Lễ Độc Lập (Independence Day – July 4th) là một trong số những ngày lễ Liên Bang, mở ra một chương hoàn toàn mới trong lịch sử lập quốc Hoa Kỳ. Nếu so sánh với các ngày lễ của tiểu bang thì gọi Independence Day là ngày đại lễ cũng không sai.

Kêu oan cho con gái.
Trước ngày July 4th khoảng một tháng thì tất cả chuỗi tiệm tạp hóa lớn trên toàn nước Mỹ đã bắt đầu bày bán cờ Mỹ với rất nhiều kích thước, khăn quàng cổ, bong bóng, nơ, nón, quần áo, đồ vật trang trí nội thất, nữ trang… đều dùng thiết kế của lá cờ, và các đồ vật khác có ba màu xanh, trắng, đỏ. Người người, nhà nhà treo cờ trước sân nhà. Trẻ con, người lớn chuẩn bị sẵn quần áo, giày nón mới in hình cờ Hoa Kỳ để cho những cuộc diễn hành, những chuyến đi chơi nhân ngày nghỉ lễ, tổ chức các buổi họp mặt ăn uống ngoài trời, chờ đợi coi bắn pháo hoa thật rầm rộ, và các gia đình cũng đốt pháo hoa trước sân nhà đến tận nửa đêm. Nói chung, tất cả người Mỹ chờ đón ngày July 4th với sự háo hức như một cơ hội để bày tỏ lòng yêu nước. Những người bạn trên Facebook của tôi vào ngày July 4th vẫn post hình quốc kỳ Hoa Kỳ bay phất phới với dòng chữ chúc mừng ngày Ðộc Lập để bày tỏ sự ủng hộ đối với quốc gia mà họ yêu thích, ngưỡng mộ.
Hôm nay, tôi không nhắc đến lịch sử hình thành ngày July 4th vì nó rất dài dòng, nhiều chi tiết rối rắm, là cuộc cuộc đấu tranh gian nan đầy lòng dũng cảm và mưu trí của các bậc tổ phụ lập quốc với quyết tâm đưa vùng đất này thoát khỏi sự lệ thuộc “nước mẹ” đế quốc Anh, và biến nó thành Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ. Di sản của các bậc tổ phụ để lại cho các thế hệ sau là sự độc lập thật sự, độc lập hoàn toàn, một sự “vươn vai đứng dậy” như người khổng lồ trước sự ngơ ngác, kinh ngạc của thế giới cũ xung quanh. Hạnh phúc thay, người Mỹ an nhiên hưởng thụ thành quả độc lập của người đi trước mà không cần phải bận tâm suy nghĩ lớn nhỏ, vuông tròn gì ráo về nó.
Ðộc lập là gì? Ờ, thì độc lập là không phụ thuộc vào bất cứ ai. Câu trả lời nghe huề trớt, nghe quá đơn giản như chân lý “một cộng một bằng hai” vậy. Nhưng để hiểu đúng, hiểu đủ hai chữ “độc lập” thì có khi phải mất hơn 30 năm đời sống (như tôi,) hoặc tôi biết có nhiều người Việt cho đến khi sang thế giới bên kia vẫn chưa biết bản thân mình, gia đình mình, con cháu mình có thật sự được “hưởng độc lập” hay không?
Ngày Ðộc Lập của nước Mỹ, tự dưng đem chuyện Việt Nam chêm vào nghe có vẻ vô duyên, nhưng làm sao mà không nhắc cho được, làm sao không khỏi có sự so sánh rồi chạnh lòng đối với những con người bị bắt buộc phải rời bỏ quê hương bản quán. “Lòng còn gửi áng mây Hàng,” nỗi quê nỗi nước ngổn ngang trăm bề.
Bất cứ ai từ nhỏ tới lớn phải “dùi mài kinh sử” 16 năm “dưới mái trường xã hội chủ nghĩa” đều thuộc nằm lòng câu “đánh đuổi thực dân, đế quốc giành độc lập dân tộc.” Tôi nhớ thời học phổ thông tôi phải học thuộc lòng khổ thơ: “Bà ngừng tay xỉa thuốc: ‘Tao già rồi chúng bây/ Ráng mà lấy Ðộc lập/ Cho mẹ hưởng ít ngày’…” để viết bài văn nghị luận về công lao của “đảng ta” đối với đất nước Việt Nam. Bọn học trò cứ “tin chắc như đinh đóng cột” rằng “Ðộc lập” như một cái bánh, a lê hấp nhào tới giựt được thì có “độc lập” mà “ăn” ngay.
