(Kỳ 10b: The Federalist No 70)

Sau đây là bản dịch rút gọn của The Federalist No 70. Trân trọng giới thiệu:

Từ the New York Packet

Thứ Ba, 18 tháng Ba 1788

Thưa Ðồng Bào Tiểu Bang New York:

Có một quan điểm, không phải không có người ủng hộ, là một Hành Pháp uy lực không thích hợp với thiên tính bảo vệ của chính thể cộng hòa. Những người ủng hộ sáng suốt của loại chính thể này ít nhất hy vọng rằng giả định này thiếu cơ sở; vì họ không thể nào đồng ý với nó mà lại không phải bác đi các nguyên tắc của chính họ. Sung lực của Hành Pháp là một đặc tính dẫn đạo khi xây dựng một chính quyền tốt. Nó là yếu tố cơ bản để bảo vệ cộng đồng trước các tấn công của ngoại bang; cũng không kém quan trọng hơn cho việc duy trì sự ổn định của pháp luật; cho bảo vệ quyền sở hữu chống lại các cấu kết bất thường và cao tay có thể phá vỡ hàng rào công lý thông thường; cho an ninh của tự do chống lại các âm mưu, xâm hấn xuất phát từ lòng tham, bè phái, và sự coi thường luật lệ. Tất cả những ai đã biết ít nhiều về lịch sử La Mã đều biết nước cộng hòa này đã bao lần phải tránh nạn trong quyền lực tuyệt đối của một người, với danh vị hãi hùng nhà Ðộc Tài, để vừa có thể chống trả các mưu toan của những kẻ mưu dựng bạo quyền và các mầm loạn có trong mọi giai tầng của cộng đồng luôn đe dọa mọi chính quyền, vừa để chống các cuộc xâm lăng của kẻ thù bên ngoài muốn chiếm đoạt và tàn phá thành Rome.

Tuy nhiên, không cần phải đưa thêm lý luận hay ví dụ về vấn đề này. Một Hành Pháp yếu ớt là đồng nghĩa với sự thực thi yếu ớt của chính quyền. Thực thi yếu ớt chỉ là cách nói khác của thực thi tồi; và một chính quyền ốm yếu, dù lý thuyết gọi là gì, chắc chắn trên thực tế là một chính quyền tồi. Do đó, lẽ thường là tất cả những người hiểu biết đều sẽ đồng ý với sự cần thiết phải có một Hành Pháp sung lực, vấn đề còn lại chỉ là phải tìm hiểu những thành phần nào sẽ tạo nên sung lực này? Chúng sẽ phối hợp chặt chẽ tới mức nào với các thành phần đảm bảo an ninh cho bản chất cộng hòa? Bản dự thảo do Hội Nghị đề xuất đã áp dụng sự phối hợp này ra sao?

Xem thêm:   Thời vàng son của xế hộp DS

Các thành phần tạo thành sung lực cho Hành Pháp là, thứ nhất, tính đơn nhất; thứ hai, tính lâu dài; thứ ba, sự hỗ trợ đầy đủ; thứ tư, các thẩm quyền mạnh.

Các yếu tố đảm bảo an ninh cho bản chất cộng hòa là, thứ nhất, sự lệ thuộc đúng đắn vào nhân dân, thứ hai, tính trách nhiệm thích đáng.

Những chính trị gia và các lãnh đạo tại các tiểu bang đang được đánh giá cao nhất về đức hạnh và công bằng đều đang lên tiếng ủng hộ cho loại Hành Pháp duy nhất một người và lập pháp đông đảo. Hết sức đúng đắn, họ coi sung lực là điều kiện cần thiết nhất cho bộ phận trước, và điều này nên nằm trong tay một người, trong khi họ đánh giá, cũng với sự đúng đắn tương tự, mô hình sau là dạng thích hợp nhất cho những việc phải suy tính và cần sáng suốt, và là lựa chọn tốt nhất để phụng sự niềm tin của dân đồng thời bảo đảm các đặc quyền và quyền lợi của nhân dân được thực hiện.

Tính đơn nhất đó tạo ra sung lực là điều không còn bàn cãi. Quyết đoán, năng động, kín đáo và khẩn trương sẽ luôn là các đặc tính chính yếu trong các hành động của một người với mức độ lớn hơn rất nhiều so với mọi tập hợp người; và khi số người càng tăng các phẩm tính này sẽ càng hao hụt.

