(Kỳ 12d: Đàn Hặc-Impeachment-The Federalist No 65)

Dẫu dân chủ trong nhiều năm qua, ở mức độ toàn cầu, có sự suy thoái, nhưng so với nửa đầu thế kỷ XX trở về trước, chúng ta vẫn là những người may mắn, đặc biệt là những người đang cư ngụ tại Bắc Mỹ, Liên Âu. Nhưng thành thật, đa phần chúng ta là những người may mắn một cách vô tâm bởi chúng ta chẳng hề quan tâm hay đặt dấu hỏi cho những thiết chế dân chủ đang tác động vào đời sống hàng ngày hay đang náo động trên báo chí, dư luận. Impeachment tổng thống Mỹ là một vấn đề như thế. Tại sao lại để Hạ Viện, thường do một đảng thao túng, có quyền cáo buộc, khởi tội đối với Tổng Thống trong khi đã có hẳn một hệ thống tư pháp đồ sộ? Tại sao không giao việc xét xử impeachment cho Tối Cao Pháp Viện – cơ quan tài phán cao nhất của Liên Bang vốn nổi tiếng độc lập, công minh mà lại giao cho Thượng Viện-cơ quan cũng thường bị đảng phái thao túng? Hoặc tại sao xét xử impeachment tổng thống thì buộc phải có Chánh Án Tối Cao Pháp Viện tham gia, giữ vai trò chủ tọa?

Hy vọng những bản dịch sau đây sẽ giúp chúng ta tìm thấy những lý lẽ không tầm thường của các nhà lập quốc Mỹ.

Trân trọng giới thiệu bản dịch Việt ngữ The Federalist No 65 do Alexander Hamilton chấp bút:

Từ the New York Packet

Thứ Sáu, 07 tháng Ba 1788

Thưa Ðồng Bào Tiểu Bang New York:

Các quyền lực sau cùng được bản dự thảo của Hội Nghị phân cho Thượng Viện, với một tính chất đặc biệt, là sự tham dự cùng nhánh hành pháp để bổ nhiệm viên chức, và quyền năng tư pháp làm tòa phân xử các impeachment. Vì nhánh hành pháp sẽ đóng vai trò chính trong bổ nhiệm viên chức, sẽ là tốt hơn nếu lùi việc bàn luận các quy định liên quan tới công việc này vào cùng sự thẩm tra nhánh hành pháp. Vì vậy, chúng ta sẽ kết thúc chủ đề này bằng việc xem xét quyền năng tư pháp của Thượng Viện.

Một tòa án có cấu trúc tốt để xét xử các impeachment vừa là điều mong muốn vừa là điều khó đạt được trong một chính quyền được thiết lập hoàn toàn bằng bầu cử. Các đối tượng thuộc thẩm quyền của tòa án này là các tội trạng xuất phát từ các hành xử bất chính của công chức, hoặc, nói cách khác, từ sự lạm dụng hoặc xâm hại một tín nhiệm của công chúng. Các tội trạng này thuộc loại có thể định danh thật đúng đắn là CHÍNH TRỊ, vì chúng chủ yếu liên quan tới các hành động gây hại trực tiếp cho xã hội. Sự truy tố chúng, vì thế, sẽ hiếm khi không gây náo động xúc cảm của toàn bộ cộng đồng, và phân rẽ cộng đồng thành nhiều phe đảng có ít nhiều thiện cảm hoặc căm thù bị cáo. Trong nhiều trường hợp, sự truy tố còn tự liên đới với các bè phái đã có từ trước, và phải vướng vào tất cả các cừu thù, tư vị, ảnh hưởng, và quyền lợi của các bè phái ở phía này hay phía khác; và trong những lúc như thế, mối nguy hiểm đáng ngại nhất luôn luôn là: phán quyết sẽ chủ yếu dựa trên tương quan sức mạnh giữa các phe đảng thay vì dựa vào các chứng cứ thực của vô tội hay phạm tội.

Xem thêm:   Suy Đi Ngẫm Lại (04/04/2024)

Tính tế nhị và hệ trọng của một tín nhiệm, là điều ảnh hưởng rất lớn tới danh tiếng và sinh mệnh chính trị của tất cả những người tham dự vào việc quản trị công, đã luôn tự nói lên ý nghĩa của chúng. Nhưng người ta sẽ phải nhanh chóng nhận ra, trong một chính quyền dựa hoàn toàn trên các cuộc bầu cử định kỳ, sự nan giải của việc đặt được tín nhiệm một cách đúng đắn nếu người ta thấy rằng các nhân vật nổi trội nhất trong chính quyền loại này sẽ luôn là các lãnh tụ hoặc các thủ hạ của phe đảng giảo hoạt nhất hoặc đông đảo nhất, và trên căn bản này, họ sẽ rất khó có phán xét khách quan cần thiết đối với những người có hành xử đang bị thẩm tra.

