Nhạc sĩ Trường Sa tên thật là Nguyễn Thìn, sinh năm 1940 tại Ninh-Bình. Năm 1954, ông theo thân phụ di cư vào Nha-Trang và dọn về Thủ-Đức năm 1957. Năm 1962, ông gia nhập quân ngũ và được giữ chức hạm phó tàu tuần duyên Trường Sa sau khi tốt nghiệp sĩ quan khóa 12 hải quân Việt-Nam Cộng Hòa. Đơn vị phục vụ cuối cùng là Giang đoàn 63 tuần thám với cấp bậc thiếu tá.
Tháng 4 năm 1975, Sài Gòn bị thất thủ và ông theo một chiến hạm đến đảo Guam. Vì không biết được tin tức của gia đình nên ông xin được trở về Việt-Nam. Khi tàu Việt-Nam Thương Tín cập bến quê nhà, ông bị bắt và bị giam cầm 9 năm trong lao tù cộng sản. Năm 1986, ông vượt biển không thành và bị bắt giam 2 năm. Đến năm 1989, ông vượt biển lần nữa và đến được trại tị nạn ở Malaysia rồi định cư tại Canada từ năm 1991 cho đến bây giờ.
Ông là tác giả của những bản tình ca nổi tiếng và nhiều bản hùng ca được phổ biến rộng rãi trong các quân, binh chủng Việt-Nam Cộng Hòa. Ông chọn bút danh Trường Sa để nhắc nhở thời gian trong binh nghiệp.
“Mây trên đỉnh núi” là sáng tác đầu tay lúc ông 17 tuổi và được thâu thanh vào dĩa hát Thiên Thai năm 1969 với tiếng hát ca sĩ Thanh Lan. Trong khoảng thời gian binh nghiệp, ông viết các ca khúc dính líu đến cuộc đời quân nhân như “Một lần xa bến”, “Hành trang giã từ”, “Chuyện người đan áo”, “Chờ em trên bến”, “Sầu biển” (*)… Theo lời khuyến khích của những nhạc sĩ thân hữu, ông chuyển sang viết tình ca từ năm 1966. Với 3 nhạc phẩm “Xin còn gọi tên nhau”, “Rồi mai tôi đưa em” và “Mùa thu trong mưa”, ca sĩ Lệ Thu đã đưa tên tuổi của Trường Sa đến gần hơn với khán giả yêu nhạc.
Nhắc đến đàn anh Trường Sa, nhạc sĩ Ngô Thụy Miên đã có lần bày tỏ: “Những năm cuối thập niên 60, đầu thập niên 70, giới yêu nhạc tại Sài-Gòn được nghe 3 ca khúc bất hủ của nhạc sĩ Trường Sa gồm “Xin còn gọi tên nhau”, “Rồi mai tôi đưa em” và “Mùa thu trong mưa” qua tiếng hát của nữ ca sĩ Lệ Thu. Chỉ với 3 bản tình ca này, vườn hoa âm nhạc Việt-Nam đã có thêm một bông hồng tuyệt đẹp. Cá nhân tôi, khi nghe 3 ca khúc này đã yêu ngay nét nhạc dịu dàng, bình lặng như dòng suối nhỏ lượn quanh khu vườn yên tĩnh, rồi bất chợt trổi lên như cơn bão nổi, như con sóng thần ngập tràn dấu đau thương. Tôi cũng yêu nữa những lời ca sâu lắng, man mác buồn, trau chuốt nhưng không kiểu cách, không làm dáng. Cả 3 bài đều mang chung một nhịp điệu “Slow” buồn bã. Hồn nhạc lãng đãng, mênh mang diễn tả những cuộc tình lỡ làng, có lẽ xuất phát từ chuyện tình cảm mất mát của người nhạc sĩ tài hoa này. Hãy lắng nghe tiếng hát Lệ Thu vút cao khi diễn tả những dòng âm thanh trầm bổng kỳ diệu để thấy kỹ thuật viết nhạc và lời ca của anh đã lôi cuốn, đưa đẩy, dẫn dắt người nghe vào những cơn mưa êm đềm, hay vào những cơn hồng thủy, chấn động, nát tan con tim.”
o O o
Nhạc sĩ Trường Sa và một lần xa bến
Nhạc sĩ Trường Sa là một sĩ quan trong ngành hải quân nhưng mang mểnh trái tim nhiều cảm xúc của người nhạc sĩ lãng mạn. Với lòng say mê âm nhạc từ tuổi thiếu niên cùng khả năng thiên phú, ông đã mày mò học hỏi và bước những bước thật nhẹ nhàng, êm ái vào khu vườn âm nhạc trăm hoa muôn sắc. Để nhắc nhở một thời binh lửa, bút danh Trường Sa được chọn là tên của một chiến hạm mà ông đã một thời gắn bó cùng đồng đội lênh đênh khắp nẻo đường hồ hải.
