Bài hát “Mùa xuân đầu tiên” của nhạc sĩ Văn Cao được đăng trên báo SGGP số đặc biệt mừng xuân Bính Thìn, năm 1976 và chỉ được phổ biến một thời gian ngắn ngủi trên các đài phát thanh trong nước. Sau đó, không ai còn được nghe hay biết đến bài hát của một nhạc sĩ nổi tiếng nhưng có số phận hẩm hiu này.
Kể từ sau ngày “thống nhất Bắc Nam”, hằng loạt các nhạc khúc được ra đời để ca mừng cuộc nội chiến hơn 20 năm được chấm dứt vào tháng Tư năm 1975. Bên cạnh những nhịp điệu háo hức đó, nhạc sĩ Văn Cao cũng hòa mình giữa lúc “non sông gom về một mối” với một nhạc phẩm nhẹ nhàng, được viết theo điệu Valse du dương, trầm bổng ..
“Rồi dặt dìu mùa xuân theo én về
Mùa bình thường mùa vui nay đã về
Mùa xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên”
Mùa xuân đầu tiên mang theo “tin vui thắng trận” nhưng trong lời nhạc chỉ là “mùa bình thường” của bao gia đình được sum họp, mẹ cha đón con về sau mấy mươi năm mòn mỏi đợi mong. Những giọt nước mắt tủi mừng đã thay cho bao lời muốn nói. Ai nấy đều mong đợi một nền hòa bình thật sự sẽ được lập lại và người dân sẽ được cơm no áo ấm sau hơn 2 thập niên đất nước bị cắt chia.
Ở đoạn điệp khúc, tác giả đã lâng lâng trải lên phím nhạc một niềm hy vọng tràn trề, ước ao mọi người rồi sẽ biết yêu thương nhau nhiều hơn, quên bỏ mối hận thù và cùng nhau kiến tạo một đất nước đẹp giàu…
“Từ đây người biết quê người
Từ đây người biết thương người
Từ đây người biết yêu người”
Nhưng cái mùa xuân ước mơ từ bao năm bỗng nghẹn ngào, lạc điệu khi “mùa xuân mơ ước ấy xưa có về đâu”! Mùa xuân đang về trên quê hương thống nhất nhưng sao lại đìu hiu, tĩnh mịch với khói bay vờn vợn trên sông, tiếng gà gáy giữa mênh mông trưa nắng. Dường như mọi người đang khát khao, chờ đón một mùa xuân với ý nghĩa khác hơn hương vị của “mùa xuân lịch sử”. Người ta chợt bùi ngùi, xót xa khi nhớ đến hai câu thơ trong bài “Hoàng hạc lâu” của Thôi Hiệu:
“Nhật mộ hương quan hà xứ thị
Yên ba gian thượng sử nhân sầu”
mà thi sĩ Tản Đà đã thoát dịch như sau:
“Quê hương khuất bóng hoàng hôn
Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai”
hay ở đoạn kết bài thơ “Tràng giang” của thi sĩ Huy Cận:
“Lòng quê dợn dợn vời con nước
Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà”.

nguồn: Saigoneer.com
Mùa bình thường dặt dìu én liệng báo tin xuân của Văn Cao đã không được chấp nhận và bị cất vào kho vì tác giả không thể phác họa toàn bích một mùa xuân hừng hực say men chiến thắng. Nhưng lạ thay, nhịp điệu dìu dặt đó vượt biên giới, được vang lên ở một nơi rất xa và cũng là lần đầu tiên trong cuộc đời, tác giả mới biết đến đồng tiền nhuận bút.
20 năm sau, “Mùa xuân đầu tiên” được hát lại một cách dè dặt và nhất là sau khi nhạc sĩ Văn Cao đã đi về một nơi chốn khác. Theo trào lưu “đổi mới”, họ ca tụng Văn Cao là một thiên tài “viết lịch sử bằng âm nhạc” và cũng dễ dàng quên đi một cuộc đời khốn khó, cơ cực bị trù dập qua phong trào “Nhân văn giai phẩm”. Nhiều chương trình ca nhạc lớn, nhỏ mang hơi hướm “Buồn tàn thu” hay “Thiên thai” thường xuyên được tổ chức rầm rộ dọc theo chiều dài ba miền đất nước. Như lời tiên đoán của nhạc sĩ Văn Cao ngày trước, “Mùa xuân đầu tiên” giờ đây không còn bị cấm đoán nữa và còn được khoác lên mình một dung mạo khác xưa. Dù sao mặc lòng, một tài năng thiên phú lẫy lừng, một gương mặt dạn dày chịu đựng, một vóc dáng gầy còm từng bước chậm rãi và dừng lại bên phím dương cầm cũng như một thân phận hẩm hiu “tài bất trùng thời” hay sinh lầm thế kỷ không thể sớm chiều nhạt phai trong tâm khảm của những người yêu nhạc.
TV