ giúp của bà xã tìm cách may vải mới vào. Một đường chỉ, hai đường chỉ rồi sau cùng hết một buổi ì ạch lật tới lật lui, đạp tới đạp lui cũng xong. Ngày hôm sau bắt vào ghế, ngồi lên biết đã cái công của mình dám làm là dám được.

Xem thêm:   Điêu khắc gia Phạm Văn Hạng

Mấy hôm sau tôi xuống tầng hầm may thêm mấy cái khẩu trang mới, vì có đứa cháu cho mớ dây thun. Nhưng cái máy trở chứng, chỉ cứ đứt hoài. Mắt già lem nhem xỏ được một sợi chỉ qua kim quả là khó. Kinh nghiệm dạy rằng việc đầu tiên là phải lau chùi sạch sẽ, tôi lật máy lên lấy bàn chải đánh răng cũ làm nha sĩ cho nó. Không ăn nhằm gì. “Máy vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt. Chỉ còn đứt một với đứt hai”. Tôi đành níu lưng ông thầy Google, YouTube vậy. Một ông, hai ông rồi ba ông, mỗi ông chỉ một cách. Sau cùng tôi kết hợp ba ông làm một tháo banh bọng nó ra, nào là suốt, nào là thuyền, nào là cốt lau chùi, gắn ráp lại chỉnh sửa thế nào để khi cây kim đâm xuống lấy chỉ ở cái suốt đi lên, là đỉnh của cái thuyền vừa xoay tới móc sợi chỉ vào có khoảng cách độ một li, để chỉ không bị kẹt đứt. Phải hai ngày trời kiên nhẫn tháo ra gắn vào, chỉnh tới chỉnh lui, sau cùng thì máy chạy ngọt xớt và trơn tru như máy mới. Quá đã! Lúc sửa tôi cũng đâm lo nếu không sửa được, chỉ vì đứt chỉ mà vụt cái máy và cũng không biết làm sao đem nó ra đến bờ lộ cho nổi.

Ðể dợt coi nó ngon đến cỡ nào, tôi đến xốc đống vải vụn và nảy ý thanh toán nó cho rồi. Ðống nầy chắc may quần xà lỏn được. Tôi bèn vào YouTube, lần nầy tìm quý bà làm sư phụ chỉ dạy cắt may quần xà lỏn đàn ông. Không ngờ một thời gian dợt may khẩu trang, tay nghề cũng khá, đường may cũng nhuyễn, tôi chơi luôn bốn năm cái quần xà lỏn, làm mùa hè nầy nhẹ nhàng, mát mẻ thoải mái quá trời.

Mới sửa được mấy món đồ vặt vạnh mà nó tưởng tôi ngon lành, hay dợt tôi không biết mà cái máy đi bộ treadmill đang chạy bỗng đứng chựng. Cái nầy không được à, mắc tiền lắm đó đa! Tôi nói với cái máy: “Trong thời đại Covid-19 tao không dám ra ngoài đường, chỉ trông cậy có mầy thì làm ơn đừng giở chứng cho tao nhờ. Tao cũng không dám kêu thợ vào nhà đâu, họ mà mang theo cái con Vũ Hán vào thì tiêu đời tao!” Miệng nói mà tay rút dây cắm điện ra cho nó reset rồi cắm lại, máy có lên đèn mà không chạy. Tôi đâu có biết gì về điện tử, nếu hỏi ông Google cũng bó tay. Chết là cái chắc. Ðịnh bụng bỏ nằm đó qua mùa dịch rồi tính, nhưng còn ấm ức trong lòng bèn ra garage lấy đồ nghề mở bụng nó ra xem cho thỏa tính tò mò. Ố là là, bụi và máng nhện phủ một lớp khắp mô tơ và board điện tử. Tôi lấy máy hút bụi hút sạch sẽ, lấy chai dust off xịt vô board điện tử, đóng nắp đậy lại cắm điện bấm nút chạy thử. Thật bất ngờ máy chạy ngon lành. Hay không bằng hên. Tôi nghĩ có lẽ lâu ngày bụi bám làm mấy con chip bị cách điện không chừng. Một kinh nghiệm nữa cho tôi, đừng sợ mình không biết, chỉ sợ mình không chịu khó tìm tòi.

