Vào khoảng năm 2016, ghé thăm một người bạn, tôi thấy trên kệ tủ bạn bày trang trọng một cuốn thơ đã cũ. Cuốn “Sầu ở lại”, tập thơ của Tạ Ký, sách do NXB Quế Sơn, Võ Tánh in lại vào năm 1971, sau khi tập thơ này đã đạt giải “Văn học và Nghệ thuật Tổng thống VNCH” (Một giải thưởng danh giá của miền Nam lúc bấy giờ) cũng vào năm đó.

Tạ Ký qua lối nhìn của Văn Đen

 

Tôi chú ý tập thơ, bởi cái tên Tạ Ký quen thuộc, tên của một vị Giáo sư khả kính dạy ở trường Petrus- Ký, ngôi trường mà ngày xưa tôi đã học, dù tôi không hề học với thầy ngày nào. Song tên thầy, thơ thầy… tôi cũng đã từng ngưỡng mộ và nhớ không quên!

Tập thơ với 41 bài thơ mà theo nhà phê bình Cao Thế Dung, viết trong cuốn “Văn học hiện đại” đã nhận xét: “Tạ Ký có riêng một hướng đi đặc biệt với một bản sắc đặc biệt Tạ Ký nên thơ Tạ Ký sung mãn và tiêu biểu rõ rệt cho tâm trạng thanh niên thời 1953 – thế hệ lớn lên từ 1945. Tạ Ký hiện diện như một nhà thơ của đau xót, trữ tình. Thơ Tạ Ký là thơ của tâm hồn phương Ðông, của khắc khoải êm đềm mang theo phong vị của dân ca cùng với cơn say đau thương của khách phong lưu…” Nhà thơ Viên Linh thì viết: “Theo dòng thời gian, từ 1945 tới đầu thập niên 70, thơ Tạ Ký cho thấy tâm sự ông càng ngày càng trở nên riêng tư, đối tượng gần gũi nhất của ông có lẽ là ly rượu, cốc bia, như cốc bia tôi uống với ông một chiều mưa ngồi bên bàn lộ thiên nơi Chợ Ðũi góc đường Trần Quý Cáp-Lê Văn Duyệt ở Sài Gòn”. Với tôi, khi đọc tập thơ của thầy, đối chiếu với cuộc đời của ông, thì thơ ông chính là lời tiên tri, là sự dự đoán cuộc đời của ông, một Thầy giáo- Thi sĩ.

Tạ Ký sinh năm Mậu Thìn, 1928 (Sau này ông làm giấy tờ lại ghi sinh năm 1935 để tiếp tục đi học khi về thành), tại làng Trung Phước, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam, thuộc hữu ngạn con sông Thu Bồn, và đây cũng là quê hương của nhà thơ Bùi Giáng, người được mệnh danh là một hiện tượng lạ, huyền thoại của thi ca Việt Nam thế kỷ 20!

Tạ Ký thủ bút

Thuở niên thiếu, Tạ Ký tham gia kháng chiến chống Pháp, một thời gian sau ông bỏ về thành và tiếp tục đi học, bởi ông đã nhận thức với những hình ảnh… buồn: “Chúng tôi:/ Những kẻ sinh ra chưa biết nụ cười,/ Ðã thầm khóc trong bao năm khói lửa./ Mười tám tuổi, vải thô thay nhung lụa,/ Giày vỏ xe hơi mòn gót liên khu…/… Chúng tôi:/ Thế hệ bốn lăm/ Vui chưa bao nhiêu nhiều lúc khóc thầm” (Thế hệ bốn lăm).

