Hè năm tôi chuẩn bị vào lớp 8, gia đình mua đất, xây nhà, rồi dọn về chỗ ở mới. Khu đất thật dài, mặt trước hãy còn giáp quốc lộ mà mặt sau kéo dài tít tận bãi đất ở gần bờ sông. Tôi còn nhớ, hai anh em chơi đùa rượt nhau chạy hùng hục bở hơi tai mới hết được chiều dài khu đất. Từ ngoài mặt đường ầm ầm xe cộ qua lại, bụi bay mù mịt, chạy đến cuối mảnh đất nhà mình thì đã có thể nghe được làn gió sông hây hẩy mát rượi, phóng tầm mắt nhìn sang được cả bờ bên kia.
Ngày ấy, chưa có nước máy để dùng, hàng xóm phải đào giếng hoặc có giếng khoan bơm nước lên. Ở nhà, Ba nhận nhiệm vụ gánh nước sông về dùng. Cọ rửa sạch một thùng phi lớn, Ba gánh về tầm 7 đôi nước thì đầy, đủ cho gia đình sử dụng trong vòng 2 đến 3 ngày. Nước sông ấy cũng chỉ dùng cho việc rửa ráy, ăn uống, cho mẹ tắm giặt sơ sơ. Chứ anh em chúng tôi thì đương nhiên tắm ở bờ sông, luôn líu ríu chạy bu theo Ba xuống sông mỗi khi Ba đi gánh nước. Nhà tôi ở phía bên lở của sông, lối đi khá dốc, người dân phải đào đất, hạ thành từng bậc thang để có thể xuống tới gần mép nước. Anh em tôi thì chạy lên chạy xuống vui vẻ chứ Ba gánh nước cực vô cùng. Phải bấm bàn chân thật chắc vào mỗi bậc lúc nào cũng rịn nước trơn ướt, rướn người gánh đôi thùng lên từng bậc, rồi quày quả đi một đoạn về nhà.
Bến sông quê sau nhà ngày ấy đã trở thành nơi nuôi dưỡng những thời gian tuổi thơ thần tiên của anh em tôi. Chiều muộn thì tò tò theo Ba ra tắm giặt, chứ còn giấc trưa đến xế thì là giờ chúng tôi vác cần câu, tìm một lùm bụi mát mà buông cần, kiếm mấy con cá chạch, cá bống nho nhỏ. Bên kia sông là bãi cát bồi thoai thoải, người dân xóm tôi tận dụng đánh từng vồng cát, trồng mấy thứ cây ngắn ngày như rau, giá… để dăm ba tuần lại gặt hái đưa ra chợ quê bán. Người thì đóng cọc thả vài bè rau muống ngay giữa sông, đọt non ngắt thành bó bán ngoài chợ, cọng già hái về nuôi heo. Lũ trẻ chúng tôi tắm sông lại cứ lúi húi, lọc vọc giữa những bè rau muống, thỉnh thoảng chụp được vài con cá rô, cá bống đang lẫn trong đám rễ buông chằng chịt thênh thang giữa dòng nước chảy. Cứ vậy mà bờ sông quê sau nhà lúc nào cũng nhộn nhịp, vui vẻ, đầy sức sống…
Về sau, tôi mới biết con sông sau nhà mình có tên là sông Lũy, bắt nguồn tít từ địa phận tỉnh Lâm Đồng, chảy ngang qua huyện Bắc Bình, Bình Thuận quê tôi rồi đổ ra cửa biển tại thị trấn Phan Rí Cửa. Khi băng ngang qua quốc lộ I, sông chảy bên dưới cầu Sông Lũy. Và chiếc cầu thân thương này cũng đã trở thành một chỉ dấu quen thuộc cho người dân. Mỗi khi từ Sài Gòn về bằng xe đò, chạy qua khỏi cầu là ai cũng biết đã đến địa phận thị trấn. Cầu Sông Lũy là nơi lứa học sinh cấp III chúng tôi tụ tập mỗi buổi chiều tối, đứng hít thở khí trời bên thành cầu, phóng tầm mắt nhìn hai bên sông, dõi theo những bãi bắp, bãi mía xanh tươi bạt ngàn, những gốc tre vươn sát bờ sông soi mình xuống dòng nước mà bắt chước người lớn thả những ước mơ của mình bay cao, trôi xa…

Cửa biển Phan Rí
Cầu Sông Lũy vào mỗi mùa nước lớn, mực nước sông lên cao, chỉ cách mặt cầu tầm 2 đến 3 mét. Vậy là mấy anh trai lớn cứ đứng trên cầu nhảy ùm xuống, tha hồ biểu diễn những kiểu nhào lộn, rồi lại sải tay mà bơi vào bờ. Tiếng là ở cạnh bờ sông, tắm sông hầu như hằng ngày, vậy chứ tôi không biết bơi. Trong lúc em tôi ở quê tự theo đám bạn mà học bơi qua sông ào ào, còn tôi thì nhát. Cho đến khi lên đại học, vào Sài Gòn, ghi danh học ở một câu lạc bộ bơi lội, chừng ấy tôi mới dám lao mình nơi nước sâu …
Rồi địa phương làm đường nước máy, Ba không phải gánh nước ở sông nữa. Còn anh em tôi lớn lên, lo học hành, vướng nhiều việc khác rồi cũng ít xuống sông như trước. Chỉ có lâu lâu, vào mùa nước lớn, lại đứng tần ngần ở sau nhà mình mà nhìn cảnh ngút ngàn be bờ của dòng sông đục ngầu, đang cuồn cuộn chảy về xuôi.
