Nói đến chữ “nổi dậy” ở Việt Nam hiện nay sẽ đưa tới hai tâm trạng cùng một lúc cho nhiều người. Một, hết sức sợ hãi. Hai, hết sức trông đợi.
Sợ hãi là vì từ hơn nửa thế kỷ qua người dân luôn phải sống trong sự khủng bố thường xuyên của chế độ toàn trị cộng sản, và đặc biệt trong những tháng dịch giã gần đây, kẻ cầm quyền đã liên tục trấn áp người dân bằng rất nhiều cách thức từ việc cho quân nhân cầm súng chống dịch; khóa cửa, cầm tù người dân tại gia cho tới các sách nhiễu, cưỡng bức vô lối cho tới các cuộc bắt bớ, bỏ tù những thường dân chỉ tỏ giận dữ trên không gian ảo trước các hành xử độc ác, tham lam, đạo đức giả của chính quyền.
Song, người ta cũng hết sức trông đợi «nổi dậy» một cách âm thầm vì đây là lẽ thường tình của con người xã hội, như diễn tiến của nhân loại từ hàng vạn năm qua, hoặc như đã thể hiện trong những thành ngữ, tục ngữ ngay của một dân tộc vốn quen sống trong văn hóa tuân phục: «Tức nước vỡ bờ», «Có áp bức, có đấu tranh», «Con giun xéo lắm cũng quằn».
Nhưng, chữ “nổi dậy” có tính bạo động còn vấp phải một vấn đề có tính triết lý trong xã hội Việt Nam hiện nay.
Cho tới nay, gần như tuyệt đối, các tổ chức, các cá nhân đã công khai về mục đích đấu tranh chống chế độ chính trị do Ðảng Cộng Sản Việt Nam thống trị đều lấy tinh thần bất bạo động (non-violent) làm nền tảng đấu tranh. Kể cả những cá nhân, tổ chức đã có thời chủ trương đấu tranh vũ trang-bạo động cũng đã chuyển hướng thành bất bạo động. Những năm gần đây không còn thấy các sự kiện nghi ngờ, chống đối những người cổ xướng đấu tranh ôn hòa theo xu hướng bất bạo động nữa mà chỉ thấy những chỉ trích, công kích ngược lại.
Sự chuyển đổi này có ảnh hưởng lớn của cục diện quốc tế trong nửa cuối của nửa cuối thế kỷ XX khi Chiến Tranh Lạnh chấm dứt (với sự sụp đổ rất ôn hòa của Liên Xô và hàng loạt các nước cộng sản khác tại Ðông Âu), và đầu thế kỷ XXI sau vụ khủng bố 9/11 của Al Qaeda tại Hoa Kỳ (với sự thay đổi chính sách của các nước phương Tây nhằm vào nhiều tổ chức vũ trang).
Ngay trong giới đấu tranh nhân quyền-dân chủ công khai tại Việt Nam, những người có tinh thần đấu tranh rất quý giá nhưng có những biểu hiện, cách thức có tính chất quyết liệt, đả phá trực diện chính quyền như Vũ Quang Thuận, Nguyễn Viết Dũng cũng dễ bị những người đấu tranh «ôn hòa» khác xa lánh thậm chí công kích.
Song, diễn biến của vụ Ðồng Tâm lại cho thấy một khía cạnh ngược lại. Dù những nông dân Ðồng Tâm đã thực hiện đấu tranh giữ đất bằng các hoạt động có tính vũ trang bằng vũ khí (thô sơ tự tạo), họ vẫn thu hút được sự ủng hộ, chia sẻ của hầu hết tất cả những tổ chức, những người đấu tranh luôn chủ trương «bất bạo động» và thường tỏ ra rất «ôn hòa».
Thực tế này cho thấy «chủ thuyết bất bạo động» hay «lý tưởng ôn hòa» đã có sự chia sẻ công khai với «chủ thuyết vũ trang», «lý tưởng bạo động», ít nhất trong một trường hợp đặc biệt. Tuy nhiên, sự dao động, gần gũi có tính cộng tác này chỉ là một thể hiện tính hợp lý vốn có của cuộc sống nói riêng và thiên nhiên, vũ trụ rộng lớn nói chung. Mềm mại và thô cứng, âm thầm và vang dội, ẩn nhẫn và ồ ạt, nhu hòa và khốc liệt… luôn là thể hiện và là những đặc tính không thể thiếu trong sự phát triển của toàn bộ vũ trụ trong đó có sự tồn tại của con người và các quốc gia.
