(Kỳ 17b: The Federalist No 6)

Chúng ta tiếp tục theo dõi phần hai của bản dịch The Federalist No 6. Trân trọng giới thiệu:

Alexandre Hamilton

Thưa Ðồng Bào Tiểu Bang New York:

…Pericles (Chính trị gia nổi tiếng theo tinh thần dân chủ ở A Ten, Hy Lạp cổ đại, (kh. 495-429 tr.CN). ND) lừng danh đã dựa vào sự thù ghét một gái làng chơi (1) để gây chiến, phá tan thành bang Samos (Một thành bang giàu mạnh tại Hy Lạp cổ đại, cùng thời với Pericles) với cái giá bằng bao máu xương, gia sản của đồng bào ông ta.

Cũng con người đó, bị khích động bởi oán thù cá nhân với những người Megarensia (2) (một dân tộc khác của Hy Lạp), hoặc để tránh nỗi sợ bị kết tội đồng phạm trong nghi án trộm cắp của thợ đá Phidias (3) (Phidias là thợ điêu khắc tài danh và cũng là bạn của Pericles, được Pericles giao cho xây dựng đền thờ Parthenon đồ sộ, tráng lệ và vô cùng tốn kém. ND), hoặc muốn rũ bỏ cáo buộc biển thủ công quỹ để mua danh đang nhắm vào mình(4), hoặc do tất cả những lý do đó, là tác giả khởi đầu cho cuộc chiến nổi tiếng và định mệnh đó, được sử sách Hy Lạp định danh: cuộc chiến Peloponnesia (Cuộc chiến xảy ra tại Hy Lạp cổ đại giữa hai phe, một phe theo Sparta – có quan điểm chính trị “phi dân chủ”, quyền lực chỉ dành cho một nhóm người (oligarchy) và phe kia theo A Ten – có quan điểm “dân chủ”.  Cuộc chiến kéo dài từ 431-404 tr. CN, với nhiều khoảng ngừng chiến, gây ra những thảm họa đổ nát về vật chất và suy thoái về văn hóa, chính trị với kết cục cuối cùng Sparta chiến thắng giành quyền thống trị Hy Lạp. Những ví dụ vừa đề cập về Hy Lạp cổ đại cho thấy Alexander Hamilton và nhóm Federalist ám chỉ và phê phán sự khiếm khuyết của chính thể dân chủ kiểu trực tiếp ở Hy Lạp cổ đồng thời lưu ý về sự nguy hiểm của những lãnh đạo dân túy có tài hùng biện như Pericles. Quan điểm này sẽ thấy rõ thêm trong các FP khác như FP 10, FP 63. ND), với rất nhiều thăng trầm, chấm dứt rồi lại hồi chiến, để kết cuộc là sự sụp đổ cộng đồng thịnh vượng chung (“commonwealth”, thuật ngữ này khá thịnh hành vào cuối thế kỷ XVIII. Thuật ngữ này có thể nhằm chỉ một quốc gia, thuộc địa, vùng dân cư. Đây cũng là thuật ngữ được David Hume (1711-1776) dùng trong một bài luận nổi tiếng Idea of a perfect commonwealth viết năm 1754. xem thêm phần Thuật ngữ mục “Cộng đồng thịnh vượng chung”. ND) A Ten.

Xem thêm:   "20 ngày tại Mariupol"

Hồng Y tham vọng, thủ tướng của Henry VIII ((1491-1547) vua Anh Quốc (1509-1547). Là người tàn nhẫn với vợ (lấy vợ 6 lần, chặt đầu 4 vợ). Cũng vì chuyện lấy vợ-bỏ vợ mà Henry VIII đã đưa Anh Quốc ly khai khỏi Công giáo La Mã và lập ra Anh giáo-Anglican theo kiểu Tin Lành (protestantism). ND), lại để dục vọng phù hoa sa vào vương miện ba tầng (5), đã nuôi hy vọng đoạt được cái báu vật lộng lẫy đó bằng tác động của Hoàng đế Charles V ((1500-1558), còn có tên Charles-Quint, thuộc dòng họ Habsburg nổi tiếng danh giá của châu Âu, là Hoàng đế Ðế chế La Mã Thần Thánh (the Holy Roman Empire) từ 1519-1556, đồng thời làm vua của Ý và Ðức, cũng làm vua Tây Ban Nha (1516-1556)). Ðể được sủng ái, quan tâm từ vị quân vương táo tợn và uy lực, ông Hồng Y đã hộc tốc đẩy nước Anh giao chiến với Pháp, một hành động ngược với các nguyên tắc sơ đẳng nhất về chính trị, khiến nền độc lập, sinh mệnh của cả vương quốc mà ông đang ngự trị bằng phò tá lẫn của cả châu Âu nói chung rơi vào nguy biến. Bởi nếu từng có một quân vương dám thiết lập một chế độ quân chủ hoàn vũ, người đó phải là Hoàng đế Charles V với các mưu kế sẽ có ngay ngài Wolsey (Tên của vị Hồng Y tác giả đang nói, (kh.1473-1530), có tên đầy đủ Thomas Wolsey, là Hồng Y Công giáo La Mã của Anh Quốc và là một chính trị gia đã từng đạt được nhiều quyền lực trên thực tế ngang với vua trước khi bị thất sủng và chết trong khi bị Henry VIII cáo buộc tội phản quốc. ND) làm công cụ và làm kẻ khờ thực hiện.

