Nhiều kỳ – Kỳ 5a:

Cách đây không lâu, S.T.T.D. Tưởng Năng Tiến đã than thở về hiện tượng bất đồng, chia rẽ, xung đột của người Việt, không chỉ ở trong nước mà ở cả các cộng đồng người Việt tại các xứ sở dân chủ, văn minh ở hải ngoại. Ngôn từ của ông thể hiện rõ sự ngao ngán:

Vấn đề là không ít người Việt đang sống ở nước ngoài, chả có liên quan (hay ảnh hưởng chi nhiều) với cái chế độ thổ tả hiện hành mà vẫn sẵn sàng chửi nhau, hủy bạn bè vì những chuyện nhỏ (như con thỏ) như thường.” Rồi ông kết bằng một câu hỏi giống một câu trả lời:

Vì cái nước mình nó thế nên dân mình không thể khác được chăng?”

Nhưng cách đây 233 năm, James Madison đã đưa ra một kết luận chung cho con người ở mọi nước trên thế giới:

Khuynh hướng hằn thù lẫn nhau của con người còn trầm trọng tới mức nếu không có một tác động đặc biệt thì những khác biệt tầm phào và vô lý nhất cũng có thể đủ khơi lên những dục vọng kình địch và gây ra những xung đột vô cùng khốc hại.

Ðây là nhận định thuộc The Federalist No 10, đóng góp đầu tiên của James Madison vào công trình chung The Federalist, và cũng là bản The Federalist nổi tiếng nhất. Bài luận này của Madison là phần tiếp theo bổ sung cho The Federalist No 09 (của Alexander Hamilton) trong mục đích chứng minh cho độc giả thấy chính thể mới của nước Mỹ độc lập có khả năng giải quyết những âu lo về tình trạng bất đồng, bè phái, chia rẽ, xung đột khi 13 thuộc địa cùng liên hiệp sống chung với nhau dưới một chính quyền liên bang.

Nước Mỹ sau cuộc chiến tranh giành độc lập (1775-1783) rơi vào tình trạng như vô chính phủ bởi các xung đột về quyền lợi (đất, buôn bán, giao thông…) giữa các tiểu bang, và giữa các phe nhóm trong một tiểu bang, khi chính quyền trung ương liên bang thiếu thẩm quyền và phương tiện để phân xử hoặc thực thi các phân xử. Tuy nhiên, The Federalist No 10 đã chứng minh một cách thuyết phục rằng:

“… những mầm mống của bè phái đã nằm sẵn ngay trong bản chất của mỗi con người chúng ta. Không những thế, mầm mống bè phái còn hoạt động ở nhiều mức khác nhau tùy thuộc các hoàn cảnh khác nhau của con người.

Xem thêm:   Trạm nghỉ an toàn trên xa lộ ở Mỹ

Theo Madison, chỉ có hai cách để chặn đứng nạn bè phái:

… một, hủy bỏ tất cả những tự do cần cho sự tồn tại của bè phái; cách kia là làm cho tất cả mọi công dân luôn có cùng một quan điểm, cùng một say mê và cùng một sở thích, cùng một quan tâm giống hệt nhau.

Chân dung James Madison 1816, tác giả John Vanderlyn. Nguồn: The White House Association.

Nhưng Madison bình ngay về giải pháp thứ nhất:

Nhưng thật không có lời nào đúng hơn để nói về cách chữa thứ nhất rằng: cách chữa bệnh này tai hại hơn cả căn bệnh. Bởi tự do cho bè phái cũng giống như không khí cần cho lửa, thiếu nó, lửa sẽ phụt tắt. Nhưng thật là điên rồ khi xóa bỏ các tự do – điều tối cần cho đời sống chính trị – chỉ vì chúng nuôi dưỡng tư tưởng bè phái. Sự xóa bỏ đó thật chẳng khác gì việc muốn hút cho hết khí trời – điều cần cho sự sống – chỉ vì không khí đã sinh ra đốm lửa phá hoại.

Lời bình này chẳng khác gì lời tiên tri cho các xã hội Việt Nam và Trung Cộng hôm nay. Lấy cớ “ổn định chính trị”, “ổn định xã hội” những kẻ cầm quyền cộng sản đã triệt tiêu hết các tự do tối thiểu (đi lại, nhóm họp, biểu tình, lập hội, làm báo…) để xã hội không còn hội đoàn, bè cánh, đảng phái chính trị nào được chính thức hoạt động ngoài đảng và hội nhóm, bè phái của chúng. Theo Madison (và cả nhóm The Federalist) đó là sự “điên rồ” cho đất nước.

Tới đây, kẻ đang viết những dòng này chợt ước vọng, nếu tư tưởng của Madison đã nằm trong đầu của đa số giới trí thức Việt Nam trước năm 1954 thì có đến 100 Hồ cũng không thể nào dựng lên được chế độ cộng sản tại miền Bắc, cũng không thể tồn tại cái gọi là “lực lượng thứ ba” tại Việt Nam Cộng Hòa.

