Khi tôi chuẩn bị sanh đứa con thứ hai cũng là lúc chúng tôi bảo lãnh bà mẹ chồng qua đoàn tụ. Bà vốn là dân Nam kỳ thứ thiệt, quê ngoài miệt vườn Mỹ Tho, bao nhiêu năm được nuôi nấng bởi phù sa trù phú nên tâm hồn bà mang nặng hương sắc sông nước miền Tây.

Ðầu tiên là chuyện ăn nói, bà có giọng nói sang sảng, to như trống làng ngày hội. Có lần tôi đang ở trong phòng ngủ, nghe bà đang to tiếng với chồng tôi ở dưới nhà bếp. Tôi lo sợ không biết có chuyện gì xảy ra khiến bà phải lên tiếng la mắng. Tôi bèn ra cửa lắng nghe, mới biết bà đang nói chuyện rất… bình thường và vui vẻ.

Vì đứa con gái đầu lòng của tôi tên Camila, bà gọi theo tiếng Anh không rành rẽ, nên gọi nó là Cam cho gọn. Ðến khi sanh thằng con trai, bà bảo vợ chồng tôi đặt tên gì trong khai sanh thì tùy, nhưng tên ở nhà để bà gọi là Bưởi để nhớ cây bưởi sai trái ở sân nhà bà bên Việt Nam.

Mấy đứa bạn của tôi vừa cười vừa nhảy lên như giẫm phải ổ kiến lửa:

– Trời ơi! Cái tên vừa quê mùa vừa cải lương thần sầu!

Tôi chống chế:

– Thì chị tên Cam, em tên Bưởi, nghe cũng… ý nghĩa lắm chớ, dạt dào hương vị cây trái quê nhà!

Chúng lại bảo:

– Tên Cam nghe còn… đặng, gợi nhớ dòng thác Camly thơ mộng, lãng mạn. Còn cái tên Bưởi, nói mày đừng buồn, rặt mùi… Hai Lúa!

Bảo Huân

Nghe vậy, tôi quên ngày bà theo vợ chồng tôi vào bệnh viện khi tôi chuyển bụng, rồi bà mừng vui, hối hả về nhà nấu cho tôi nồi thịt kho tiêu. Và đêm đêm khi con tôi thức giấc, bà là người đầu tiên chạy vào phòng phụ tôi dỗ dành con nhỏ. Vậy mà tôi quên dễ dàng như quên một chiếc lá rơi bên đường, tôi giận bà vì cái tên… Bưởi đến mấy ngày!

Bà là người nấu ăn trong nhà, trăm lần như một, ngày nào cũng có rất nhiều thức ăn dư thừa vì nấu quá nhiều. Bà lại bỏ chúng vào những hũ nhựa để trong tủ lạnh. Dù tôi có nhiều lần nhắc nhở, bà gật gù nhưng rồi đâu cũng vào đấy. Thức ăn vẫn dư ra ê hề, dần dần cái tủ lạnh ngập đầy những hũ to hũ bé. Chồng tôi nói vui rằng, nếu có một con ruồi bay vào tủ lạnh, thì nó sẽ bị… lạc đường! Mà ngay chính bà, người tự tay bỏ những đồ ăn dư vào đó, khi cần tìm một món gì, bà cũng… ngơ ngác, không biết nó nằm trong hũ nào, nói chi đến con ruồi. Khi nào hết chỗ trong tủ lạnh thì lại vứt bỏ những thức ăn cũ vào thùng rác. Riết rồi tôi cũng chẳng muốn nhắc bà thêm nữa. Nói ra thì sẽ bị cho là “mỏ nhọn”, mà nếu ghìm ở trong lòng, thì e rằng sẽ mang tiếng là “nhỏ mọn!”

