Người xưa có câu: “Miếng trầu đầu câu chuyện.” Thời thế thay đổi, nội dung giao tế xã hội cũng thay đổi theo tùy tình hình thời sự để “làm đầu câu chuyện.”

Hơn một tháng nay, vấn đề thời sự nóng hổi trong cộng đồng gốc Việt ở quận Cam là giá tương ớt Sriracha Con Gà Huy Fong và mua tương ớt ngon ở đâu? Tương ớt Con Gà là một loại gia vị “khoái khẩu” của rất nhiều người Việt ở Little Sài Gòn (trừ tôi ra) vì nó được dùng để ăn với món ăn rất phổ biến ở đây là phở. Với lý do khan hiếm nguyên liệu (ớt tươi) để chế biến, số lượng tương ớt sản xuất sụt giảm nghiêm trọng, không đủ cung cấp cho nhu cầu thường ngày của người tiêu dùng.

Tất nhiên, tương ớt Con Gà do ông chủ Hoa kiều (trước 1975 đã từng định cư ở Sài Gòn) tạo ra công thức, nên cũng không có gì lạ khi mùi vị của nó làm cho phần lớn người Việt ở Mỹ hài lòng khi ăn. Tôi vốn dân gốc miền Tây, Nam kỳ “chánh hiệu con nai vàng” nên tôi chỉ thích ăn các loại bún, mì Tàu, hủ tiếu, bánh lọt giò heo, cháo lòng, những món này thì không ăn với tương ớt, mà ăn với ớt hiểm tươi bằm nhỏ. Tôi coi phở là một loại thực phẩm dùng để “chống đói” khi “thắt ngặt,” có thì ăn, không có thì thôi, tôi không có nhu cầu “ghiền phở” như nhiều người khác. May mắn thay, nhờ vậy mà tôi luôn đứng ngoài cuộc chiến “Crazy” tương ớt lên giá ào ào.

Thị trường tương ớt Con Gà trên các trang bán hàng online (như eBay,) các “ông lớn” bán lẻ (như Amazon, Walmart) cho “bên thứ 3” bày hàng lên bán và thu phí, thì giá bán bị đẩy lên cực điểm. Có lúc, 1 chai Con Gà 28 oz (793 ml) được hét giá $99. Nói nào ngay, không phải hãng Huy Fong, Amazon, Walmart lên giá sảng (bị phạm luật,) mà các “nhà đầu cơ” lợi dụng thời điểm thị trường khan hiếm để đẩy giá, giống như hai năm đầu đại dịch cúm Tàu có người đã đầu cơ tích trữ để bán 10 Mỹ kim 1 chai mini nước rửa tay khô, 1 cuộn giấy vệ sinh giá 69 Mỹ kim vậy.

Xem thêm:   Review & giả review

Nó tạo nên “cơn sốt Con Gà” tới mức độ ngay lập tức trên Amazon đã có bán những chai nhỏ rỗng dung tích 29 ml (1 oz,) kiểu giống chai nước rửa tay khô dùng móc vô chùm chìa khóa, ngoài mặt chai có in logo Con Gà và thương hiệu Huy Fong. Giá bán $9/chai, 1 pack 10 chai giá $30. Theo quảng cáo của người bán thì chai rỗng này dùng để đựng tương ớt được chiết ra từ chai lớn và “to go.”  Một anh bạn tôi nói: “Tui cũng thấy lạ (cái chai rỗng) nhưng có thằng làm chung hãng nó đeo cùng chùm chìa khóa xe của nó! Ngộ thiệt chứ!”

Tôi không biết những chiếc chai mini rỗng móc khóa này là do chính hãng Huy Fong sản xuất và tung ra thị trường, hay có ai đó lợi dụng cơ hội “chôm” logo và thương hiệu Huy Fong để bán chai? Nếu đúng là hãng Huy Fong sản xuất chai rỗng để bán chai giá cao thì “kinh dị” thiệt.

Người tiêu dùng cũng không hề chịu kém, thèm không có nghĩa là khom lưng chịu để cho người khác “lột” túi tiền của mình, vì vậy họ họp nhau bàn bạc tìm kiếm một loại tương ớt khác giá phải chăng để thay thế.

Thứ Năm tuần rồi, tôi đi chợ Thuận Phát (góc Brookhurst – Westminster) thấy chợ có bán tương ớt Con Gà chai 28 oz (793 ml) giá $9/chai, mỗi người chỉ được mua 4 chai. Tôi thấy đồng hương Việt Nam đi chợ người nào cũng mua 1 – 2 chai, cá biệt có bà kia mua 4 chai mà còn nhờ người khác mua giùm thêm 4 chai nữa. Tôi mới hỏi “Nhà chị bán quán hả?” “Không, tôi mua cho em gái tôi ăn, nó ghiền thứ này lắm, ngày nào cũng ăn rất nhiều, còn tôi thì không ăn.” Bà khách trả lời. Ban đầu tôi cũng định mua 1 chai, nhưng nghĩ lại giá $9 thì hơi mắc nên thôi, mua ăn không hết lại bỏ, phí tiền. Trước đây tôi có mua 1 chai Con Gà nhỏ giá $1.50 trong tiệm Walmart, ăn cả năm hết nửa chai, còn một nửa thấy nó đổi màu đen thui nên tôi phải đem chai tương ớt bỏ thùng rác luôn.

