Như vừa qua một cơn hôn mê dài, đang phục hồi  trí nhớ. Tôi tìm tôi trong những giấc mơ cùng với những tấm hình trắng đen đã cũ.

Hình có tấm rõ, có tấm mờ. Nhưng rõ hay mờ thì tôi cũng nhìn ngắm từng tấm một cách cặn kẽ. Không gian, thời gian  được  thu gọn nơi một vuông giấy nhỏ nhắn, mà từ đó  tôi  có thể thấy lại những gì đang muốn tìm. Riêng giấc mơ, vốn dĩ chỉ là sự trêu ngươi, phi lý, gần như lừa lọc. Là những điều lặp lại, lộn xộn không liền lạc. Hệt một đoạn phim bị hỏng mà người đạo diễn ráng nhặt nhạnh nối kết được phần nào hay phần nấy. Một sự hụt hẫng, không bao giờ cho ta nhìn thấy rõ, đi đến tận cùng. Tôi phải chụp bắt những sự kiện trong mơ một cách mệt mỏi và luôn là người thua cuộc, buồn bã. Tất cả đều không thực, tuy nhiên cái cảm giác buồn mênh mông ấy lại rất thật. Tôi ngậm ngùi khi tỉnh giấc. Vậy mà tôi vẫn mong được mơ.

Ðã có lần tôi mơ thấy anh…

Tôi mở tủ áo, lật từng chiếc áo  ra xem. Áo dài, áo ngắn, bao nhiêu là áo. Sao không thấy áo nào của tôi. Toàn là áo của chị, những chiếc áo hoa, màu, đủ kiểu.

Nhà chật, hai chị em phải để chung quần áo trong một cái tủ. Áo chị nhiều hơn áo tôi vì chị đã đi làm, cần nhiều quần áo. Tôi còn đi học, tôi chỉ có áo dài trắng, vài chiếc sơ mi màu. Cũng có dăm ba váy ngắn, đầm dài, thời trang xum xoe cùng lũ bạn mà lâu rồi tôi không ngó tới. Tôi không thích đám quần áo thời thượng màu mè ấy nữa, từ lúc quen anh.

Tôi lục lọi mãi vẫn không tìm thấy áo nào của tôi. Nếu có, chắc tôi sẽ không mặc. Vì tôi biết ăn nói thế nào khi tôi đang ở nhà, chẳng đi đâu mà lại lên quần lên áo. Tôi cũng không thể mặc bộ đồ ở nhà để đón anh. Thật là kỳ lạ, tôi không hiểu được việc tôi đang làm. Những hành động trong giấc mơ luôn khó hiểu.

Anh đã đến, anh ngừng xe trước cửa, cười cười nói nói gì đó, tôi nghe không rõ vì tôi đứng trong nhà. Tôi hồi hộp, nhưng không dám chạy ù ra cửa mừng anh. Trước cửa nhà nhiều người quá. Ngoài sân, có những người hàng xóm đứng trò chuyện rôm rả…

Rồi anh quay đi.

Khi tiếng máy xe xa dần, bóng anh khuất khỏi con ngõ, tôi trở lên gác, tôi ngồi trong thế giới của mình. Tôi nhớ rõ mồn một gương mặt của anh. Ðôi mắt, sóng mũi, môi cười. Hình như anh có nhìn tôi lúc đó,  như thể  anh có điều gì muốn nói. Tôi buồn mênh mông.

Sau nhiều năm dài, đó là lần tôi được mơ thấy anh. Tôi chờ đợi, nhưng không bao giờ anh quay về thêm lần nào nữa. Nên tôi đành tìm anh nơi những tấm hình. Hình có ghi chú những năm tháng. Những con số, dấu ấn  thời gian có lúc làm lòng tôi chùng xuống khi nhìn thấy. Như thể  đang mang một vết cắt  trên da thịt chưa lành thì tôi đã vô ý va chạm đâu đó. Vết thương  thêm một lần nữa mở bung. Tôi lại không hề đau đớn. Hai vết cắt là hai nỗi buồn cũ-mới, chúng chồng lên nhau tạo nên một cảm giác tê điếng.

Xem thêm:   Tại sao khách hàng phải luôn chịu thiệt?

Tôi tìm thấy tuổi nhỏ của mình trong một tấm hình. Chúng tôi bốn đứa, ngồi vắt vẻo  trên một bờ thềm xi măng hình vòng cung bao quanh một hồ nước.

Nhìn cảnh trời mây trong tấm ảnh, tôi biết đó là một buổi sáng mùa Xuân. Vì chỉ khi lên đến trung học đệ nhị cấp tôi mới chọn học lớp chiều. Hôm đó có lẽ Giáo sư vắng mặt bất ngờ không thể  đến lớp dạy hai giờ cuối. Lũ học trò con gái chẳng đứa nào muốn về nhà.

