Nước Mỹ có ngày Memorial Day để tưởng niệm những người lính Mỹ đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ, không phân biệt giai cấp, phe phái, màu áo. Những người lính đã hy sinh được chôn cất chung trong một nghĩa trang. Trong ngày Memorial Day, dân chúng đến thăm các nghĩa trang và đài tưởng niệm, họ cắm cờ Mỹ trên mộ của các quân nhân trong các nghĩa trang quốc gia. Thật hạnh phúc cho những người là công dân quốc gia tự do, giàu lòng nhân ái này. Có rất ít người Mỹ theo đạo Phật nên chúng ta không thấy các lễ cầu siêu cho vong hồn tử sĩ rầm rộ như ở các quốc gia đạo Phật chiếm đa số tín ngưỡng của dân chúng. Tôi nghĩ rằng nếu người Mỹ theo Phật giáo như phần lớn người Châu Á, hẳn họ cũng sẽ tổ chức lễ cầu siêu như vậy cho tất cả binh sĩ đã hy sinh mà không có sự phân biệt phe phái chính trị nào.

Trong khi lang thang trên mạng, tôi tình cờ tìm thấy một số bức ảnh đen trắng về sự hy sinh của quân nhân VNCH miền Nam. Những bức ảnh gây cho tôi sự xúc động mạnh về tính bi tráng mãnh liệt của nhân vật trong ảnh cũng như nỗi đau của một dân tộc Việt đầy bất hạnh.

Bức ảnh thứ nhứt có tên “Vietnam Dead Soldier.” Lần đầu tiên tôi nhìn thấy bức ảnh này và tôi đã cố công bỏ thời gian tìm kiếm, cuối cùng tôi đã thấy bức ảnh rao bán trên trang shutterstock.com và dòng chú thích ngắn ngủi không trọn vẹn, không biết tác giả ảnh là ai. Nếu tôi bỏ tiền ra mua, tôi sẽ biết điều đó và tôi sẽ có được file bức ảnh gấp đôi dung lượng ảnh cho tải free và không đóng dấu watermark. Nhưng tôi không có tiền, thôi đành viết ra đây để quý độc giả nào có tấm lòng lẫn tài chánh sẽ thực hiện điều này: Ðó là đừng để những vị anh hùng vô danh (unknown soldiers) bị lãng quên.

Xem thêm:   Đi tìm lăng mộ Antoine & Cléopâtre

VIETNAM DEAD SOLDIER, DAU TIENG

Vietnam War The Battle of Dau Tieng – A Vietnames machinegunner that fought to the last bullet and was then shot by the Vietcong when they overran his position lies dead in his foxhole at Dau Tieng, South Vietnam. Hundreds of shells that fill his foxhole kneedeep are silent proof that he fought to his death when the Vietcong overran part of a multibattalion force and a regimental company on…” (Chiến tranh Việt Nam trận Dầu Tiếng – Một xạ thủ súng máy người Việt Nam đã chiến đấu đến viên đạn cuối cùng và sau đó bị Việt Cộng bắn khi chúng tràn vào vị trí của anh ấy, nằm chết trong công sự cá nhân ở Dầu Tiếng, Miền Nam Việt Nam. Hàng trăm vỏ đạn lấp đầy công sự cá nhân của anh là bằng chứng thầm lặng cho thấy anh đã chiến đấu đến chết khi Việt Cộng tràn lên tấn công áp đảo…)

Ở một trang khác, cũng bức ảnh người chiến sĩ vô danh đã hy sinh trong công sự cá nhân ấy, nhưng là hình trắng đen và dòng chữ đánh máy chú thích (nhìn có vẻ giống ảnh báo chí hơn): “(NY5-NOV.28)-HE FOUGHT TILL THE END- A Vietnamese machinegunner lies dond in his foxhole with hundreds of shells surrounding him. The knee-deer spent shells are silent proof that he fought to his death when Viet rong overran his position at Michelin Rubber Plantation,45 miles northwest of Saigon. The battleground was retaken today and over a hundred corpses recovered. (AP Wirephoto via radio from Saigon) (cwh11400stf-hr-ren)65” (ÐÃ CHIẾN ÐẤU ÐẾN CHẾT- Một xạ thủ súng máy Việt Nam nằm chết trong hố cá nhân với hàng trăm vỏ đạn bao quanh. Những vỏ đạn sâu đến đầu gối là bằng chứng thầm lặng cho thấy anh đã chiến đấu đến chết khi Việt Cộng đánh chiếm vị trí của anh tại đồn điền cao su Michelin, cách Sài Gòn 45 dặm về phía tây bắc. Trận địa đã được chiếm lại ngày hôm nay và hơn một trăm xác chết được thu nhặt.)

