Bài dự thi số 27

Phải gần nửa năm, sau khi tình hình dịch COVID-19 được kiểm soát, tôi mới vào lại Sài Gòn thăm bà con, anh em. Từ một khách sạn trên đường Rạch Bùng Binh, Phường 9, Quận 3 tôi chọn taxi công nghệ làm phương tiện đi lại ít hôm…luôn thể ‘tám’ với vài người Sài Gòn về chuyện…cúm Tàu!

Lương thực, thực phẩm thiết yếu được nhân viên y tế chuyển đến nhà dân trong khu vực Đồng Diều, Quận 8 

“Bão dịch” quét qua…

Dịch bùng phát, y, bác sĩ từ Hà Nội, Hải Phòng, Ðà Nẵng… vào chi viện cho Thành phố nhằm khống chế dịch. Thấy cũng yên tâm. Ai ngờ dịch lây lan nhanh quá, ngành Y tế  bị áp lực, công việc quá tải. Cứ hốt hết F0, F1 gom lại cách ly. Sợ truyền nhiễm trong cộng đồng nhưng gộp chung lại dịch lây lan nhanh hơn nên số ca thiệt mạng càng nhiều. Y, bác sĩ đến nhân viên y tế kể cả bộ phận hành chính cũng xắn tay áo lao vào dập dịch, cứu người.

Tài xế xe taxi công nghệ Ð.Q.S. (năm mươi tuổi), ở Phường 12, Quận 8, cho biết, chỗ anh ở là ổ dịch. Lúc ấy, vắc xin trong này chưa nhiều. Mẹ anh gần 70 tuổi bị F0 tuy đã được chích một mũi rồi. Nhà không dám báo y tế phường vì sợ bị đưa đi cách ly tập trung. “Tôi bị F1 rồi F0. Trốn suốt trong nhà, tự chữa bằng các phương thuốc dân gian như uống nước chanh, gừng, xông sả. Rồi người nhà chăm sóc nên hồi phục dần…”, anh S. kể.

Trên đường Trương Định, Quận 3, Sài Gòn

Chưa có vắc xin cũng đồng nghĩa như nhiễm COVID-19 thì không bao lâu là chết.  Chỗ anh S. ở có người chết nằm trên gác mấy ngày! Sài Gòn có mấy lò thiêu nhưng vẫn quá tải. Người chết sắp lớp, chờ thiêu nhưng không biết chờ đến bao giờ. Thiêu xong có lấy được cốt tro về ngay hay không lại là chuyện khác!

Sáng 15/5/2022, tôi bắt chuyện một người cao tuổi, ngoài 60, tóc bạc trắng, trong nhóm ngồi uống cà phê bàn bên cạnh, trên góc đường Kỳ Ðồng, Quận 3. Ông ta chia sẻ: “Dịch bùng phát, đứng đầu ca cả nước luôn! Suy cho cùng, dịch lây lan nhanh là từ các khu nhà ổ chuột tồn tại mấy chục năm nay! Ở đó nhiều nhà trọ, đông người lao động làm những công việc như giao hàng, bán hàng rong, vé số… Họ đi đó đi đây mưu sinh rồi tiếp xúc, mang mầm bệnh, vô tình gieo rắc khắp nơi. Công nhân lao động trong các công ty, xí nghiệp có người mắc dịch rồi cứ thế lây lan…”. Thật vậy, biến chủng Delta có tốc độ siêu lây nhiễm, lây sang người khác chỉ trong vài giây! Lúc ấy chưa có vắc xin. Nếu có cũng chỉ mới lác đác được ít đối tượng ưu tiên chích mũi 1, như công an, bộ đội, y tế, nhà báo…. Mới chích có mũi 1 nên cũng chưa an toàn mấy.

Tác giả trước Trung tâm Triển lãm hội chợ quận Tân Bình, nơi trước đây là Bệnh viện Dã chiến.

Sài Gòn bi thương

Xem thêm:   Bạn cao tuổi ở Cần Thơ

Tháng 4 cho đến tháng 10/2021 thành phố tang thương! Tài xế tên V. Tr. (bốn mươi bảy tuổi, quê Ninh Thuận) tâm sự: “Cả nhà dính dịch. Không dám báo y tế sợ bị hốt đi. Chỉ uống thuốc hạ sốt, uống nhiều nước thôi. Ở nhà còn cố ăn uống nên lướt qua bệnh. Ở xóm tôi, ngày nào mở mắt ra cũng nghe chết cả chục!”. Có nhà gần chợ Nguyễn Chế Nghĩa, Phường 12, Quận 8, chết trọn. Tháng 4/2021 bùng dịch từ Quận 3 sang Quận 1. Bệnh viện Chợ Rẫy có mấy bác sĩ, y tá mất; có vài công an, dân quân  Gò Vấp đi dập dịch cũng qua đời. Ở các khu cách ly tập trung, người chết ban đêm là nhiều. Xe cấp cứu, xe ba gác chở lần cả 4 xác xếp chồng lên nhau!

“Theo tôi, trước hết là không có vắc xin và sau nữa là chính quyền lúng túng trong cách phòng, chống dịch. Nếu có vắc xin sớm sẽ hạn chế người chết. Vào bệnh viện, khu cách ly nằm, có ai chăm sóc, chữa trị gì đâu? Nằm đó ho, khó thở rồi chết. Y bác sĩ bận đi chống dịch ở ngoài hết!”, ông P.V.K (81 tuổi, ở Ngã tư Bảy Hiền) chép miệng nói.