Sự thật (đôi khi rất tình cờ) rơi bổ vô đầu tôi trong một buổi học chính trị vào năm 2004. Ông thầy đứng trên bục giảng “tiết lộ” rằng “Chúng ta chưa bao giờ có độc lập thật sự. Ðánh đuổi được thực dân Pháp, đế quốc Mỹ rồi cũng chưa có độc lập. Thời phụ thuộc Liên Xô thì Việt Nam muốn đại hội đảng phải chờ Liên Xô đại hội trước. Xong Việt Nam mới dựa theo nghị quyết đảng của Liên Xô dịch ra tiếng Việt, sửa chữa chút đỉnh cho hợp tình hình Việt Nam, chọn “nhân sự” (tức là bố trí ai vô chức vụ gì) rồi đem bản thảo nghị quyết và danh sách “nhân sự” qua Liên Xô trình duyệt. Ðiểm nào Liên Xô không đồng ý phải đem về sửa lại rồi đem sang trình tiếp, khi nào Liên Xô thống nhất thì về tổ chức đại hội. Liên Xô sụp đổ rồi qua thời kỳ phụ thuộc Trung Quốc thì Việt Nam cũng phải làm y như vậy.” Nghe mà choáng váng mặt mày! Hụt hẫng quá. Vậy mà lâu nay tôi, bạn học tôi, đồng nghiệp tôi, ai cũng đinh ninh rằng “Việt Nam độc lập không bị thằng/con nào cai trị” như cái khẩu hiệu “Ðộc lập – Tự do – Hạnh phúc” ngày nào mình cũng phải viết ngay đầu trang giấy. Mấy chuyện ông thầy kể đó chưa bao giờ nghe chương trình giáo dục quốc gia và báo chí, đài truyền hình đề cập tới. Tôi suy nghĩ hoài, không biết tôi được đi học chính trị không biết đó là sự may hay rủi?
Tuần rồi, nhân Ngày Quốc tế Yoga lần thứ 9, Ðại sứ quán Ấn Ðộ và Liên đoàn Yoga Việt Nam tổ chức trình diễn Yoga trên đường phố ở Hà Nội và Sài Gòn. Khu vực Hà Nội, người Việt tham gia biểu diễn mặc “đồng phục” áo cờ đỏ sao vàng và nằm ngửa ra mặt đường, khiến cho cộng đồng mạng chế giễu là “các mẹ phơi ngao,” “bò đỏ sao chết nhiều thế.” Khu vực ở Sài Gòn, người tham gia biểu diễn Yoga dùng đồng phục màu xanh biển, trắng hoặc vàng nhạt.
Mùa Trung Thu, những cái trống quay con con bằng đất sét (đồ chơi trẻ em, miền Bắc gọi là trống bỏi) ở miền Nam sản xuất thì sơn nhiều màu sắc, vẽ bông quanh thành trống, mặt trống dán giấy bông, que quay bằng đoạn thân cây trúc nhỏ như chiếc đũa, nhìn rất vui mắt. Miền Bắc sản xuất trống quay thì vật liệu toàn một màu đỏ choét và dán hình cờ đỏ sao vàng lên mặt trống.
Biểu diễn Yoga hay sản xuất trống quay cho trẻ em thì không cần thiết, không có ai bắt buộc phải “đính kèm” yếu tố chính trị, nhưng người dân miền Bắc bị lệ thuộc thành thói quen, phải kiếm cách thể hiện tư tưởng “đi theo đảng” vô mới an tâm. Tôi cho rằng đó cũng là một dạng không độc lập trong tư tưởng và suy nghĩ.
Vụ nhóm người Ê-đê ở Ðắk Lắk tấn công vào đồn công an xã và họ bị truy bắt, số người bị bắt nhiều gấp đôi con số “tình nghi” mà cơ quan công an tỉnh Ðắk Lắk đưa ra. Có nhiều người bị “bắt lầm”. Trong thời gian họ bị nhốt tù thì rất nhiều tờ báo, mạng xã hội đăng ảnh của họ, chửi mắng, sỉ nhục “kẻ khủng bố.” Khi nạn nhân được trả tự do, người nhà đăng hình (kèm bài) yêu cầu đính chính thì việc chửi bới họ mới chấm dứt. Tôi vừa coi một clip nhắn trên Facebook (post lên mạng ngày 16/6/2023) ghi lại cảnh đôi vợ chồng người đàn ông tóc bạc đi phát tờ rơi kêu oan cho con gái. Ông mặc chiếc áo T-shirt màu vàng, mặt trước in dòng chữ “CON TÔI CHẾT OAN,” mặt sau in hình chân dung cô gái trẻ. Vài người qua đường nhận tờ rơi từ tay ông, nhưng có rất nhiều người lảng tránh nhận tờ giấy ông dúi vào tay họ. Nghe nói con gái ông bị chồng giết, mà bố chồng là đương kim “giám đốc trại giam.” Ngay cả bỏ ra vài phút đọc thông tin trên tờ rơi họ cũng từ chối, lảng tránh vì vụ án liên quan tới “quan chức nhà nước.”
Tôi cho rằng đây cũng là một dạng không độc lập trong suy nghĩ, cứ thấy truyền thông nhà nước đăng tin gì thì mặc nhiên cho đó là đúng, thấy động chạm tới quan chức thì sợ hãi. Nhìn người Mỹ, rồi nhìn người Việt mà thấy đau lòng.
TPT