-oOo-

Trở lại mấy bài viết của tôi. Hôm nào không bận những chuyện lặt vặt tay chân, tôi ngồi vào máy lấy bài ra đọc chỉnh sửa lại cho gọn gàng, rồi gửi đến mấy anh chị em cùng làm Ðặc san Thăng Tiến nhờ kiểm lại lỗi chính tả và lỗi đánh máy, với dự định là khi bài vở xong xuôi hết tôi sẽ lay out để in thành sách. Ðể chuẩn bị cho công việc nầy tôi lựa một ngày đẹp trời con corona bận đi chơi, tôi đem cái computer ra tiệm quen, nhờ upgrade Windows 10 và cài đặt software InDesign. Thằng cháu chủ tiệm chịu chơi, chơi luôn cái InDesign 2020 cho chú. Quá đã! Có InDesign rồi tôi vô Google xin thụ huấn ông YouTube. Thời internet thật tiện lợi, muốn học gì, muốn biết gì đều luôn luôn có ông thầy bên cạnh không bao giờ tiếc lời, tiếc công. Sau mấy ngày chăm chỉ thụ huấn tôi đã làm được những gì muốn làm. Xin cám ơn các nhà khoa học. Xin cám ơn các ông thầy Google, YouTube tận tình chỉ dạy, không giấu diếm kiểu văn hoá Ðông Phương Bí Mật Gia Truyền, để đem tiện lợi hữu ích và hiểu biết cho mọi người.

Xem thêm:   Móng sư tử

Bây giờ là tháng Tám, trời đang đỉnh mùa hè nắng nóng, hoa lá ong bướm xinh tươi, chim sóc đua nhau chuyền cành rèn rẹt mà ru rú trong nhà hoài cũng nản. May thời tình hình đại dịch có phần dịu hơn, vì người dân chịu tuân thủ lệnh của chính phủ và khuyến cáo của cơ quan y tế cách giãn xã hội 2 mét, mang khẩu trang khi vào nơi đông người. Người bị nhiễm cũng như chết vì con Coronavirus bớt đi. Cho nên chính phủ cho lệnh ngưòi dân được ra ngoài sinh hoạt, nhưng không được tụ tập trong nhà quá hai mươi người, ngoài trời quá bốn mươi lăm. Quán ăn, nhà hàng được mở ngoài sân và hạn chế đi lại bên trong. Nhà thờ, chùa, cơ sở tôn giáo được phép làm lễ, giáo dân tham dự không quá bốn mươi lăm.

Sợ thì tôi vẫn sợ, nhưng được ra thì tôi vẫn thèm ra ngoài một chút chớ. Tuy nhiên cẩn thận vẫn hơn. Tôi không dám ra chỗ đông người bèn lấy cái xe đạp ra bơm bánh, vô dầu mỡ chỉnh sửa thắng, rồi mỗi sáng sau khi tập khí công ở nhà xong, tôi mang khẩu trang đạp qua khu trường học có ba cái trường và mấy cái sân banh với chu vi có cây to bao quanh giống như công viên nhỏ, chạy năm vòng rồi về. Bữa đầu chạy ba vòng tôi muốn đuối, bắp vế bắp chân cứng ngắc vì đường lên dốc và xuống dốc. Cảm giác được xì xả sau một thời gian gò bó hay sao mà tôi thấy đạp xe nó đã làm sao. Nhất là khi thả dốc uốn mình lượn theo vòng cua nghe gió vù vù mát lạnh bên tai, tôi có cảm tưởng đâu mình còn trẻ thời học sinh. Già bảy mươi lăm mà còn chơi ngông như mười lăm, xe trợt bánh đập đầu một cái là rồi đời. Cho nên tôi cũng biết sợ chịu khó mang nón bảo hiểm mỗi khi đạp xe ra khỏi nhà cho chắc ăn.