Xem thêm:   “Quân tử chi giao đạm nhược thủy”

Thật ra, Con Gà Huy Fong chỉ chiếm 1% thị phần tương ớt ở Mỹ, trong những khu vực có đông đảo người Việt, người Châu Á, những nơi có nhiều sắc dân khác nhau sống chung lẫn lộn với người Việt và họ bắt chước cách ăn uống của người Việt như một thú vui “khám phá” thế giới ẩm thực.

Vô các quán ăn của người Mỹ, chúng ta sẽ thấy tràn ngập sốt cà chua (ketchup) và tương ớt nhãn hiệu Heinz. Thí dụ như trong các tiệm Mc Donald, KFC, pizza ở Costco. Trong các tiệm ăn của người Mễ thì họ dùng tương ớt và sốt cà chua do người Mễ sản xuất.

Hiện nay, các thương hiệu Heinz, Tabasco, Frank’s Red Hot, Louisiana The Perfect Hot Sauce “Made in USA,” chợ Mỹ nào cũng có bán, giá ổn định và rẻ vừa túi tiền. Tôi vốn không hảo ăn ngọt, nên tôi thích loại Louisiana (ớt cay và muối lên men,) khi ăn tự mình thêm vô một tí xíu tỏi, đường, giấm, ketchup, vừa miệng tôi thì ăn rất ngon. Nhà sản xuất Louisiana The Perfect Hot Sauce quảng cáo rằng “Kể từ năm 1928, nước sốt cay của chúng tôi đã tạo dựng được danh tiếng về phẩm chất và sự hoàn hảo bằng cách chỉ sử dụng những loại ớt già tốt nhất được lựa chọn cẩn thận. Nước sốt cay của chúng tôi được sản xuất ở Louisiana, theo cách nguyên bản của Louisiana, nơi ớt được kết hợp với giấm và muối, sau đó để lên men trong quá trình ủ.”

Cách đây hai ngày, tôi vô tiệm Walmart gần nhà trốn nóng. Chưa bao giờ tôi thấy Ketchup và Sriracha hiệu Heinz, Frank’s Red Hot chất tràn ngập các kệ tiệm (chai lớn và thùng nhựa 1 gal) như lúc này. Ngoài ra, có nhiều hiệu Sriracha do Thailand sản xuất. Trước đây tôi không để ý, nhưng nghe một bạn Facebooker đang sống ở Thái nói tương ớt Thái ngon mà cay lắm, mùi vị của nó rất phù hợp với khẩu vị người miền Tây, Nam kỳ, Việt Nam. Tôi nhìn thấy có chai “Tương ớt Sriraja Panich” mà lại còn “Strong Hot”  do hãng Thaitheparos ở Thái sản xuất nên cầm lên coi kỹ, hóa ra thành phần nguyên liệu của chai Sriraja Panich không khác gì chai Con Gà Huy Fong, mà giá bán $4.18/chai 20 oz (591 ml.) Coi cho biết thôi, chụp hình về đăng Facebook giới thiệu bạn bè mua, nhưng tôi không mua, vì tôi đang còn 1 chai Louisiana nhỏ ở nhà.

Xem thêm:   Doanh nhân

Tìm hiểu kỹ hơn, tôi được biết khoảng chục năm trước ông chủ hãng Thaitheparos PCL có lên báo nói công thức tạo ra Sriracha Sriraja Panich mới chính là “gốc” của các loại Sriracha hiện nay. Và ông này có tham vọng phát triển chiếm được 1% thị phần tương ớt tại Mỹ. Cũng giống như bao bì các loại thực phẩm đóng chai, đóng hũ của Thailand, tương ớt của Thaitheparos xuất qua Mỹ có in thông tin tiếng Anh, tiếng Hoa, tiếng Việt. Người bạn Facebooker sống ở Thái nói: “Mua tương ớt của Thailand có phẩm chất và an toàn hơn của…”

Có thể nói, việc khan hiếm Con Gà Huy Fong là cơ hội cho các thương hiệu khác tiến lên thống lãnh thị phần tương ớt trong cư dân Mỹ gốc Việt, cơ hội để người tiêu dùng Việt khám phá ra cái sự “ngon” những loại tương ớt khác mà lâu nay mọi người chưa từng biết. Cá nhân tôi vẫn thích mua thêm chai Sriraja Panich hơn, vì nó “Strong Hot” mà không phải tốn công lách cách thêm gia vị vô như chai Louisiana. Nếu tôi mua một chai Sriraja Panich, có thể tôi  ăn đến 2 năm mới hết. Nếu muốn Sriraja Panich ít cay hơn thì cho vô thêm ketchup Con Gà giá $3/chai 567 gram, vừa ngon vừa rẻ. Không dại gì chạy theo “crazy” tương ớt bị thổi giá tận mây xanh.

TPT