Đài truyền hình Việt-Nam (THVN) hay đài truyền hình Sài-Gòn được phát hình trên băng tần số 9 nên thường được gọi là đài truyền hình số 9 hay nôm na là đài số 9 để dễ dàng phân biệt với đài truyền hình dành cho quân đội Hoa-Kỳ phát hình ở băng tần số 11 (AFVN, Armed Forces Vietnam Network). Đài THVN phát hình những chương trình thuần túy Việt-Nam. Còn đài AFVN phát hình những bộ phim truyền hình của Hoa-Kỳ và luôn thu hút đông đảo khán giả lớn nhỏ, từ giới trí thức cho đến lớp bình dân.

Trụ sở đài THVN trên đường Hồng Thập Tự      

Thoạt tiên, trụ sở thu hình dùng chung cơ sở của Trung tâm Ðiện ảnh Quốc gia trên đường Thi Sách. Không lâu sau đó, đài được chuyển về nơi bề thế hơn trên đường Hồng Thập Tự. Chương trình ngày càng được cải tiến phong phú hơn, và được phát hình mỗi ngày từ 6 giờ chiều đến 12 giờ đêm với nhiều tiết mục giáo dục dành cho thiếu nhi, giải trí cho người lớn bên cạnh những tin tức, phóng sự trong ngày.

Ở lứa tuổi con nít, thằng Tám say mê đắm đuối mấy chương trình dành cho thiếu nhi như ban Tuổi Xanh, chương trình Lê Văn Khoa, Xuân Phát, ban thiếu nhi Hoa Thế Hệ, ban Trường Giang hay chương trình Ðố vui để học vào mỗi chiều Chủ Nhật. Tám cũng ham coi ké mấy chương trình dành cho người lớn như ca nhạc, cải lương, thoại kịch được chiếu luân phiên trên sóng truyền hình. Thằng Thi ở lớp 4/10 có mái tóc quăn tít và dựng đứng như mồng con gà trống, cộng thêm cái mỏ dày hay chu ra nhưng nhìn hết sức có duyên, nhất là mỗi khi nó mang vô lớp một xấp tờ chương trình phát hình (khổ A3) của tuần tới phát cho bạn bè coi “lấy thảo”.

Ca sĩ Nhật Trường và Thanh Lan trong phim kịch “Trên đỉnh mùa đông”

Mấy cô, mấy chị mê mệt mấy vở thoại kịch có nội dung lâm ly, bi đát của ban Kim Cương, Thẩm Thúy Hằng với sự góp mặt của hầu hết nghệ sĩ, kịch sĩ nổi tiếng. Các mẹ, các bà khoái coi những tuồng cải lương Hồ Quảng của các gánh Minh Tơ, Huỳnh Long v.v. vào mỗi tối Thứ Tư và loại tuồng tích xã hội hay hương xa của mấy gánh hát đại ban như Thanh Minh Thanh Nga, Dạ Lý Hương, Kim Chung v.v. được phát hình vào mỗi tối Thứ Bảy cuối tuần. Những chương trình ca nhạc Hoàng Thi Thơ, Tiếng hát đôi mươi của ca nhạc sĩ Nhật Trường Trần Thiện Thanh, Tiếng Tơ Ðồng (mà mấy đứa trong xóm hay nghịch ngợm gọi là Tiếng tơ già), Phạm Mạnh Cương v.v. có riêng rẽ một lớp khán giả yêu chuộng.

Nghệ sĩ Phương Ánh trước giờ thu hình vở tuồng “Yêu người điên”

Ðám nhóc tì đam mê mấy bộ phim ngoại quốc dài đăng đẳng như “The wild wild west” (mà tụi nhỏ hay phiên âm thành “Quai quét”), “lỗ tai lừa” (Star Trek), “Astro boy”, “Batman” v.v.  Chúng gặp nhau sau mỗi buổi cơm chiều, thường kháo nhau nội dung, diễn biến của những thước phim tối hôm qua được xem trên ti-vi và mơ ước sau này, khi lớn lên được làm anh hùng trừ gian, diệt bạo. Có đứa khéo tay, chỉ với vài nét phấn trắng đã tạo nên trên nền ciment hình ảnh các nhân vật Astro boy, Batman một cách sống động và tài tình.

Đội ngũ xướng ngôn viên của đài THVN, Mai Liên đứng ở bìa phải, Trần Nam đội khăn đóng, đứng thứ sáu trong hình, đếm từ bên phải qua

Những chương trình văn nghệ thường kéo dài đến khuya lơ, khuya lắc vì bị gián đoạn bởi những tiết mục thông báo tin tức, bình luận, phóng sự đặc biệt v.v. Ðội ngũ nam, nữ xướng ngôn viên với gương mặt sáng sủa, nhiều thiện cảm, sở hữu một giọng nói dễ nghe, dễ hiểu và rất dễ đi vào lòng người. Tám vẫn nhớ cô Mai Liên thường đọc mục tin tức lúc 8 giờ tối và chú Trần Nam đảm trách chương trình bình luận mỗi đêm lúc 9 giờ. Giọng nói của chú ấm áp, truyền cảm và diễn tả cảm xúc theo nội dung từng bản tin. May mắn là cho đến bây giờ mọi người vẫn có thể nghe được giọng đọc của chú trong chương trình phóng sự “ngày quân lực VNCH, 19 tháng 6 năm 1973” trên đĩa hình (DVD) hay trên hệ thống youtube.

Kim Tuyến và Tú Trinh trong một vở thoại kịch của Bảo Ân

Ngày còn ấu thơ, Tám rất thích nghe giọng nói của chú và mơ ước sau này được giống như chú, được đọc những bản tin trên đài vô tuyến truyền hình hay được góp tiếng trên làn sóng điện. Nhưng dòng thời gian chuyển hướng, chiến cuộc xoay chiều đã làm đổi thay mọi thứ, ít ra là cái ước mơ nhỏ bé của thằng bé lên mười đã không bao giờ trở thành hiện thực.

Xem thêm:   Máy làm biếng

Tám còn nhớ như in hình ảnh mở đầu chương trình “Quê hương mến yêu” của thi sĩ Bàng Bá Lân là một dòng sông uốn khúc rợp bóng dừa xanh, có lẽ nước chảy ngược hướng nên cô lái đò đã cố công chống chèo mà chưa đi hết khúc sông. Nền nhạc của đoạn phim là tiếng hát cô Thái Thanh thổn thức bài ca “Tình hoài hương” của nhạc sĩ Phạm Duy, “Quê hương tôi có con sông đào xinh xắn, nước tuôn trên đồng ruộng vắn”…

Thanh Nga và Diệp Lang trong vở tuồng “Sân khấu về khuya”

Thằng bé yêu thích văn chương, đam mê sách vở, thường được thầy cô gọi lên đọc những đoạn văn hay những bài thơ cho cả lớp ngày nào, giờ đây tóc đã điểm sương và bước chân đã đi xa vùng quê hương nhiều kỷ niệm dấu yêu. Dẫu biết thời gian không thể trở lại và không bao giờ là liều thuốc tiên như nhiều người vẫn bảo, nhưng sao Tám cứ luyến lưu hoài ảnh hình những ngày xa xưa đó, những con đường Sài-Gòn rợp lá me bay và những vòng xe học trò lăn tròn trên con dốc cũ.

TV