Những tác phẩm đầu tay đã gắn liền với quân ngũ, với đời sống hải hồ của người lính biển như “Một lần xa bến”, “Hành trang giã từ”, “Sầu biển”… Vài năm sau đó, qua lời khuyến khích của các nhạc sĩ thân hữu và có lẽ khởi đi từ một cuộc tình không trọn vẹn thời trai trẻ, ông đã viết lên những khúc tình ca dịu dàng nhưng cũng lắm đau thương. Vết thương lòng dù đã lành lặn từng tháng, từng năm nhưng vết sẹo đời mãi theo ông trong từng khung nhạc. Lời nhạc Trường Sa không cầu kỳ nhưng sâu lắng, cõi nhạc Trường Sa là một dòng sông phẳng lặng nhưng thường chịu đựng những cơn sóng ba đào. Ông viết khá nhiều nhưng cũng rất nhiều nhạc phẩm không được phổ biến rộng rãi trong công chúng. Chỉ với 3 nhạc phẩm “Mùa thu trong mưa”, “Xin còn gọi tên nhau” và “Rồi mai tôi đưa em” cũng đủ làm nên tên tuổi chàng nhạc sĩ hiền lành, trẻ tuổi.
Sài-Gòn không có mùa thu nhưng qua nét nhạc Trường Sa, một mùa thu lặng lẽ chợt đến và âm thầm ở lại như để sớt chia cùng với tác giả, với nhân gian những tâm tình chưa nói hết. Mưa mùa thu làm ướt tóc, ẩm áo và đọa đày chi một kiếp người với ngày tháng lặng lẽ, lê thê …
gọi mùa thu lãng quên
vào tiếng mưa rơi êm đềm
trời còn mưa ướt thêm
cho dài ngày tháng không tên
(“Mùa thu trong mưa”, 1968)
Tình chỉ đẹp khi còn dang dở nên với ông, dù tình yêu đã ra đi nhưng những giây phút đắm say, ngây ngất vẫn còn lửng lơ đâu đó. Tình chỉ đẹp khi tình còn dang dở. Giấc mơ dù đã thoáng qua nhưng hương yêu vẫn đong đầy trong tâm tưởng ..
tình trong cơn ngủ mê
rồi phai trên hàng mi
chợt khi mình nhớ về
mộng thành mây bay đi
còn gì trên đôi tay
nên thầm hờn dỗi mình
cho tình càng thêm say
(“Xin còn gọi tên nhau”, 1969)
Kỷ niệm của ngày xưa là những an ủi, vỗ về trong hiện tại, vì mấy ai dễ dàng quên được cái thuở ban đầu lưu luyến ấy. Những cảm xúc vẫn chập chùng đi về và thấp thoáng trong từng khung nhạc ..
rồi mai chân hoang vu lên phố gầy
tôi về nhớ trong mắt môi đã đắng cay
còn ai mơ trên tay khi hoàng hôn
vỗ giấc xuân muộn về trên môi hồng
(“Rồi mai tôi đưa em”, 1967-1969)
Rồi giông bão kéo qua khu vườn yên tĩnh, người người ngơ ngác trước những bàng hoàng đổi thay của thời cuộc. Nước mất, nhà tan và ông cũng không thoát khỏi cái mẫu số chung nghiệt ngã đó. Chân bước ra đi và ngoảnh lại nhìn lại quê nhà qua hai hàng nước mắt. Con tàu cứ xa dần và một thoáng quê hương như đã mờ phai. Một lần xa bến nghe ngại ngần vầng trăng xẻ đôi. Không nhận được tin tức gia đình, ông quyết định trở về chốn cũ dù biết rằng tai ương sẽ ập lên số phận những người thua cuộc. Không hận hờn hay trách cứ, ông chấp nhận những oan khiên như chấp nhận cuộc sống này với dòng trong, dòng đục.
Mây tan, mưa tạnh nhưng để lại cho người nhạc sĩ tài hoa những đau thương cũng như biết bao cảm nhận tuyệt vời trong cuộc đời này. Trên xứ lạ, trái tim hiền hòa, mẫn cảm của ông vẫn đầy đặn những ước mơ và cảm xúc của ngày cũ để viết lên những nốt nhạc trầm buồn, để kể lể những cuộc tình dù hạnh phúc hay dở dang vẫn đi về trong chốn nhân gian vốn nhiều bon chen, vội vã.
TV
(*) “Sầu biển” được phổ biến rộng rãi trong hàng ngũ hải quân để gom tiền ủy lạo gia đình trung tá Ngụy Văn Thà tử trận trong trận hải chiến Hoàng Sa năm 1974.