Ông bạn tôi lên Facebook viết: “Không chỉ ngày 30 Tháng Tư đen, mà cả Tháng Tư cũng đều đen.” Tôi cho rằng viết như vậy chưa đủ, không chỉ Tháng Tư Đen, mà 47 năm trôi qua và nhiều năm về sau nữa, tất cả đều Đen.

Bảo Huân  

Năm 1973, khi còn là thống đốc tiểu bang Cali, nghe tin quân đội Mỹ rút khỏi miền Nam, ông Ronald Reagan nói: “…Ending a conflict is not so simple, not just calling it off and coming home. Because the price for that kind of peace could be a thousand years of darkness for generation’s Viet Nam borned.” (Chấm dứt chiến tranh không đơn thuần là chỉ rút quân về nhà là xong. Vì lẽ, cái giá phải trả cho loại hòa bình đó là ngàn năm tăm tối cho các thế hệ sinh ra tại Việt Nam về sau.) Lời nhận định của ông Ronald Reagan chính xác đến 100%. Cái “tăm tối” đó không chỉ kéo dài gần một nửa thế kỷ ở Việt Nam “cho các thế hệ sinh ra tại Việt Nam về sau,” mà “tăm tối” cả cho những người may mắn thoát khỏi chế độ cộng sản Việt Nam.

Ngoài việc bị trả thù, bị truy bức về lý lịch, bị “cải tạo công thương nghiệp,” “vận động đi kinh tế mới” đến nỗi người miền Nam phải vội vàng tháo chạy ra biển, những người vì lý do nào đó không thể tháo chạy thì bản thân họ, gia đình và những đứa trẻ sinh sau đều phải sống trong “tăm tối.” Cũng kể từ đây, trong lịch sử dân tộc Việt Nam được ghi đậm cụm từ “tỵ nạn cộng sản.” Có người ở hải ngoại cãi rằng chữ “tỵ nạn” là từ ngữ cộng sản,” mà phải dùng từ “đào tỵ.” Tôi xin thưa chữ “tỵ nạn” hay đào tỵ” đều là từ Hán Việt có từ xưa rồi, chẳng có từ nào là “của cộng sản” hết, bởi vì cộng sản Việt Nam có công nhận người chạy trốn chế độ cộng sản là “tỵ nạn” đâu, nên cộng sản chưa bao giờ dùng từ “tỵ nạn” để chỉ những người Việt trốn chạy, mà chế độ cộng sản dùng từ “Việt gian bán nước” để gom chung tất cả những người Việt nào không chấp nhận chế độ cộng sản ở Việt Nam.

Danh sách cán bộ một Cục toàn lãnh đạo (tức không làm gì hết,) chỉ có 2 nhân viên làm việc.

Từ điển tiếng Việt giải thích khái niệm “nạn nhân” là “người bị tai nạn, người phải chịu hậu quả của một tai hoạ xã hội hay một chế độ bất công.” “Tỵ nạn” là “lánh đi ở nơi khác để khỏi bị những nguy hiểm đe doạ,” tỵ nạn đồng nghĩa với chữ lánh nạn. “Ðào” là “đi ra, trốn đi.” (“Thoát thân mạo tử bôn đào qui,” Liều chết trốn chạy cũng thoát thân được- Bạch Cư Dị.) “Tỵ” là tránh, lánh xa (“Hành lộ tỵ can qua,” Ði đường phải tránh vùng giặc giã.) Như vậy, chữ “đào tỵ” dùng chỉ người Việt hải ngoại trốn cộng sản thì ý nghĩa không rõ ràng (trốn cái gì, trốn ai, tại sao trốn?) bằng dùng chữ “tỵ nạn.”

