Trước khi sang Mỹ, tôi có nghe nói đến nhà dưỡng lão (ở khu Thị Nghè có một cái xây dựng từ lâu lắm rồi). Biết là biết vậy thôi, chứ có bao giờ bước chân tới, mà cũng chẳng buồn tự hỏi, tại sao lại có cái nhà ấy. Ở Việt Nam người già thường sống hết tuổi hạc ở nhà mình, xung quanh đầy con đầy cháu, thành ra chuyện vô nhà dưỡng lão chắc là hiếm.

Vậy chớ điều đó bây giờ cũng đang thay đổi, khi người ta đang dần có ít con hơn, và con cái đi làm ăn xa, thấy cha mẹ già gần đất xa trời đi ra đi vào đơn chiếc, lại không yên tâm, thì buộc lòng phải nghĩ tới việc gửi họ vào đâu đó cho sớm hôm có người để mắt trông nom.

Ở Mỹ chắc chắn cũng không khác gì… Có khi lại còn thương tâm hơn nhiều, như câu chuyện tôi sắp kể dưới đây.

Năm đó tôi được tuyển vào làm “Hoạt Náo Viên” (Activity Specialist) ở một nhà dưỡng lão bên bờ Ðông Hoa Kỳ. Dân Việt ta cứ gọi chung là Viện Dưỡng Lão, hay Nhà Già, chứ tiếng Mỹ họ phân biệt đủ loại, tùy theo tình trạng sức khỏe, mức độ chăm sóc, cách thức lưu trú, hoặc thậm chí theo mức độ chi trả của bảo hiểm y tế v.v… của người vào đó.

“Nursing Home” là chỗ lưu trú của những người già yếu, hay người bệnh mãn tính nhưng không cần có chăm sóc y tế 24/24 như trong bệnh viện. Có người chỉ vào đấy tạm thời, có người ở đấy cho đến khi nhắm mắt xuôi tay.

“Assited Living” là nơi lưu trú dài hạn của người cao tuổi, nhưng còn minh mẫn, khỏe mạnh, có thể tự chăm sóc bản thân và thực hiện được những sinh hoạt thường nhật như vệ sinh, ăn uống. Loại lưu trú này do đó có rất nhiều sinh hoạt giải trí có ích cho sức khỏe thể chất và tinh thần, như thư viện, phòng chiếu phim, phòng sinh hoạt chung, phòng gym, v.v… cho nên chi phí khá cao-có thể tới trên dưới 10 ngàn đô/tháng… và bảo hiểm thường chỉ trả một phần mà thôi.

Living home  

Chỗ tôi làm là một hình thức khác, gọi là “Nhà Già Ngoại Trú” (Adult Daycare Center) là nơi người ta chỉ tới đó vào ban ngày, đến chiều tối lại về nhà với con cháu, hoặc về chỗ ở của mình. Cái chỗ ở đó tiếng Mỹ gọi là “group home”, không biết dịch sang tiếng Việt là gì cho hay, nên tôi cứ tạm gọi là “Nhà Nhóm”. “Nhà Nhóm” chỉ là một ngôi nhà rộng rãi, theo quy định phải có phòng riêng cho ít nhất 3-4 người. Chủ “Nhà Nhóm” phải ghi tên với Sở Dịch Vụ Nhân Sinh, phải tham gia huấn luyện cơ bản về cấp cứu y tế và dinh dưỡng, căn nhà phải được sửa sang theo đúng quy định về an toàn và tiện nghi tối thiểu, v.v… mới được đón nhận người già, hoặc người có vấn đề sức khỏe mà việc để họ sống một mình có thể nguy hiểm cho bản thân họ (nhưng chưa tới mức trầm trọng như các trường hợp phải vào ở Nhà Già Nội Trú-Nursing Home). Các “Nhà Nhóm” thường chỉ đơn thuần chỉ là chỗ “ăn và ở” theo đúng nghĩa đen, không có-hoặc gần như không có-hoạt động tinh thần, thể chất gì hết. Chi phí cho các chủ nhà nhóm thường do bảo hiểm y tế Liên bang (medi-care) và/hoặc tiểu bang (medi-caid: ở Cali gọi là medi-CAL) trả. Chi phí này thấp hơn rất nhiều so với các Nhà Già Nội Trú dài hạn – Nursing Home, hoặc các “Nhà Già Hỗ Trợ”- Assisted Living; vì ở đó không đòi hỏi mức độ và chất lượng chăm sóc cao như thế.

