(Kỳ 16c: The Federalist No 62)

Chúng ta tiếp tục theo dõi phần cuối của bản dịch The Federalist No 62. Trân trọng giới thiệu:

The Independent Journal

Thứ Tư, 27 tháng Hai 1788*

Thưa Ðồng Bào Tiểu Bang New York:

Một chính quyền tốt ngụ ý hai điều: thứ nhất, trung thành với mục đích của chính quyền là đem lại hạnh phúc cho nhân dân; thứ hai, biết được cách tốt nhất để đạt được mục đích đó. Một số chính quyền thiếu cả hai phẩm tính này; còn đa số thiếu điều thứ nhất. Tôi không ngại ngần khẳng định rằng các chính quyền ở Mỹ gần như không để tâm tới điều thứ hai. Bản Hiến Pháp liên bang đang tránh sai lầm này; và điều cần đặc biệt ghi nhận là Hiến Pháp này cung cấp cho điều thứ hai một phương thức làm tăng sự chắc chắn cho điều thứ nhất.

Thứ tư, tính chất thay đổi của các cơ quan công do thường nhanh có thành viên mới, bất kể điều kiện nào đặt ra cho họ, cho thấy nhất thiết phải có một thiết chế ổn định trong chính quyền bằng cách mạnh mẽ nhất. Mọi cuộc bầu cử mới trong các Tiểu Bang hiện nay đều thường đưa tới thay đổi một nửa số đại diện. Từ sự thay đổi này về con người ắt sẽ đưa đến thay đổi quan điểm; từ thay đổi quan điểm ắt đưa đến thay đổi chính sách. Nhưng một sự thay đổi liên tục ngay cả bằng các giải pháp tốt đẹp cũng không phù hợp với mọi nguyên tắc thận trọng và các viễn cảnh thành công. Nhận định này đã thấy rõ trong đời sống cá nhân và đang trở thành điều đúng đắn hơn, hệ trọng hơn trong các hoạt động quốc gia.

Ðể liệt kê các hệ lụy tai hại do một chính quyền hay thay đổi gây ra sẽ phải cần đến một cuốn sách. Ở đây tôi chỉ gợi ra vài trường hợp sẽ được coi là nguồn gốc của vô số các hệ lụy khác.

Trước nhất, nó làm mất đi sự kính trọng và tin cậy ở các quốc gia khác, và làm hỏng hết mọi ưu điểm của cốt cách quốc gia. Một cá nhân bị xem là bất nhất với kế hoạch của ông ta, hoặc làm việc vô kế hoạch, sẽ bị tất cả những người cẩn trọng liệt ngay vào hạng nạn nhân nhanh chóng của sự dao động và ngốc nghếch của chính ông ta. Những người gần gũi thân thiết hơn có thể sẽ tỏ lòng thương cảm nhưng tất cả sẽ tránh mọi dính líu với số phận của ông ta; và một số không ít sẽ tận dụng cơ hội để trục lợi từ ông ta (Các đại từ “ông ta” (him, his) ở đoạn này cho thấy sự kỳ thị giới tính trong suy nghĩ của người đương thời. ND). Một quốc gia đối với một quốc gia khác cũng giống một cá nhân đối với tha nhân; nhưng có lẽ với sự khác biệt u buồn ở chỗ: các quan hệ trước, thường có ít hảo tâm hơn so với quan hệ sau, sẽ ít phải kiềm chế hơn trong việc trục lợi đặc biệt từ những hớ hênh của quốc gia khác (Nietzsche coi Nhà nước là thực thể lạnh lùng nhất trong số những con quỷ lạnh lùng. ND). Do đó, mọi quốc gia có sự vận hành thiếu khôn ngoan, thiếu ổn định cần phải biết suy tính mọi thua thiệt có thể luôn phải chịu do các lân bang khôn ngoan có các chính sách có hệ thống hơn. Tuy nhiên, điều không vui là: bài học tốt nhất cho nước Mỹ trong vấn đề này lại đang đến từ chính tình trạng của nó. Nước Mỹ đang không được bạn bè tôn trọng; đang bị các kẻ thù khinh thường; và nước Mỹ đang là con mồi cho mọi quốc gia muốn đầu cơ trên các hội đồng chấp chới và các sự vụ nghẽn tắc của nó.