Tuy nhiên, nhìn vào vũ trụ vừa không dễ vừa khiến chúng ta hoang mang bởi sự mênh mang, bí hiểm khôn cùng. Nhưng nếu nhìn vào những quốc gia như nước Mỹ chúng ta có thể nhận ra được những quy luật tất yếu bởi đây là quốc gia thuộc loại được văn khố hóa (documented) tốt nhất trên thế giới từ ngày lập quốc.
Nước Mỹ vào năm 1787, khi mới vừa thoát khỏi chiến tranh giành độc lập được chừng 3 (ba) năm, lại phải đối mặt với cuộc nổi dậy chống chính quyền non trẻ từ chính các cựu chiến binh và nông dân – Shays’ Rebellion. Nếu với chính thể cộng sản, những người khởi nghĩa chắc chắn sẽ bị kẻ cầm quyền chụp cho những tội tày trời như «phản động», «phản quốc» và sẽ bị đàn áp đẫm máu. Tuy nhiên, các nhà lập quốc Mỹ, dù đang ở vị thế lãnh đạo và bị đe dọa bởi những người nổi dậy, đã có những suy nghĩ rất đặc biệt.
James Madison cho rằng trong những tình huống xấu nhất, người dân phải biết nổi dậy khởi nghĩa để giành lại quyền tự do cho mình. James Madison đã thể hiện công khai quan điểm này một cách trịnh trọng trong các bài luận đăng báo để bảo vệ cho bản hiến pháp mới. Ðó là các bài The Federalist 39, The Federalist 46. Một nhà lập quốc khác là Alexander Hamilton cũng tán đồng quan điểm này, ông cũng thể hiện công khai trong The Federalist 28.
Nhưng, người có ý tưởng nổi loạn nhất lại đến từ nhà lập quốc từng là một nhà ngoại giao: Thomas Jefferson.
Trong lá thư ngày 30 tháng Một 1787 gửi James Madison từ Paris nơi ông đang giữ chức Ðại Sứ Hoa Kỳ, Jefferson viết rõ rằng:
« I hold it that a little rebellion now and then is a good thing, and as necessary in the political world as storms in the physical.” (Tôi cho rằng một cuộc nổi loạn nho nhỏ, lúc này lúc khác, là một điều tốt, và hết sức cần thiết cho môi trường chính trị giống như các cơn bão tố cần cho thế giới vật chất.).
Chừng 10 tháng sau, trong trao đổi thư với một chính trị gia khác về cuộc nổi dậy Shays’ Rebellion, Jefferson còn viết thế này:
“We have had 13 states independent 11 years. There has been one rebellion. That comes to one rebellion in a century and a half for each state. What country before ever existed a century and half without a rebellion? And what country can preserve its liberties if their rulers are not warned from time to time that their people preserve the spirit of resistance? Let them take arms… What signify a few lives lost in a century or two? The tree of liberty must be refreshed from time to time with the blood of patriots and tyrants. It is it’s natural manure.” (13 Tiểu Bang của chúng ta đã độc lập được 11 năm. Ðã có một cuộc nổi dậy. Như vậy, mỗi Tiểu Bang có 01 cuộc nổi loạn trong 150 năm. Có quốc gia nào trước khi tồn tại trong 150 năm mà không có nổi loạn? Có quốc gia nào có thể giữ gìn được tự do cho dân chúng nếu bọn cầm quyền không thỉnh thoảng bị dân chúng nhắc nhở về khả năng nổi dậy? Hãy để họ cầm súng đứng lên… Ðáng kể không nếu có vài nhân mạng lìa đời trong một hay hai thế kỷ? Cây Tự Do buộc phải thỉnh thoảng được tưới tắm bằng máu của kẻ độc tài và những người nồng nàn yêu nước. Ðó là lẽ tự nhiên cần phải.)
Bao giờ người Việt Nam sẽ giành lại được “Cây Tự Do” tối thiểu của con người đã bị Ðảng Cộng Sản Việt Nam cướp mất trên nửa thế kỷ qua?
Có thể đó là lúc đa phần người đấu tranh cùng chia sẻ những quy luật phổ quát có tính cân bằng, tất yếu như tư tưởng của giới lập quốc Hoa Kỳ.
PHS (17/11/2021)