Xem thêm:   Suy Đi Ngẫm Lại (03/07/2024)

Công việc của tôi ở cái nhà già ngoại trú đó là hoạt náo viên, tức là giúp vui cho các cụ già. Tôi có nhiệm vụ tổ chức trò chơi, cho các cụ tô màu, làm thủ công, nghe nhạc, và rất nhiều khi là tâm tình nữa.

Ngôn ngữ bất đồng? Hề chi

Có ba bà cụ, dì Hiếu người Việt Nam, và hai cụ khác là người nói tiếng Tây Ban Nha, hay đi chung với nhau. Dì Hiếu không biết cả tiếng Anh lẫn tiếng Tây Ban Nha, ngoài ra dì còn mất trí nhớ nữa. Hai cụ kia không biết tiếng Anh (tôi thấy có nhân viên làm phiên dịch cho họ mỗi khi cần), mà chắc chắn là không biết tiếng Việt. Thế mà ba cái dáng bạc trắng lưng còng ấy cứ cầm tay nhau đi tới đi lui trong hành lang, xem tranh xem ảnh, chỉ chỏ với nhau đủ thứ.

Và họ còn nói chuyện với nhau nữa chứ.

Có lần tôi đến nghe lỏm “câu chuyện” của họ. Lúc ấy dì Hiếu đang kể chuyện bằng một thứ tiếng Việt “gặt gi” miền Tây Nam bộ. “Mấy bà biết hôn, thằng chả ghê lắm đó, (dì chỉ tay vào ông Robert đang ngồi ngủ gục ở góc phòng), nó làm bộ hiền lành đó, nó cho bà bánh, xong nó sẽ dẫn bà ra đồng, rồi hiếp bà tới chết đi sống lại luôn cũng không muốn tha…” Dì nói liên tu bất tận, lúc thì lên giọng hùng hồn, lúc thì hạ giọng bí ẩn. Hai cụ kia thì chăm chú theo dõi, có lúc thì trố mắt hoảng kinh, khi thì gục gặc đầu thông hiểu, rồi lại phụ họa bằng cả tràng tiếng…  Tây Ban Nha.

Cả ba bà cụ đều bị bệnh mất trí nhớ của người già. Có phải chăng khi họ bị như vậy, điều mà những người “trẻ khỏe bình thường” như chúng ta rất sợ hãi, lại tốt cho họ vào tuổi xế chiều hay không? Ðể được vô tư hồn nhiên “nói chuyện”, “nghe chuyện” với những bạn bè khác màu da và tiếng nói? Tôi cũng không biết nữa!

Người lớn tuổi có tiền thường chọn Assisted Living Home

Hồi ức huy hoàng và đau khổ

Xem thêm:   Một chút cảm nhận

Nhưng cái cầu ngôn ngữ cũng quan trọng lắm. Tôi là nhân viên duy nhất nói tiếng Việt ở đây, và dì Hiếu là khách hàng người Việt duy nhất. Dì bám lấy tôi kể đủ thứ chuyện, và các câu chuyện ấy, của một người mất trí nhớ, không ăn nhập gì đến thực tại trong nhà già này, cũng như tới cuộc sống của dì ở Nhà Nhóm.

Nó là những câu chuyện xưa cũ, của một thời huy hoàng, rồi một thời khổ sở, điêu linh…

Cứ mỗi chiều khi thấy xe tới đón về lại chỗ ở, dì Hiếu lại chộn rộn lo âu, nói rằng “Tàu đó, tàu tới rước mình đi vượt biên đó, coi chừng công an rình bắt nghen…”. Trong buổi họp với ban Giám Ðốc, khi được hỏi bà có muốn đi ăn nhà hàng cơm Tàu không, đang tươi cười huyên thuyên không đầu không đuôi dì bỗng cụp mắt buồn bã, “Thôi, hổng muốn đâu. Tại vì đi như vậy làm tui nhớ hồi còn ổng. Mỗi lần về phép là ổng chở vợ con đi ăn cao lầu…”.

Cứ thế, theo những câu nói bất chợt, những mẩu chuyện rời rạc, không đầu không đuôi, tôi đã có thể đoán chồng của dì Hiếu trước kia là một sĩ quan quân đội Việt Nam Cộng Hòa, ông có xe jeep, có cận vệ,… Những kỷ niệm đẹp nhất về ông trong lớp vỏ não sâu kín, tuyệt vời thay, không bị căn bệnh mất trí nhớ xóa đi. Tôi tự hỏi số phận người đàn ông hào hoa, mạnh mẽ ấy giờ đây ra sao? Bỏ mình trong một xó rừng núi sâu thẳm nào đó của nhà tù cải tạo? Chôn vùi dưới đáy biển sâu trong chuyến vượt biển? Hay ẩn dật ở nơi nào đó trên trái đất này, chỉ muốn quên đi tất cả nhiễu nhương của một giai đoạn lịch sử quốc gia đầy xáo trộn và mảnh đời riêng quá đau thương?

