Tôi sống ở Bangkok bốn năm, từ 2012 – 2016. Ði cùng gia đình con gái qua làm việc bên này. Tôi có rất nhiều dịp cùng cả nhà đi nhiều nơi: thăm các thắng cảnh, di tích lịch sử, khu du lịch, các vườn Quốc gia và vùng biển nổi tiếng. Ðến đâu, tôi cũng đều ghi chép, viết lại, kể cả tham dự những sinh hoạt của một số người Việt tôi quen ở thủ đô đất nước Phật giáo này.

Xuống phòng tập dụng cụ ở tầng 6, thỉnh thoảng trong sổ LOG IN ghi tên người, số nhà, thời gian, loại hình sinh hoạt… thấy có tên viết bằng tiếng Việt, có lúc dưới hành lang tầng trệt nghe một phụ nữ ngồi với một người da trắng nói chuyện trên điện thoại bằng tiếng Việt. Vậy là chung cư mình ở có người Việt. Về, khoe với cả nhà và nghĩ rằng sẽ tìm đến thăm họ…

Sau nửa năm, đi đây đi đó nhiều, tiếp xúc với một số đồng hương người Việt, tôi có ý định viết về người Việt ở đây nhưng đã hơn một năm cũng chưa thực hiện được, lý do là rất ít tài liệu, chỉ một số tin tức rời rạc trên internet, việc trực tiếp gặp gỡ cũng có những giới hạn vì tôi không thông thạo tiếng Thái.

Khu vực chợ Samsen     

Tuy vậy, tôi cũng có những ghi nhận bước đầu như sau:

Về thành phần, có thể xếp thành 6 nhóm:

  1. Những người cư trú rất lâu đời, tuổi trung bình 70-80, thế hệ F2 không biết tiếng Việt sống ở khu vực chợ Samsen trên bờ sông Chao Praya gần thư viện Quốc gia.
  2. Những người làm việc ở các cơ quan đại diện Việt Nam tại Thái Lan.
  3. Những người làm việc cho các doanh nghiệp nước ngoài và gia đình.
  4. Những người có chồng hay vợ là người ngoại quốc đang làm việc tại Bangkok.
  5. Những người lao động, buôn bán vặt, chiếm số đông từ các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình.
  6. Sinh viên Việt Nam học tại các trường Ðại Học Thái.

Khu dân cư sống ở kinh rạch dọc sông Chao Praya.

Nghe bạn bè giới thiệu ở Bangkok có hội đồng hương Việt Nam, tôi cũng có ý định tìm hiểu, gặp gỡ nhưng sau đó nghe nói hoạt động không hiệu quả nên bỏ ý định này.

Xem thêm:   Khám đường Alcatraz!

Có hai trang Facebook, một của Hội đồng hương Hà Tĩnh tại Thái Lan, mục đích ban đầu là mua bán sản vật và một vài trang khác. Trong trang web Hà Tĩnh là nơi mua bán lặt vặt, từ bán thức ăn tự làm như chả lụa, bánh giò cho đến mua xe đẩy, tìm thợ tóc …

Những người cư trú lâu dài ở đây cũng có ý tìm đến nhau để nhờ vả hoặc chia sẻ vui buồn. Họ không tụ họp thành hội đoàn, kết nối thành nhóm trên dưới mười người, cùng nhau đi chơi, đi lễ nhà thờ, làm từ thiện, đi ăn uống. Nhóm này có một số có thu nhập cao đến bất ngờ. Tôi đã đến thăm một gia đình có chồng làm việc cho một công ty đa quốc gia, ở nhà do Công ty thuê là một biệt thự 2 tầng diện tích chừng 400m2, có hồ bơi trong vườn, giá thuê lên đến 7,500 USD/tháng, tuy nhiên chủ nhà cũng than phiền là đôi lúc gặp nhau thì săm soi, xét nét hơn là tìm hơi ấm đồng hương.

Một khu chợ nổi ở Bangkok

Những người làm công việc lao động, thì tôi cũng gặp một số làm phụ hồ hoặc các công trình cầu đường, rày đây mai đó, không có chỗ ở nhất định, số khác bán thức ăn lề đường hay bán ở các sạp chợ. Ðây là giới mà tôi tiếp xúc nhiều nhất, vì hầu như lần nào con gái tôi cũng đến thăm họ. Có vẻ “dân số” ngày càng đông, họ rủ rê, dắt díu nhau tìm nơi có đồng ra đồng vào hơn ở quê nhà. Một sạp bán gà, vịt luộc trong một năm thay 5-6 người phụ việc, đều là bà con, họ hàng, hàng xóm của nhau ở một xã nghèo miền biển Hà Tĩnh. Họ bảo rằng trừ chi phí nhà ở, ăn uống… có thể dành dụm từ 4-5 triệu tiền Việt mỗi tháng.