Ðầu tháng Chín sau lễ Lao động là tựu trường cũng là ngày giỗ má vợ tôi. Năm nào chúng tôi cũng tổ chức giỗ vào ngày long weekend, để anh chị em con cháu hai bên gặp nhau ăn uống vui chơi trước khi trở lại trường và nhất là được ăn uống thoải mái ngoài sân, trong nhà trước khi mùa đông tới. Có thể nói giỗ nầy đông nhất, lớn nhất trong năm. Năm nay thì chịu thua rồi. Con Coronavirus phá đám đành án binh bất động, mạnh ai nấy giỗ. Tiếc là vườn rau không có dịp phục vụ cho mọi người. Vợ tôi bèn nảy ra ý định cúng má bánh xèo và kêu gia đình hai đứa con về ăn kiểu như vừa rồi.

Giữa tháng Chín trời tối thật nhanh và sáng cũng sớm. May là con chim kêu mặt trời lên bay đi đâu mất cho nên còn được ngủ muộn. Gió và hơi lạnh cũng về sớm hơn, có đêm nhiệt độ rơi xuống dưới mười độ C làm cho rau cải bắt đầu đổi màu đậm lá. Hàng xóm cũng bắt đầu dọn dẹp, tỉa cắt cây cảnh sân vườn của họ cho gọn gàng, trong khi mấy con sóc rượt đuổi nhau moi móc chôn giấu những gì của nó làm nát bấy cái vườn.

Học trò trở lại trường hay người ta buông thả tụ họp tiệc tùng mà hôm qua chính quyền vừa ban hành lệnh mở cửa tuột xuống giai đoạn 2, nghĩa là trong nhà được phép tụ tập dưới 10 người, bên ngoài dưới 25 vì lây lan bùng phát lại.

Sáng nay trời trong xanh, mây trắng lơ thơ, tôi hứng chí rủ vợ ra Sài Gòn Park cách nhà mười phút xe, đi bộ và tắm nắng dù đã trả nợ cho cái body rồi. Sài Gòn Park là cái công viên của thị xã Mississauga cho cộng đồng người Việt Tự Do tại đây cái tên Sài Gòn, chứ trên thực tế mọi kiến trúc và bảo trì đều do thành phố đảm trách. Nói là công viên chứ thực ra là một cái hồ nửa thiên nhiên nửa nhân tạo rộng khoảng bốn cây số vuông, nằm một bên đường Matheson và McLaughlin. Cái hồ nầy rất sâu để chứa nước mưa cho khu vực hầu tránh ngập lụt vào mùa mưa rồi sau đó sẽ theo sông đổ ra hồ Ontario. Chung quanh hồ có miếng đất trống, trên đó một con đường tráng nhựa hình vành khăn rộng xe hơi chạy được, hai bên có trồng cây cho bóng mát và hoa kiểng cũng như hàng rào bảo vệ đẹp đẽ. Có rất nhiều băng ghế ngồi bằng sắt rải rác hai bên con đường. Ðặc biệt cứ mỗi một trăm thước có một cái sân nhỏ lấn sâu vào trong, lắp đặt dụng cụ thể dục với các thế tập khác nhau cùng với bảng hướng dẫn rõ ràng. Tôi thấy có người ra đây chạy bộ, đi bộ hay ngồi ăn trưa ở mấy nhà mát. Tiếc rằng Sài Gòn Park mới xây, cây mới trồng chưa to cho bóng mát, nhưng với cảnh trí bày biện nầy hứa hẹn một công viên đáng đến.

