Nhiều kỳ – Kỳ 8a:
(The Federalist No 78)
Một bản văn khó đọc thường rơi vào một trong hai thái cực: hoặc cực kỳ tầm thường hoặc cực kỳ giá trị. Kỳ này và kỳ sau, chúng ta sẽ cùng nhau đọc The Federalist No 78 do Alexander Hamilton chấp bút qua bản dịch sau đây:Nhà xuất bản McLean, New York, tháng Năm 1788
Thưa đồng bào Tiểu Bang New York,
Bây giờ chúng ta TIẾN HÀNH xem xét cơ quan tư pháp trong chính quyền tương lai.
Khi mổ xẻ các khiếm khuyết của Tiểu Bang hiện nay, sự hữu dụng và cần thiết của một cơ quan tư pháp cấp toàn liên bang đã hiện ra rõ ràng. Không cần thiết phải lặp lại các xem xét đó ở đây vì sự đúng đắn của thiết chế này không phải là điểm tranh cãi; những băn khoăn duy nhất được nêu ra chỉ động tới cách thức hình thành và quy mô thẩm quyền. Vì vậy, các xem xét của chúng tôi sẽ chỉ tập trung vào các điểm này.
Việc xây dựng cơ quan tư pháp liên bang, có lẽ, bao gồm các vấn đề sau: Thứ nhất, cách bổ nhiệm thẩm phán. Thứ hai, cấu trúc thẩm quyền để thẩm phán thực thi chức vụ. Thứ ba, sự phân chia thẩm quyền tư pháp giữa các tòa án, và mối tương quan giữa chúng.
Thứ nhất. Về cách thức bổ nhiệm thẩm phán; điều này cũng y như cách thức bổ nhiệm các viên chức của Liên hiệp nói chung, và đã được bàn luận trong hai số trước một cách hết sức đầy đủ khiến cho việc nói thêm bất cứ điều gì ở đây đều là thừa. Thứ hai. Về cấu trúc thẩm quyền để thẩm phán thực thi chức vụ; điều này liên đới chủ yếu tới nhiệm kỳ của thẩm phán, các công cụ trợ giúp và các biện pháp phòng bị cho trách nhiệm của họ.
Theo bản dự thảo của hội nghị, mọi thẩm phán, những người đã được bổ nhiệm bởi Hợp Chúng Quốc Hoa Kỳ, sẽ được giữ chức vụ suốt chừng nào vẫn giữ được PHẨM HẠNH TỐT (GOOD BEHAVIOR); đặc tính này phù hợp với các bản hiến pháp được đánh giá tốt nhất của các Tiểu Bang, và trong số còn lại, cũng phù hợp với hiến pháp của Tiểu Bang này. Song, sự đúng đắn của dự kiến này đang bị chất vấn bởi các đối thủ của bản dự thảo hoàn toàn không phải là dấu hiệu của cơn thịnh nộ đòi bác bỏ, điều đang làm rối loạn cả trí tưởng lẫn phán xét của họ.
Tiêu chuẩn phẩm hạnh để được liên tục nắm quyền trong cơ quan tư pháp chắc chắn là một trong những điểm giá trị nhất trong các cải tiến chính trị hiện đại về thực hành cầm quyền. Trong chính thể quân chủ, đây là một rào cản xuất sắc để chống lại sự độc đoán của quân vương; trong nền cộng hòa đây cũng là một hàng rào không kém phi thường để chống lại các chèn ép, xâm hấn của cơ quan đại diện. Và đây cũng là kỹ thuật tốt nhất có thể nghĩ được để mọi chính quyền bảo đảm pháp luật được quản trị một cách ổn định, cương trực và bất thiên vị.
Bất cứ ai tìm hiểu kỹ càng quyền lực của các bộ phận khác đều phải nhận thấy, rằng, trong một chính quyền có sự chia tách quyền lực, tư pháp, do bản chất công vụ của nó, luôn luôn là bộ phận ít nguy hiểm nhất cho các quyền chính trị của Hiến pháp; vì khả năng quấy nhiễu hay đả thương các quyền này của nó là yếu nhất. Bộ phận Hành pháp không chỉ ban phát danh phẩm mà còn thủ đắc cả lưỡi gươm công lý. Bộ phận lập pháp không chỉ điều hành túi tiền của toàn dân mà còn chỉ định các phép tắc điều chỉnh nghĩa vụ và quyền lợi của mọi công dân. Bộ phận tư pháp, ngược lại, chẳng có ảnh hưởng gì tới lưỡi gươm hay hầu bao; cũng chẳng được có ý kiến gì tới sức mạnh hay của cải của xã hội; và cũng chẳng thể làm ra một quyết nghị gì. Thực sự có thể nói rằng tư pháp chẳng có LỰC cũng chẳng có CHÍ, chỉ có mỗi quyền phán xét; và, buộc phải có trợ lực của hành pháp để các phán xét có hiệu lực.