Hội Nghị, rõ ràng, đã coi Thượng Viện là nơi phó thác tốt nhất cho tín nhiệm quan trọng này. Những người có khả năng nhìn thấy rõ tính nan giải tự thân của vấn đề sẽ là những người ít vội vã nhất trong việc lên án quan điểm này và họ cũng sẽ có xu hướng nghiêng nhiều nhất về việc phải xem xét thận trọng các lập luận được cho là đã sinh ra quan điểm đó.

Vậy, linh hồn thực sự của thiết chế này là gì? Chúng ta có thể hỏi như vậy. Chẳng phải nó được thiết kế để tạo ra một phương thức THẨM TRA Ở CẤP QUỐC GIA cho các hành xử của giới công chức? Nếu đây đúng là thiết kế của nó, còn ai có thể làm người thẩm tra cho quốc gia một cách tốt hơn những người đang chính là đại diện của quốc gia? Ðiều không phải bàn cãi là thẩm quyền khởi tố, hoặc, nói cách khác, thẩm quyền quyết định impeachment nên trao cho một nhánh trong thực thể lập pháp. Vậy, phải chăng những lý luận đã chứng tỏ sự giao phó đó là đúng lại không là lý luận chắc chắn để nhánh kia của thực thể được cùng tham gia cuộc điều tra? Chính mô hình (tức hệ thống chính trị Anh quốc. ND) cho thiết chế này mượn ý tưởng đã chỉ cho Hội Nghị phải đi theo cách đó. Tại Ðại Anh quốc, Viện Thứ Dân (“House of Commons” – Hạ Viện của Nghị Viện Anh. ND) là nơi quyết định impeachment, và Viện Quý tộc (“House of Lords” – Thượng Viện của Nghị Viện Anh. ND) là nơi phán xét chúng. Hiến Pháp của nhiều Tiểu Bang cũng làm theo mô hình này. Cả Ðại Anh lẫn các Tiểu Bang này đều dường như đang coi impeachment là một dây cương cho lập pháp ước chế các viên chức hành pháp của chính quyền. Ðây chẳng phải là ánh sáng đúng đắn để soi rọi vấn đề sao?

Xem thêm:   Cụ bà 103 tuổi lái xe giữa đêm…

Có nơi nào ngoài Thượng Viện có thể làm tòa có đủ uy tín hoặc đủ độc lập? Cơ quan nào khác sẽ có thể ÐỦ TỰ TIN VÀO VỊ THẾ CỦA CHÍNH BẢN THÂN để giữ địa vị trung lập nhất thiết phải có, một cách vô lo, vô ảnh hưởng, giữa một VIÊN CHỨC bị cáo buộc, và các ÐẠI DIỆN CỦA NHÂN DÂN – NHỮNG NGƯỜI CÁO BUỘC?

Có thể trông cậy ở Tối Cao Pháp Viện cho yêu cầu này? Rất khó tin các thành viên của tòa này sẽ luôn luôn có sự kiên tâm thật vững khi đảm trách một nhiệm vụ hết sức khó khăn; và còn khó tin hơn họ sẽ có đủ sự tin cậy và quyền uy buộc phải có trong một số tình huống để thuyết phục nhân dân đồng ý với quyết định chống lại sự cáo buộc từ chính những người đại diện trực tiếp cho họ. Sự thất bại ở trường hợp đầu sẽ là bất hạnh cho người bị cáo buộc; trong trường hợp sau sẽ là đe dọa cho yên bình xã hội. Rủi ro trong cả hai trường hợp chỉ có thể tránh được, nếu có thể, bằng cách làm cho tòa đông thành viên hơn thay vì cố giữ nó trong giới hạn chi tiêu. Ðòi hỏi xét xử impeachment phải do một tòa đông người cũng do bản chất của thủ tục này yêu cầu. Thủ tục này không thể bị trói buộc vào những quy định khắt khe, cả trong việc trình tội trạng của công tố viên hay luận tội trạng của thẩm phán, như ở các tố tụng thông thường nhằm hạn chế sự cẩn quyết (“discretion”, từ Anh ngữ này mang một ý nghĩa phức tạp Việt ngữ chưa có. “cẩn quyết”: có nghĩa sự cân nhắc cẩn trọng và sự tự ý quyết định không quan tâm tới ý kiến của người khác, tức có thể mang lại hiệu quả tốt hoặc xấu một cách độc đoán. ND) của tòa ngả về quyền lợi của dân. Ở đây, sẽ không có bồi thẩm đoàn đứng giữa các thẩm phán, những người sẽ tuyên án theo luật pháp, và bên sẽ đón nhận hay phải chịu đựng sự tuyên án đó. Quyền cẩn quyết đáng sợ nhất thiết phải có trong tòa impeachment – sẽ vinh danh rạng rỡ hay vùi xuống bùn đen những con người đáng tin nhất và danh giá nhất của đất nước – không cho phép phó thác vào một nhóm ít người…

Xem thêm:   Thân thương hai tiếng "Mình ơi"

(còn tiếp)

PHS (11/03/2021)