Thời Báo Los Angeles ngày 24 Tháng Tư, 2022 vừa đăng một tin “động trời” là Cơ Quan Thuỷ Cục Nam California, Metropolitan Water District of Southern California (MWD) đã “tuyên bố tình trạng khẩn cấp thiếu nước và ra lệnh hạn chế sử dụng nước ngoài trời chỉ một ngày một tuần đối với khoảng 6 triệu người ở các quận Los Angeles, Ventura và San Bernardino.” Lệnh hạn chế dùng nước nghiêm ngặt này có hiệu lực vào ngày 1 Tháng Sáu, áp dụng với Los Angeles, Ventura và San Bernardino. May quá, chưa thấy nói gì tới quận Cam.

Bảo Huân 

Nói vậy chớ đừng vội hoan hỉ kiểu “Cháy nhà hàng xóm điềm nhiên đứng nhìn,” “lửa” sẽ lan tới nhà mình không mấy hồi. Mùa mưa ở quận Cam vừa rồi có chưa tới 5 trận mưa lớn, còn một lần dự báo thời tiết có bão to, áp lịnh di dân búa xua thì tôi chờ hoài mới thấy có trận mưa gọi là có nước “đủ thấm ướt đất” chớ hổng thấy bão ở đâu hết. Nếu thời gian tới tình hình thời tiết không có gì thay đổi thì quận Cam có hy vọng cũng bị hạn chế nước, khi mà ở đây là nơi có mật độ dân cư cao, nhiều khu thương mại, tức nhu cầu sử dụng nước sạch cũng cao.

Cũng theo nguồn tin trên, MWD “đe dọa” rằng sẽ đưa ra quy định “cứng” là mỗi người được dùng 80 gallon/ngày, khu thương mại và kỹ nghệ thì khoảng 125 gallon/người/ngày. Việc đưa ra con số hạn chế đẩy cả người dân lẫn cơ quan trông coi nguồn nước vô tình thế khó, khi nhu cầu sử dụng ở mỗi người rất khác nhau, mà người nghèo bao giờ cũng thiệt thòi, còn người giàu thì việc tăng thêm tiền “phạt” dùng quá định mức có sá gì.

Ông Peter Gleick – Chủ tịch một tổ chức nghiên cứu về nước cho rằng: “Chúng tôi có thể cắt giảm lượng nước sử dụng trong nhà xuống còn 35 gallon/người (156 lít/người) mỗi ngày mà không cần thay đổi thói quen sống, chỉ với các thiết bị hiệu quả.” Nhưng người nghèo đào đâu ra “các thiết bị hiệu quả” để tiết kiệm nước theo con số ông đưa ra thì ông không nói. Tôi đã khảo sát giá trên trang của The Home Depot, thấy những thiết bị mới dùng cho phòng tắm, nhà bếp, nhà vệ sinh… được nhà cung cấp quảng cáo là “tiết kiệm nước” giá bán không rẻ tí nào, chưa tính tiền công mướn thợ thay thế thiết bị cho gia đình.

Xương rồng không gai

Một ông bạn tôi làm nghề sửa ống nước và sửa nhà ở quận Cam, nói bây giờ ai muốn sửa cái gì mà gọi ổng tới nhà thì trước hết ổng tính $50 tiền di chuyển, đồng ý ổng mới tới, còn có sửa thứ gì hay không thì tính tiếp. Một ông bạn khác nhà ở thành phố Westminster có vườn rộng, mấy năm trước ổng trồng đủ thứ cây trái, rau củ, dư nhiều ăn không hết nên thỉnh thoảng đem vô bán cho chợ gần nhà. Ổng không dùng nước sạch tưới cây mà thiết kế hẳn một cái “lều rửa chén” ngoài vườn (xài quanh năm) và hệ thống dây dẫn nước từ “lều rửa chén” ra tưới cây. Tất cả nước rửa chén đều dùng tưới cây. Tôi hỏi nước rửa chén có chất xà bông tưới cây được sao? Ổng nói tưới được hết, trong nước rửa chén, rửa rau có dầu mỡ, bụi bặm, tưới cây rất tốt. Dầu mỡ chiên còn dư, thay vì đem đổ bỏ, ổng đào lỗ dưới các luống cây, gốc cây, đổ dầu chiên cặn xuống rồi lấp đất lại, cây mọc rất tốt như có bón phân. Rửa xe thì lái hẳn xe lên bãi cỏ lấy vòi nước trong nhà xịt rửa xong dời xe đi chỗ khác, coi như tưới cỏ luôn. Nhà ổng tuy xài nhiều nước nhưng trả tiền nước hàng tháng lại ít. Mỗi lần tôi rửa rau, xả nước rửa rau trong sink ra bỏ, tôi thấy tiếc khi số nước đó thật ra cũng đâu có gì gọi là dơ bẩn lắm, mà nước trong vắt luôn khi rửa rau lần thứ 2, lần thứ 3. Tuy nhiên, để thiết kế hệ thống ống nước thải từ nhà bếp trong phòng tôi ở và nhà bếp bên nhà chính dẫn ra vườn tưới cây thì không hề ít tiền, nên rửa xong cứ xả nước xuống cống.