Cách nhìn đơn giản này gợi ra một số điểm quan trọng sau đây. Nó chứng tỏ rõ, rằng tư pháp, chẳng cần so sánh, là yếu nhất trong ba bộ phận quyền lực (1); rằng tư pháp không bao giờ có thể tấn công nổi hai bộ phận kia; và rằng mọi sự quan tâm cần có là phải giúp cho nó có khả năng tự vệ trước các tấn công của chúng. Cách nhìn này cũng chứng minh rằng, dù các tòa án công lý đôi khi cũng có thể trấn áp cá nhân, tự do nói chung của người dân không bao giờ có thể bị đe dọa bởi khu vực này; với ý tôi là chừng nào tư pháp vẫn thực sự khác với cả hai, lập pháp và hành pháp bởi tôi tán thành nhận định rằng “sẽ chẳng có tự do nếu quyền phán xét không tách khỏi lập pháp và hành pháp” (2). Và cách nhìn đơn giản đó, cuối cùng, chứng minh rằng tự do không có điều gì phải e ngại một mình tư pháp, song sẽ phải luôn coi chừng sự liên kết của nó với các bộ phận khác; rằng do mọi đe dọa của một liên kết như thế đều là do sự lệ thuộc của bộ phận trước vào các bộ phận sau bất kể chúng đã được chia tách rõ và đúng; rằng do sự yếu ớt tự nhiên, tư pháp luôn luôn bị tổn thương do các chèn ép, dọa dẫm, tác động của hai nhánh đồng nghiệp; và rằng do không điều gì có thể tăng cường cho sự cả quyết và độc lập của tư pháp bằng sự thường trực nắm quyền – vì vậy phẩm tính này phải được coi là một thành tố nền tảng trong cấu trúc tư pháp, và, ở mức độ lớn hơn, phải được coi là thành trì cho công lý và an ninh công cộng.
Sự độc lập hoàn toàn của các tòa án công lý có tầm quan trọng hết sức đặc biệt trong một Hiến pháp giới hạn (a limited constitution). Theo tôi hiểu, Hiến pháp giới hạn là loại hiến pháp có một số quy định đặc biệt cho thẩm quyền lập pháp; ví dụ, quy định cấm lập pháp thông qua các bills of attainder, các luật hồi tố, và mọi thứ tương tự. Các hạn chế kiểu này không thể nào thực thi được trên thực tế ngoài cách phải có các tòa công lý có bổn phận tuyên bố mọi hành động trái với tinh thần hiển nhiên của Hiến pháp đều vô hiệu. Thiếu điều này, tất cả mọi bảo đảm cho các quyền hoặc đặc quyền đều thành vô nghĩa.
Những bối rối trước việc các tòa án có quyền tuyên các quyết định của lập pháp vô hiệu, khi chúng ngược với Hiến pháp, là do sự tưởng tượng rằng học thuyết này có ý dành cho tư pháp một thẩm quyền cao hơn lập pháp. Suy diễn này đã cho rằng thẩm quyền có thể tuyên hành động của thẩm quyền khác là vô hiệu buộc phải cao hơn thẩm quyền có những hành động bị coi là vô hiệu. Do học thuyết này có tầm quan trọng rất lớn trong mọi bản hiến pháp Mỹ, một trao đổi nhanh về nền tảng của học thuyết này là điều cần thiết.
Không điều gì có nguyên tắc sáng rõ hơn việc mọi hành động của một thẩm quyền được ủy nhiệm trái với tinh thần của thẩm quyền ủy nhiệm là vô hiệu. Vì vậy, không hành động lập pháp nào, trái với Hiến pháp, lại có thể có giá trị. Bác bỏ điều này sẽ là xác quyết rằng kẻ đại diện lớn hơn người trao quyền; rằng kẻ đày tớ lớn hơn ông chủ; rằng các đại diện của dân cao hơn chính người dân; rằng kẻ cầm quyền không chỉ có thể thực hiện những hành động không được phép mà cả những hành động bị cấm.
