Quyển truyện dài được kết thúc bằng đoạn ghi chú:
“Diệp là ai? Là tôi, hay một người con gái nào đó… Dù có là ai đi nữa, hạnh phúc tôi là đã được sống với tâm tư cô ấy qua câu chuyện vừa kể ra. Chỉ là một chuyện tình như bao cuộc tình không may trong thời chiến. Nhưng qua nhân vật, tôi được nói lên phần nào những tốt đẹp, tang thương của thời đại tôi sinh ra và lớn lên – Ðệ Nhất và Ðệ Nhị Cộng Hòa. Tạ ơn Tổ Quốc. Tạ ơn những người đã nằm xuống, những người đã góp phần xương máu, nhọc nhằn bảo vệ quê hương, một miền Nam đầy tai ương, bất hạnh.” (Tr. 200)
“Một Tuần Một Ðời”, tác phẩm thứ bảy của Ðặng Mai Lan, là một truyện dài hai trăm trang. Theo lời tâm sự của tác giả, truyện được hoàn tất chỉ sau vài tháng. Tác giả đã viết như được ai cầm tay ghi lên giấy. Hoặc, như người sắp sửa từ giã đời sống, thảo lời sau cùng. Với chữ và ý theo dòng hồi ức của nhân vật tôi tìm về những năm tháng quá khứ. “Bây giờ tôi mới nhớ ra, con đường quốc lộ này tôi đã một lần đi qua. Cảnh vật phố chợ hai bên đường tất cả đều xa lạ. Nhưng những ngôi nhà thấp thoáng giữa lùm cây xa vừa gợi trong trí tôi hình ảnh một con bé lên mười, tóc túm đuôi gà, thích nhảy lò cò trên mảnh sân rộng có những tàu gạch đỏ.” (Tr. 45)
Hành trình trở về thời thanh xuân trong ý thức của nhân-vật-nữ-xưng-tôi đầy ắp tiếng động, màu sắc cùng cảm xúc, thứ cảm xúc tươi mới của mối tình đầu. Của một câu nói mãi vang vọng đằm thắm trong tâm tưởng. Của một mùi hương chưa phai. Của một giọng cười. Của miền không gian ngập nắng gió. Và của một màu áo. “Không chịu ôm anh té ráng chịu! Tiếng nói như từ một tinh cầu nào xa thẳm vọng về, chợt nhớ một lưng áo, một vai kề. Tiếng nói, giọng cười trên đường chiều thênh thang gió. Âm thanh tràn ứa tình vui cùng gió bay lên những hàng cây trên phố xanh, trời xanh như ngọc biếc. Màu trời như màu áo Minh một ngày quên chiến trận.” (Tr. 51)
“Một Tuần Một Ðời” của Ðặng Mai Lan là một chuyện tình thời Nội chiến Nam-Bắc trong thập niên một chín sáu mươi ở Sài Gòn. Với những nhân vật tưởng như hư cấu. Nhưng, xuyên suốt quyển sách, độc giả có thể cảm nhận tâm tình của tác giả. Rất thật. Qua những chương với kỹ thuật tôi-người-kể-chuyện, hay những chương khác với những nhân vật có tên riêng. Chuyện kể của Diệp, nhân vật nữ chính, cũng là chuỗi hình ảnh đằm đằm cảm xúc về người thân, bạn bè, những con đường, những quán cà-phê, những đi về gắn bó cùng mưa nắng nhiệt đới, trong thành phố đã có thời hối hả trở về nhà, hối hả khép cửa cho kịp giờ giới nghiêm.