Dì Hiếu thường ít khi chịu ngồi lâu trong phòng sinh hoạt, mà cứ thích lẩn quẩn đi tới đi lui trong hành lang. Thỉnh thoảng tôi lại được gọi ra, khi nhân viên Nhà Già lúng túng không biết phải làm gì trước những cơn thịnh nộ bất chợt bùng lên của dì. Ðó thường là những lúc dì đang tuôn ra một tràng những lời như “ÐM mày, đừng có ỷ mày là công an rồi muốn làm gì thì làm”; hoặc, “Tui phải đi cho lẹ, tàu sắp chạy rồi!” “Trời ơi, tao biết cái mặt ch. mày quá mà, mày cướp nhà tao, rồi bi giờ còn muốn bắt thằng Ðức nữa hả???”

Nursing Home Winters Park tại Garland nơi có nhiều người Việt lớn tuổi trong vùng lựa chọn.

Còn những lúc vui vẻ dễ chịu là lúc Dì nói về hai người con-con trai tên Ðức theo tên cha là Phúc, và con gái tên Thảo, theo tên mẹ là Hiếu… Một cách đặt tên có ý nghĩa mà Dì rất tự hào mỗi khi nói. Nhưng thông tin về hai người con, ở đâu, làm gì, thì lại rất lộn xộn mơ hồ, lẫn lộn cả về thời gian và không gian…

Xem thêm:   Hương sắc gia vị

Nhưng việc Dì có một người con trai tên Ðức là một điều chắc chắn, vì có hồ sơ lưu lại.

Anh Ðức này chính là người điền hồ sơ để dì Hiếu được đến lưu trú tại Nhà Nhóm, rồi được tham gia sinh hoạt ở nhà già ngoại trú nơi tôi làm.

Trước đó anh ta cũng là người mỗi tháng ký tên nhận trợ cấp của dì Hiếu từ Sở Xã Hội. Sau khi dì Hiếu được chuyển vào ở Nhà Nhóm thì số tiền này chuyển qua cho chủ nhà. Từ đó trở đi anh ta hoàn toàn bặt vô âm tín. Những số điện thoại trong hồ sơ đều không liên lạc được. Tất cả những giấy tờ gởi theo địa chỉ trong hồ sơ đều bị trả lại vì không người nhận.

Rồi tới lúc Nhà Già bị đóng cửa vì người ta không còn lo nổi chi phí cho các cụ. Dì Hiếu được mời lên cho một nhân viên Sở Xã Hội hỏi chuyện để tìm hiểu xem gia đình định như thế nào khi nhà già này bị đóng cửa. Tôi làm phiên dịch cho dì.

– Thưa bà chúng tôi đã tìm mọi cách nhưng vẫn không liên lạc được với ông Ðức con trai của bà!-cô nhân viên Sở Xã Hội nói.

– Thằng Ðức bị công an bắt rồi hả mấy cô? Dì Hiếu hốt hoảng.

– Thưa không, chúng tôi thực sự không biết gì về anh ta. Bà có biết anh Ðức giờ đang ở đâu không? Chúng tôi cần liên lạc với anh ấy gấp.

– Nói giỡn chơi hả bây?! Tao là má nó, đời nào tao khai chỗ nó ở hả bây? Vừa nói Dì vừa xô ghế đứng dậy.

Cô nhân viên Sở Xã Hội và tôi vội giữ Dì lại:

– Dạ không có, chúng tôi chỉ cần bà ký mấy giấy này để chuyển hồ sơ của bà lên cho Sở phân công người giúp bà thôi.

– Ừa, hễ bắt tao ký thì tao ký, chứ không đời nào tao khai thằng Ðức trốn chỗ nào đâu, tao nói trước á!

Thu dọn đồ đạc để rời khỏi nơi này mà lòng tôi trĩu nặng. Một phần buồn là mình mất job, phần khác nghĩ tới số phận người đồng hương duy nhất ở đây, mong cho cô nhân viên Sở Xã Hội liên lạc được với ông Ðức, hy vọng là giấy tờ nhầm lẫn sao đó thôi.

Thôi thì nước mắt ở đâu mà chẳng chảy xuôi!

(Nguyễn Hòa, theo lời kể của Quảng Hà)

NH

Vallejo, CA