Xem thêm:   Đà Lạt & phượng tím

Người làm việc ở trong phòng máy lạnh có nhu cầu tắm ít nước hơn người làm việc nặng ngoài trời, người tóc dài có nhu cầu dùng nhiều nước gội đầu hơn người tóc ngắn, người khỏe dùng nước ít hơn người đang mắc bệnh. Nghe đoạn cuối thật hơi ngược ngạo nhưng đúng là vậy. Người khỏe không đi vệ sinh vặt nhiều lần trong ngày, đương nhiên số nước dùng cho nhu cầu vệ sinh cũng ít hơn so với người cứ cách 1 giờ đồng hồ lại phải bước vô restroom 1 lần.

Tôi có mua riêng một bộ vòi sen tắm lớn và dây dài 5 feet, mỗi lần chuyển chỗ ở tôi đều lắp vòi sen tắm của tôi vô restroom nơi ở mới. Phần lớn các phòng cho thuê, chủ nhà thường lắp vòi sen có gương sen nhỏ xíu và cọng dẫn cũng nhỏ xíu. Muốn tắm sạch phải chờ nước chảy ra tắm từng phần thân người, rất lâu. Không chỉ phòng cho thuê, vài lần tôi ra ngoài quận Cam, phải nghỉ lại khách sạn (giá trung bình) thì cũng gặp trường hợp cái vòi sen nhỏ xíu làm tôi rất khó chịu. Tôi bực tức quá, bèn xả nước vô bồn tắm rồi ra ngoài ngồi coi TV chờ nước chảy đầy bồn mới trở vô tắm. Nếu nhà quý vị dùng vòi sen nhỏ trong phòng tắm, lượng nước phun ra không đủ làm sạch, bắt buộc quý vị phải mất thời gian tắm nhiều hơn, rõ ràng biện pháp này không tiết kiệm nước được gì hết mà phải tốn thêm nhiều thời gian cho việc tắm. Nếu nhà có đông người sống chung mà có ít phòng tắm, thì việc chờ đợi để đến lượt được vô phòng tắm thật là khó chịu cho các thành viên trong gia đình.

Anaheim Park

Tôi ngạc nhiên vô cùng khi nghe bà Attari (giáo sư tại trường đại Học Indiana University ở Bloomington) nói: “Các chuẩn mực xã hội đã thay đổi và nhiều người nghĩ nhà vệ sinh phải luôn đẹp và sạch sẽ, nhưng chúng ta đang xả bồn cầu bằng nước sạch theo đúng nghĩa đen.” Ủa, nếu không dùng nước sạch từ đường ống nước thủy cục cung cấp thì dùng nước gì? Không lẽ dùng nước rửa chén, nước giặt đồ hay nước đã tắm? Chắc bà Attari không biết rằng nước xả quần áo, nước rửa chén nếu không đổ bỏ ngay, chỉ cần giữ lại trong thau chứa vài tiếng đồng hồ nó sẽ có mùi thúi và đóng cặn dày, bợn như hắc ín ở xung quanh thành vật chứa. Nhà vệ sinh không sạch sẽ, có mùi còn ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người sống trong nhà nhiều hơn.

Xem thêm:   “Mặt trận miền Tây vẫn yên tĩnh”

Little Sài Gòn có nhiều chợ Việt Nam, nhưng tôi chỉ chọn đi một, hai chợ có restroom sạch sẽ thôi. Ông bạn tôi sống bên Seattle, chụp hình cháu nội khoe Facebook kèm chú thích “Bé thích ăn thức ăn Việt Nam nhưng không thích được dẫn vô chợ Việt Nam.” Tôi hỏi tại sao? Ổng trả lời bé chê vô chợ Việt Nam có mùi hôi khó chịu. Tôi nghe cũng “tự ái dân tộc” nhưng điều bé nhận xét chợ Việt Nam “có mùi hôi” không sai. Một trong những nguyên nhân chợ có mùi hôi mạnh đó là restroom chợ thiếu nước, thiếu xà bông rửa tay, thiếu giấy vệ sinh và không dùng chất tẩy rửa làm vệ sinh mỗi ngày.

Trải thảm cỏ nhân tạo (bằng plastic) nhìn đẹp, tuy không tốn nước tưới nhưng làm nhiệt độ không khí nóng hơn, gây khô hạn nhiều hơn. Người ta có thể lắp đặt những đường ống dẫn dầu, nên chăng chính phủ cũng cần lắp đặt đường ống dẫn nước từ những tiểu bang nhiều mưa để chuyển nước về Cali?

Cuối cùng, việc bắt buộc tiết kiệm nước sạch bằng cách ép xài ít lại chỉ đổ lên đầu dân địa phương, còn những địa điểm kinh doanh du lịch, đón hàng triệu khách hàng như Disneyland, Hollywood, casino hay thành phố Los Angeles thì không chủ doanh nghiệp nào giới hạn nhu cầu của khách.

TPT