Xem thêm:   Kẻ ngốc

Giống như nhiều người lớn tuổi khác, bà có niềm vui xem phim Tàu khi rảnh rỗi. Bà thường xem vào buổi tối khi con Cam thằng Bưởi đã vào giường ngủ say (vì ban ngày bà còn lo nấu nướng dọn dẹp nhà cửa). Nói có Chúa làm chứng, trong đời tôi chưa bao giờ xem phim Tàu được mười phút, chẳng hiểu tại sao, có lẽ vì cái giọng thuyết minh nghe nhão nhẹt và chói tai chăng? (thành thật xin lỗi quý vị nào mê phim Tàu). Bà xem triền miên hết tập này qua tập khác, hết đêm này qua đêm khác rất hào hứng say mê. Cho dù xứ Tàu có hơn một tỷ dân, có sản xuất ra nhiều trường quay và đạo diễn làm phim, cũng không thể nào đáp ứng nổi tốc độ xem phim của bà. Thế là trong lúc chờ đợi có phim mới, bà chuyển qua xem cải lương Việt Nam. Lại xin Chúa làm chứng một lần nữa, từ hồi cha sanh mẹ đẻ, tôi chưa bao giờ xem trọn vẹn một tuồng cải lương nào. Hồi ở Việt Nam đầu thập niên 80s, chương trình Tivi còn nghèo nàn, nhà nước chiếu cái nào thì xem cái nấy, không có nhiều kênh để lựa chọn như bây giờ, hình như có hai tuồng cải lương tôi xem được… một nửa, đó là tuồng “Tiếng Trống Mê Linh” do Thanh Nga diễn vai chính, và tuồng “Ðời Cô Lựu” của cô đào Bạch Tuyết. Ðôi lúc rảnh rỗi, bà thường tâm sự với tôi về những kỷ niệm của bà với cải lương. Thuở xưa, anh trai của bà là một quận trưởng ở Mỹ Tho, lại quen biết với ngôi sao cải lương Thành Ðược. Cứ mỗi lần về Mỹ Tho biểu diễn, Thành Ðược lại lái xe hơi đến gia đình bà chơi, cho cả chục vé hạng nhất, tối tối bà lại được cắp theo ô trầu tháp tùng mẹ của bà đi coi cải lương. Bà thích nhất tuồng “Ðời cô Lựu” mà bà đã xem rất nhiều lần vẫn không thấy chán. Mà lần nào cũng vậy, vừa xem hai mẹ con vừa khóc ròng, mang theo mấy cái khăn mùi-xoa cũng chưa đủ. Bây giờ bà cũng chỉ tìm những tuồng cải lương nổi danh một thời để xem lại, vì bà cho rằng đám diễn viên cải lương trẻ bây giờ ca không hay, mà diễn cũng không tới nữa.

Không biết bà có lãng tai hay không, nhưng bà rất thích xem phim Tàu hoặc cải lương với volume khá to. Một đêm kia, tôi chợt thấy ánh trăng phủ đầy trên giường ngủ. Tôi bước ra cửa sổ, mới hay rằng hôm ấy có trăng mười sáu, đẹp dịu dàng và sáng tươi cả bầu trời. Những ngọn cây trong đêm thêm huyền hoặc dưới ánh trăng tươi, mây im lặng, lững lờ trôi để tôn vinh ngày trăng tròn. Ðẹp quá! Trong tôi cảm xúc dâng trào, ngồi xuống bàn lấy giấy viết ra tìm vần thơ, thì bỗng nghe văng vẳng tiếng… sáu câu vọng cổ của Thành Ðược ở ngoài phòng khách. Tôi lắng nghe thì đến lượt cô đào cải lương chi bảo Bạch Tuyết nức nở, rên rỉ đau thương ở cảnh bà hội đồng gặp lại người chồng sau hơn hai mươi năm tù tội oan uổng. Thế là bao cảm hứng thơ thẩn của tôi tiêu tan như cơn mưa rào bất chợt đổ xuống đường xua tan bụi bặm của thành phố. Thật là bực mình! Có lẽ “sự nghiệp văn chương” của tôi, vì bị “phá đám” thường xuyên, nên cứ mãi mãi lềnh bềnh, vật vờ như những đám lục bình trôi trên sông Tiền sông Hậu mà thôi.

Xem thêm:   Pháp khí

Trưa Thứ Sáu, chồng tôi gọi phone cho tôi ở chỗ làm:

– Chút nữa em nhớ đón mấy đứa nhỏ nghen. Mẹ bị đau bụng, anh đang đưa mẹ vào bệnh viện .

Tôi xin nghỉ sớm, đón hai đứa nhỏ về nhà, bắt tay vào việc cơm nước. Trên counter của nhà bếp, tôi thấy để sẵn một con cá, giá, cà chua, rau ôm, bạc hà đã rửa sạch sẽ, chắc mẹ chồng tôi đã chuẩn bị từ sáng. Tôi bèn nấu món canh chua và cá kho tiêu. Thằng Bưởi nhất định không chịu ăn nếu không có bà nội đút như mọi ngày. Tôi phải vừa dỗ dành, vừa… hăm dọa nó mới ăn được một ít. Còn con Cam vừa ăn miếng đầu tiên đã phán ngay một câu xanh rờn:

– Mẹ nấu canh chua không ngon như… bà nội !!

(Không lẽ tôi phải giãi bày phân bua với đứa con nít, rằng tôi là gái Bắc kỳ, món canh chua nào phải sở trường của tôi!? Mà thiệt ra, chẳng có món nào là sở trường của tôi cả!)

Ðến giờ tắm cho chúng nó thì đúng là một kinh nghiệm… đau thương. Hai đứa vừa chơi vừa đánh nhau chí chóe trong bồn tắm ngập đầy bọt xà phòng. Tôi vừa la hét vừa lấy khăn lau chùi “hiện trường”, thì thằng Bưởi cởi trần như nhộng chạy ra khỏi phòng tắm, tôi phải rượt theo nó khắp nhà, cuối cùng mới tóm được nó ở nhà bếp để mặc quần áo vào. (Tôi không thể nào hiểu nổi bà mẹ chồng tôi đã tắm cho chúng nó như thế nào!)

