Tiếng ve cuối Hè chao chát và buồn thảm thì nơi nào chẳng có, thế nhưng tiếng ve sôi cả một vùng trời cuối Hạ, có lẽ chỉ có ở thành nội Huế, một vùng cấm cung thuở xa xưa, bây giờ đã chen lẫn đời sống của con người và gạch đá, rêu phong, chính sự chen lẫn này tạo ra không gian gần gũi, thân thiện và có gì đó mà nhắc đến nơi này, tôi chỉ muốn lên xe và thẳng tiến để tìm một quán cà phê nào đó mà ngồi nghe tiếng ve sôi.

Lang thang thành nội và nghe tiếng ve râm ran  

Tôi có những người bạn cùng lứa đại học nhưng không cùng trường ở Huế, thời chúng tôi, dường như không có phân biệt giàu nghèo và chơi với nhau dựa trên tính tình, sự đồng điệu tâm hồn – những tâm hồn mà chúng tôi tự cho mình là thế hệ bản lề, tức cái thế hệ tiếp nối giữa cái cũ với cái mới, mà có bộ cửa nào không bị hỏng bản lề trước tiên cơ chứ?! Tức thế hệ bản lề của chúng tôi là thế hệ có thể nói là yếu đuối, dễ tổn thương nhất. Yếu đuối bởi mình từng trải những ngày khó khăn, gian khổ của một thời cơm không đủ ăn, dễ tổn thương bởi tâm hồn đứa nào cũng chứa đầy đất đồng và khói rạ, không thể chịu nổi tiếng gầm thét, hú hét của các thanh âm thời hiện đại. Chính vì đồng cảm nên chơi với nhau chí tình, chí thiết, quý mến nhau trong điệu ăn, cách ở.

Xem thêm:   Khám đường Alcatraz!

Hồi đó, cứ Hè về, cách gì tôi cũng chạy lên khu học xá Huế, nói là khu học xá cho oai chứ thực ra các bạn tản mát tìm trọ khắp nơi, chỗ nào rẻ thì các bạn thuê, mùa Hè các bạn nấn ná ở lại kiếm việc làm thêm. Mà ở Huế thì biết làm thêm thứ gì đây, hồi đó chưa có du lịch rầm rộ như bây giờ, nên giỏi lắm thì đi phụ việc rửa chén, phụ hồ, còn dạy thêm thì hiếm có chỗ, bởi số lượng thầy cô ở Huế chắc nhiều cũng ngang với sinh viên. Mặc dù chật vật, khó khăn nhưng cách gì chúng tôi cũng hẹn nhau một buổi chiều nào đó, cùng tản bộ trên đường thành nội.

Cái cảm giác mùa Hè oi ả đến lúc muốn dừng chân của nó để nhường bước cho mùa thu, một vài mảnh vỡ của mùa thu đâu đó từ trời cao rơi xuống theo nắng cuối Hè, đậu trên những mái ngói xám, những điện cổ, đền cổ, những gạch đá rêu phong như đang reo mừng chào mùa thu, và không gian tĩnh lặng chốc chốc đổ ra một tràng tiếng ve kêu. Chưa có nơi nào tiếng ve kêu như thác đổ từ cành cao giống như thành nội Huế, không hiểu ve đâu ra mà kêu ran trời, khôn tả. Bạn cứ tưởng tượng mình đang đi trên con đường tĩnh lặng, thỉnh thoảng có ai đó hắt một tràng tiếng ve từ trời cao xuống mặt đường, cứ như mưa đổ sầm vậy, cái cảm giác ấy thật khó tả.

Xem thêm:   Suy Đi Ngẫm Lại (06/19/2025)

Đường thành nội là con đường có nhiều cây xanh, có đời sống vừa xô bồ vừa tĩnh lặng nhất ở xứ thần kinh này. Xô bồ bởi nhà cửa chật chội, nhà cửa đều từ xa xưa, thời của các quan đại thần (chỉ có các quan đại thần mới được làm nhà trong khu vực này) để lại, sau này, con cháu đông đúc, chia chác nhỏ lẻ mảnh đất ra để sinh sống, buôn bán, thỉnh thoảng cả một con đường dài vòng quanh cấm thành (cách cấm thành một hào nước và một bờ tường cao, cấm thành gồm hai vòng tường, vòng tường ngoài bao bọc thành nội, bên trong tường là nhà quan đại thần, cách khu vực nhà quan đại thần một hào nước dài là cấm thành, nơi vua chúa sinh sống và làm việc) mới gặp vài nhà còn sót dấu vết cũ, có tường bao, có cây vú sữa trước nhà, có quán bún bò Huế nằm dưới gốc vú sữa… Cũng trên con đường này, có một quán cà phê mà chúng tôi thường ngồi với nhau, quán gọi là quán Trịnh.

Rêu phong cổ độ

Quán Trịnh thực ra không có tên, đây là một quán cà phê cóc của hai ông bà lão, quán nằm đối diện học viện âm nhạc Huế, đây là khu dành cho các sinh hoạt nghệ thuật thời nhà Nguyễn, sau này được trưng dụng là nhạc viện, toàn bộ kiến trúc xây dựng bên trong vẫn giữ y nét cũ.

Ngồi ở quán cà phê  Trịnh nhìn sang nhạc viện, thỉnh thoảng nghe tiếng ve kêu rả rích, ít sôi lên từng đợt như lúc đi dưới các tán cây, cũng là cái thú vui chỉ có ở nơi này. Nhiều khi ngồi mãi cả buổi, trời cuối Hè đầu thu vừa oi ả vừa nắng đổ lửa vậy mà chủ quán vẫn mở Diễm Xưa, mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ… nhè nhẹ, mở nhỏ vừa đủ nghe… Có gì đó phiêu phiêu, là lạ và chẳng giống nơi nào. Ngồi đủ quen, chủ quán sẽ kể chuyện ngày xưa Trịnh Công Sơn hay ngồi đây, cũng có lúc uống cà phê với ông, dường như trong sâu thẳm lời kể của ông, có gì đó ông rất thương mến, quý và yêu người nhạc sĩ tài hoa này. Kể cho đến đoạn “nhảy núi” thì dường như câu chuyện tắt, có chút gì đó buồn ứ nghẹn, không khí Huế, tâm hồn Huế là vậy.

Xem thêm:   Tổ chức sinh nhật cho bé 10 tuổi

Bạn lại tiếp tục lang thang qua những đầm sen, hồ Tịnh Tâm hay ngược đường trở lại ghé trước Ngọ Môn ngắm trẻ con thả diều, cuối Hè, dường như diều cũng cố nấn ná mà bay, cố trổ sức trước khi nghỉ bay. Và từ cửa Ngọ Môn, nếu còn thích, bạn lại mua vé để vào bên trong ngắm cảnh. Nhưng, với tôi, việc đi bộ, thả tâm hồn mình trống rỗng và mệt thì ngồi đâu đó ven đường, dưới bóng mát cội cây, rồi lại đi tiếp, đói thì ghé bún bò Huế, rồi lại đi tiếp, buồn thì ngồi nhâm nhi cà phê Trịnh, ngắm kinh thành một thuở, rồi lại đi tiếp… Thể nghiệm ấy thật là đặc biệt!

HT