Xem thêm:   Đồi sinh & mùa sim...

Một số khác may mắn hơn, như một cặp vợ chồng trẻ người Nghệ An tôi gặp ở chợ nổi Dunwai, cách Bangkok chừng 70 km. Họ thuê được một sạp nhỏ bán đồ khô. Tôi nhận ra họ khi thấy một mặt hàng ghi nhãn “Bún khô Việt Nam” trên sạp, họ kể trong khu chợ này cũng có nhiều người cùng làng với họ.

Một vài người mở tiệm ăn, nhà hàng bán món ăn Việt như nhà hàng Le Dalat của Madame Lý (một người Mỹ gốc Việt) mở đã 27 năm nay, bán món ăn hương vị Việt hay nhà hàng Saigon Recipe của Thủy Tiên – đoạt giải hoa khôi học đường năm 1994 rồi trở thành người mẫu, diễn viên điện ảnh – với nhiều món ăn ngon, giá cả vừa phải, tiếp đón rất ân cần mà có lẽ ai đã đến đây khi ra về đều không thể không khen anh chồng người Nhật nói rành tiếng Việt và rất thân thiện của Thủy Tiên!

Nhà hàng Le Dalat của Madame Lý tại Thái.

Ở Bangkok tôi cũng có dịp dự họp mặt với một gia đình Việt thuộc nhóm 2, 3, 4. Họ rất cởi mở và chân tình, mời ăn uống, hai lần cùng nhau gói bánh tét, bánh chưng ngày Tết. Gạo nếp, đậu xanh, lá dong đều gửi từ Hà Nội qua bằng máy bay. Tôi cũng có dịp đến thăm Làng Mai Thái Lan cách Bangkok 400km trong ngày Mồng Hai Tết năm 2016. Chuyến đi này do chị Thúy Hà mời, gặp gỡ những người Việt xa xứ ở Bangkok và để lại trong mỗi người nhiều ấn tượng khó quên.

Ðối với đa số người Việt, chuyện “tùy tục” khi “nhập gia”vào đất nước Thái Lan là vấn đề nan giải. Nếu đi theo visa du lịch, bạn chỉ được ở đúng 30 ngày, đi theo diện làm việc và học hành thì phải lo thủ, văn bản gửi đến cơ quan di trú (Immigration Bureau) ở khu Chamchuri Square và đến đó để xác nhận, những người thân trong gia đình đi theo thì chỉ được cư trú một năm, chi phí xác nhận hoặc gia hạn là 5,700 THB/ người (khoảng 150 USD). Nếu bị quá hạn phải đóng phạt 500THB/ngày!

Nhà hàng Saigon Recipe, được đánh giá là nhà hàng Việt ngon nhất ở Thái.

Những người lao động thông thường thì sau một tháng đầu phải gia hạn, họ gọi là đi “tòlay”, có một tổ chức chuyên lo dịch vụ này, chỉ cần gọi điện thoại báo địa chỉ, xe sẽ đến đón, chở đến biên giới Thái-Lào hoặc Thái-Campuchia và lo tất cả, chi phí mỗi lần từ 800 – 1000THB để có thể cư trú thêm được 1 tháng. Có người được chủ lo việc này nhưng người Việt thường từ chối vì sợ ràng buộc, khó nhảy việc khi gặp chỗ làm “ngon” hơn. Một số người vì vậy mà sống chui, họ nghĩ rằng biết dăm ba tiếng Thái, làm ăn lương thiện, không vi phạm pháp luật thì không lo lắng gì. Vì nhận định sai lầm do tiếc của này, đôi lúc có những việc đến bất ngờ để họ vô tình thành một phần của nhóm thứ 7.

Xem thêm:   Đua ngựa Sài Gòn

Nhóm thứ 7 hầu hết là những người sống “ngoài vòng pháp luật”, họ là những người có án ở Việt Nam, bị truy nã, chạy trốn sang Thái. Một số khác tị nạn chính trị ở trong các trại tị nạn. Ngoài ra còn một số khá đông chị em “buôn hương bán phấn” hành nghề đông nhất ở phố đèn đỏ Patpong, chỉ cần gõ “ăn chơi về đêm ở Bangkok” trên Google hoặc các trang về Du lịch Thái Lan có thể tìm thấy nhiều bài viết về họ. Khi tôi viết những dòng này thì “chị em ta” đã tiến về một số nơi trong thành phố tổ chức làm ăn không lệ thuộc vào giới chủ ở Patpong và tiếp tục rủ rê, dìu dắt bạn bè sang. Ðọc tin mà thấy buồn cười về một bài báo trên báo Thanh Niên “Người Việt thông minh, chăm chỉ và anh hùng, thế bạn có hãnh diện là người Việt Nam không?”

Không ít các cô gái Việt ở khu “đèn đỏ” Patpong

NHQ