Mấy năm vào Sài Gòn học, mỗi lần về quê, xe đi ngang cầu Sông Lũy tôi lại có cảm giác dòng sông như nhỏ lại. Dường như, con người ta càng lớn hơn thì những gì là khung cảnh, là kỷ niệm ngày xưa càng thu lại, nhỏ hơn, cũ hơn thì phải, không chỉ là với dòng sông thân thương này.
…
Lăn lộn Sài Gòn suốt gần 20 năm, tôi quyết định hồi hương, dẫn vợ con về quê làm ăn. Nhà đang có xưởng sản xuất nho nhỏ, lọc nước đóng bình, giao cho các gia đình, cơ quan ở địa phương. Công việc tay chân quần quật gần như cả ngày. Mỗi dịp đi giao nước về, ngang qua cầu Sông Lũy, tôi đều cho xe chầm chậm chạy để hít thở được nhiều gió sông. Thỉnh thoảng, cũng tựa xe vào thành cầu dừng chân nghỉ mệt.

Sông Lũy
Những buổi chiều tối, tôi lại một mình lững thững bước ra cuối vườn nhà, nhìn dõi về phía sông. Gần 20 năm vật đổi sao dời, mảnh đất cũ không còn trồng tỉa gì nữa, đã bán cho người khác. Chủ mới về xây lên ngôi nhà khang trang. Giờ, muốn hứng chút gió sông từ nhà mình như ngày xưa, tôi phải trèo lên cây chùm ruột cuối vườn, chứ đứng dưới đất lúc này chỉ còn thấy mỗi tường thành, hàng rào, trâu bò lẫn người đang đi qua lại…
Đêm buồn đứng trơ trọi giữa đất quê, lại nhớ da diết những hình ảnh ở thành phố, với những khung trời thơ mộng, cả thanh xuân nhiệt huyết, rồi cũng đành thở dài buông thõng: “Anh dặm trường mê mải, đời chia như nhánh sông…” lời ca trong bài Chuyện tình buồn của cố nhạc sĩ Phạm Duy cứ ngân vang mà nghe sao man mác. Nhánh sông nhà mình có chia đâu mà sao đời mình loay hoay dặm trường bốn phương tám hướng…
Suốt mấy tháng quẩn quanh cùng vợ con sống ở đất quê, tôi cũng chỉ biết cặm cụi vào công việc, quên luôn cả những kỷ niệm, những nguồn vui ngày xưa của mình, những gì đã gắn bó suốt thời niên thiếu bên bờ sông. Xưa, rời bến sông quê vào thành phố, hành trang mang theo là biết bao những ước mơ, ấp ủ, kỳ vọng… vậy mà tôi chẳng làm nên được gì. Bạn bè tôi, vài người đã quyết chí về quê ngay từ khi hoàn thành giai đoạn đại học cũng đã êm ấm nhà cửa lẫn công việc. Bạn nào quyết bám trụ lại thành phố thì cũng đã lập nghiệp vững vàng, ổn định, mỗi dịp về thăm quê lại chạy xe con đưa cả nhà về. Còn tôi, dở ông dở thằng, thầy không ra thầy mà thợ cũng chẳng ra thợ, loay hoay suốt hơn 15 năm ở thành phố, lại trở về với hai bàn tay không…
Dòng sông vẫn vậy, vẫn lững lờ êm trôi sau nhà và vẫn yên lặng một đường hướng ra biển. Em tôi nói, dạo này thượng nguồn vơi nước dần rồi, nên những mùa lụt nước lênh láng be bờ như anh em mình thấy ngày xưa cũng đã hết. Sông cứ bình bình trôi vậy thôi, mà cũng dơ và đục, đoạn sông quê mình ít người xuống tắm nữa.
Rồi, hoàn cảnh gia đình cũng không cho phép tôi ở lại quê quá lâu. Sau 2 năm lăn lộn đất quê, tôi quyết định đưa cả gia đình quay vào thành phố. Tiếp tục bon chen giữa cảnh phố thị…
Mấy bận dẫn con về quê thăm Nội, tôi lại chở hai đứa nhỏ vòng vòng, chạy dọc theo dòng chảy của sông xuôi về hướng cửa biển. Chỉ cho con xem những bãi bồi, động Son với bờ cát trải dài thoai thoải ở phía bên kia sông, cho con xem những bãi thuyền nơi sông Lũy hòa dòng ra với nước biển… Lòng mong mỏi con sau này sẽ lớn lên, cũng sẽ rời khỏi bến sông này, rời khỏi vùng quê này mà tung chí lập nghiệp cho riêng mình. Phần Ba, Ba lúc nào cũng sẽ lững lờ yên lặng như con sông quê ở sau lưng các con. Bình yên, âm ỉ, dù chậm, dù nhanh, nhưng không bao giờ ngưng chảy, không khi nào chảy lui.
Ừ thì thôi vậy, chảy đi sông ơi…
NTB – Tháng 5.2024