Nếu cho rằng bản thân bộ phận lập pháp đã là các thẩm phán hiến định cho chính quyền lực của họ, và rằng sự diễn giải quyền lực của chính họ có tính áp đặt đối với các bộ phận khác thì câu trả lời sẽ là điều này không thể là lý lẽ tự nhiên do không đúng với bất kỳ quy định nào trong Hiến pháp. Mặt khác, cũng không thể giả định rằng Hiến pháp có thể muốn cho các đại diện của dân dùng Ý CHÍ của bản thân thay cho ý chí của cử tri. Nhưng hết sức hợp lý khi cho rằng các tòa án đã được sinh ra để làm cơ quan trung gian giữa người dân và cơ quan lập pháp nhằm, trong nhiều mục đích khác nhau, giữ cho bộ phận sau nằm trong phạm vi đã được vạch ra cho thẩm quyền của nó. Giải thích pháp luật là một năng lực riêng và đặc thù của tòa án. Thực tế, hiến pháp đang và buộc phải được các thẩm phán coi là bộ luật nền tảng. Hệ quả là thẩm quyền xác lập ý nghĩa của hiến pháp phải thuộc thẩm phán, cũng như việc xác định ý nghĩa của bất cứ quyết định nào từ cơ quan lập pháp. Nếu xảy ra tình trạng khác biệt bất phân giữa hai bộ phận thì bộ phận nào có bổn phận và giá trị cao hơn, đương nhiên, sẽ phải được ủng hộ; hay, nói cách khác, Hiến pháp phải được bảo tồn thay vì luật, ý chí dân phải được bảo vệ thay vì ý muốn công bộc.
Kết luận này hoàn toàn không có nghĩa đặt quyền lập pháp dưới quyền tư pháp. Kết luận này chỉ cho rằng quyền lực của dân cao hơn cả hai; và khi nào ý chí của lập pháp, thể hiện trong các bản luật của nó, đối lập với ý chí của dân, được tuyên trong Hiến pháp, các thẩm phán sẽ phải hành động theo ý chí sau hơn là ý chí trước. Thẩm phán sẽ phải điều chỉnh các quyết định của họ dựa theo các luật nền tảng hơn là các luật không nền tảng.
Việc thực thi quyết định tư pháp đặc thù này, trong việc phân định hai luật mâu thuẫn nhau, sẽ được thấy rõ hơn trong một ví dụ quen thuộc sau đây. Không hiếm khi xuất hiện hai văn bản luật cùng một lúc nhưng lại trái ngược nhau toàn phần hoặc một phần, và cả hai đều không có điều khoản hay biểu hiện loại trừ nhau. Trong trường hợp như thế, chính thẩm quyền tòa án sẽ làm rõ và ấn định ý nghĩa và hiệu năng của chúng. Chừng nào chúng còn có thể tương thích với nhau bằng sự diễn giải công bằng thì lý lẽ và pháp luật đều cùng cho phép cả hai tồn tại; nhưng khi sự tương thích là bất khả thì cần phải cho một bên có hiệu lực và loại bỏ bên kia. Nguyên tắc thường định ở tòa án cho việc xác định giá trị liên quan của chúng, là văn bản sinh sau sẽ ưu thế hơn văn bản sinh trước. Nhưng đây là nguyên tắc diễn giải không phải do luật dương thế (positive law) tạo ra mà có gốc từ thiên nhiên và lý lẽ vạn vật. Nguyên tắc này cũng không do quyền lực lập pháp áp đặt lên các tòa án mà nó được chính các tòa tự áp dụng vì hợp với tâm thế cần được điều hướng bằng lẽ phải và sự công chính ở những người giải thích pháp luật. Họ đã cho rằng điều hợp lý là giữa hai quyết định mâu thuẫn từ một thẩm quyền BẰNG NHAU, cái thể hiện ý chí sau sẽ có ưu thế hơn.
(còn tiếp)
Ghi chú của tác giả:
(1) Montesquieu danh tiếng khi bàn về vấn đề này đã nói rằng: “Trong số ba quyền lực chúng ta vừa nói, tư pháp gần như không có quyền gì.” (Spirit of Laws, vol.I., tr.186).
(2) Sđd, tr.181.