Xem thêm:   Suy Đi Ngẫm Lại (06/12/2025)

Về cách thứ hai (“làm cho tất cả mọi công dân luôn có cùng một quan điểm, cùng một say mê và cùng một sở thích, cùng một quan tâm giống hệt nhau.”), có lẽ không cần đọc thêm, chúng ta cũng tự thấy đây là cách bất khả. Nhưng không, chúng ta đừng quên rằng đã có lúc nhiều phần nhân loại trong đó có nhiều người Việt Nam đã say mê các khẩu hiệu: Tiến lên thế giới đại đồng; Làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu; Vô sản toàn thế giới liên hiệp lại.


Điều phối những quyền lợi vừa đa dạng vừa đối chọi nhau như thế trong xã hội chính là mục tiêu cơ bản của một hệ thống pháp lý hiện đại…


Có lẽ Madison đã cảm được sự ngây thơ, nhẹ dạ của nhân loại nên ông đã dành nhiều từ ngữ để chứng minh sự khác biệt, đa dạng của con người là tự nhiên tất yếu và là một trong những mục tiêu chính quyền cần phải bảo vệ:

… chừng nào tư duy của con người còn có thể sai lầm và chừng nào con người còn tự do tư duy thì các quan điểm, suy nghĩ của con người còn khác biệt. Chừng nào lý trí và lòng yêu mến cái tôi của mỗi người còn gắn bó với nhau và chừng nào tư tưởng và dục vọng của con người còn ảnh hưởng lẫn nhau thì tư tưởng, suy tư của con người sẽ còn bị lòng tư dục, tư lợi đeo bám, tác động… Ý muốn làm cho mọi con người cùng có chung một ham muốn, một mối quan tâm là ý muốn vô vọng, không thể thực hiện được vì năng lực của con người khác nhau là khác nhau, cả về đối tượng và mức độ khả năng. Sự khác nhau đó chính là cái gốc của quyền sở hữu tài sản. Và nhiệm vụ đầu tiên của một chính quyền chính là phải bảo vệ những năng lực đa dạng đó. Việc bảo vệ những năng lực vừa đa dạng, vừa không bằng nhau trong sự thủ đắc tài sản sẽ tạo ra tình trạng sở hữu các tài sản khác nhau và ở các mức không giống nhau. Thực trạng bất bình đẳng, không giống nhau này sẽ ảnh hưởng tới tình cảm, tư tưởng của các chủ sở hữu khác nhau với hệ quả tiếp theo là xã hội bị phân thành các nhóm khác nhau với những lợi ích khác nhau và sự quan tâm khác nhau.

… Sự tôn thờ tín ngưỡng khác nhau, niềm tin vào các tư tưởng chính trị khác nhau, và nhiều vấn đề khác, từ lý thuyết cho tới hành động; hay sự ngưỡng mộ, phò tá các lãnh tụ chính trị khác nhau nhưng cùng đầy tham vọng tranh đoạt quyền lực, danh tiếng; hoặc sự gắn bó với những nhân vật có vận mệnh đầy hấp dẫn, rốt cục đã chia loài người thành những phe nhóm khác nhau, đã gieo vào lòng người sự thù địch lẫn nhau, đã làm loài người trở thành dễ hục hặc, gây hấn, hiếp đáp lẫn nhau hơn là hòa hợp cùng nhau vì lợi ích chung.

… Nhưng cội nguồn lớn nhất và lâu bền nhất của nạn bè phái lại là tính chất bất bình đẳng và đa dạng trong việc phân phối tài sản. Những người có và không có tài sản đã là những nhóm người có quyền lợi và quan tâm khác hẳn nhau từ lâu nay trong xã hội. Tương tự, những chủ nợ, con nợ cũng là những nhóm lợi ích khác nhau.

… Quyền lợi của nhà nông, quyền lợi của chủ máy, quyền lợi của nhà buôn, quyền lợi của nhà băng, cùng với cơ man quyền lợi của những người khác, là những nhóm quyền lợi khác nhau tất yếu phải có trong các quốc gia văn minh, nhưng chúng cũng làm cho các quốc gia này bị phân thành các giai tầng khác nhau dựa trên những tư tưởng và tình cảm khác nhau. Vì vậy, điều phối những quyền lợi vừa đa dạng vừa đối chọi nhau như thế trong xã hội chính là mục tiêu cơ bản của một hệ thống pháp lý hiện đại.”

Với những trích dẫn ngắn ngủi này, chúng ta có thể hiểu tại sao những ý tưởng chính trị của Marx, Engels, Chủ Nghĩa Cộng Sản và các đảng cộng sản từ khi sinh ra tới nay đều không thể tìm thấy một cơ hội nhỏ để phát triển trên đất Mỹ. The Federalist No 10 còn nhiều điều thú vị khác.

Xem thêm:   Răng giả

(còn tiếp)

(Những trích dẫn Việt ngữ của The Federalist thuộc bản dịch của Phạm Hồng Sơn)