Xem thêm:   Một đời lan

Ảnh hưởng từ sự cố chấp của một đàn bà (6), từ sự nóng vội của một đàn bà khác (7) và từ những âm mưu của một đàn bà thứ ba (8) lên chính sách đương thời, lên các xáo động và các cuộc bình định ở phần lớn châu Âu, đang là những chủ đề được bàn tán quá nhiều, không ai lại không biết.

Gia tăng thêm thí dụ về ảnh hưởng của các toan tính cá nhân lên các biến cố quan trọng của quốc gia, đối nội hay đối ngoại tùy theo ý tác động của chúng, sẽ là lãng phí thời giờ vô ích. Những người chỉ biết qua các ngọn nguồn của chúng cũng sẽ tự tìm thấy vô số thí dụ; những người có hiểu biết tương đối về bản thể con người sẽ không cần đến những cây đèn như thế để tự nhìn rõ thực trạng và sức tác động của các ảnh hưởng đó. Tuy nhiên, có thể lấy một vụ việc mới xảy ra ở ngay chúng ta làm minh họa đúng đắn cho quy luật phổ biến này. Nếu như Shays (Tên đầy đủ Daniel Shays (kh.1747-1825), sinh trưởng tại Massachusetts, là một nông dân nghèo, đã từng là sĩ quan chỉ huy trong kháng chiến giành độc lập. Ông là một thủ lĩnh quan trọng trong cuộc nổi dậy của giới thị dân và nông dân nghèo tại Massachusetts năm 1786. Xem thêm ghi chú ở dưới. ND) không phải là CON NỢ CÙNG QUẪN, khó có thể tin được Massachusetts sẽ lún sâu vào nội chiến (Tình hình nước Mỹ sau kháng chiến giành độc lập có nhiều bất ổn về chính trị, kinh tế và xã hội. Tình trạng tại Massachusetts lúc đó có thể gọi là điển hình cho tình hình khó khăn của nước Mỹ nói chung lúc đó: Thượng Viện được bầu trên cơ sở tài sản, vì vậy hoàn toàn bị thao túng bởi giới thương gia chủ nợ giàu luôn chống lại việc Hạ Viện đề ra các biện pháp pháp lý tương trợ các con nợ. Các con nợ, chủ yếu là nông dân và cựu chiến binh, phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt gay gắt như tòa án ra phán quyết xiết nợ bằng việc thu đất canh tác hoặc bị bỏ tù. Trong khi đó các con nợ vẫn phải tiếp tục đóng thuế, trong khi các khoản cho chính quyền vay trước đó trong chiến tranh lại không được hoàn trả một cách thỏa đáng. Những áp lực đó đã đẩy các con nợ tới chỗ cùng hợp sức lại ngăn các cuộc phán xét nợ của tòa án mà Daniel Shays là một thủ lĩnh quan trọng. Tháng Chín 1786 phe chống đối ra tuyên cáo phản đối, coi các cuộc họp  của chính quyền về vấn đề nợ là phi pháp. Đụng độ quân sự bùng nổ giữa hai bên, một bên là những người nổi dậy chống bất công, bên kia là lực lượng trung thành với chính quyền. Đến tháng Hai 1787, phe nổi dậy thất bại, Shays phải trốn sang Vermont, nhiều thủ lĩnh khác bị bắt. Nhưng chính cuộc nổi dậy này (thường mang tên Shays) đã làm nhiều chính trị gia trong chính quyền Massachusetts thức tỉnh và nhận ra sự cần thiết phải cải tổ hơn là trấn áp. Do vậy 14 thủ lĩnh bị bắt và đã bị kết án tử hình được ân giảm chỉ bị tù một thời gian ngắn; các chính sách thu nợ, thuế khóa được cải tổ thuận lợi hơn cho con nợ và người nghèo. Sự ổn định và thịnh vượng được phục hồi nhanh chóng. Theo giới sử học, chính cuộc nội chiến tại Massachusetts là một trong những yếu tố quan trọng khiến chính giới Mỹ lúc đó phải xem xét lại cấu trúc chính trị quốc gia đương thời và tìm kiếm một cấu trúc mới tốt hơn như chúng ta đang thấy trong bài viết này của Alexander Hamilton. ND)…

Xem thêm:   Duy Trần - Nhà sản xuất phía sau Chương Trình “Dòng Chuyển của Âm Thanh”

(còn tiếp)