Xem thêm:   Chuyện ven đường

Khoảng đời lý tưởng và… buồn ấy đã đi qua, khi Tạ Ký thi đậu Tú tài II, đi học Ðại học rồi ra trường đi dạy, cho đến những năm vào quân đội, được chuyển về dạy Văn hóa tại trường Võ bị Ðà Lạt, rồi biệt phái về dạy ở trường Petrus- Ký, Tạ Ký ngoài tình bạn tri kỷ, cùng nhau đối ẩm với các đồng liêu, bằng hữu và ông cũng đã ngộ ra rằng: “Bước chân nào nặng phù du,/ Ngón tay nào thắt sầu tư trói hồn./ Cô đơn rồi vẫn cô đơn,/ Bốn mươi thu đó đòi cơn đoạn trường.” Bởi cuộc sống cuối cùng vẫn là: “Mà thôi, đàn kiếm giang hồ,/ Trở về cát bụi, cơ đồ ngả nghiêng./ Say đến khóc, cười như điên,/ Ngàn xưa đọng lại một thiên não người!” (Đoạn trường gợi lại, bài thơ đầu tiên trong tập Sầu ở lại). Cái gợi lại của “đoạn trường” người xưa hay chính bản thân của thi sĩ khi ông thấy “Buồn như”: “Buồn như ly rượu cạn/ Không còn rượu cho say/ Buồn như ly rượu đầy/ Không còn một người bạn/…/ Buồn như đêm khuya vắng/ Qua cửa sổ trông trăng/ Buồn như em nói rằng:/ Nhớ anh từng đêm trắng...”. Bài thơ Tạ Ký đề tặng người bạn thầy giáo thân thiết Tôn Thất Trung Nghĩa, và bài thơ đã được nhạc sĩ Y Vân phổ thành ca khúc mang tựa đề “Buồn” vào năm 1980, một năm sau khi Tạ Ký qua đời, mà nhiều người lầm tưởng là ca khúc có trước năm 1975.

Ông Tạ Ký (Quốc Văn)

Trong thơ, Tạ Ký sử dụng từ “Rượu” hình ảnh ly rượu, để nói lên nỗi niềm canh cánh của mình, song qua nhiều người thân, “bạn rượu” của thi sĩ, thì Tạ Ký rất hiếm khi uống rượu, rượu mạnh lại càng không uống. Ông chỉ thích “la-de”, loại chai lớn có vẽ hình đầu cọp của miền Nam trước đây, và khi uống, phải làm liên tục… 7,8 ly và có khi cả két bia “la-de”. Ðó là những lúc thi sĩ uống “bia” cùng với bạn bè ở quán “Hoa nở”, chợ Ðũi. Và chính Tạ Ký đã lấy tên người bạn thân thiết Tôn Thất Trung Nghĩa đã nói ở trên làm tựa đề cho bài thơ “Tôn Thất Trung Nghĩa”: “Từng đêm chợ Ðũi đẫm sầu/ Ly la-ve đổ gội đầu tóc xanh/ Người sơn dã lạc kinh thành/ Ngả nghiêng đáy cốc độc hành trong đêm”. Cái tâm cảm, lạ xa của “người lạc kinh thành” rồi “Ðộc hành trong đêm” đã đến sau năm 1975. Là “sĩ quan biệt phái”, Tạ Ký phải bước vào “trại cải tạo” và chịu bao cảnh bi thương tiếp theo khi vợ và hai con làm “thuyền nhân” ra biển, tìm đến chân trời tự do, cũng là lúc ông được trở về, lạ lẫm, cô đơn trong một xã hội mới và cả chính ngay trong căn nhà mình. Phải chăng đây chính là lúc “sầu” chất ngất và “Sầu ở lại” vĩnh viễn trong tâm hồn nhà thơ vốn đa mang và đa cảm: “Ðời lỡ nhúng sầu bên cốc rượu/ Mượn vui bè bạn sống qua ngày/ Ðoạn trường hơn cả thân ca kỹ/ Cơm áo làm quên chuyện nước mây”, một thầy giáo, một sĩ quan quân đội, vốn được mọi người kính trọng, thoáng chốc lại cảm thấy “đoạn trường” hơn cả “ca kỹ” thì quả thật là không có nỗi sầu nào lớn hơn và đau đớn hơn, nhất là khi người vợ hiền, đầu ấp tay gối cùng hai con yêu giờ đã xa lăng lắc, không biết ở phương nào? Và thi sĩ đã khóc: “Nhắc đến hằng trăm chuyện đổi thay/ Nhắc đến những thằng nay đã chết/ Những thằng đang sống kiếp trâu cày/ Bạn ơi, nước mắt mình tuôn đấy/ Ngồi nhậu bên đường ta khóc đây.” (Sầu ở lại).