Xem thêm:   Bố già Marlon Brando 100 năm một huyền thoại bất tử

Chính sách thiếu ổn định còn gây ra các hệ lụy nội bộ tai hại hơn nữa. Nó hủy hoại cả các tốt lành của tự do. Sẽ chẳng có mấy lợi ích cho nhân dân khi luật pháp được làm ra bởi chính những người do họ lựa chọn lại dài dòng tới mức không thể đọc được hoặc quá bất nhất không làm sao hiểu nổi; những bãi bỏ, sửa đổi ngay trước khi ban hành, hoặc phải sửa đổi không ngừng, khiến cả những người đã biết rõ luật lệ hôm nay sẽ chẳng thể đoán nổi luật sẽ ra sao vào ngày mai. Luật pháp được coi là chuẩn mực cho hành động; song, chuẩn mực còn là gì khi chẳng được biết, và thiếu vững vàng?

Một tai hại khác của sự bất ổn công quyền là nó tạo cho một số ít kẻ khôn lanh, táo bạo và phú túc một lợi thế vô lý so với số đông cần cù và thiếu thông tin (điểm này lại cho thấy tác giả có tầm nhìn rất xa. Trong xã hội truyền thông hiện đại ngày nay sự bất bình đẳng trong sở hữu thông tin ở các nước độc tài càng cho thấy rõ là một vấn đề quan trọng của xã hội. ND). Mỗi một quy định mới liên quan tới buôn bán hay thu nhập, hoặc làm biến đổi giá trị của một số loại tài sản, đều là một cơ hội gặt hái mới cho những kẻ biết quan sát sự thay đổi và có khả năng luận ra các hệ quả theo sau; một sự gặt hái, không do bản thân họ cấy cày mà do công khó nhọc, chuyên cần của đa số đồng bào khác của họ. Dưới một số phương diện, đó chính là tình trạng luật pháp dành cho VÀI người, không phải cho NHIỀU người (tầm quan trọng của thông tin lại được nêu ra một lần nữa, nhưng lần này liên quan tới quyền lợi của dân chúng. Đây cũng là những điểm Thomas Jefferson sẽ chỉ trích sau năm 1791 và ông quy lỗi cho chính sách của Alexander Hamilton dưới thời John Adams làm tổng thống. ND).

Xem thêm:   Cụ bà 103 tuổi lái xe giữa đêm…

Ở một góc độ khác, một chính quyền bất ổn còn gây ra những thiệt hại trầm trọng khác. Sự thiếu vắng niềm tin vào các cơ quan công quyền sẽ vùi dập hết mọi nỗ lực tích cực mà thành công hay thành quả phải lệ thuộc vào sự ổn vững của các chính sách hiện hành. Có nhà buôn cẩn trọng nào dám tiếp tục làm ăn khi không biết gì ngoài việc những thương vụ của họ có thể thành phi pháp trước khi hoàn tất? Nhà nông hay nhà chế tạo nào dám dấn thân vào đồng ruộng, nhà máy khi họ chẳng thể bảo đảm mọi công sức chuẩn bị và đầu tư của họ sẽ không biến họ thành nạn nhân của một chính quyền bất nhất? Nói gọn, sẽ chẳng có cải tiến vĩ đại hay sáng tạo đáng nói nào có thể xảy ra nếu không có sự bảo trợ của một chính sách quốc gia thống nhất và ổn định.

Tuy nhiên, hệ lụy tồi tệ nhất trong tất cả là sự suy giảm tình gắn bó và sự kính trọng, những thứ đang mất dần trong lòng dân chúng trước một hệ thống chính trị đang để lộ quá nhiều dấu hiệu của nhu nhược, và làm thất vọng quá nhiều hy vọng tốt đẹp. Cũng như con người, không một chính quyền nào còn được tôn trọng khi không thực sự đáng được tôn trọng; và không thực sự đáng được tôn trọng khi không có đủ một trật tự và ổn định.

Xem thêm:   Ai lạc quan hơn

(còn tiếp)

* Bài này xuất hiện lần đầu ngày 27 tháng Hai 1788 trên The Independent Journal; 29 tháng Hai 1788 trên The New York Packet. Đây là các tờ báo của New York lúc đó. Bài này được đánh số 61 trên các báo. Trong ấn bản sách tập 2 của Nhà McLean tháng Năm 1788, bài này được đánh số 62. Số của các bài trong bản dịch theo cách đánh số của Nhà McLean.

** Trong năm (5) nguồn người dịch tham khảo có một nguồn (www.constitution.org) ghi tác giả bài này là James Madison. Một nguồn (bản dịch Pháp văn của Anne Amiel) cho là của Alexander Hamilton. Còn lại 3 nguồn vẫn để tồn nghi giữa Alexander Hamilton và James Madison. Người dịch theo sự tồn nghi này.