Mười giờ sáng, những con đường vắng vẻ êm đềm, yên nằm dưới những vạt nắng trong vắt thuỷ tinh. Nắng rải hoa xuống lòng đường từ  các tàn cây cao vút mà lá không đủ dầy che lấp mặt trời. Dại gì phải về nhà trong một buổi đẹp trời. Chúng tôi đã từng rong chơi như thế mỗi khi được nghỉ học bất ngờ.

Ðường ngắn, đường dài qua những vòng xe. Cuối cùng cả bọn dừng lại ngay vòng đai  Công Trường Quốc Tế, nơi có một cái tháp cao, đỉnh tháp như một đài hoa mở bung đón nhận mưa nắng bốn mùa. Có con rùa mang trên lưng lòng biết ơn những quốc gia đã viện trợ xây dựng công trường, tạc nên hình thù của nó và ngọn tháp.

Bảo Huân

Bốn con bé ngồi ngắm từng vòng bụi nước phun lên từ những vòi nước đặt dưới lòng hồ,  ngắm những chiếc xe gắn máy tuôn ra từ các ngả đường của vòng đai. Một vài đứa trẻ bán quà vặt, đội trên đầu mâm bánh. Ðủ loại bánh, cả khoai chiên, mía ghim, vài loại trái cây ngâm đường quyến rũ vị giác những con bé thích ăn chua. Thỉnh thoảng chúng đến ỉ ôi mời mọc những cô khách học trò.

Một con phố thơ mộng, quanh năm mát mẻ, nhờ bóng mát toả xuống từ những rặng cây rậm lá. Lại có dăm ba trường đại học kề cận nên  khoảng đường này còn được gọi là khung trời đại học. Nơi lý tưởng hẹn hò của những anh chị sinh viên thơ thẩn dạo chơi, đâu phải chỉ dành cho đám học trò nhỏ nhít còn hồn nhiên nghịch ngợm như chúng tôi.  Buổi sáng buổi chiều, khung trời đại học bàng bạc những cánh áo như từng vạt mây nõn đong đưa trong nắng, gió. Tôi đã cố tưởng tượng, vận dụng trí nhớ, dù những gì trong tấm ảnh không hẳn là điều tôi thực sự muốn tìm.

Ngày thơ qua đi. Ngoài những chiếc áo dài trắng mặc đến trường, tôi được phép khoác trên mình những chiếc áo hoa. Tôi không còn đạp xe  đến hồ con rùa, hồn nhiên vén vạt áo dài, ngồi bệt xuống bờ thềm, đong đưa đôi chân với lũ bạn như hôm nào mười ba mười bốn.

Ðây rồi! Tôi đi cùng anh trên phố những ngày cận Tết. Phố đầy hoa, những chậu hoa được chở về từ Ðà Lạt cho Sài Gòn trang trí mừng Xuân. Áo tôi mặc có những vòng tròn kết nối như hoa. Hoa trong tim, hoa trên những nụ cười người qua kẻ lại. Bộ quân phục thẳng thớm thơm mùi vải mới của anh nổi bật trên phố. Chúng tôi ngồi nghỉ chân trong công viên, nơi có bức tượng của hai người lính trong tư thế chiến đấu. Anh tân binh mới ra trường còn rụt rè nhút nhát, chưa dám cầm tay người bạn gái. Ði với anh, tôi ôm hờ một chiếc cặp không quai. Tôi không có một chiếc bóp nào quàng trên vai làm duyên làm dáng như những cô gái quanh tôi. Những cô con gái mười tám đôi mươi. Tôi chỉ vừa tròn mười bảy tuổi.

Xem thêm:   Máy làm biếng

Người lính mới ra trường ngày đó, có lẽ chẳng còn một mùa Xuân thanh thản yên vui nơi đô thị. Tôi vẫn áo hoa con gái điệu đàng. Nhưng bộ quân phục nền nếp gọn gàng quân kỷ của anh đã là kỷ niệm sau lần dạo phố. Luôn cả những trang phục thư sinh thời chưa vào quân ngũ, anh không còn dịp nào để mặc lại. Anh chỉ khoác những bộ đồ trận vằn vện màu lá rừng lẫn với màu nâu của đất.

Tôi ngắm mãi tấm hình anh đứng dựa vào một chiếc xe Jeep nơi hậu cứ, nón beret giắt cầu vai, tay cầm điếu thuốc. Ðường chinh chiến nắng mưa đã làm bạc lạnh nụ cười của anh. Không còn là nụ cười thư sinh trẻ trung như lần đầu tôi gặp. Nụ cười  bạc, nhưng màu da anh sậm hơn, thứ màu khắc khổ.

Anh không còn đội beret, anh đội nón sắt. Anh ngồi với bạn anh trong phút dừng quân đâu đó, nơi một ngọn đồi, cỏ xác xơ vì nắng. Hay một làng nhỏ ven sông, bóng mát của những cây dừa và ánh sáng mặt trời lấp loáng trên giòng nước đục. Có tấm hình anh mang ba lô, vai đeo súng. Anh đứng cùng đồng đội ở một vùng đất trống, cũng đầy rơm rạ khô. Cạnh đó là chiếc máy bay mà những cánh quạt như còn đang quay làm chao đảo những vạt cỏ.

