
Bà cõng cháu đi chơi. Hình Internet.
Ở Mỹ cắm đầu đi làm kiếm tiền, gom được một mớ kha khá về Việt Nam cưới cô vợ trẻ đem qua Mỹ, sau đó vợ bỏ theo người đàn ông khác đẹp trai hơn hoặc có nhiều tiền hơn.
– Bà cụ/ông cụ kia tuổi gần đất xa trời, đi đứng lụm khụm, quá tuổi nghỉ hưu từ lâu rồi, ở nhà con ruột (hoặc nhà housing chính phủ cấp,) chi phí sinh hoạt con lo, có tiền lương hưu, hàng tháng lãnh tiền già của chính phủ Mỹ, nhưng vẫn cố gắng đi làm việc vặt hoặc lượm ve chai bán gom tiền gởi cho con cháu ở Việt Nam. Không gởi tiền thì con cháu khóc lóc rên rỉ như sắp chết tới nơi. Một thời gian sau về Việt Nam thăm con cháu mới té ngửa ra khi biết con cháu chỉ lo ăn nhậu, chơi bời và ngóng tiền ông/bà gởi hàng tháng.
– Bà kia mới bước qua hàng “ngũ thập tri thiên mệnh” quen biết ông nọ đã nghỉ hưu, vợ qua đời con thì lớn đã ở riêng, có nhà cửa xe cộ đàng hoàng. Nghe lời ngon tiếng ngọt “Tuổi này mà còn làm đám cưới, làm hôn thú người ta cười” bèn đồng ý sống chung mà không nghi ngờ gì. Sau thời gian 15 năm ra sức chăm sóc người già bệnh tật cho đến khi ông qua đời, thì té ngửa ra ông nọ đã làm di chúc cho con ổng hưởng hết tài sản thừa kế, con ông về lấy lại nhà cửa, tống bà “mẹ kế” không danh chính ngôn thuận kia ra đường với hai bàn tay trắng. Bà đau đớn muốn tự tử, không ngờ người bà luôn coi là chồng, người ta không nghĩ bà là vợ.
Đó là những câu chuyện (bài học kinh nghiệm) từ cộng đồng gốc Việt hải ngoại mà tôi đã đọc trên mạng từ năm 2005 bằng cái IBM PC “second hand,” hệ điều hành Windows 1995 già cỗi, khi Việt Nam mới bắt đầu cho dân chúng được sử dụng internet rộng rãi, nhưng vẫn dựng tường lửa tất cả các website hải ngoại. Phải nói rõ chi tiết như vậy để quý độc giả hiểu rằng sự khao khát tìm hiểu thông tin, tìm hiểu thế giới bên ngoài của thế hệ những người trẻ như tôi (ở thời điểm đó, giờ già rồi) rất mãnh liệt, sẵn sàng tìm mọi cách vượt tường lửa và kiên nhẫn ngồi chờ hàng giờ để được đọc một “bản tin đen”.
Những tưởng các bài học cay đắng cách đây 20 năm đó thời nay không còn sau bao nhiêu năm người gốc Việt hải ngoại bị “vùi dập” thật bất ngờ khi tôi biết rằng sự việc vẫn cứ lặp lại với những người quen của tôi.
Đầu tiên là một ông làm nghề sửa xe hơi, nhờ tôi chỉ giúp luật sư nào đáng tin cậy ở Việt Nam để về Việt Nam kiện đòi tài sản. Hỏi kỹ mới biết ông đã 70 tuổi, cách đó vài năm có về Việt Nam cưới một bà 40 tuổi và đem qua Mỹ. Nói rõ để quý vị hiểu ông này không phải loại “ham muốn gái tơ” không “ăn cỏ non” mà ông chỉ muốn một người vợ như bao nhiêu người đàn ông khác. Tuy gần 70 nhưng ông vẫn còn phong độ, tráng kiện và vẫn hành nghề sửa xe hái ra tiền. So sánh ông và bà 40 tuổi kia không có sự chênh lệch quá lớn về hình thức bên ngoài. Không ngờ bà nọ đã có hẹn hò với nhân tình khác ở Mỹ. Sau khi được ông thợ bảo lãnh qua Mỹ theo diện hôn thê, cho đứng tên tài sản ở Việt Nam xong thì bà nọ trốn mất. Ông về Việt Nam, tới tận nơi cư trú của bà “vợ cũ” nộp đơn kiện. Vụ kiện nay đã giải quyết xong, ông thợ đã lấy lại được tài sản. May là ông vẫn chưa làm giấy hôn thú ở Mỹ nên không cần làm thủ tục ly dị, việc chứng minh tài sản dễ dàng, nhưng cũng mất gần 2 năm mới xong.