Rồi cũng đến lúc lùa chúng nó vào phòng ngủ. Sau khi nằm yên ấm, chúng yêu cầu tôi kể chuyện cổ tích như bà nội vẫn thường làm. Hai đứa nằm im nghe kể xong, vẫn là con Cam tài lanh nhanh nhẩu:

– Mẹ kể sai rồi! Cô Cám không chết! Cô Cám không chết! Tại vì cô Cám và bà mẹ ghẻ đã ăn năn hối lỗi nên được cô Tấm và nhà vua đón về ở chung trong lâu đài. Bà nội kể như vậy mà?!

Thiệt là hết chỗ nói! Quý vị nào đã từng đọc cổ tích Việt Nam thì xin làm chứng cho tôi. Rõ ràng là Cám bị Tấm trả thù bằng cách đun nồi nước sôi, lừa Cám xuống hố rồi dội cho chết tươi không kịp ngáp (ai bảo cô Tấm hiền lành phải xem lại nha!). Chưa hết, Tấm còn lột da Cám rồi lấy xác Cám ướp làm mắm “biếu” bà dì ghẻ, bà ăn xong lăn đùng ra tắt thở (ai bảo Tấm nhân hậu vậy cà?!). Thế mà bà mẹ chồng tôi lại dám cả gan sửa đổi cổ tích, tôi cũng bó tay!

Xem thêm:   The good Samaritans

Tôi bỗng nổi sùng, giận cá chém thớt:

– Thôi, hai đứa ngủ đi. Cả ngày hôm nay mẹ mệt muốn phát điên vì chúng mày rồi!

Vừa lúc ấy có tiếng phone reng. Bên đầu dây kia là tiếng của bà:

– Bác sĩ nói mẹ bị ngộ độc thức ăn, phải ăn thức ăn lỏng trong vài ngày để họ kiểm tra lại cái bao tử của mẹ xem có vấn đề gì không? Hai đứa nhỏ ngủ chưa con?

Tôi méc bà: (cháu hư tại…bà mà!)

– Chúng nó hư lắm bà ạ. Cơm không chịu ăn, lại nghịch phá, bây giờ lại chưa chịu ngủ nữa.

– Mẹ biết vậy nên mới phone về thăm hai đứa. Thôi, con mở speaker để mẹ kể chuyện cho tụi nó ngủ .

Hai đứa nghe tiếng bà thì rú lên mừng rỡ, rồi ngoan ngoãn nằm xuống giường đắp mền nghe bà kể chuyện. Tôi tắt đèn, khép cửa, đi xuống lầu dọn dẹp nhà cửa. Khi tôi trở lại phòng thì hai đứa đã ngủ say sưa tự lúc nào, mà tiếng của bà vẫn đều đều trong speaker:

“Kể từ đó, Sơn Tinh và công chúa Mỵ Nương sống với nhau tràn đầy hạnh phúc. Thủy Tinh vẫn tiếc nhớ cuộc thi năm xưa, hàng năm cho nước dâng cao lên, gây nên những trận lũ lụt khắp nơi…”

Tôi chợt nhận ra giọng nói của bà đã yếu hẳn, không còn to vang như trống đình ngày xưa nữa. (Vậy mà bấy lâu nay tôi vô tình, có hay biết gì đâu!). Một cảm giác vừa quen, vừa lạ xâm chiếm lòng tôi, để trái tim tôi dịu dàng dâng lên một tình thương mến. Tôi nhớ đến mẹ ruột của mình. Nếu giờ này bà đang ở bệnh viện, chắc bà cũng sẽ thương nhớ đám cháu nội cháu ngoại ở nhà, cũng cảm thấy buồn và lạnh lẽo trên chiếc giường trắng tinh vô hồn nơi bệnh viện.

Tôi cũng chợt nhớ ra rằng, gần năm năm qua, kể từ khi bà qua đây đoàn tụ với gia đình tôi, tôi chưa hề nấu cho bà một món gì, kể cả nồi cháo, vì bà dành làm hết mọi việc cơm nước cho vợ chồng tôi thảnh thơi đi làm.

Tôi lặng lẽ đi xuống bếp, lấy ra miếng thịt thăn ngon nhất. Sáng mai, trước khi đưa con Cam thằng Bưởi đi thăm bà nội, tôi sẽ dậy sớm để nấu cho bà nồi cháo thịt bằm, ít gạo, nhiều nước, thả đầy hành hoa và rắc chút tiêu trắng… đúng như sở thích của bà.

KL

Edmonton, 2.5.2020