Chỉ là hình ảnh, nhưng mọi thứ nhìn thấy thật sống động. Những nơi anh đến tôi chỉ nhìn thấy nắng chói chang, đất khô nứt nẻ. Mà hình như đâu đâu cũng thế. Ðất nước không còn mùa Xuân. Ðạn bom, khói lửa nung héo hết  hoa cỏ, cây lá của bao mùa. Những người lính không hề biết đến Xuân, Thu. Chỉ còn một mùa hè dài dằng dặc, ngun ngút lửa.

Dạo đó anh đi hành quân liên miên. Tôi chẳng biết đâu là đâu. Dĩ nhiên làm sao tôi biết được! Bây giờ, qua những bức ảnh tôi biết nhiều hơn những địa danh, những trận chiến. Tháng Hai anh qua Hạ Lào trấn giữ một ngọn đồi. Tháng Sáu anh đến Pleiku, di hành về Dakto. Thiện Ngôn là nơi anh dừng quân trong những ngày đầu tháng Tám. Dừng để chuẩn bị vượt biên giới qua đất Miên, xứ sở Chùa Tháp. Rồi anh lại hun hút một nơi nào…

Xem thêm:   Thịt lợn không heo

Tôi không tìm đủ dấu tích mười hai tháng anh đi. Nhưng ký ức đã vực dậy những ngày tháng đó, nơi những tấm hình. May mà tôi còn có chúng để ngắm, để tìm và để nhớ.

Không phải chỉ vài tấm hình ngày xưa anh tặng tôi. Hàng bao nhiêu bức ảnh mà sống hết đời này, chắc tôi chẳng thể nào ngắm nhìn được đủ. Hình của một nửa đất nước ngày yên bình, ngày lửa khói và những ngày hấp hối.

Những tấm hình có lúc như giấc mơ, nửa hư nửa thực.

Tôi là cô bé ngồi tươi cười hồn nhiên với lũ bạn thơ dại ở tháp rùa nơi khung trời đại học ngày xưa. Là cô nữ sinh trong căn gác có  cửa sổ ngó xuyên suốt con hẻm đợi chờ, nhìn thấy anh vào ra một thuở. Anh hiện hữu trong giấc mơ của tôi gần đây. Nhưng người con gái đi cùng với anh sinh viên sĩ quan trên phố mùa Xuân lại là những ai khác, không phải chúng tôi. Cả những người lính nơi những cánh rừng, sông suối bùn lầy, hay đồng khô cỏ úa… họ  chỉ giống anh thôi. Và có thể họ cũng như anh, đã đi vào hư vô mù mịt.

Tôi nhớ anh biết ngần nào. Trong một buổi sáng mùa Ðông lạnh lẽo ở một nơi ngoài quê hương, tôi mơ về quê nhà những mùa xa cũ, tít tắp một đời người, bằng ký ức quờ quạng, hôn mê. Tôi cố ráp nối, bấu víu quá khứ đời mình nơi bóng hình kẻ khác. Nơi những tấm hình mà dường như chúng là những phiên bản của tôi, ít nhiều, trong một ý nghĩa nào đó. Những tấm hình tôi tìm thấy trên màn hình máy điện toán. Một trang nhà trên mạng lưới thông tin hiện đại và những giấc mơ hiếm hoi.

Mộng đi, thực về đánh thức một cơn đau. Vẫn là nỗi đau, là câu hỏi một đời không lý giải. Thức dậy, mới hay thêm một lần nữa trong đời, mình đã thực sự vĩnh viễn không còn chi nữa. Sự mất mát đã có từ nhiều năm trước. Và bây giờ là một mất mát khác lớn lao hơn. Tuổi trẻ!

Tuổi trẻ nông nổi vụng về, đầy tự ái. Nhưng tuổi trẻ có đôi cánh, có những bầu trời tươi hồng, ăm ắp niềm vui. Bay theo đời vui, tôi quên đi nhiều nỗi buồn, nhiều năm tháng.

Quên, một cơn hôn mê quá dài. Khi tỉnh thức, nhận thức, ngậm ngùi. Tạ ơn ai đó, giữ lại những tấm hình. Chỉ là một không gian câm, trắng-đen, lặng lẽ. Nhưng đã dẫn dắt tôi lần mò tìm quá khứ.

Có còn con đường nào phía trước, đưa tôi về chốn xưa? Tôi muốn hít thở một không gian thơm mùi cỏ, mùi đất, mùi nắng mưa. Làm một điều gì đó dù muộn màng, dù nhỏ nhoi. Như một giải oan cùng người. Những người có cùng tôi sự chia lìa, tang tóc. Giải oan cho tôi và một linh hồn. Một người đã đi vào cõi thiên thu từ lâu lắm.

ĐML

tháng hai -2021