Sáng nay dậy sớm, mở điện thoại thấy message đầu tiên chúc mừng sinh nhật tôi. Người bạn bên trời Ukraine xa xôi đang ngập trong bom đạn, Taras Myronyuk.

Khác với mấy lần trước chỉ có lời chúc, lần này Taras gởi kèm theo bức hình mặc quân phục mang súng đứng giữa rừng hoa hướng dương, với bàn tay uốn hình trái tim. Taras viết:

“Happy birthday to you our dear friend. Thanks for your support, Ukraine. Welcome again to Kyiv to celebrate victory next year! Ukrainian soldier, Taras”.

Tôi giật mình. Taras tình nguyện vào quân đội ở tuổi 51 sau khi đưa vợ con về miền Tây lánh nạn. Tôi vào quân ngũ ở tuổi 20. Khác nhau tuổi lần đầu tiên cầm súng, nhưng lại giống nhau về động lực thúc đẩy. Không biết có bao nhiêu nhạc sĩ đã cùng cảnh ngộ như Taras sau khi Putin xua quân tấn công Ukraine.

Nhìn người mà bỗng nghĩ đến ta. Tết Mậu Thân năm 1968, Bắc quân mở cuộc tổng tấn công vào các tỉnh miền Nam. Không chỉ là một trận chiến (battle) giao tranh giữa hai phía trong chiến tranh, mà là một cuộc  tấn công tàn sát (offensive) có chủ đích được chuẩn bị từ trước để sát hại trên năm ngàn người miền Nam.

Ngày 19/9/1969, Quân đội Việt Nam Cộng Hoà và đồng minh, trong cuộc hành quân truy quét Bắc quân, đã phát giác 428 bộ xương, nằm rải rác vùng Khe Ðá Mài. Ngày 15/9/2022, Quân đội Ukraine sau khi tái chiếm Kharkov đã tìm thấy một hố chôn tập thể 440 người ở thị trấn Izyum.

Miền Nam của tôi 54 năm trước và đất nước Ukraine của Taras hôm nay như cùng một số phận, đang lặp lại kịch bản về tội ác: hình thức sát hại tập thể, số lượng nạn nhân, và tính chất sát nhân tàn bạo.

Tôi đã đến Ukraine hai lần, tổng cộng chưa đến bốn tuần lễ làm việc với Taras. Là tiến sĩ, phó nhạc trưởng của Kyiv Symphony Orchestra, Taras là khuôn mặt sáng giá trong giới âm nhạc Kyiv, nhưng lại khiêm tốn, đạo đức, ít khi nói về thành tích âm nhạc của mình. Sau này tôi mới biết Taras và vợ là Katheryn hằng năm thay nhau đi trình diễn âm nhạc tại Canada, Âu Châu và Hoa Kỳ. Ðặc biệt năm 2010, thủ đô Hoa Thịnh Ðốn đã chào đón Katheryn trong chương trình giới thiệu bản giao hưởng Symphony 1975 của nhạc sĩ Lê Văn Khoa với bản dân ca Tiếng Trống Cơm sử dụng cây đàn nổi tiếng Bandura.

Khi thực hiện cuốn phim Le Van Khoa A Lifetime of Arts, tôi biết thêm lịch sử thú vị về cây đàn truyền thống Bandura của Ukraine. Chơi đàn Bandura thường là những nhạc sĩ mù, được đào tạo trong các bang hội Kobzar. Họ đi từ thôn quê đến thành thị, sử dụng đàn Bandura, hát những bài ca khơi dậy lòng yêu nước. Năm 1932, theo lệnh của Stalin, chính quyền Liên Xô đã kêu gọi trên 300 nhạc sĩ Bandura về tham dự một đại hội ở Kharkiv. Nhưng sau đó, họ bị đưa ra ngoài thành phố và tất cả đều bị giết sạch.

Xem thêm:   Rèn chữ

Taras đã giữ vai trò điều hợp thành công năm 2012, giữa giới âm nhạc Ukraine, nhạc sĩ Lê Văn Khoa và Vietnam Film Club để thực hiện buổi hoà âm bản Quốc Thiều Việt Nam cho phim The Soul of Vietnam, và phỏng vấn các nhạc sĩ hàng đầu của Ukraine cho phim Le Van Khoa A Lifetime of Arts năm 2016.

Taras tình nguyện vào quân đội năm 2022  

Taras cũng đóng vai trò trung gian cho chuyến đi Ukraine đầu tiên năm 2005 của anh Khoa thực hiện CD Symphony 1975. Có lẽ đây là tác phẩm lớn nhất của anh khi viết lại lịch sử bằng âm nhạc về một giai đoạn đau thương của dân tộc Việt Nam. Bản giao hưởng này dù đã trình diễn tại California năm 1995, nhưng mãi đến năm 2005 mới chính thức ra mắt công chúng bởi ban đại hoà tấu Kyiv Symphony Orchestra do nhạc trưởng Alla Kulbaba điều khiển.