Một ông khác, đã nghỉ hưu, cách đây 4 năm có nhờ tôi tư vấn làm cách nào đối phó với nhà cầm quyền địa phương Việt Nam vì bị gây khó dễ, vì ông bảo lãnh vợ ở Việt Nam qua Mỹ. Tuần rồi, ông cho tôi một bao thực phẩm khô. Ông nói: “Tôi bây giờ mua đồ quán người ta nấu sẵn đem về ăn, không nấu ăn nữa.” Tôi hỏi: “Bà xã đâu sao không nấu?” Ông trả lời: “Đừng hỏi nữa. Qua cầu gió bay rồi” Trong bao đồ ăn ông cho tôi, có vài lock chai nước sơn móng tay “Made in USA” còn mới nguyên, chưa khui hộp. Tôi đoán những lock sơn móng tay này là của vợ ông bỏ lại, sau khi đã học xong nghề làm nail, chớ không lẽ ông già 70 mua nước sơn móng tay màu sặc sỡ để ông xài? Ông nói bây giờ đi học lại ESL làm niềm vui.
Một cô gốc Việt khác ở Mỹ, cách đây 5 năm, lên mạng Facebook “vạch mặt” (người miền Bắc gọi là “bóc phốt”) anh chồng cô vừa bảo lãnh từ Việt Nam qua, vợ chồng đã có một con, nhưng rồi nhanh chóng ly dị.
Một cô khác làm chủ tiệm nail, than thở rằng cô có 4 đứa cháu ở Việt Nam được cô gởi tiền nuôi, vay tiền cô nhiều lần, mà chưa có đứa cháu nào gọi hỏi thăm sức khỏe cô một lần để cô thấy ấm lòng tình máu mủ ruột rà. Mẹ cô cho cháu thừa kế 2 căn nhà ở Việt Nam, qua Mỹ sống với con gái, mọi chi phí con gái bao hết. Tưởng rước mẹ qua Mỹ để mẹ an hưởng tuổi già cho tròn chữ hiếu, nào ngờ mẹ qua Mỹ rồi cứ lo lui cui cặm cụi còng tấm lưng già nua trên chiếc máy may kiếm tiền gởi cho cháu. Hỏi cháu bao nhiêu tuổi rồi mà bà già còn phải nuôi? Trả lời cháu nhỏ nhứt 22 tuổi, lớn nhứt 40 tuổi, tất cả đều đã lập gia đình riêng. Hỏi bà gởi tiền về làm gì? Trả lời cho cháu đóng tiền điện, tiền nước, tiền khám cho bác sĩ tới tại gia, đóng học phí cho con của cháu. Hỏi cháu làm nghề gì mà thu nhập không đủ sống, phải dựa vô bà cụ? Trả lời từ lúc lớn lên tới nay chúng không làm gì cả.
Bà cụ mắng cô “cứng lòng” vì cô phản đối việc tiếp tục cung phụng tiền bạc cho đám cháu đã trưởng thành từ rất lâu rồi.
Trong phạm vi bài viết này tôi chỉ đề cập các trường hợp mà tôi biết rõ, và không phải người của giới showbiz. Chuyện showbiz Việt “vạch mặt” nhau như cơm bữa, tôi không quan tâm, cũng không muốn đem những chuyện ấy làm rác tai quý độc giả.
Một ông khác kể đã từng chứng kiến vài ba vụ người quen của ông ở Mỹ bị người thân ở Việt Nam thường xuyên gọi điện thúc giục gởi tiền về Việt Nam “để giúp đỡ gia đình” như: chữa bệnh, xây nhà, mua đất, mua xe… Trong khi những người đó ở Mỹ làm ngày làm đêm, không dám ăn ngon, không dám mặc đẹp, không dám đi chơi, mua đồ cũ, xài đồ lượm… nhằm tiết kiệm tiền gởi về gia đình. Tới khi người kia về Việt Nam thăm mới té ngửa ra biết tiền của mình gởi về đều chui vô sòng bài, đề đóm hết. Người nọ chán nản, trốn không gặp, không nghe điện thoại của người nhà nữa.
Bà cụ ở trên mắng con gái “cứng lòng” vì không chịu “cấp dưỡng cho người trưởng thành khỏe mạnh” Không biết bà cụ có bao giờ nghĩ ngược lại những người nhận “cấp dưỡng” có phải là “cứng lòng” khi thản nhiên xài số tiền mà thân nhân của họ phải còng lưng ngày đêm, phải nhịn ăn nhịn mặc mới kiếm được cho họ xài?
Ở đời người ta có thể dùng lý trí để phán xét, nhưng khi hành động thì lại không theo lý trí, mà lại vì những lý do rất riêng, chỉ có người trong cuộc mới hiểu.
Tôi gọi những người gốc Việt kể trên là bị “mắc nợ đời” và phải “trả nợ” Có người đã “trả dứt nợ” có người “trả” hoài không hết “nợ” và không biết khi nào mới hết “nợ” kiểu này, người Việt thường nói là “Trả cho tới chết mới hết nợ”
TPT