Xem thêm:   Thử tài trí thông minh nhân tạo AI

Tôi với vợ đi giáp một vòng thấy oải, bèn lựa một bậc đá to hướng xuống hồ ngồi nghỉ chân, hưởng nắng, hưởng gió và nhìn bầy ngỗng trời có trăm con đang lội nhởn nhơ dưới nước, đứng trên bờ rỉa lông hay cắn đuổi nhau kêu kò két vô tư, làm mình cũng quên hết những con virus đeo đuổi bên ngoài.

Lý ra Sài Gòn Park được khánh thành vào mùa hè qua, và tấm bảng Sài Gòn Park sẽ được treo nơi cổng chính rất đẹp và mỹ thuật, nhưng vì đại dịch nên được dời qua một dịp khác. Tôi nói với vợ ước gì sau khi khánh thành, thành phố cho đặt một xe hủ tiếu mì và một sạp cà phê cốc thì Sài Gòn Park sẽ nên thơ biết mấy.

Trên đường về tôi giật mình vì mùa thu đã đến rồi à!? Vì hai bên đường McLaughlin là hai rừng phong đoạn từ Matheson đến Eglinton, lá phong đã chuyển sang màu xanh đỏ vàng tía đẹp làm sao, mà lúc bận đi hai vợ chồng bận nói chuyện không để ý.

Mùa thu đến rồi mùa đông.Tới giờ nầy mà chưa có thuốc trị con Coronavirus, chưa có thuốc chủng ngừa và cơ quan y tế các nước tiên đoán mùa đông tới, một dịch mới kết hợp với cảm cúm sẽ kinh khủng hơn. Người ta sẽ rút vào trong nhà cố thủ nữa, không biết có chịu nổi không? Hy vọng là họ tiên đoán sai và các nhà khoa học sớm có thuốc trị cũng như chủng ngừa cho nhân loại bớt khổ.

Trong cơn đại dịch kéo dài suốt mùa xuân và mùa hè nầy, dù không đi ra ngoài được nhưng cũng thấy trời xanh, nắng ấm tinh thần cũng được khoáng đạt, làm được nhiều việc linh tinh thấy bớt buồn chán.

Ông bà ta nói: “Cái khó ló cái khôn”, cho nên không phải riêng tôi mà tôi nghĩ hầu hết ai cũng làm như vậy, cũng trở thành những người thợ bất đắc dĩ, giống như Quân Cán Chính Việt Nam Cộng Hoà sau năm 1975 bị bắt đi học tập cực khổ thiếu thốn, nên sau khi được về ông nào cũng biết nấu cơm, làm chuyện vặt vạnh cho vợ hết. Và biết đâu khi mùa dịch qua rồi vô số cửa hàng dịch vụ sẽ ngồi ngáp ruồi, vì ai cũng là thợ ngang hông tự sửa cho mình hết.

Tôi còn quên kể tôi tự hớt tóc mình bằng kéo với lược  nữa. Thật là bách nghệ: Một trăm cái nghề, một ngàn cái nghèo!

Còn nếu như đại dịch kéo dài thêm mùa đông buốt giá nầy, đất trời lạnh lẽo âm u buồn nản thì không biết mình làm sao để vượt qua. Riêng phần, tôi có dự định cho mình sẽ lấy hết những băng hình quay từ ngày mới sang định cư chuyển sang DVD và gom tất cả albums lại làm thành những bộ Video cho gia đình. Khi xong hết rồi mà cơn đại dịch chưa xong, chắc là tôi sẽ nhờ ông YouTube dạy vẽ, dạy đờn guitar chứ biết làm gì hơn. Biết đâu rồi tôi cũng sẽ trở thành hoạ sĩ và nhạc sĩ bất đắc dĩ.

Hy vọng nguyện ước không thành vì con virus Vũ Hán  bị các nhà khoa học thế giới đập chết tan tành rồi.

Hoài Năng

Toronto