Nhiều người nhớ lại vẫn bần thần, nhất là những lúc nghe tiếng còi xe cứu thương chở người đi cách ly, chở xác chạy sáng đêm! Sau đó Thành phố buộc hạn chế hụ còi cho dân bớt…ám ảnh!  Thành phố cũng “xả cửa” cho số đông là dân lao động tạm cư, công nhân các khu nhà trọ về quê tránh dịch. Tháng 10, 11 vẫn còn chở người F0 đi cách ly, không gom thêm F1. Có trường hợp xe chở F0 đi vòng vòng vì không có chỗ nào nhận đành chở về nhà tự cách ly! Có chuyện hai mẹ con bị chở đi  cách ly nhưng không cơ sở y tế nơi nào nhận. Có người được chở từ Bình Tân qua Thủ Ðức, Quận 7… vòng trở về nhà sống nhăn cho đến khỏi bệnh hẳn! Cứ bị ám ảnh chở đi là đem hũ tro cốt về! Ði cách ly tập trung là chết… “Trên đường Trần Thiện Chánh, gần hồ Kỳ Hòa, Quận 10, có hai vợ chồng với hai đứa con. Hai vợ chồng dính dịch bị đưa đi cách ly tập trung. Nhờ ông bà nội, ông bà ngoại đến chăm sóc giúp hai cháu nhỏ ở nhà. Nhưng lần lượt bốn ông bà dính dịch đều mất. Hai vợ chồng trong khu cách ly cũng tử vong. Hai đứa trẻ mồ côi! Nhà 3 tầng lầu trên đường Cao Lỗ, Quận 8, cả nhà chết hết vì dịch”, lái xe taxi M.L tên N. kể. Năm nay, tháng 7, tháng 8 sẽ có nhiều đám giỗ trùng ngày!

Vỏ bình ô xy (góc trái) trong Bệnh viện Dã Chiến, quận Tân Bình

Tình người ở lại

Xem thêm:   Beetlejuice

Tài xế taxi tên Kh. ở Phường 11, quận Tân Bình, kể mình chở mấy người đi cách ly về người ta mừng “boa” cả triệu đồng. Nhận được cái “lệnh bài miễn tử” còn gì sướng hơn nữa! Nói “xe chở không đồng” nhưng người ta mừng vì “chết đi sống lại” nên rộng lòng bồi dưỡng tài xế.

Năm D. (năm mươi bảy tuổi, có 12 năm lái xe) kể: “Xóm tôi chết cả trăm người. Nhà nước lo thiêu xác xong, trả tro cốt về. Có người giàu sẵn sàng chi từ 100 triệu đồng đến 120 triệu đồng cho dịch vụ chui đưa đi thiêu, lấy hũ cốt ngay! Giấy tờ ngành Giao thông vận tải cấp cho xe chở hàng từ thiện nhưng có kẻ lợi dụng…làm từ thiện trá hình để trục lợi, làm giàu. Bà con thành phố làm từ thiện dữ lắm! Các tỉnh, thành phố khác, nhiều nhất là bà con miền Trung, miền Tây gửi gạo, mắm, cá, rau giúp cho Sài Gòn qua cơn ngặt nghèo. Ở phường 13, Quận 8, hàng xóm có người khá giả mua máy thở, trữ ô xy cả chục, cả trăm bình. Người già sức yếu mắc dịch được họ chia sẻ giúp đỡ. Thời gian giãn cách, Nhà nước, người từ thiện cho gạo, mì, rau củ nên không có ai đói. “Trong khu cách ly, có người nghiện nhờ bộ đội mua cho gói thuốc lá Zet, giá 120 nghìn đồng! Có ông đó hết tiền, một điếu thuốc hút cả ngày. Rít xong một hơi, ém khói rồi dụi tắt để dành”, tài xế N.D. ở đường Nguyễn Thông, Quận 3 kể vui.

Xem thêm:   Chuyện xứ Mỹ của tôi

Người giàu thì mua hàng chui, hàng online qua shipper mang tới. Người nghèo chờ “mạnh thường quân” giúp đỡ. 4 tháng không ra khỏi nhà, chờ những “Chuyến xe yêu thương” cứu trợ. Tài xế tên T.H.M, ở phường 8, gần chợ Cây Gõ, Quận 6, nói: “Nói về làm từ thiện lâu nay thì người Sài Gòn nhất nước nên khi Sài Gòn gặp nạn, lương thực, thực phẩm, thuốc men, khẩu trang khắp nơi dồn về giúp đỡ. Cả tháng 6, tháng 7, em không ra khỏi nhà. Chích hai mũi rồi vẫn dính dịch, nằm liệt hai tuần. Cứ mỗi sáng sớm, mở hé cửa ra là xách bao hàng cứu trợ đem vô. Loại hàng nào nhiều thì chia bớt cho bà con trong xóm”.

Nay đau thương, tang tóc đã qua. Sài Gòn đang  cựa mình gượng dậy trong giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.

Một trong những “Chuyến xe không đồng – Xin miễn trả tiền!” trong thời dịch

LKD