Xem thêm:   Beetlejuice

“Tăm tối” ở đây không phải là không có đèn sáng hay không có ánh sáng mặt trời, mà phải hiểu theo nghĩa bóng là sự u mê của trí não và tâm hồn. Một dân tộc mà từ già trẻ bé lớn chỉ nói theo một chiều, hiểu theo một hướng được tuyên giáo cộng sản “nhồi sọ” bằng các loại “nghị quyết đại hội đảng,” các loại “kế hoạch 5 năm, “kế hoạch 10 năm,” không hiểu biết về thế giới tự do bên ngoài, thì dân tộc đó mù về tầm nhìn và bất động trong suy nghĩ, mất khả năng phản biện đa chiều. Nhiều người nghĩ rằng chỉ người Việt tỵ nạn cộng sản ở hải ngoại mới là nạn nhân cộng sản, hiểu như vậy là chưa đủ. Nếu người Việt hải ngoại là nạn nhân cộng sản thì người quốc nội là nạn-nhân-gấp-vài-lần-nạn-nhân so với người Việt hải ngoại. Tôi không cố ý khoa trương, ngoa ngôn để thổi phồng vấn đề, đó là kinh nghiệm thực tế, có sống với chế độ Việt cộng lâu rồi mới thấm thía. Khi mà người Việt ra đến hải ngoại định cư thì quá trình “đào tỵ” đã kết thúc, đâu còn bị ai đè nén, cấm cản tự do, nhồi sọ giáo dục nữa; riêng người ở lại suốt gần 50 năm trôi qua vẫn phải mãi vật vã liên tục tìm kiếm con đường tỵ nạn cộng sản, nhưng chẳng mấy ai dám công khai thừa nhận. Ngoài các quốc gia cộng sản độc tài, trên thế giới này có nước nào mà người dân phải tìm đủ mọi cách cho con em mình “tỵ nạn giáo dục” không? Khái niệm “tỵ nạn giáo dục” hình như chỉ có ở Việt Nam dưới chế độ cộng sản. Người kinh tế khấm khá thì cố gắng cho con cái vô học các trường quốc tế (người nước ngoài mở trường tư ở Việt Nam) để con cháu mình không phải bị học thuộc lòng, thi cử cái gọi là “triết học Mác-Lenin,” “chủ nghĩa cộng sản khoa học,” “kinh tế chính trị học xã hội chủ nghĩa,” “lịch sử đảng” (mà càng học càng rối,) không phải gồng lên để gánh một chương trình “lẩu thập cẩm” cái gì cũng nhét vô cho nhiều để tỏ ra “kiến thức hàn lâm,” khiến trẻ em chỉ muốn nhảy lầu. Gia đình nào giàu hơn thì sau khi con cháu học hết lớp 9 chương trình phổ thông đã vội vã đưa ngay ra nước ngoài du học, kể cả con quan chức cán bộ đảng. Những trẻ em không thể “tỵ nạn giáo dục” là con em các gia đình nghèo cha mẹ phải “chạy ăn từng bữa toát mồ hôi,” từ nhỏ tới lớn đều tìm cách “chạy,” cuối cùng cầm trong tay tấm bằng Cử nhân và ra đường… chạy xe ôm.

Mục đích cuối cùng của học sinh, sinh viên VN là đến Mỹ.

Tôi học lê lết từ trung học lên đại học, cuối cùng cũng ra trường với tấm bằng tốt nghiệp với danh hiệu Cử nhân Luật. Tôi may mắn không phải chạy xe ôm, không phải vì tôi giỏi hơn các cháu ngày nay, mà vì thời thế khi tôi là một trong số 5 Cử nhân Luật đầu tiên của tỉnh Minh Hải và bằng đại học thời đó khan hiếm. Còn cơ quan nhà nước Việt cộng cũng cần người có kiến thức thật sự và biết làm việc để “cõng” khối lượng công việc cho một đám đông người có chức vụ quyền hạn mà không làm gì hết (hoặc không biết làm) nhưng lãnh lương cao hơn người khác. Hơn mười năm, sau khi nghỉ làm việc cho cơ quan nhà nước và trở lên Sài Gòn gặp lại bạn học cũ, tôi mới biết rằng hóa ra bạn học của tôi toàn “chạy” đề thi, “chạy” giáo viên, “chạy” việc, “chạy” chức… rồi trèo lên cao chót vót, chỉ có tôi ngây thơ tưởng rằng mình làm việc giỏi thì thăng tiến bằng năng lực bản thân, kết quả tôi là đứa đội sổ, tay trắng hoàn trắng tay. Và bây giờ thì tôi vẫn tiếp tục tỵ nạn trong một hình thức khác.

Xem thêm:   Tự do hay là Chết

Tôi vừa đọc tin tức về Mao Tân Vũ – cháu nội của Mao Trạch Ðông, năm 39 tuổi đã trở thành vị tướng trẻ nhứt quân đội Trung Quốc cộng sản, với hàng lô hàng lốc chức vụ và bằng cấp. Nhưng thành tích anh ta phô ra với công chúng là viết tiểu sử Mao Trạch Ðông, Mao Thừa Ngạn (bố của Vũ,) và Gia phả họ Mao. Xứ Việt cộng “đệ tử ruột” Trung cộng cũng có rất nhiều Mao Tân Vũ kiểu Việt.

Ngược lại, dù người Việt hải ngoại có trở thành “ông to bà lớn” nào ở nước khác, giàu có thiên muôn vạn ức cỡ nào, khi trở về nếu mang kèm theo một núi tiền, mang theo vài cái dự án tài trợ thì sẽ được chào đón nồng nhiệt, tay bắt mặt mừng “tràn trề tình cảm thắm thiết.” Nhưng họ chỉ có quyền móc tiền, móc của ra “dâng cúng,” còn mong muốn kiếm một chức vụ nào đó trong bộ máy quản lý nhà nước Việt cộng tương xứng với tài năng và của cải bỏ ra thì đừng hòng. Vậy thì người Việt tỵ nạn hải ngoại có bình đẳng với giai cấp thống trị trong xã hội Việt Nam cộng sản hay không? Khi viết câu hỏi này, tôi biết câu trả lời tự quý vị đã có rồi, họ mãi mãi chỉ là thành phần “tỵ nạn” trên quê hương của chính mình.

Vùng cao VN nhiều trẻ em sống cơ cực, thiếu thốn.

TPT