Xem thêm:   Père Lachaise thành phố tĩnh lặng

Tôi tìm tài liệu về trận chiến đồn điền cao su Michelin thì được biết tối ngày 27 Tháng Mười Một năm 1965, Trung đoàn 7, Sư đoàn 5 của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đang đóng quân trong đồn điền cao su Michelin đã bị các Trung đoàn 271 và 273 của Việt cộng tràn ngập. Tôi chỉ là kẻ hậu sanh nên không biết cả hai chú thích ảnh ở trên thì chú thích nào mới đúng sự thật, nhưng có một sự thật không thể phủ nhận là người lính VNCH đã chiến đấu anh dũng và chết hào hùng.

Bức ảnh thứ hai, chụp người lính đang quỳ trên cầu nhưng cánh tay vẫn cầm chắc súng, ánh mắt xa xăm thật buồn đến nhói lòng. Hậu cảnh bức ảnh còn có ba người lính khác. Sau khi đăng ảnh lên Facebook, một Facebooker ở Sài Gòn đã cho tôi biết ảnh được chụp trên cầu Sài Gòn sáng ngày 29-4-1975, phía hướng về Biên Hòa. Bị ám ảnh ánh mắt người lính và bối cảnh ra đời bức ảnh, tôi đã viết mấy câu đề: “Ánh mắt thẳm sâu hơn bóng đêm/ Từ đây tan nát, ngọc châu chìm/ Chiến binh gãy súng, bao la hận/ Lực bất tòng tâm, nghẹn cả tim.”

Bức ảnh thứ ba chụp người lính Cộng Hòa rất trẻ, vai đeo ba khẩu súng đang bước trên đường. Theo tác giả bức ảnh – ông Nguyễn Ðạt (cư dân Sài Gòn) cho biết bức ảnh chụp lúc 10:30 AM ngày 30-4-1975. Ðó là “người lính Sài Gòn cuối cùng” mà ông Nguyễn Ðạt đã nhìn thấy. Ảnh được chính tác giả công bố năm 2020. Nhờ đăng rộng rãi trên Facebook, một cư dân Sài Gòn lớn tuổi đã nhận ra “Anh lính là người miền Tây, sống nhờ nhà bà con ở đường Lê Văn Duyệt, đã đăng lính trước năm 18 tuổi. Ngày 30-4-75 anh ta đã tự sát gần cầu Trương Minh Giảng (Sài Gòn,) sau khi đã xả hết một băng đạn vào chiếc xe lam chở đầy quân Bắc Việt.” Tôi có thể hiểu hành động này của người lính trẻ. Nhiệt huyết, lòng yêu nước, yêu tự do tràn trề nên đăng lính trước tuổi, và đang đối diện với sự căm thù, sự thất vọng quá lớn, cùng với tinh thần “Ninh thọ tử bất ninh thọ nhục” của người xưa truyền lại nên đã chọn một cách chết hào hùng.

Xem thêm:   Bánh ít lá gai

20 năm trở lại đây, mỗi lần thấy người Mỹ tổ chức các nghi lễ cho ngày Memorial Day hay nhìn thấy nhà nước Việt cộng tổ chức rầm rộ ngày Thương binh – Liệt sĩ của riêng họ, không phải cho tất cả những người lính Việt; tôi lại chạnh lòng nghĩ tới những chiến sĩ- anh hùng vô danh người Việt bị lãng quên. Tôi không biết những người lính trong ảnh là ai? Các ông tên gì, quê quán ở đâu? Thân nhân của các ông còn ai không và đang ở đâu? … là những câu hỏi xoáy vào lòng. Phần lớn chúng ta chỉ nhớ tên, tạc tượng các vị tướng, tá đã tuẫn tiết như các ông Nguyễn Khoa Nam, Lê Văn Hưng, Trần Văn Hai, Lê Nguyên Vỹ … nhưng chẳng mấy ai biết tới những người lính – anh hùng vô danh mà tôi vừa nhìn thấy hình ảnh của họ. Tôi mong muốn một ngày nào đó, những bức ảnh anh hùng vô danh này sẽ được tạc thành những bức phù điêu trang trọng, để con cháu đời sau đốt nén nhang thơm tưởng nhớ họ ngang hàng với các tướng lãnh vị quốc vong thân.

TPT