“… Chúng tôi, những người dân đô thị vẫn nghe đâu đó những tiếng nổ thật gần. Thấy những tàn phá tan hoang, xác người nằm chết vì chất nổ trên đường phố, nơi những cao ốc, dưới gầm cầu và đạn pháo kích, hỏa tiễn bắn vô tội vạ vào những xóm nhà. Những hình ảnh tang thương chết chóc ấy thỉnh thoảng hiện về trong trí nhớ …” (Tr. 57)
Và với Minh, cùng câu nói được tôi-người-kể-chuyện cũng như nhân vật Diệp nhắc đi nhắc lại nhiều lần: “Không chịu ôm anh té ráng chịu!”, là câu chữ cũng như chút khoảnh khắc lạc quan trong chuỗi suy tưởng buồn bã trải dài hai trăm trang sách. Của nhân vật tôi từ phương xa trở lại quê nhà, tìm tới nơi-chốn-hiện-tại của người tình cũ trong cơn bệnh thời tiết, để thấy ra mọi chuyện chỉ là hoang tưởng. Ngôi nhà hiện ra đôi mắt, khuôn mặt, giọng nói và hương da thịt hình bóng người xưa. “Minh kéo tấm mền đắp cho tôi. Anh nhẹ nhàng bước ra khép cửa. Anh lại bỏ tôi đi mất rồi. Chung quanh tôi chỉ còn bóng tối.” (Tr. 53)
Với văn phong dịu dàng nữ tính, Ðặng Mai Lan đã dẫn dắt người đọc ngược về những năm tháng đầu thập niên một chín bảy mươi. Với cuộc Nội chiến càng lúc càng sôi động. Cùng thảm cảnh nghiệt ngã của tình yêu đôi lứa. Những trang chữ của Ðặng Mai Lan chở mưa nhiều hơn nắng. Mưa trắng xóa những chương sách. Nhân vật Minh theo mưa trở về … “Minh đang ngồi đó giữa cơn mưa. Minh ngày xưa có buồn bã cô độc như Minh bây giờ?”(Tr. 60). “Minh à, em nhớ chiều đó mưa êm đềm lắm, mưa luôn đồng hành cùng chúng ta những giờ đời hạnh phúc …” (Tr. 65). “… Tách cà phê ấm, cơn mưa lạc loài giữa trưa và những ngón tay vấu víu. Lẽ nào Minh đã nắm tay Diệp, như nắm tay một đứa bé kéo vào lề đường khi thấy một chiếc xe đang lao tới …” (Tr. 82). “… Những ngón tay hối hả kéo nhau chạy tránh những giọt mưa bất ngờ đổ xuống, dẫn dụ những vòng ôm ngập ngừng qua bao đường phố chiều nào, và bây giờ chúng đang được Minh nâng niu trên môi anh…” (Tr. 101). “… Mưa đang rơi trên hàng hoa giấy, mưa ướt những bậc thềm nơi con hẻm hẹn hò. Diệp tha thiết nhớ Minh …” (Tr. 154).
Và cứ vậy, mưa tuôn ràn rụa những trang sách.
-oOo-
Không giống những tác phẩm trong các lãnh vực nghệ thuật khác như âm nhạc, điện ảnh, văn chương miền Nam 1954-1975 không có nhiều tựa sách đề cập chuyện tình yêu trong thời chiến của những nữ văn sĩ. Cả những tác phẩm văn chương được ấn hành ngoài nước sau này, cũng không nhiều. “Một Tuần Một Ðời”của Ðặng Mai Lan là một ngoại lệ. Những dòng chữ của chị như một quay lưng ngoảnh lại, với nhiều xúc động riêng tư. Chị đành lòng chấp nhận những trầm cảm khi đối diện với quá khứ, để rồi dứt khoát chấm hết, khép lại những trang chữ dĩ vãng. Một dĩ vãng mưa tuôn vắn dài trên những trang nhật ký. Của nhân-vật-nữ-xưng-tôi. Của Diệp viết về và cho nhân vật Minh: “… Diệp thích nghe giọng Bắc của những xướng ngôn viên trên đài phát thanh. Ðêm thứ Năm nào cô cũng đắm mình với giọng nói ấm áp của nhà văn Nguyễn Ðình Toàn, nghe ông giới thiệu những tình ca trong chương trình Nhạc chủ đề. Cô nghĩ, người cô yêu sau này chắc phải là một anh chàng gốc Bắc, ăn nói nho nhã, nhẹ nhàng. Nhưng sao những lời nói bộc trực thẳng thừng, luôn có chút gì giễu cợt được thốt ra từ anh lính gốc gác miền Tây sông rạch này lại làm xao động trái tim đầy mơ mộng của cô.” (Tr. 91)
-oOo-
Với “Một Tuần Một Ðời“, phải chăng Ðặng Mai Lan muốn gửi gắm tới độc giả những tâm sự thầm kín của riêng mình? Một lần. Cho xong. Không tìm thấy bất kỳ tình tiết gợi cảm nào. Không tìm thấy bất kỳ thông điệp đối kháng nào. Cũng không thấy có những lời lẽ tuyên dương nữ quyền hay bình đẳng phái tính. Mà, từ dòng chữ đầu tiên cho tới cuối cùng, chỉ toàn là những chiếc bóng của người nằm xuống được người còn sống lay dậy, cùng nhau thổn thức chuyện cũ. Với nhau. Thuở người này còn là thiếu nữ chớm xuân. Và người kia là anh lính tác chiến, lâu lâu được nghỉ phép về thăm phố thị.
Ðoạn kết truyện được Ðặng Mai Lan viết như sau: “Tôi đã trở về cố hương qua một chuyến bay dài. Một hành trình với nhiều nơi chốn phải dừng chân. Tôi vừa đi qua miền quá khứ, những trạm đời lạ lùng, ngẫu nhiên, không tưởng. Tôi đã khóc cười cùng người sống và với cả người chết. Ngoài tôi, sẽ chẳng ai tin rằng tôi vừa đánh thức một thân xác ngủ vùi trong mộ chí đằng đẵng mấy thập niên dài, đã trò chuyện với một linh hồn và được sống lại những ngày xanh ngát tuổi nguyên xuân.” (Tr. 199)
NND (7.2023)