Nhưng, tính đơn nhất này có thể bị phá hủy theo hai cách: hoặc bằng sự phân quyền cho hai, hoặc nhiều hơn hai, viên chức bằng nhau về uy tín và thẩm quyền; hoặc bằng sự trao quyền bề ngoài cho một người nhưng ông ta (đại từ “ông ta” (him) ở đây cho thấy sự phân biệt nam-nữ thịnh hành trong xã hội đương thời. ND) phải lệ thuộc, hoàn toàn hoặc một phần, vào sự kiểm soát và hợp tác của một số người khác với tư cách là những người tư vấn của ông ta. Về cách thứ nhất, hai ông Quan chấp chính Consul (là tên gọi của hai chức vụ hành pháp của nước Cộng hòa La Mã cổ đại (509-27 Tr.CN). Hai Consul này thay mặt quân vương thực hiện hầu hết các công việc điều hành chính quyền. Ban đầu, cả hai Consul đều được bầu từ tầng lớp quý tộc (patrician). Nhưng kể từ năm 367 Tr.CN trở đi, một Consul được bầu từ tầng lớp bình dân (plebeian). Dưới Đế quốc La Mã, hai chức vụ Consul vẫn được duy trì nhưng quyền lực chỉ còn trong lĩnh vực tài phán và lễ nghi. Hai chức vụ này bị loại bỏ kể từ thế kỷ VI. ND) của La Mã có thể là đại diện điển hình; cách thứ hai, chúng ta sẽ gặp trong hiến pháp của nhiều Tiểu Bang. New York và New Jersey, nếu tôi nhớ chính xác, là các Tiểu Bang duy nhất đang trao quyền hành pháp hoàn toàn cho một người (1). Hai cách phá hủy tính đơn nhất của Hành Pháp này đều có người ủng hộ; nhưng nhiều nhất là những người mê mẩn dạng hành pháp hội đồng. Cả hai cách này đều đang bị nhiều phản đối tương tự nhau, nếu không phải giống nhau, và chúng ta có thể làm rõ hai cách này cùng nhau.

Xem thêm:   Ai nhớ chăng ai

Kinh nghiệm các nước cho rất ít thông tin về vấn đề này. Tuy nhiên, điều lớn nhất chúng ta có thể biết là không nên mê mẩn sự đa nguyên trong Hành Pháp. Chúng ta vẫn thấy là người Achaea trong một lần thử dùng mô hình hai quan hành pháp Praetor, họ đã phải bỏ đi một. Lịch sử La Mã còn ghi rằng nước cộng hòa đã phải chịu nhiều bấn loạn vì các cãi vã giữa các Consul, và cả giữa các Quan hộ dân về quân sự Tribune – những người thi thoảng thay thế Consul. Nhưng sử liệu này không cho thấy một dấu vết ích lợi đặc biệt nào cho nhà nước từ tình trạng đa nguyên gồm nhiều lãnh đạo hành pháp như thế. Sẽ đáng kinh ngạc khi các cãi vã giữa họ đã không xảy ra nhiều hơn và không gây ra đổ vỡ nếu chúng ta không khám phá ra một chức vụ đã gần như liên tục kiểm soát nước cộng hòa, và một chính sách khôn ngoan, do hoàn cảnh đưa đẩy, được các Consul thực hiện là phân chia chính quyền thành nhiều bộ phận khác nhau. Các patrician đã liên tục kình địch với các plebeian để giữ lại các uy quyền và danh tín cổ xưa của họ; các Consul, những người được chọn từ tập hợp trước, thường đồng lòng với nhau qua các lợi hại cá nhân họ cùng có trong việc bảo vệ các đặc quyền cho tập hợp của họ. Bên cạnh động cơ liên kết này, sau khi vũ khí của nước cộng hòa đã giúp lãnh thổ đế chế bành trướng đáng kể, một tập quán đã được hình thành là các Consul chia việc quản trị giữa họ với nhau bằng cách bốc thăm, một người ở lại Rome để trị vì thành đô và các vùng phụ cận, còn người kia sẽ đi quản trị các vùng xa xôi hơn. Sáng kiến này, chẳng còn nghi ngờ, đã có tác động rất lớn trong việc ngăn ngừa các va chạm và kình địch – những thứ, nếu khác đi, có thể đã hủy mất sự yên bình của nước cộng hòa.

Xem thêm:   Nỗi buồn tháng Tư

Song, nếu bỏ qua ánh sáng nhập nhòa của các nghiên cứu lịch sử và chỉ chú tâm vào các xác quyết của lý trí và lương thức, chúng ta sẽ thấy lý do bác bỏ lớn hơn rất nhiều lý do chấp thuận quan điểm đa nguyên trong Hành pháp dù ở dạng nào…

(còn tiếp)

PHS (05/12/202)