Xem thêm:   Cụ bà 103 tuổi lái xe giữa đêm…

Sầu, say khi đã vận vào người, thì là lúc thi sĩ buồn: “Buồn như buồn như thế/ Buồn như một kiếp người/ Ðây cõi lòng quạnh quẽ/ Buồn như đoá hoa rơi” (Buồn như). Và có lúc thi sĩ đã phải gào lên, gọi Thượng đế, bởi sự bất lực của trần gian: “Hỡi Thượng Ðế, suốt đời con đơn chiếc,/ Ði vu vơ như lạc nẻo Thiên Ðường,/ Thân cát bụi chẳng còn chi hối tiếc,/ Nhưng lòng riêng khao khát chút Tình Thương.” (Đêm giáng thế). Chút tình thương thôi mà mãi mãi thi sĩ vẫn phải đi tìm… “Tôi biết nói gì khi ta quên nhau?/ Tôi biết muốn gì, trời còn mưa mau./ Em vẫn là em, xưa kia tuy khác,/ Tôi hết là tôi, chừ đây cúi đầu./ Tôi lại say rồi, ngả nghiêng, ngả nghiêng,/ Nhạc cuồng gào lên, nhạc cuồng không tên...” (Cúi đầu)

Mộ phần của Tạ Ký

Căn nhà vắng lạnh, rồi vắng lạnh cả cuộc đời, Tạ Ký bán nhà cửa và tìm về miền Tây để… bớt sầu, song vận mệnh đen đủi lại đến với ông, khi ông bị tên xe ôm cướp hết tài sản có được, ông đành tá túc ở nhà một người đồng hương ở Chợ Mới, An Giang, điều mà ông đã… viết trước trong thơ, cách đã gần 50 năm? “Thơ chẳng ai yêu, rồi cũng vẫn/ Ðêm đêm nằm tính chuyện tương lai./ Cố tri dăm đứa nghèo xơ xác,/ Ăn chực nằm chờ khắp đó đây./ Tán gẫu, cười suông, ngâm lạc giọng:/ “Sòng đời thua nhẵn cả thơ ngây”” (Xuân về thương nhớ với ai đây)!

Xem thêm:   Chuyến Tầu Tập Kết

Ðịnh mệnh vẫn không buông tha Tạ Ký, ở Chợ Mới, ông bị bắt vào tù vì tội “cư ngụ bất hợp pháp”, ông mất lúc 13 giờ ngày 19 tháng 03 năm 1979 tại bệnh viện huyện Chợ Mới tỉnh An Giang trong đơn độc và lặng lẽ. Ở Sài Gòn, Tôn Thất Trung Nghĩa hay tin và lập bàn thờ thờ cúng ông, như lời thơ xưa ông viết: “Mùa hy vọng thắp đôi hàng nến đỏ,/ Chép bài thơ thương nhớ giữa kinh thành./ Ôi yếu đuối một linh hồn nho nhỏ,/ Chỉ mong ngày nắng ấm ngọn cau xanh.” (Trung Phước ơi!).

Gần hai năm sau, ngày 05 tháng 04 năm 2001, trong dịp lễ Thanh Minh, nhà thơ Ðynh Trầm Ca đã vận động bằng hữu di dời hài cốt của ông về nghĩa trang Gò Dưa, Thủ Ðức và chôn cạnh mộ của thi sĩ Bùi Giáng người đồng hương của ông, chắc hẳn là lúc này đây, hai ông “tiên thơ” và “tửu thơ” của Việt Nam mới có dịp để cùng nhau ôn lại quãng đời thơ đầy thăng trầm và nước mắt của mình. Riêng Tạ Ký, ông mất đi khi tuổi mới vừa 51, lứa tuổi của sự chín muồi và đang hồi sung sức của sự nghiệp sáng tác thi ca. Song “Sầu ở lại” cũng đã đưa ông đến ngưỡng danh vọng của cuộc đời (Giải thưởng Văn học của miền Nam lúc bấy giờ), và cũng là lời tiên tri về thân phận của một thầy giáo thi sĩ, suốt một đời gắn bó cùng thơ nhưng lại bất phùng thời: “Chuyện đời nhạt mộng, phai thơ,/ Tương tư ngàn kiếp thương vờ, khóc lây./Ai buồn vì chiếc lá bay,
Ai vui chi cảnh đọa đày ai ơi!
” (Hẹn một ngày mai)…

Và “lời hẹn” của thầy giáo, thi sĩ Tạ Ký đã không kịp thực hiện, dù chỉ qua tâm tưởng của thi ca. Bạn đọc, người yêu thơ thì vẫn luôn nhớ “Sầu ở lại”, để mà ngậm ngùi, chiêm nghiệm…

THV