Chưa hết, sau đó Symphony 1975 được tiếp tục trình diễn tại Melbourne, Australia năm 2005, và thủ đô Hoa Kỳ năm 2010. Vô tình Taras đã góp phần với người nhạc sĩ Việt Nam đưa nhạc Việt vào bầu trời âm nhạc của Ukraine, Australia, và Hoa Kỳ.

Tưởng chừng ấy thời gian duyên nợ cộng tác với Taras về âm nhạc. Vậy mà trước khi tiễn tôi lên máy bay lần sau cùng trở về Mỹ, Taras mở ra một cánh cửa hứa hẹn đón chúng tôi trở lại đất nước của anh: một buổi trình diễn âm nhạc quốc tế sang năm tại Kyiv, trong đó sẽ dành một phần cho anh Khoa trình diễn nhạc Việt.

Nhưng rồi hai năm Covid đã chận lại dự án, rồi cuộc tấn công Ukraine của Putin. Dự tính coi như đi vào quên lãng. Nhưng Taras thì không quên lãng chúng tôi. Thỉnh thoảng anh trao đổi trên Facebook, hay vẫn liên lạc qua trung gian người anh linh mục tại Pennsylvania. Tấm hình của Taras năm nay nói lên tất cả: tình bạn, tình quê hương của hai con người, nhưng cùng chung một khát vọng tự do như bản Ca Ngợi Tự Do (Hymn to Freedom) của anh Khoa.

Không hiểu sao tôi thích ngắm người Ukraine trên đường phố, trong quán ăn, trên xe buýt. Không có chen lấn, ồn ào mà chậm rãi và từ tốn. Bình dị, không phô trương nhưng tiềm tàng một nội lực mạnh mẽ về sức sống và khả năng chịu đựng của một dân tộc.

Hôm nay, giữa những trận mưa hoả tiễn phá huỷ đất nước Ukraine, quân Nga vẫn không triệt hạ được lòng yêu nước của người dân Ukraine. Họ vẫn chịu đựng và chiến đấu, không màng đến những hứa hẹn định cư đến một quốc gia nào đó, coi thường các cuộc đàm phán, chỉ yêu cầu điều kiện tiên quyết là kẻ xâm lăng phải rút khỏi đất nước họ.

Có phải những năm sống nhục nhằn dưới chế độ cộng sản Liên Xô hay sự nghèo đói gây nên hằng triệu người chết dưới thời Stalin, là quá khứ đang đè nặng lên hai vai họ trong cuộc sống, khiến họ phải nhẫn nhục trước bóng ma của một đế chế tàn bạo?

Xem thêm:   Hoài cổ đầu Xuân

Gần như mỗi ngày làm việc với các nghệ sĩ Kyiv đều có mặt Taras bên cạnh chúng tôi. Anh là người nói tiếng Anh khá trôi chảy, coi âm nhạc là nghệ thuật phục vụ cuộc sống, lo lắng tận tình mọi thứ cho chúng tôi. Mỗi lần tôi nói cám ơn, Taras đều mỉm cười “Tôi làm việc này vì Chúa”. Taras gần gũi với chúng tôi bởi anh thân thiết với một số người Việt Nam ngoài khu chợ trời. Taras cũng quen thuộc với các món ăn Việt, thích thú món phở dã chiến của chị Ngọc Hà nấu nhanh trong căn phòng nhỏ của khu apartment cũ kỹ.

Taras và hai con trai tại Kyiv năm 2016

Sẽ không ngạc nhiên khi thấy Taras đồng cảm về số phận những người tỵ nạn Việt Nam như chúng tôi. Về công việc, anh không muốn trở ngại nào xảy ra về hợp đồng thu hình  mà Vietnam Film Club kỳ vọng bản Quốc thiều được trình tấu bởi một ban Quân lễ nhạc nổi tiếng của Phủ Tổng thống Ukraine.

Nhưng tôi nghĩ, trên tất cả là niềm tin tôn giáo làm nền tảng cho một Taras mẫu mực từ gia đình đến xã hội, từ niềm say mê nghệ thuật đến tình yêu quê hương của anh. Bộ quân phục mặc cho một Giáo sư âm nhạc tình nguyện chiến đấu bảo vệ đất nước, chính là lòng son sắt của một công dân sống chết với quê hương mình.

Nhưng ít người biết đằng sau kết quả thu hình bản Quốc thiều Việt Nam, là những giây phút căng thẳng khi Taras cố gắng thuyết phục ban Quân lễ nhạc National Presidential Orchestra vượt qua vấn đề ngoại giao với Toà Ðại sứ Cộng sản Việt Nam tại Kyiv.

Ðêm hôm đó, toán người chúng tôi nằm chờ kết quả thương lượng của Taras. Tờ mờ sáng, chúng tôi thở phào nhẹ nhõm khi Taras đưa bản hợp đồng cho tôi ký. Taras đã thành công, đồng nghĩa với bản Quốc thiều Việt Nam sẽ có mặt vào phần cuối cuốn phim tài liệu The Soul of Vietnam của Vietnam Film Club.

