Nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ
Ðôi nhân tình tuổi đời còn rất trẻ và mang trong người lòng nhiệt huyết của tuổi thanh niên. Họ là những thành viên đắc lực của quân đội Việt Minh những năm 50. Tạm chia tay với người yêu, chàng về thăm gia đình và chứng kiến 2 người anh ruột bị Việt Minh thảm sát. Đường về nẻo cũ sao bỗng lạ xa và mối duyên xưa chàng thôi đành lỗi hẹn.
Hiệp định Genève chia đôi đất nước ở vĩ tuyến 17, mối tình thật đẹp trai tài, gái sắc mãi mãi bị cắt chia bởi một dòng sông. Di tản vào Sài-Gòn, chàng dựng xây cuộc đời mới trên một quê hương trù phú. Vợ con đề huề, hạnh phúc ấm êm nhưng trong lòng chàng vẫn không nguôi nhớ thương người yêu cũ. Tin tức từ quê nhà Quảng-Trị cho biết, đứa con chung là kết quả của mối tình thơ mộng ấy khiến tâm tư chàng ray rứt khó nguôi. Ở bên kia bờ vĩ tuyến, nàng là một nữ văn công lẫy lừng tên tuổi và đã nhiều lần đặt chân đến xứ người cũng như tận miền Đông Âu xa xôi để cất cao tiếng hát. Trong một chuyến trình diễn ở Nam-Vang, chàng đã bất chấp hiểm nguy tìm đến để gặp lại người yêu cũ cũng như tin tức đứa con chưa biết mặt cha. Nếu nàng không quá dè dặt và nén được nỗi hận hờn, có lẽ đôi tình nhân ấy đã đưa nhau trở về chốn cũ để nối tiếp cung đàn một thời dang dở.
Ở miền Nam thanh bình thịnh trị, giới thưởng ngoạn vẫn thấp thoáng tìm thấy bóng hình người em năm cũ và hiển hiện đâu đó thật gần trong từng tác phẩm nghệ thuật của chàng. “Ai nhớ chăng ai” là một trong rất nhiều nhạc phẩm mà nhạc sĩ họ Hoàng đã khắc họa rõ nét mối tình thật đẹp nhưng lại nhuốm màu chia ly, dang dở. Những ngày quen nhau rồi yêu nhau giữa đất trời in đậm màu yêu đương rạng rỡ:
Ai nhớ chăng những chiều
Những chiều gặp gỡ nhau trên cầu
Nước trời xanh ngắt in một màu
Lặng nhìn nhau hồi lâu lâu
Rồi tình ta càng ăn sâu
Sâu mối duyên ban đầu
Lá không xanh, cành không thắm, đôi uyên ương phải xa rời nhau mãi mãi. Dù kỷ niệm buổi chiều chia ly ngày đó chưa hề nhạt phai nhưng người con gái âm thầm tiễn đưa người yêu giữa khi đất trời mưa lệ tuôn rơi:
Ai nhớ chăng ai
Ai nhớ chăng hôm nào
Hôm nào mưa rớt trên sông dài
Trên đồng em tiễn anh một chiều
Chiều chia ly còn chưa phai
Trời buồn khóc giùm duyên ai
Giọt lệ tuôn ngắn dài
Trong một tác phẩm âm nhạc được xuất bản vào năm 1956 ở Sài-Gòn, nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ đã cho in lên trang đầu của quyển sách dòng chữ “Thân yêu gửi Tân Nhân”. Với ông, tình yêu ấy là mối tình “tha thiết nhất trong đời, không nói nên bằng lời” và chưa hề bị lãng quên dẫu cho thời gian đã phủ lên những ngày ái ân một lớp bụi mờ.
Bao nhiêu năm dâu biển trôi nhanh, người ở 2 bờ giới tuyến cũng đã lìa xa cõi tạm. Đất nước dù đã mất, nhưng gia tài âm nhạc Việt-Nam vẫn còn trong trái tim của khán thính giả yêu nhạc gần xa. Với con tim mẫn cảm, nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ đã góp phần cho nền âm nhạc nước nhà được phong phú hơn. Nước sông có dòng trong, dòng đục và dòng nước trong mát đó đã đưa con thuyền nghệ thuật của ông xuôi về bến tự do. Như tâm ý của tác giả, xin mượn lời cuối để tưởng nhớ mối tình đẹp như thơ nhưng không đoạn kết, mối tình không may như chim xa cành, như bướm lìa hoa và ngày trùng phùng giữa một quê hương tan tác hãy còn xa xôi lắm.
TV