Nhớ lại ngày đó, cầm máy quay trong tay, vào đoạn cuối buổi hoà tấu, tôi thực sự rúng động khi các nhạc cụ cùng trổi lên mạnh mẽ. Hồn Việt như lượn quanh phòng, như bay bổng trên bầu trời Ukraine, như vang vọng trong thinh không,  nhắc nhở những tang thương trong dòng lịch sử Việt Nam.

Phải chăng đồng cảm đó đã khiến các nhạc sĩ Ukraine đã xin phép anh Khoa cho họ dịch bản Ca Ngợi Tự Do sang tiếng Ukraine để đồng hương của họ cùng chia sẻ nỗi đau của dân tộc Việt?

Chúng tôi đến Kyiv lần thứ hai năm 2016 sau khi đảo Crimea bị quân Nga chiếm đóng. Những kẻ thân Nga đã góp tay vào cuộc xâm lăng phi pháp này. Thế giới tự do đã không làm gì được trước bạo  lực của quân Nga.

Nhưng hôm nay bối cảnh thời cuộc đã thay đổi. Một Ukraine sống chết bảo vệ đất nước bất chấp đoàn quân Nga ngang ngược, đã làm phương Tây thức tỉnh nhập cuộc bằng việc cung cấp vũ khí tối tân cho người Ukraine bảo vệ giang sơn của họ.

Xem thêm:   Nhạc sĩ Anh Việt Thu & dòng An-Giang hiu hắt

Khi viết những giòng chữ này thì điện thoại reo. Thật thú vị khi anh Khoa tiết lộ một tin vui. Nhạc sĩ dương cầm Lyudmila Chychuk, Giáo sư nhạc thính phòng của Lysenko Boarding School, trường dành riêng cho thần đồng nghệ thuật, sẽ đến Hoa Kỳ gây quỹ giúp những nạn nhân Ukraine đang sống trong tình trạng nhà cửa tan nát và đói khát.

Lyudmila Chychuk, Giáo sư nhạc thính phòng trong cuộc phỏng vấn của Vietnam Film Club. 2016

Nghe tin này tôi bỗng nghĩ đến chuyến đi của Lyudmila đến thủ đô thực hiện công tác nhân đạo này. Cô đang chiến đấu cho đất nước bằng con đường chữa trị vết thương những nạn nhân chiến tranh. Tôi thực lòng muốn gặp lại Lyudmila.

Nhớ lại sáu năm trước, trong khi mọi người say mê chụp hình, Lyudmila dẫn tôi vào Viện bảo tàng National Museum of the History của Ukraine, toạ lạc trên một vị trí cao có thể thưởng ngoạn khung cảnh rộng lớn của thủ đô. Ðặc biệt, tôi thấy khá nhiều người trẻ đến đây. Nhìn những bức hình nạn nhân Ukraine, những dụng cụ tra tấn, không thể không nghĩ đến những nạn nhân của chiến dịch đấu tố tại miền Bắc Việt Nam thập niên 50, càng không thể quên được mấy ngàn người bị chôn sống trong cuộc thảm sát tại Huế năm 1968.

Nếu các viện bảo tàng tại các xứ cộng sản được dựng lên để kích động hận thù nơi người xem, thì nơi đây, tôi chỉ thấy nét ngậm ngùi trên khuôn mặt của du khách đến từ mọi nơi. Trước mắt tôi là chứng tích về những khổ đau và sức chịu đựng của một dân tộc. Hiểu biết tội ác trong qúa khứ để không cho nó tái diễn trong tương lai, tôi nghĩ đó là thông điệp chính của Viện bảo tàng.

Ukraine không những chiến đấu cho đất nước họ, mà còn chiến đấu cho sự an nguy của Châu Âu và cho thế giới. Bởi họ chiến đấu cho tự do và hoà bình.

Hôm rồi là chuyến thăm Hoa Kỳ của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Trước lưỡng viện quốc hội, khi đề cập đến viện trợ của Hoa Kỳ dành cho Ukraine để chống lại quân xâm lăng Nga, ông đã nâng cao ý nghĩa của nhu cầu khẩn thiết này:

“Tiền của quý vị không phải là tiền từ thiện, đó là một khoản đầu tư vào nền dân chủ và an ninh toàn cầu.”

Taras, Tổng thống Zelensky, các nhạc sĩ của Kyiv, hay những người dân Ukraine chúng tôi đã gặp trên đường phố thủ đô, là những người bạn thiện tâm của những người Việt Nam đang mang nỗi đau lịch sử như chúng tôi.

Cám ơn Taras, người bạn Ukraine, là đầu mối cho tình bạn ấm áp hôm nay, là nhạc sĩ tấu lên nốt nhạc hoà bình, bởi anh đã mở ra cánh cửa huynh đệ giữa con người với con người, giữa đất nước với đất nước, Ukraine và Việt Nam yêu dấu ngàn đời của dân tộc tôi.

Nhạc sĩ Lyudmila Chychuk và Chu Lynh. 2016

CL